Cuộc sống đa sắc của người Việt ở Kenya

Cuộc sống đa sắc của người Việt ở Kenya

 Những cuộc chuyện trò với đồng hương tại Nairobi đã cho tôi cái nhìn khác về cuộc sống của người Việt ở Kenya.

Dù vất vả hay an nhàn, cơ hàn hay sung sướng thì người Việt ở Kenya vẫn luôn hướng về quê hương.

Những cuộc phiêu lưu đến "lục địa đen"

Trong căn bếp dã chiến chỉ vài mét vuông, chị Đỗ Quỳnh đang chiên chả, chuẩn bị cho buổi chợ phiên chỉ diễn ra một tuần một lần ở Nairobi. Chồng chị kiểm tra chất lượng bia nhà nấu, ba nhân viên người Kenya nhặt rau, nướng thịt và bày biện bàn ghế. 

Họ sẵn sàng cho một ngày buôn bán bận rộn. Căn bếp nhỏ tỏa mùi hương của những món ăn Việt Nam điển hình: chả, nem rán, cơm gà, cơm tấm… Họ chưa thể bán phở và bánh mì Việt Nam dù rất nhiều khách hỏi, vì nguyên liệu từ Việt Nam phải "quá cảnh" Trung Quốc rồi mới đến được Kenya, thời gian dài và chi phí vận chuyển đắt đỏ. Giấc mơ mang phở Việt đến Kenya vẫn dang dở.

Vợ chồng chị Quỳnh trong căn bếp sực nức hương vị Việt. Ảnh: TOMMASO GIOIA

Vợ chồng chị Quỳnh trong căn bếp sực nức hương vị Việt. Ảnh: TOMMASO GIOIA

Quỳnh sinh ra ở Hà Nội, sang Đức sống từ năm 8 tuổi. Chồng chị là người dân tộc Luo của Kenya. Năm 2014, họ quyết định chuyển đến Kenya sinh sống vì an toàn cho các con bởi không muốn thấy các con bị kỳ thị màu da tại Đức. Lựa chọn này có phần hy sinh của chị. Quỳnh từng là một kiến trúc sư, vì chồng chị mê ngành nhà hàng khách sạn nên chị chiều chồng, quyết định khởi nghiệp với món ăn Việt.

Cũng như Quỳnh, chuyển đến Nairobi sống là một chuyến phiêu lưu thật sự với chị Giang. Người phụ nữ hơn 40 tuổi này đang có công việc tốt với cuộc sống ổn định ở Hà Nội.

"Nếu tôi không muốn thì chồng tôi không nhận công tác bên này. Từ lâu tôi có cảm giác bản thân mình đã cũ kỹ và cuộc sống ngày càng nhạt nhẽo. Nếu muốn thay đổi thì bây giờ hay là không bao giờ" - chị quyết định thử thách bản thân, bước khỏi vùng an toàn và làm mới mình.

 Họ gặp không ít khó khăn, giai đoạn đầu đến Nairobi, con trai của chị bị trầm cảm vì phải xa bạn bè, người thân, một phần vì không nói được tiếng Anh nên không có bạn và khó theo kịp chương trình học. "Cũng may, giai đoạn khó khăn ấy đã qua!" - chị nói.

Chị Trà, hiện là chủ một salon làm đẹp trên đường Karen, vốn là nhân viên ngân hàng ở Hà Nội theo chồng người Pháp sang Kenya khởi nghiệp. Như phần đông phụ nữ Việt Nam theo chồng ngoại định cư xứ người, chị cũng lận lưng cho mình nghề thẩm mỹ để mưu sinh. 

Qua những tiếc nuối cuộc sống cũ, những lo lắng ban đầu, chị mua lại một tiệm làm đẹp đã có sẵn thương hiệu, có khách hàng thân thiết. Việc kinh doanh ổn định rất nhanh, ít người cạnh tranh nên giờ chị kiếm tiền dễ hơn lúc ở Việt Nam.

Còn chị Lan, 48 tuổi, người Hà Tĩnh bán phở ở khu phố Tàu lại không biết một từ tiếng Anh nào, cũng không có người quen nào ở Kenya. Ban đầu chị Lan sang lập nghiệp ở Angola nhưng được 7 năm, kinh tế nước này suy thoái trầm trọng. Chị mày mò sang Kenya buôn bán, chưa làm được gì thì Covid-19 ập đến. Nhưng chị đã thích nghi rất nhanh. 

Tôi đang ăn phở trong phòng khách nhà chị, một anh chàng da đen thò mặt vào, chị chạy ra nói "wait!" (chờ tí) rồi chạy vào xách bịch đồ ra đưa anh chàng. "Shipper, đơn nào không gấp thì mình đặt boda (xe ôm) cho đỡ cực". Tôi ghẹo: "Cha! Nói tiếng Anh với người bản địa luôn ha!". Chị cười: "Biết được mấy chữ cơ bản à. Già rồi nhét chữ có vào đâu. Mấy lần đi với boda, cứ rẽ phải thì bảo "tơn lép" (turn left) còn rẽ trái lại bảo hắn "tơn rai" (turn right), hắn nổi cáu, thế là dẹp, không tiếng Anh tiếng em gì nữa, cứ vỗ vai chỉ tay cho chắc".

Tác giả không giấu nổi hạnh phúc khi được ăn phở Việt Nam chính hiệu ở Nairobi do chị Lan đãi chứ nhất định không chịu lấy tiền. Ảnh: TOMMASO GIOIA

Tác giả không giấu nổi hạnh phúc khi được ăn phở Việt Nam chính hiệu ở Nairobi do chị Lan đãi chứ nhất định không chịu lấy tiền. Ảnh: TOMMASO GIOIA

Phố Tàu nơi chị Lan sống tụ tập đông người Việt nhất với hơn 200 người chủ yếu làm tiếp viên tại các quán karaoke của người Trung Quốc. Theo chị Lan, những nữ tiếp viên này thường chỉ ở Nairobi vài tháng rồi bay sang Dubai chứ không định cư. Nhưng dù có ở lâu dài đi nữa thì họ chỉ nói tiếng Trung và ít giao lưu với người Việt.

Một châu Phi rất khác

"Khí hậu Kenya ôn hòa, không quá lạnh như ở Đức và không quá nóng như ở Hà Nội nên rất dễ chịu" - chị Quỳnh nói. Quả vậy, hầu hết các nước châu Phi tôi đã đi qua đều có khí hậu mát mẻ. Người Kenya rất yêu động vật, và cố gắng bảo tồn động vật hoang dã hết mức có thể. Có lẽ nhờ vậy Kenya mới còn thế giới động vật hoang dã phong phú để du khách tham quan đến hôm nay.

Cây bao báp hơn 800 tuổi ở Kenya. Ảnh: TOMMASO GIOIA

Cây bao báp hơn 800 tuổi ở Kenya. Ảnh: TOMMASO GIOIA

Chị Quỳnh kể, lúc mới sang Nairobi, phiền phức nhất là thủ tục hành chính quan liêu, chậm chạp khiến chị mất hết kiên nhẫn. Nhưng lâu dần chị thích nghi với lối sống chậm này của người Kenya: "Dân ở đây có một câu nói cửa miệng là "hakanu makata", có nghĩa là "no problem" (cứ từ từ!), kiểu như "Hà Nội không vội được đâu" vậy".

Chị Giang thích nhất là được hít thở không khí trong lành và thức dậy trong tiếng chim hót líu lo. "Gia đình, bạn bè ở Việt Nam cứ nghĩ châu Phi nghèo nàn, lạc hậu nhưng thật ra nơi này cũng rất phát triển, khí hậu và môi trường sống quá tuyệt vời". 

Chồng chị là nhà khoa học của một viện nghiên cứu nông nghiệp, gia đình chị sống trong một biệt thự xinh đẹp thuộc một khu phức hợp rộng lớn khép kín và tiện nghi, có người phục vụ. So với căn nhà nhỏ trong khu đô thị Vạn Phúc giữa lòng thủ đô Hà Nội thì căn biệt thự sang trọng ngay gần cánh rừng nguyên sinh ở Nairobi này của chị là một nơi đáng mơ ước.

 Do chế độ đãi ngộ cho chuyên gia ở Nairobi rất tốt nên ít ai muốn rời đi. Gia đình nào cũng có bốn, năm người giúp việc từ bảo vệ, người nấu nướng, dọn dẹp, làm vườn đến vú em. "Nhiều gia đình đã quen với cuộc sống ở đây nên khi rời đi, sinh hoạt gia đình bị xáo trộn vì không thể thuê được nhiều người làm", chị Giang kể.

Quê hương là chùm khế ngọt

Ở một thái cực khác, cuộc sống ở Nairobi rất khắc nghiệt với một người thân cô thế cô bán phở kiếm sống qua ngày như chị Lan. Chị làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm, 2-3 giờ sáng có người gọi thức ăn cũng dậy nấu đi giao nhưng cũng không lời lãi được bao nhiêu.

"2, 3 giờ sáng còn giao cho ai?" - tôi ngạc nhiên hỏi. "Cho mấy người chơi bài trong casino với tiếp viên quán karaoke, giá ban đêm cao gấp hai, gấp ba bọn họ vẫn ăn. Thôi kệ, chịu khó kiếm chút tiền chứ ngủ nhiều mập lên".

Mấy tháng trước chị Lan thuê mặt bằng ở khu phố Tàu bán rất đắt khách nhưng chủ nhà phá hợp đồng lấy lại cửa hàng, chị dọn tạm quán ăn về căn hộ nấu bán mang đi. Chị kiêm từ đầu bếp đến shipper, vừa chế biến nguyên liệu vừa nấu hàng chục món cầu kỳ, vừa đi giao hàng, túi bụi từ sáng tới tối, nhiều khi không có cả thời gian ngủ.

 Căn hộ chị đang thuê giá 30 triệu đồng/tháng, là một mức mà chị Lan nói còn khá rẻ, bởi có chỗ còn có giá từ 2000 - 5000 USD/tháng. Chị cho thuê lại hai phòng ngủ giá 10 triệu đồng/phòng, vì "Đỡ được đồng nào hay đồng nấy em ạ".

Chị Trà cùng hai nhân viên người Kenya trong salon sang trọng do mình làm chủ. Ảnh: TOMMASO GIOIA

Chị Trà cùng hai nhân viên người Kenya trong salon sang trọng do mình làm chủ. Ảnh: TOMMASO GIOIA

Kể từ khi rời Việt Nam, chị Lan mới về quê hai lần, lần cuối là trước dịch Covid-19. "Bất đắc dĩ mình mới phải xa quê, xa nhà, xa con, mỗi lần về vé máy bay cao quá, tiếc tiền nên không về". Chị nói có thể cuối năm về đám cưới con gái xong thì chị quay lại Angola chứ không đến Nairobi nữa.

Mặc dù công việc bận rộn và hạnh phúc bên chồng nhưng chị Trà vẫn không nguôi nhớ Việt Nam. Chị thèm được về Hà Nội một thời gian thiệt lâu, la cà cùng bạn bè ăn thỏa thích các món yêu thích.

Mấy đứa con của chị Quỳnh cũng mê thích đồ ăn vỉa hè Việt Nam. "Phải đi xa mới biết ẩm thực quan trọng thế nào trong đời sống, văn hóa và tâm thức của người Việt", chị Quỳnh chia sẻ. Vì vậy, chị chọn ẩm thực Việt Nam để giới thiệu cho bạn bè quốc tế. Nhìn chị tỉ mỉ nắn từng viên chả một, tôi xúc động khó tả. Đứng trong căn bếp sực nức hương vị Việt của chị, tôi hiểu vì sao chị nói: "Người Việt dù có tha hương phương nào, cuộc sống có ra sao và xa quê bao lâu đi nữa cũng không nguôi mong nhớ quê nhà"

TheoTuoiTre

Cựu Đại Sứ Pháp khởi nghiệp tại Hà Nội

 


Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí, cựu Đại sứ Pháp Jean-Noël Poirier nói tiếng Việt thành thạo. Ông nhiều lần nhắc đến chữ "duyên" và tình yêu đặc biệt dành cho mảnh đất hình chữ S.

Ngài cựu Đại sứ tự nhận "là ông Tây gốc Việt", không phải là vị khách quá cảnh, đến Việt Nam vì công việc. Ông xem nơi đây là quê hương thứ 2 - mảnh đất để gắn bó suốt phần đời còn lại.

Đến Việt Nam lần đầu năm 1989, có tới 9 năm làm việc tại Việt Nam với vai trò Tổng Lãnh sự Pháp tại TPHCM (từ năm 2000 đến 2004) và Đại sứ Pháp tại Việt Nam (giai đoạn 2012 - 2016), Việt Nam trong mắt ông ở hiện tại đã thay đổi thế nào so với lần đầu ông đặt chân đến?

- Tôi đến Việt Nam vào tháng 10/1989 nhân một chuyến công tác cùng đoàn đại biểu Pháp với vai trò là cán bộ ngoại giao. Trước khi đến đây, tôi đã học tiếng Việt trong trường đại học, đọc rất nhiều sách về đất nước của các bạn. Tôi luôn tò mò và mong muốn một lần được đến đây, tìm hiểu về cuộc sống và con người Việt Nam.

Trong ấn tượng của tôi, Việt Nam khi ấy là một đất nước yên bình, con người thân thiện, cởi mở. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân những năm 90 còn khó khăn. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM - nơi tôi đi qua, có rất ít cửa hàng, quán xá… Buổi đêm thành phố cũng khá vắng vẻ, rất ít ánh đèn.

Thế nhưng hiện tại đã khác… 

Tôi ấn tượng với sự thay đổi ngoạn mục của kinh tế Việt Nam. Trước năm 1986, Việt Nam vẫn còn là quốc gia nhập khẩu gạo vì sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, sau đổi mới, Việt Nam liên tục nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Trong 30 năm sống và làm việc tại Việt Nam, tôi đã chứng kiến kinh tế Việt Nam phục hồi ngoạn mục. Tăng trưởng GDP của Việt Nam khá cao. Từ năm 2016-2019, Việt Nam đứng trong top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất.

Năm 2022, GDP Việt Nam đạt 8,03%, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là khủng hoảng hậu Covid-19. Đây là con số rất ấn tượng mà ít nước đạt được.


Liệu đây có phải là lý do ông quyết định ở lại Việt Nam khởi nghiệp sau khi kết thúc nhiệm kỳ đại sứ? Lựa chọn ở Việt Nam có phải là quyết định "thay đổi cuộc đời ông"?

- Việc lựa chọn ở Việt Nam, với tôi, là một quyết định tự nhiên, như cách người Việt hay nói đó là chữ "duyên". Vợ tôi là người phụ nữ gốc Việt, công tác tại Đại sứ quán Pháp. Sau khi tôi hết nhiệm kỳ, cô ấy vẫn tiếp tục công tác thêm một nhiệm kỳ nữa.

Ngoài ra, tôi đã có quãng thời gian dài gắn bó với con người và văn hóa Việt Nam. Ở Hà Nội mỗi ngày đều cho tôi cảm giác như mình đang ở nhà. Thành phố này có sự cổ kính của những tòa biệt thự Pháp cổ, sự rêu phong hoài niệm của những căn tập thể cũ… Tất cả đều cho tôi thấy sự thân thuộc, gần gũi.

Ngoài những lý do cá nhân, đúng như bạn nói, tôi chọn ở lại Việt Nam khởi nghiệp bởi tôi nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế rất nhanh trên tất cả lĩnh vực. Tôi muốn mình là một phần trong sự phát triển này.

Thời kỳ tôi làm Đại sứ Pháp, rất nhiều doanh nghiệp của Pháp nói riêng và ở châu Âu nói chung muốn đầu tư vào Việt Nam, nhưng họ không biết bắt đầu từ đâu, như thế nào? 

Tôi thấy mình có thể giúp các công ty nước ngoài tìm hiểu các lĩnh vực tiềm năng của Việt Nam, giúp họ hiểu biết về văn hóa, tình hình kinh tế, các điểm mạnh, rủi ro… khi đầu tư vào đất nước các bạn.

Đó là lý do sau khi kết thúc nhiệm kỳ, tôi quyết định thành lập một công ty cố vấn tại Hà Nội. Doanh nghiệp của tôi sẽ hỗ trợ, tư vấn các công ty nước ngoài về các thủ tục, quy trình, lĩnh vực mà họ muốn đầu tư vào Việt Nam, và ngược lại chúng tôi cũng giúp các công ty Việt Nam đầu tư hoặc tìm đối tác phù hợp ở nước ngoài.

Thế còn biệt danh "ngài Đại sứ giặt là" đến từ đâu, thưa ông?

- Ngoài công ty cố vấn, hiện tại tôi cũng mở một thương hiệu giặt là với 3 cửa hàng ở Hà Nội. Chính vì thế, mọi người hay nói đùa tôi là "ngài Đại sứ giặt là". 

Tôi rất thích biệt danh này (cười). 

Việc khởi nghiệp tại Hà Nội là một trải nghiệm cụ thể của tôi về kinh tế, thương mại, dịch vụ ở Việt Nam và giúp tôi thay đổi rất nhiều.

Ý tưởng này, tôi có từ lâu rồi. Trước đây, khi làm đại sứ, mỗi ngày tôi đều phải mặc comple và luôn phải tìm chỗ giặt là. Tuy nhiên, ở Hà Nội, dịch vụ này chưa nhiều nơi đạt đến độ "cao cấp" như ở châu Âu.

Người Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ, rất quan tâm, đầu tư trang phục. Họ mặc trang phục hàng hiệu, đắt tiền nhưng khi giặt là đều phải mang đến khách sạn 5 sao.

Tôi nhận ra, phải có một thương hiệu giặt là riêng, một dịch vụ cao cấp phục vụ cho tệp khách hàng này. Vậy là tôi mở chuỗi cửa hàng giặt là.

Hiện tại, sau thời gian "dương tính" với Covid-19, "trộm vía" là chuỗi giặt là đã có nhiều khách quen, công việc kinh doanh cũng có chút lãi rồi.

Việc là đại sứ và chủ doanh nghiệp khác nhau nhiều không, thưa ông?

- Tất nhiên, thay đổi vị trí từ đại sứ thành doanh nhân, có rất nhiều khó khăn và khác biệt.

Trước đây, khi là Đại sứ Pháp tại Việt Nam, nhiệm vụ của tôi không phải kiếm tiền mà là đại diện gương mặt cho một đất nước. Nếu làm không tốt, tôi có thể bị điều chuyển về Pháp làm việc cho một văn phòng nào đó nhưng không bao giờ lo… "lỗ, lãi", không phải tự bỏ tiền túi của mình ra, không phải lo bán gì cả.

Tuy nhiên, khi thành lập công ty, tôi phải làm tất cả công việc, từ xây dựng chiến lược kinh doanh, tầm nhìn… Một ngày mở mắt ra, nếu làm không tốt, tôi sẽ phải đau đầu bù lỗ bằng tiền túi của mình.

Ông đánh giá thế nào về bức tranh kinh tế của Việt Nam hiện nay? Khởi nghiệp ở Việt Nam, ông thấy đây có phải là nơi "đất lành" cho các doanh nghiệp?

- Việt Nam là mảnh đất hấp dẫn và thú vị đối với doanh nghiệp, công ty nước ngoài. Nhiều chủ doanh nghiệp phản hồi với tôi rằng, họ nhìn thấy Việt Nam là môi trường kinh doanh tiềm năng, năng động và phát triển nhanh.

Sự thay đổi lớn nhất tôi nhìn thấy trong 10 năm qua chính là chất lượng giáo dục, đào tạo nhân sự của Việt Nam.

Trước đây, khi tuyển dụng, các công ty nước ngoài gần như phải đào tạo lại nhân viên từ A-Z. Nhưng bây giờ mọi thứ đã thay đổi. Những người trẻ ngày nay được giáo dục tốt hơn rất nhiều. Họ giỏi tiếng Anh, biết nhiều kỹ năng và cũng rất chăm chỉ, cần cù, ham học hỏi. Các chủ doanh nghiệp nước ngoài rất khen nhân viên Việt Nam.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng rất quan tâm tới các nhà đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện hết sức có thể. Đây là điểm sáng, thuận lợi cho các công ty muốn khởi nghiệp ở Việt Nam.

Tuy nhiên, dù bạn ở bất cứ đâu thì cũng không có gì là tự nhiên, dễ dàng. Sự khác biệt về văn hóa chính là vấn đề nhiều doanh nghiệp gặp phải, đặc biệt là các doanh nghiệp ở châu Âu khi đến Việt Nam đầu tư. Môi trường kinh doanh tại Việt Nam hiện cũng rất cạnh tranh nếu không có sự chuẩn bị kỹ thì việc thành công cũng sẽ khó khăn hơn.

Sống và làm việc tại Việt Nam hơn 30 năm, ông từng dùng chữ "hữu duyên" khi nói về sự gắn bó của mình với Hà Nội và Việt Nam - nơi ông coi như gia đình thứ hai của mình. Điều gì khiến ông yêu Hà Nội, yêu Việt Nam đến vậy?

- Ngay khi đến Hà Nội để đảm nhận công việc đại sứ vào tháng 7/2012, tôi đã có cảm giác thân thuộc như được "trở về nhà". Sự kỳ diệu của thành phố này ở chỗ, mỗi ngày đều cho tôi cảm giác như mình đang ở cả Pháp và Việt Nam.

Hà Nội hiện đại nhưng vẫn còn giữ được sự cổ kính. Tôi đã tự mình đi xe máy, để lang thang và khám phá khắp các ngõ ngách của thành phố. Tôi thích cảm giác được hòa mình vào không khí sôi động, náo nhiệt, nhiều năng lượng ở đây.

Cựu Đại sứ Pháp khởi nghiệp ở Hà Nội: Việt Nam là nơi đáng sống! - 11

Tôi thích cách người Hà Nội bắt đầu một ngày mới đầy nhịp điệu. Trên đường phố, đâu đâu bạn cũng bắt gặp những cụ ông, cụ bà, những nhóm thanh niên nam nữ tập thể dục với những bản nhạc sôi động. Ai nấy đều có chỗ của mình, tất cả đều được chào đón, kể cả những người Hà Nội gốc hay những người từ nơi khác đến mà không có sự phân biệt.

Người Pháp vốn theo chủ nghĩa cá nhân, quen với sự riêng rẽ hơn là các hoạt động theo nhóm. Chính vì thế, tôi cảm thấy rất tuyệt vời với không khí này.

Hà Nội còn giống như một nhà hàng lớn ngoài trời. Nơi bạn có thể thưởng thức một cốc cà phê vỉa hè, ăn một tô phở nóng… và ngắm nhìn dòng người di chuyển nhộn nhịp khắp phố.

Tôi thấy ở Hà Nội "món gì cũng ngon". Từ khi sang đây sinh sống, tôi ăn sáng kiểu Tây, ăn trưa và ăn tối kiểu Việt Nam.

Tôi cũng ấn tượng với những người phụ nữ Việt Nam. Họ không chỉ tràn đầy năng lượng, có đầu óc tổ chức giỏi, thanh lịch, đầy quyến rũ mà còn tốt bụng, có khiếu hài hước. Tôi vẫn hay nói đùa: Ở Việt Nam, phụ nữ làm tất cả, còn nam giới làm nốt phần còn lại.

Hà Nội luôn cho tôi sự mới mẻ, hấp dẫn mỗi ngày. Tôi luôn có cảm giác mình không thể khám phá hết vẻ đẹp và sự bí ẩn của thành phố này.

Ông từng chia sẻ, trong mình có một phần Việt Nam. Vậy ông thấy "phần Việt Nam nhất" trong mình là gì?

- Tôi không phải là một người nước ngoài quá cảnh ở Việt Nam hay đến Việt Nam để làm việc. Tôi là một ông Tây gốc… Việt (cười). Nếu có một người Việt trong gia đình thì đó không ai khác chính là tôi.

Tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều khi sống ở Việt Nam nhưng theo hướng tích cực. Tôi học hỏi người Việt sự thân thiện, cởi mở, tốt bụng và cả sự hào phóng nữa. Tôi biết cách lắng nghe hơn, quan tâm đến cộng đồng nhiều hơn và không còn đề cao lợi ích cá nhân.

Thời điểm tôi bị Covid-19, 17 ngày điều trị ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội) là những kỷ niệm khó quên nhất trong cuộc đời tôi.

Hôm đó là ngày 24/3/2020, tôi bất ngờ khi được nhân viên y tế gõ cửa nhà và thông báo mình là bệnh nhân số 148, phải đi cách ly, điều trị trong đêm. Tôi thực sự đã sốc và lo lắng.

Ngay sau đó, tôi được đưa vào phòng cùng 4 bệnh nhân khác. Các bác sĩ, y tá đã chăm sóc tôi rất tận tình. Họ luôn hỏi thăm tôi xem ngày hôm nay thế nào, sức khỏe ra sao? Tôi thực sự ấn tượng, xúc động với sự chu đáo, hi sinh của các bác sĩ Việt Nam.

Họ làm việc 24/7, không có ngày nghỉ, không trở về nhà mà ăn ngủ cùng bệnh nhân tại bệnh viện.

Nhiều người bạn Việt Nam khi biết tôi bị nhiễm Covid-19 cũng đã rất lo lắng, liên tục gọi điện, hỏi thăm, gửi đồ ăn, quà tặng vào bệnh viện. Tôi đã hồi phục rất nhanh, thậm chí nhờ ăn uống điều độ, tập thể dục mà sau khi xuất viện tôi đã giảm cân, sức khỏe cũng rất tốt.

Những tình cảm nhận được ở Việt Nam đã giúp tôi thay đổi cách nhìn về cuộc sống. Tôi thực sự biết ơn điều đó!


Mục tiêu Việt Nam hướng đến trong giai đoạn 2021 - 2030 là thu hút được nhiều hơn nữa các tập đoàn đầu tư nước ngoài lớn, đặc biệt là các tập đoàn nằm trong danh sách Fortune 500. Để làm được điều này, Việt Nam cần làm gì thưa ông? 

Về phần mình, ông nghĩ mình sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc làm cầu nối, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Pháp, đầu tư vào Việt Nam?

- Cách đây 10 năm khi tôi mới bắt đầu làm Đại sứ Pháp ở Hà Nội, FDI (thu hút vốn đầu tư nước ngoài) của Việt Nam chỉ khoảng 10 tỷ USD. Hiện tại, con số này đã tăng lên, năm 2022, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỷ USD trong đó, mức vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 22,4 tỷ USD.

Có thể thấy, Việt Nam đang là hình mẫu thành công trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhờ tình hình chính trị ổn định, môi trường đầu tư hấp dẫn, nhân sự giỏi…

Việt Nam cũng được đánh giá là một địa chỉ tiềm năng để thu hút làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc. Tôi cho rằng, xu hướng đầu tư vào Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Công ty của tôi đang hỗ trợ một công ty thủy điện của Pháp tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam ở lĩnh vực năng lượng sạch. Chúng tôi sẽ phân tích hồ sơ, tìm hiểu mong muốn của công ty nước ngoài, sau đó cố vấn, tìm đối tác phù hợp tại Việt Nam. Chúng tôi cũng đề xuất cả chiến lược để thực hiện dự án.

Tôi rất vui vì thời gian qua đã kết nối thành công nhiều dự án. Không chỉ giúp tìm kiếm cơ hội đầu tư, chúng tôi còn giúp các công ty nước ngoài giải quyết các vấn đề mà họ gặp phải khi kinh doanh ở Việt Nam nếu có.

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách để thu hút FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên, tôi nghĩ vẫn còn một số vấn đề cần tháo gỡ như: Thủ tục hành chính cần nhanh, gọn hơn, các vấn đề môi trường, xử lý rác thải cũng cần được ưu tiên, quan tâm xem xét.

Nếu như không phải là một Đại sứ Pháp ở Việt Nam, ông có nghĩ mình sẽ đến Việt Nam với một vai trò khác hay không?

- Tôi không biết nữa… nhưng có điều chắc chắn là việc tôi trở thành Tổng lãnh sự Pháp  tại TPHCM và Đại sứ Pháp ở Việt Nam không phải là ngẫu nhiên. Tôi đã học tiếng Việt, văn hóa Việt từ năm 23 tuổi và đặt mục tiêu cho mình phải đặt chân đến Việt Nam.

Tôi đã cố gắng, nỗ lực để được bổ nhiệm vị trí trong công việc, hiện thực ước mơ của mình. Tức là khi bạn đã muốn điều gì, thì bạn sẽ làm tất cả, bằng mọi cách để có thể đạt được điều đó.

Với tôi, Việt Nam không chỉ là mảnh đất tôi đến để làm việc mà còn là quê hương thứ 2, là một phần quan trọng trong tôi!


Xin chân thành cảm ơn ông Jean-Noël Poirier về buổi trò chuyện

TheoDantri

Phân bổ nguồn nước - thách thức lớn nhất của Việt Nam

Phân bổ nguồn nước - thách thức lớn nhất của Việt Nam

 Trong 10 năm tới, tổng lượng nước ở Việt Nam dự tính tăng 2%, nhưng phân bổ không đều giữa mùa cạn và mùa lũ, gây nên tình trạng khô hạn, ngập lụt.

Thời gian qua, nhiều sông, hồ ở miền Bắc thiếu nước dẫn tới thủy điện hoạt động gián đoạn, gây thiếu điện. VnExpress phỏng vấn ông Ngô Mạnh Hà, Cục phó Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, để làm rõ hiện trạng cũng như giải pháp trong thời gian tới.

- Hơn một tuần qua miền Bắc mưa lớn, nước sông hồ đã được cải thiện, nhưng so với trung bình nhiều năm vẫn thiếu hụt. Vì sao xuất hiện tình trạng như vậy?

- Thứ nhất, năm nay mưa thiếu hụt ở hầu hết lưu vực sông trên cả nước, đặc biệt là tháng 3-4 với lượng thiếu 20-50% so với trung bình nhiều năm. Thứ hai do nắng nóng kéo dài khiến độ bốc hơi nước lớn. Nắng nóng dẫn tới nhu cầu sử dụng điện ở miền Bắc tăng cao, phải huy động rất lớn nguồn nước từ các hồ thủy điện như Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thác Bà. Tháng 5 và khoảng 20 ngày đầu tháng 6, mực nước các hồ đã giảm rất nhanh, nhiều thời điểm xuống mực nước chết.

Các công trình thủy điện đã có quy trình vận hành liên hồ, những năm trước đây vận hành rất ổn, đã điều tiết cho mùa cạn, không xảy ra thiếu nước. Tuy nhiên, năm nay dò đặc thù nắng nóng kéo dài, nguồn nước về yếu, đồng thời các nguồn nguyên liệu ví dụ than để phục vụ cho ngành điện rất thiếu. Vấn đề an ninh năng lượng đặt nặng lên vai của thủy điện dẫn tới việc huy động có thời điểm phải tăng cao. Để đảm bảo năng lượng, chúng ta phải chấp nhận hiện trạng đó. Đây là bài toán giữa an ninh năng lượng và cân bằng nguồn nước.

Ông Nguyễn Mạnh Hà trả lời phỏng vấn VnExpress. Ảnh: Gia Chính

Ông Nguyễn Mạnh Hà trả lời phỏng vấn VnExpress. Ảnh: Gia Chính

- Các sông lớn Việt Nam phần lớn bắt nguồn từ nước ngoài. Vậy tình trạng nước đầu nguồn này đang như thế nào?

Nước ta có 3.450 sông, suối dài trên 10 km với tổng lượng trung bình mỗi năm khoảng 935 tỷ m3, trong đó chủ yếu là nước mặt với hơn 844 tỷ m3, nước dưới đất hơn 90 tỷ m3. Tổng lượng nước bình quân trên đầu người một năm khoảng 9.500 m3, cao hơn so với tiêu chuẩn khu vực và toàn cầu.

Tuy nhiên, nguồn nước ở Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài và phân bố không đồng đều theo không gian và thời gian. Cụ thể, tổng lượng nước từ nước ngoài chảy vào Việt Nam khoảng 504 tỷ m3, chiếm 60%. Lượng nước trong 3-5 tháng mùa lũ chiếm tới 70-80%, trong khi đó 7-9 tháng mùa khô chỉ xấp xỉ 20-30% lượng nước cả năm.

Thời gian qua, nguồn nước đầu nguồn cũng gặp khó khăn. Nhưng chúng ta chưa có đầy đủ hệ thống quan trắc tại đầu dòng chảy vào Việt Nam cũng như cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin với nước bạn để nắm bắt tình hình cụ thể.

- Ngoài phụ thuộc vào nước ngoài, tài nguyên nước của Việt Nam còn đối mặt với thách thức nào?

Vấn đề lớn nhất nguồn nước ở Việt Nam phụ thuộc dòng chảy từ nước ngoài. Nếu như không xét đến vấn đề khách quan này thì điều đáng quan tâm nhất hiện nay là nhu cầu phát điện và nhu cầu sử dụng nước cho nông nghiệp, sinh hoạt dưới hạ lưu đang có sự khác nhau về mặt thời gian. Khi nhu cầu điện tăng (mùa hè) thì hạ lưu không có nhu cầu cao về nước. Khi hạ lưu có nhu cầu về nước (mùa khô tháng 11 đến tháng 3 năm sau) thì nhu cầu về điện lại chưa tăng.

Những năm gần đây, nguồn năng lượng tái tạo với điện mặt trời là chủ yếu, hoạt động lúc 9h-14h dẫn tới phải giảm công suất vận hành các nhà máy thủy điện, đồng nghĩa giảm xả nước. Điều này cũng phần nào làm thay đổi dòng chảy, mất cân bằng mực nước ở hạ du.

Trên lưu vực sông Hồng có một vấn đề rất lớn là biến đổi dòng chảy, phải hạ thấp mực nước phục vụ trạm bơm tưới tiêu ở hạ du. Những năm trước khi chưa có sự biến đổi thì các hồ thủy điện chỉ phải xả hơn 2 tỷ m3 đã đảm bảo cho tưới tiêu, nhưng những năm gần đây phải xả hơn 5 tỷ m3.

Ngoài ra, còn có một số vấn đề như chồng chéo giữa các bộ ngành trong quản lý nguồn nước, công trình khai thác, sử dụng lãng phí nước; nguồn lực đầu tư trong công tác quản lý tài nguyên nước rất hạn chế. Nguồn thu hàng năm từ nước hàng nghìn tỷ đồng nhưng số quay lại để bảo vệ, tái tạo không đáng bao nhiêu.

- Dự báo 10 năm tới, nguồn nước Việt Nam sẽ thay đổi thế nào?

- Theo tính toán trong Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, đến năm 2030 tổng lượng nước dự báo đạt 948,4 tỷ m3, tăng khoảng 2% so với hiện tại. Trong đó, mùa cạn khoảng 289 tỷ m3, giảm 2,1%; mùa lũ 659 tỷ m3, tăng 2,4%.

Nhu cầu sử dụng nước toàn quốc năm 2030 dự kiến là 122,5 tỷ m3, cao hơn so với hiện tại hơn 4,6 tỷ m3. Ở mùa cạn, nhu cầu dự báo sẽ là 80,5 tỷ m3, tăng gần 3 tỷ m3 so với hiện tại; mùa lũ là 41,97 tỷ m3, tăng hơn 2 tỷ m3.

Từ số liệu trên có thể thấy nguồn nước không phải là vấn đề chính trong quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam trong giai đoạn tới. Vấn đề là sẽ xuất hiện trạng thái mùa lũ đã dài thì ngày càng nhiều nước trong khi mùa cạn đã thiếu nước sẽ lại càng thiếu hơn. Dự báo này đã được chứng minh từ thực tiễn 10-20 năm qua khi thời tiết ngày càng cực đoan, hạn hán gay gắt, lũ lụt nghiêm trọng, lũ quét, sạt lở đất làm thay đổi dòng chảy xuất hiện ngày càng nhiều.

Tỷ mét khốiNhu cầu sử dụng nước theo vùng165.9165.925.625.6144.7144.768.168.12929502.6502.6935.9935.9163.6163.627.127.1153.3153.3737329.429.4502502948.4948.46.896.8917.8917.8919.5619.567.067.068.88.857.6157.61117.81117.817.457.4519.4319.4319.9819.987.157.159.659.6558.1558.15122.47122.47Mực nước hiện tạiMực nước năm 2030Nhu cầu hiện tạiNhu cầu năm 2030Trung du vàmiền núi phíaBắcĐồng bằngsông HồngBắc Trung Bộvà Duyên hảimiền TrungTây NguyênĐông Nam BộĐồng bằngsông CửuLongCả nước02505007501000VnExpress

- Để đảm bảo nguồn nước cho thủy điện cũng như cho sản xuất, sinh hoạt, những vấn đề trên sẽ được giải quyết như thế nào?

- Tôi cho rằng nguồn nước không phải là vấn đề quá lớn mà thách thức ở đây là phân bổ, điều tiết dòng chảy làm sao để đảm bảo sự cân bằng, giữ được nước mùa lũ để sử dụng khi hạn hán, xả nước khi có nguy cơ mất an toàn. Đây là bài toán khó, đòi hỏi chúng ta phải có phương án dự phòng trong điều hòa các hồ chứa.

Trong dự luật Tài nguyên nước sửa đổi lần này, chúng tôi đã tập trung vào vấn đề điều hòa, phân bổ nguồn nước, đặc biệt là trong điều kiện hạn hán thông qua công cụ hỗ trợ ra quyết định và trên nền tảng công nghệ số. Mục tiêu là vận hành hồ chứa theo thời gian thực, lúc đó sẽ xử lý tốt hơn bài toán vênh nhau giữa nhu cầu và năng lực của các hồ chứa.

Chúng ta cũng cần đầu tư cho hệ thống quan trắc để lúc nào cũng phải cập nhật được tình hình thủy văn, thời tiết, nguồn nước trên các sông, hồ chứa, hiện trạng khai thác sử dụng nước của các công trình ở thượng nguồn để phân bổ hợp lý, cân đối giữa nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt và an ninh năng lượng.

TheoVNexpress