Một quyết định, một ngày bình thường và ngày lễ, tết, hội hè.

Theo Vietnamnet Chủ tịch UBND TP.Hà Nội ông Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp HĐND TP sáng (15/7) ” Hà Nội quyết định dừng việc xây 5 cổng chào, thay vào đó sẽ triển khai phương án trang trí bằng hoa, cây xanh, panô với các điểm nhấn như lâu nay vẫn làm ở các sự kiện quan trọng”.
Từ lâu dân ta đã quen vào ngày lễ, Tết hội hè ở những nơi trang trọng hay có trang trí cờ hoa, cổng chào, khẩu hiệu chào mừng. Tôi nhớ ngày Thủ đô mới giải phóng (10.1954), hầu như phố nào cũng có cổng chào. Hồi đó là đội viên thiếu nhi phố Lãn Ông cứ đến ngày lễ tết, hội hè tôi lại cùng mấy cậu bạn nhỏ mỗi người môt cái thuổng, hoặc cuốc xẻng hì hục đào lỗ chôn một dãy cột cờ bằng tre sơn màu xanh, bên trên treo lá cờ đỏ sao vàng dọc hai bên hè phố. Lá cờ rực một màu đỏ tươi bắt gió tung bay trông rất bắt mắt, không khí đường phố ngày mới giải phóng thêm đẹp và vui hơn. Ở đầu phố vào những ngày ấy bao giờ cũng có môt chiếc cổng chào khung được làm bằng những cây tre, quanh thân cột cắm những lá dừa to xanh rờn và những lá cờ đuôi nheo nhiều màu sắc. Vắt ngang đỉnh cột là một giải banron màu đỏ chữ vàng, chào mừng ngày lễ tết.
Sau những ngày ấy chúng tôi lại hì hục đào bới xếp chúng vào môt nơi, để rồi laị tiếp tục như thế cho ngày lễ tiếp theo cũng là để đường phố trở lại cuộc sống như những ngày bình thường trước đó.
Ngày còn trong quân ngũ tôi nhớ dù là sơ tán trong dân, hay ở doanh trại cứ vừa hết ngày Tết, lễ đã có ngay lệnh từ cấp trên dội xuống dọn sạch cờ hoa, trang trí bắt tay ngay vào nề nếp luyện tập thường ngày.
Với quết định mới của ông Chủ tịch Hà Nội, tôi lại sắp được thấy một Hà Nội đầy hoa, băng rôn, đèn rực rỡ đón 1.000 năm Thăng Long lịch sử. Nói không ngoa dân ta nhiều người hay cố tình nhầm lẫn, quá đà ngày nào cũng là ngày hội, cũng rượu bia, vui chơi xả láng mà quên mất rằng Hà Nội đang còn nhiều “hố đen”, mạng nhện dây điện, bụi, ngập lụt, ô nhiễm, giao thông tắc nghẽn, hè đường bấp bênh đang chờ cùng ra tay dứt điểm.
Giờ thì đã rõ với cách trang trí Đại lễ như thế, thay vì cổng chào hoành tráng bằng cờ hoa..., cũng có nghĩa là hết đại lễ Hà Nội lại trở về với nhịp sống cơm áo, gạo tiền đời thường như bao ngày khác.

Phạm Lê
(ảnh sưu tầm trên mạng)

Previous
Next Post »