Mơ ước giản dị ngày ấy

Ngày này chắc hẳn nhiều thành viên trong đại gia đình cụ Quang cũng có những cuộc họp mặt nhân ngày lễ trọng đại ngày toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30.4.1975.

Hôm nay cả nhà tôi cùng hai bác Ngọc Phi ngồi trong căn phòng khách sang trọng của ông bà Tiến Phượng, nhớ về ngày này năm ấy cách nay đã 34 năm. Chủ nhà thịnh tình chiêu đãi khách mấy món đặc sản thịt gà, rất ngon (nghe nói làm từ gà “tiến vua” vùng trang trại đồi rừng đem về). Nhấm nháp ly rượu tôi chợt nhớ tới hồi còn chiến tranh phá hoại ác liệt, chúng tôi có một thời gian ngắn đóng quân tập huấn ở một ngôi làng nhỏ của ngưòi Dao, ngay sát chân núi Tam đảo thuộc Vĩnh Yên. Lúc đó ngày nào cũng ầm ào tiếng máy bay gầm rú trên trời, tiếng bom nổ và tiếng súng cao xạ, tên lửa chát chúa vang lên ở vùng sân bay Nội Bài, từ cầu Việt Trì và bên kia dãy núi thuộcThái Nguyên dội lại. Dạo đó, chúng tôi mấy tay lính trẻ Hà Nội ham ăn ngoắc với nhau khi nào toàn thắng, chiến tranh chấm dứt mỗi tên sẽ mua một con

gà, ăn thoả thích mừng ngày chiến thắng.

Thế rồi đến gần 10 năm sau vào ngày 30.4.1975, miền Nam được giải phóng, chiến tranh chấm dứt, đất nước về một mối, cả nứớc là một rừng cờ đỏ sao vàng và ảnh Bác Hồ. Đâu đâu cũng vang lên bài ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Mơ ước giản dị ngày ấy thế là đã thành sự thật.


Phạm Lê

(ảnh dưới sưu tầm trên mạng: Nhân dân TP.Hồ Chí Minh đón chào ngày lễ chiến thắng)

Xuyên Việt du ký

Từ 3/4 đến 18/4/2009 tôi có tham gia một chuyến đi xuyên Việt cùng với một số chiến hữu công tác trong ngành Công an đang nghỉ chờ chế độ như tôi. Số là trong lực lượng CA có tiêu chuẩn được đi nghỉ dưỡng ở bất cứ một địa điểm nào tùy mình chọn trên đất nước Việt Nam (được kèm 01 người) trước lúc nhận sổ hưu. Trong đoàn đi của chúng tôi có 05 chiến hữu (4 trai, 01 gái) và một số người đi kèm (tổng cộng là 11 người).Trước lúc đi “bộ chính trị” đã họp để thống nhất cách thực hiện chuyến đi. Chúng tôi thống nhất là để tiết kiệm nhất mà lại đi được nhiều nhất là mỗi người có tiêu chuẩn sẽ đăng kí một nơi nghỉ khác nhau. Người thì đăng ký Vũng Tàu, người thì đăng ký Đà Lạt còn người khác lại đăng ký Nha Trang và Tp HCM. Ngoài ra phải nói khéo với Phòng chính trị - hậu cần của cơ quan xin cho được giấy công lệnh -bảo bối để giải quyết chỗ nghỉ ở những nơi mà mình không đăng ký. Có giấy công lệnh chúng tôi có thể vào Nhà khách CA tỉnh nghỉ nhờ vô tư mà.
Từ Hà Nội chúng tôi bay vào Vũng Tàu bằng đường hàng không (Nội Bài-Tân Sơn Nhất). Từ Tân Sơn Nhất chúng tôi thuê 2 tắc xi (4 chỗ và 12 chỗ) thẳng ra Vũng Tàu hết 1,6 triệu đồng. Thực ra từ TpHCM ra Vũng tàu có thể đi bằng tàu cao tốc nhưng vì muốn khẩn trương nên chúng tôi bỏ qua phương án này). Cả đoàn nghỉ ở Vũng Tàu 4 hôm sau đấy về TpHCM và rồi đoàn chia đôi: một số đi Phú Quốc, Đồng bằng sông Cửu Long còn tốp khác đi Đà Lạt, Nha Trang. Tôi thuộc tốp thứ hai đi Đà Lạt, Nha Trang. Ở TpHCM tôi có đi thăm Dinh Thống Nhất, Chợ Bến Thành, Sông Sài gòn về đêm và Công viên Đầm Sen. TpHCM không để lại cho tôi một ấn tượng nào ngoài sự ồn ào, tắc đường bởi có quá nhiều lô cốt, và ngập lụt. Ở TpHCM 3 hôm tôi chuyển ra Đà Lạt ở 4 hôm và sau đấy rút ra Tp biển Nha Trang. Ở Nha Trang 4 hôm thì đi tàu nằm (toa VIP; toa 4 giường có diều hòa) ra Hà Nội và tạm kết thúc chuyến đi xuyên Việt. Tôi nói tạm kết thúc vì còn có một số nơi cần đi tiếp trong tương lai gần.
Qua chuyến đi tôi thấy Vũng Tàu là Tp trẻ, hiện đại. Đường phố rộng và thoáng. Giao thông có trật tự do người dân tự giác chấp hành luật lệ giao thông tốt hơn ở Hà Nội. Rất ít bắt gặp Cảnh sát giao thông trên đường phố ngay cả vào giờ cao điểm.


Ở đây có thể đi thăm Đồi Phật nằm, Bạch dinh của Bảo Đại và thưởng thức hải sản của vùng này vào đêm trên những nhà nổi ven bờ biển. Trong các món hải sản có con ngón tay ăn rất bùi và ngon. Luộc rồi chấm với mù tạt xanh+vàng cộng với bia Sài gòn xanh thì hết chỗ nói. Tuy vậy tôi không dám xài món này nhiều vì nghe đâu”một người ăn một người sướng”, “Chồng ăn –Vợ vui” mà tôi thì bà nhà vì bận (mặc dầu đã vận động trước đó một tháng) không đi cùng được nên về phía tôi thì sợ “phạm quy” chắc không nhận được sổ hưu mất còn về phía vợ thì lại lo bà ấy "Vui" ở nhà.
Tp Đà lạt thì rất đẹp. Khí hậu mát mẻ, yên bình..và rất Âu. Đà Lạt có nhiều nơi để thăm quan như : Đồi Mộng mơ, Thác Prenn, Hồ Than thở, hồ Hồ Xuân Hương và Đồi thông Đôi mộ…

















Đà lạt có nét tĩnh lặng, sâu lắng giành cho U50 trở lên và nét trữ tình, huyền ảo rất thích hợp cho những đôi tân hôn hưởng tuần trăng mật hay những cặp tình nhân trong những ngày nghỉ cuối tuần.
Tp biển Nha Trang mang dáng dấp rất hiện đại và cũng rất sạch sẽ. Khí hậu ban ngày rất khô nóng còn ban đêm thì khá mát mẻ nhờ gió biển. Ở đây có nhiều nơi đáng tham quan như Viện Hải dương học, Vinepearls, Chợ Đầm, Tháp Po Nagar……

















Đến đây ta có thể thưởng thức hải sản vào chiều tối ven biển. Hải sản bình dân ở đây khá rẻ. Hai bạn nhậu bỏ ra khoảng 120 nghìn đồng là có thể lai rai được rồi. Các hải sản khô như mực, tôm, cá… giá thường chỉ bằng 2/3 ở Hà Nội.
Qua chuyến đi này tôi thấy là muốn đi xuyên Việt (phải đi cả Phú Quốc, Côn Đảo và Đồng bằng sông Cửu long nữa) thì việc tổ chức đi quá đông không dễ thực hiện vì nhiều lí do trong đó việc đi lại cồng kềnh, mất nhiều thời gian chờ đợi nhau và thuê phương tiện. Họ hàng nhà ta muốn đi xuyên Việt nên tổ chức thành từng nhóm nhỏ và chỉ nên 12-14 người/nhóm thôi để tiện việc thuê xe, bố trí ăn ở và còn một điểm nữa không kém phần quan trọng là phải có nét tương đồng về sở thích và sử dụng thới gian của những người tham gia nhóm (điều này nhóm quá lớn không thể thực hiện được)
Từ U60 trở lên (đã nghỉ hoặc chuẩn bị nghỉ hưu), việc đi tham quan đất nước là rất bổ ích và là việc nên làm vì quỹ thời gian và sức khỏe không còn dư dật nhiều nữa! Hơi có điều kiện thì đi đi kẻo:
Mấy chốc mà trở về 'già"
Ngồi trên nóc tủ, ngắm gà khỏa thân.
Đi để biết Đất nước mình thật đẹp, thật nên thơ và thế hệ chúng ta cũng có thể không ngượng ngùng mà nói rằng đã để lại cho con cháu và thế hệ sau một giải non sông Việt không đến nổi nào. Chẳng thế mà trong Đoàn chúng tôi có người đã tuyên bố xanh rờn là tội gì mà đi Cămbot, Mã Lai, Thái Lan…cho tốn tiền mà chắc gì đã hơn đi trong nước. Chắc hơi quá một tý nhưng không phải là không có lý. Đối với các “Đại gia” thì du lịch ngoại còn đối với “thị dân” như tôi thì có lẽ chỉ dám mơ đến du lịch nội mà thôi! Đành “há miệng chờ sung” du lịch ngoại vậy nhưng khổ nổi sung có bao giờ rơi được trúng mồm mình. Lơ mơ lại bị một cái gì đó… vào mồm thì toi. Ăn nhờ kẻ khác thì mình không muốn vì của cho là của nợ mà! Đi đâu, làm gì mình cảm thấy được thanh thản cười như “Bá Kiến” được mùa và không nợ nần bất cứ ai cái gì cả sau khi đi, sau khi làm là vui vẻ và nó tăng thêm sức khỏe cho bản thân. Vậy là sướng!
Qua chuyến đi xuyên Việt, tôi có một vài cảm nghĩ và đề xuất xin được bộc bạch bày tỏ với mọi người trên Blog này. Bài hơi dài nên nếu chiếm dụng nhiều dung lượng của Blog, tôi xin được lượng thứ bỏ qua và nếu không thể bỏ qua được thì Quản trị Blog (Admin) có thể “cắt cái rụp” không đăng. OK !

Chào mừng ngày 30 tháng 4




Hôm nay là ngày kỷ niệm 34 năm Giải phóng miền Nam ( 30/4/1975 - 30/4/2009) , cả nuớc đã tổ chức lễ kỷ niệm và dân chúng được Nghỉ lễ 4 ngày nhân ngày Quốc Tế Lao Động 1 tháng 5. Nhân dịp này chúc mừng các thành viên trong chi họ có ngày sinh đúng vào năm 1975 hay sau 1975. Riêng cháu Phạm Lê Gia Minh ( con trai thứ của Mr&Mrs Phạm Tuấn Minh&Lê Bạch Hoa) lại sinh đúng vào dịp này : 30/4/2000, vừa tròn 9 tuổi. Chúc Gia Minh học giỏi, hòan thành khóa huấn luyện võ thuật Tawekondo.

Blog GĐ Cụ Quang

Phòng dịch cúm A/H1N1

Phòng dịch cúm A/H1N1
Dư luận trong và ngòai nước gần đây đã đăng tải nhiều đến dịch cúm lợn ( nay gọi là cúm A/H1N1) ở Mexico đã lan sang người và gây tử vong hơn một trăm người. Việc phòng ngừa cúm lợn cần có sự hiểu biết cơ bản, Ô Thắng đã đăng một bài hay về dịch cúm này. Do sự nguy hiểm của dịch bệnh này, nên Blog GĐ Cụ Quang phổ biến thêm về cách phòng bệnh cúm lợn của T.S Trần Như Dương, Phó Viện Trưởng Viện Vệ Sinh Dịch Tễ TW, Bộ Y Tế
Cúm lợn và các biện pháp phòng tránh
( Theo tin mới nhất Tổ Chức Y Tế Thế Giới - WHO gọi dịch bệnh này là Cúm A/H1N1 vì dùng tên " dịch cúm lợn " không đúng do chưa có bằng chứng thấy virus H1N1 có trên lợn và có dấu hiệu lây truyền từ lợn sang người )

- Trước tình hình dịch cúm ở lợn đang lan rộng tại một số nước trên thế giới khiến dư luận lo ngại, TS. Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế gửi bài viết về bệnh cúm lợn và một số biện pháp phòng bệnh qua các tài liệu mới nhất của WHO.

Bệnh cúm ở lợn là gì?

Bệnh cúm ở lợn là một bệnh nhiễm vi rút đường hô hấp cấp tính của lợn và có khả năng lây nhiễm cao. Bệnh gây ra bởi một trong nhiều chủng vi rút cúm A của lợn.

Vi rút lây lan trong đàn lợn thông qua đường hô hấp (do hít phải các hạt nhỏ li ti bắn ra từ đường hô hấp của lợn nhiễm bệnh) hoặc qua tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp trong đàn lợn với nhau.

Đã phát hiện có tình trạng lợn nhiễm trùng không biểu hiện triệu chứng (lợn lành mang vi rút). Dịch ở lợn xảy ra quanh năm, ở những vùng ôn đới tỷ lệ mắc bệnh thường cao vào mùa Thu - Đông. Nhiều nước trên thế giới đã triển khai tiêm vắcxin cúm lợn thường xuyên cho đàn lợn của nước họ.

Phân týp cúm H1N1 là phân týp phổ biến nhất trong số các loại vi rút cúm ở lợn, ngoài ra, các phân týp khác cũng lưu hành ở lợn như: H1N2, H3N1, H3N2. Lợn cũng có khả năng bị nhiễm vi rút cúm gia cầm và vi rút cúm thường ở người.

Vi rút cúm lợn H3N2 đã được cho rằng có nguồn gốc từ vi rút cúm từ người lây truyền sang. Đôi khi, lợn có thể bị nhiễm nhiều loại vi rút cúm trong cùng một thời điểm (cúm lợn, cúm người, cúm gia cầm...). Điều này sẽ tạo điều kiện cho việc trao đổi vật liệu di truyền giữa các loại vi rút cúm với nhau trong cơ thể lợn, và kết quả sẽ xuất hiện một loại vi rút cúm mới có chứa vật liệu di truyền từ nhiều loại vi rút khác nhau.

Mặc dù vi rút cúm lợn thường chỉ gây nhiễm đặc hiệu cho lợn, tuy nhiê,n trong một điều kiện nào đó nó có thể vượt qua hàng rào loài để gây bệnh cho người.

Vi-rút cúm lợn có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ con người?

Cúm lợn có nguy cơ thành đại dịch. (Ảnh quangminh.com.vn)
Những vụ dịch và những trường hợp mắc bệnh cúm lợn tản phát ở người đã từng được ghi nhận trên thế giới. Triệu chứng lâm sàng của bệnh cúm lợn ở người nhìn chung tương tự như bệnh cúm thường ở người với những biểu hiện lâm sàng rất rộng, từ nhiễm trùng không triệu chứng tới viêm phổi nặng và tử vong.

Do biểu hiện lâm sàng của bệnh cúm lợn ở người rất giống với bệnh cúm thường và những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác, vì vậy, phần lớn các ca bệnh cúm lợn ở người là được xác định một cách tình cờ thông qua hệ thống giám sát cúm thường xuyên. Những trường hợp cúm lợn ở người nhẹ hoặc không triệu chứng thường không được ghi nhận và báo cáo, do vậy mức độ ảnh hưởng thực sự của cúm lợn đến sức khỏe con người là chưa được đánh giá đầy đủ.

Cúm lợn ở người đã từng được phát hiện ở đâu?

Từ năm 2007 đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ghi nhận các ca cúm lợn ở người tại Mỹ và Tây Ban Nha.

Bệnh cúm lợn được lây truyền sang người như thế nào?

Thông thường, người bị nhiễm vi rút là do tiếp xúc với lợn bị bệnh. Tuy nhiên, một số trường hợp không phát hiện được tiền sử phơi nhiễm giữa người bị bệnh với lợn hoặc với môi trường liên quan đến lợn. Lây truyền người - người trong bệnh cúm lợn ở người cũng đã xảy ra ở một số trường hợp trong quá khứ, tuy nhiên thường chỉ hạn chế ở những người tiếp xúc gần gũi với nhau.

Có an toàn khi ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn không?

Câu trả lời là có, vì nếu thịt lợn và các sản phẩm từ lợn được chế biến và đun nấu đúng cách thì cúm lợn không có khả năng lây truyền sang người do vi rút cúm lợn bị giết chết ở 70 độ C.

Dịch cúm ở lợn đã xảy ra ở những nước nào?

Do bệnh cúm lợn là bệnh không bắt buộc phải báo cáo cho Tổ chức Thú y Quốc tế, chính vì vậy phân bố quốc tế của bệnh cúm lợn vẫn chưa được xác định đầy đủ. Bệnh cúm ở lợn được cho là lưu hành ở Mỹ, ngoài ra cũng ghi nhận tại Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Châu Âu (bao gồm Vương Quốc Anh, Thuỵ Điển, Italia), Châu Phi (Kenya) và một vài vùng khác ở Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản).

Liệu cúm lợn có khả năng gây đại dịch ở người không?

Nhiều khả năng hầu hết mọi người là không có miễn dịch với vi rút cúm lợn, đặc biệt là những người không thường xuyên tiếp xúc với lợn. Nếu một vi rút cúm lợn biến đổi hoặc tái tổ hợp với các loại vi rút cúm khác tạo ra một chủng vi rút cúm mới có khả năng lây truyền từ người sang người thì nó có thể gây đại dịch.

Hậu quả của đại dịch gây ra bởi vi rút cúm này là rất khó dự đoán, nó tuỳ thuộc vào độc lực của vi rút, tình trạng miễn dịch của cộng đồng, khả năng bảo vệ chéo của kháng thể vi rút cúm thường có sẵn trong cơ thể người, cũng như yếu tố cơ địa của từng cá thể. Vi rút cúm lợn có thể tái tổ hợp với vi rút cúm thường ở người để biến đổi thành một loại vi rút có khả năng gây đại dịch.

Vắc-xin cúm người có khả năng bảo vệ chống lại vi rút cúm lợn không?

Do các loại vi rút cúm thường biến đổi rất nhanh, do đó, việc sử dụng vắc xin phù hợp với các chủng vi rút đang lưu hành là rất quan trọng để bảo vệ người được tiêm vắc xin. Chính vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới phải phân tích và lựa chọn chủng vi rút để sản xuất vắc xin 2 lần một năm, một lần cho mùa đông của Bắc bán cầu và một lần cho khu vực Nam bán cầu.

Vắc xin cúm mùa hiện tại được sản xuất dựa trên các khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới không bao gồm vi rút cúm lợn, chính vì vậy không biết vắc xin cúm mùa hiện tại có khả năng tạo miễn dịch chéo chống lại vi rút cúm lợn đang lưu hành tại Mỹ và Mexico hay không. Tổ chức Y tế thế giới đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn để đánh giá và chỉ có thể đưa ra được các khuyến nghị về vấn đề này trong thời gian tới.

Thuốc nào để điều trị bệnh cúm lợn ở người?

Các thuốc kháng vi rút hiện tại để điều trị bệnh cúm thường được cho là cũng có hiệu quả trong phòng và điều trị bệnh cúm lợn ở người. Có 2 loại thuốc kháng vi rút thường được sử dụng: 1) adamantanes (amantadine và remantadine); 2) Thuốc ức chế men neuraminidase (oseltamivir và zanamivir).

Hầu hết những ca cúm lợn ở người được báo cáo trước đây đều khỏi hoàn toàn mà không cần điều trị gì. Qua theo dõi thấy rằng một vài chủng vi rút cúm đã kháng với thuốc kháng vi rút, điều này làm hạn chế hiệu quả trong việc phòng và điều trị bệnh cúm.

Chủng vi rút cúm hiện tại phân lập được từ những bệnh nhân cúm lợn ở người tại Mỹ được xác định vẫn còn nhạy cảm với oselatmivir and zanamivir nhưng đã kháng với amantadine và remantadine.

Tuy nhiên, những thông tin hiện tại là chưa đủ để có thể đưa ra được khuyến nghị về việc sử dụng thuốc kháng vi rút trong phòng và điều trị bệnh cúm lợn ở người trong giai đoạn hiện nay. Các thầy thuốc lâm sàng phải tự đưa ra quyết định dựa vào các đánh giá về triệu chứng lâm sàng và dịch tễ học, cũng như phải cân nhắc về hiệu quả giữa cái lợi và cái hại của việc dùng thuốc kháng vi rút cho bệnh nhân.

Đối với vụ dịch cúm lợn ở người đang xảy ra tại Mỹ và Mexico, nhà chức trách của những nước này đang khuyến nghị việc sử dụng oseltamivir hay zanamivir trong phòng và điều trị bệnh (các nước này dựa vào phân tích tính nhạy cảm của vi rút đối với các thuốc trên tại thời điểm hiện tại).

Bạn nên làm gì nếu bạn thường xuyên phải tiếp xúc với lợn?

Phần lớn người bị mắc bệnh là do tiếp xúc gần gũi với lợn bị bệnh. Chính vì vậy cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa người với lợn ốm. Tuyệt đối không giết mổ, chế biến hay tiêu thụ lợn ốm, chết. Cần báo cho cơ quan thú y ngay tình trạng lợn ốm, chết để xác định nguyên nhân và có biện pháp xử lý tiêu huỷ lợn ốm/chết đúng quy định.

Vấn đề vệ sinh và phòng hộ cá nhân là rất quan trọng đối với những người có tiếp xúc với lợn, đặc biệt trong quá trình giết mổ và chế biến sau giết mổ (đeo khẩu trang, kính, mũ, găng tay, đi ủng và mặc quần áo bảo hộ).

Cúm lợn không có khả năng lây truyền sang người qua đường ăn uống nếu thịt lợn và các sản phẩm từ lợn được chế biến và nấu đúng cách vì vi rút cúm lợn sẽ bị giết chết ở 700C.

Phòng lây nhiễm bệnh cúm lợn từ người sang người như thế nào?

1. Tránh những tiếp xúc với người có triệu chứng như mệt mỏi, sốt và ho. Khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế, đeo kính…

2. Rửa tay kỹ bằng xà phòng với nước sạch thường xuyên.

3. Tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi.

4. Sử dụng các thuốc sát khuẩn đường mũi, họng, mắt hàng ngày như súc miệng bằng nước sát khuẩn (nước muối loãng, dung dịch TB, Listerin…) hoặc dung dịch nước tỏi. Rỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý, hoặc các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường là cần thiết và hiệu quả trong phòng bệnh.

5. Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực nghi có dịch.

6. Không cho trẻ em dùng chung đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng trong khu vực nghi có dịch.

7. Giữ ấm không để bị nhiễm lạnh (mặc đủ ấm, tránh nước mưa, tránh bị ướt…).

8. Tăng cường sức khỏe bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và rèn luyện thân thể.

Nếu trong nhà có một người nghi mắc bệnh cần thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. Trong khi chờ đợi sự giúp đỡ của cơ quan y tế, cần:

1. Cách ly người bị bệnh tai một khu vực nhất định trong nhà. Nếu phải tiếp xúc, cần đeo khẩu trang bịt kín mồm và mũi, giữ khoảng cách tối thiểu hơn 1 mét.

2. Người bệnh cần đeo khẩu trang bịt kín mồm và mũi.

3. Rửa tay kỹ bằng xà phòng với nước sạch sau mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân.

4. Tăng cường thông khí trong khu vực nhà có bệnh nhân bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ.

5. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường.

Bạn cần làm gì khi nghi bị mắc bệnh cúm lợn?

Nếu bạn xuất hiện các triệu chứng người mệt mỏi, sốt cao, ho và/hoặc đau họng, bạn cần:

1. Thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.

2. Ở nhà, nghỉ làm, nghỉ học, tránh tiếp xúc chỗ đông người.

3. Nghỉ ngơi và uống nhiều nước.

4. Đeo khẩu trang, bịt kín mồm và mũi thường xuyên.

5. Che kín mồm, mũi trước khi ho và hắt hơi bằng giấy thấm mềm, sau đó huỷ bỏ giấy đúng cách.

6. Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch thường xuyên, đặc biệt sau khi ho và hắt hơi.

7. Thông báo cho gia đình và bạn bè biết về tình trạng sức khoẻ của mình, yêu cầu hạn chế người đến thăm. Nếu cần phải ra ngoài để mua bán cho sinh hoạt hàng ngày, nên đề nghị người thân giúp đỡ, tránh tiếp xúc với bên ngoài.

  • TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế
( Tham khảo Vietnamnet )

Bảo vệ bản thân trước dịch cúm lợn

Bảo vệ bản thân trước dịch cúm lợn
Mức độ hoành hành của dịch cúm lợn không chỉ phụ thuộc vào hành động kịp thời của chính phủ mà còn là sự tự bảo vệ của mỗi cá nhân. Dưới đây là giải đáp của TS. Richard Besser, Quyền Giám đốc TT Ngăn ngừa và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ: (Bài trên Dân trí điện tử ngày 28.4.2009)

Như các chủng cúm khác, vi rút cúm lợn có thể lây qua tiếp xúc và có thể tồn tại trong không khí nhiều giờ
Tôi có thể bảo vệ bản thân và gia đình như thế nào?
Trả lời: Trong tình hình hiện nay, sự phòng ngừa là rất cần thiết. Khi ho và hắt hơi, hãy dùng khăn giấy che miệng, mũi hoặc dùng khuỷu tay thay vì dùng bàn tay để che mũi miệng khi ho, hắt hơi bất ngờ.
Rửa tay thường xuyên, nếu không có xà phòng và nước thì có thể dùng gel rửa tay thay thế.
Không ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với mọi người nếu bản thân bị ốm. Cho trẻ nghỉ học nếu trẻ ốm.

Vi rút này dễ lây nhiễm như thế nào?

Các nhà khoa học hiện chưa biết rằng liệu vi rút này lây qua sự tiếp xúc, gần gũi với người mang bệnh hay có một cơ chế dễ lây hơn thế nữa. Nhưng nhìn chung, vi rút cúm có thể lây lan từ dịch cơ thể được “bắn” ra trong quá trình ho và hắt hơi, hay sự vô thức đưa tay chưa rửa lên miệng, mũi.

Vi rút cúm có thể sống trên các bề mặt đồ vật, cơ thể trong nhiều giờ, chẳng hạn như nắm đấm cửa ra vào, nơi ai đó vừa lấy tay che cái hắt hơi rồi sờ vào.

Mexico, chính quyền đã đề nghị người dân mang khẩu trang, vậy tôi có cần mang?

Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy khẩu trang có thể giúp bảo vệ con người khỏi sự lây nhiễm các vi rút. Cách an toàn nhất lúc này là hạn chế tiếp xúc với người ốm và tránh tới chỗ đông người, nơi mà cúm có thể lây lan với tốc độ rất nhanh. Nếu không thể thì việc mang khẩu trang sẽ giúp hạn chế phần nào nhưng đừng vì thế mà chủ quan với những cách phòng ngừa khác.

Có thể điều trị khỏi cúm lợn?

Đúng vậy, các loại thuốc cúm như Tamiflu hay Relenza đều có tác dụng. Tuy nhiên, không nên dùng các loại thế hệ cũ.

Có cần uống Tamiflu như một biện pháp phòng ngừa dù chưa bị bệnh?

Không là câu trả lời của TS Marc Siegel, TT Y tế Langone ĐH New York Langone trước câu hỏi chung về các chủng cúm độc lực cao: “Có thể dùng thuốc chống cúm khi vừa hắt hơi?”. Việc sử dụng không đúng thuốc chống cúm có thể khiến các chủng vi rút biến đổi theo hướng bất lợi, khó kiểm soát hơn.

Nguy cơ dịch bệnh hiện như thế nào?

Đối với đa phần mọi người thì nguy cơ là rất thấp. Ngoài Mexico, cho đến bây giờ, nhóm bệnh nhân tại Mỹ đều là dân nhập cư từ Mexico. Ví như nhóm nhập cư ở New York, gồm học sinh trong 1 ngôi trường và người thân của họ đều bị ốm khi từ Mexico về.

Tại sao lại có hiện tượng tử vong ở Mexico mà chưa thấy ở đâu khác?

Đó là một điều đáng sợ. Đầu tiên không ai biết chính xác có bao nhiêu người đã bị tử vong vì dịch cúm lớn hay có bao nhiêu người đã bị nhiễm vi rút tại Mexico. Chỉ có một số ít trường hợp tử vong được làm xét nghiệm và được xác nhận là chết vì vi rút cúm lợn trong khi một số khác lại chưa rõ nguyên nhân.

Chính phủ Mỹ và các quốc gia khác đã làm gì để ngăn chặn nguy cơ đại dịch?

Chính quyền Mỹ đang triển khai các biện pháp hạn chế người Mexico du lịch tới Mỹ. Những trường hợp bị ốm trước đó sẽ buộc phải điều trị tại nơi chỉ định.

Các quốc gia khác thì cũng đưa ra các cảnh báo và hạn chế du lịch. Mexico thì có các biện pháp quyết liệt hơn như không cho phép hội họp đông người.

Tại Mỹ, các cộng đồng nhập cư cũng bị cách ly - các trường học tại thành phố New York đã cho học sinh nghỉ học.

Triệu chứng của bệnh là gì?

Nó tương tự như triệu chứng cúm ở người, gồm sốt, ho, viêm họng, đau mình mẩy, đau đầu, ớn lạnh, rùng mình. Có thể có tiêu chảy và nôn mửa.

Đã có loại vắc xin nào cho dòng cúm này chưa?

Chưa và các thử nghiệm cho thấy các vắc xin phòng cúm hiện tại không có tác dụng bảo vệ.

Mất bao lâu để sản xuất ra loại vắc xin mới?

Ít nhất là 1 tháng.


Nhân Hà
(Dân trí điện tử)


Dinh dưỡng cho ngừoi cao tuổi


A.Người cao tuổi nên ăn thế nào ?



Vào những lúc chuyển mùa, người già rất dễ mắc bệnh nên cần thường xuyên đảm bảo một chế độ dinh dưỡng cao để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Cách tốt nhất là áp dụng theo tháp dinh dưỡng đặc biệt sau đây. Tháp này hẹp hơn tháp cho người bình thường do càng lớn tuổi, nhu cầu dinh dưỡng càng giảm, cả về calo cũng các dưỡng chất. Trên đỉnh tháp có cắm một lá cờ vitamin vì với lượng thức ăn ống tiêu hóa người cao tuổi nạp được, các bữa ăn có thể không cung cấp đủ.Đáy thap được xây trên nước với biểu tượng 8 ly nước để nhắc các cụ cần uống đủ nước mới duy trì được sức khỏe. Nước ở đây là nước lọc, không phải cà phê, trà đặc, hay đồ uống có cồn. Về già, người ta ít có cản giác khát nước nên nếu để tự nhiên, các cụ sẽ uống rất ít nước, không đủ cung ứng cho tuần hòan não 24/24/ giờ.



Hơn nữa, người cao tuổi còn phải dùng nhiều thuốc theo toa, cần uống nước để thận có thêm nước mới thực hiện được chức năng bài tiết, khử độc. Thiếu nước cũng dễ gây táo bón ở người già.Các cụ nên nạp vào cơ thể từ 1.600 đến 2.000 calo mỗi ngày tùy theo mức hoạt động chân tay còn duy trì được.

Lưu ý: Cần lựa chọn những thức ăn tươi để cung cấp được tối đa vi chất dinh dưỡng (vitamin và muối khoáng) với năng lượng vừa đủ, khuyến khích dùng nhiều ngũ cốc nguyên cám, rau, trái cây tươi; dùng vừa đủ thức ăn giàu đạm và điều độ ba thứ: đường, muối, rượu. Cụ thể:





1. Ngọn cờ vitamin: Để bảo đảm có đủ chất dinh dưỡng cho người cao tuổi lúc chuyển mùa, nên dùng ngũ cốc nguyên cám hay được bổ sung tăng cường axit folic, có tác dụng hạ lượng homocystein trong máu, giúp người già tránh nguy cơ mắc bệnh mạch vành tim, lên cơn đau tim, rối loạn tuần hoàn. Ngoài ra, người cao tuổi cũng cần uống thêm thuốc bổ chứa vitamin B12. Nếu ống tiêu hóa kém hấp thu vitamin B12, cần chích bắp.

2. Tầng 1: Bao gồm những lương thực cơ bản, vừa là nguồn chất bột, vừa là nguồn chất xơ nhằm phòng tránh táo bón, các bệnh túi thừa (diverticulosis), đồng thời có tác dụng “quét” bớt cholesterol trong máu, giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch, ung thư. Vì vậy, người cao tuổi nên ăn cơm gạo lức, gạo “đỏ”, bánh mì (làm bằng bột lúa mì nguyên cám). Khuyến khích các cụ “ăn chay” một tuần vài lần với tàu hũ, hạt họ đậu làm nguồn đạm thay thịt, cá. Ký hiệu f rải rác trong tầng ngũ cốc và rau - trái cây là biểu tượng có hiện diện chất xơ.

3. Tầng 2: Rau hay trái cây. Nên chọn loại có màu xanh đậm (rau lá), vàng, đỏ để bảo đảm nhiều muối khoáng, caroten, sinh tố. Ví dụ: nếu chọn khoai nên chọn khoai lang vàng hơn là khoai tây hoặc khoai lang trắng; trái cây như: đu đủ, cam, quít và đào, mơ có màu vàng tươi. Thay vì uống nước ép trái cây nên ăn cam, quít, bưởi cả bã (nhiều chất xơ), mới bảo đảm đủ sinh tố C và caroten - tiền sinh tố A.

4. Tầng 3: Thức ăn “nguồn đạm”, chia làm hai ngăn:

Ngăn dành riêng cho sữa và các sản phẩm từ sữa, mỗi ngày nên uống tương đương hai ly. Có một số người già không quen dùng sữa (bò) hoặc bị “sôi bụng” mỗi khi uống do bị “bất dung đường Lactose”. Với các trường hợp này, có thể chế biến thành sữa chua hay cho các cụ uống men tươi sống như Probi, Yakult.

Ngăn dành cho thịt, cá, trứng đem lại đạm động vật; còn một lớp cho đạm thực vật gồm các hạt họ đậu, tàu hũ (đậu phụ). Nên cho người già ăn 2 suất/ngày thức ăn loại này; chọn thịt nạc ít mỡ, sữa và sản phẩm từ sữa giàu đạm, canxi, sinh tố B2 và D. Phi-lê cá tốt hơn thịt nhờ dễ tiêu hơn và có axit béo thiết yếu hơn.

Nhu cầu canxi khuyến cáo cho người cao tuổi hiện nay lên tới 1300mg/ngày. Muốn đạt được lượng này cần uống đến ba ly sữa/ngày thay vì hai. Nếu không uống được đủ lượng sữa này, có thể uống thêm viên canxi (phosphate hay carbonate) bổ sung.

5. Ngọn tháp: Thức ăn bổ sung vừa đủ calo là dầu, mỡ, đường nhưng tránh lạm dụng.

BS Nguyễn Lân Đính
(Chuyên viên dinh dưỡng)


B. Mật ong tốt cho người cao tuổi




Đối với người cao tuổi, nếu thích ăn ngọt thì nên ăn mật ong tốt hơn là ăn đường. Nguyên nhân là ăn nhiều đường mía dẫn đến bệnh béo phì, xơ cứng động mạch, cao huyết áp, tiểu đường. Trong khi ăn mật ong vừa có thể ăn ngọt, lại có thể bảo vệ sức khỏe.

Các nghiên cứu cho thấy, mật ong ngoài tính thơm ngon, còn có công dụng chữa bệnh rất tốt. Mật ong có thể làm lành các vết thương, vết đau, chữa lở môi, mụn nhọt và các vết thương chảy mủ.

Những người trung niên và cao tuổi mắc bệnh viêm dạ dày mãn tính, viêm niêm mạc dạ dày, nếu thường xuyên uống mật ong sẽ có tác dụng điều tiết a- xít dạ dày. Cách dùng: trước khi ăn cơm khoảng một tiếng rưỡi đến 2 tiếng có thể ăn trực tiếp mật ong, cũng có thể pha với nước sôi để nguội.

Để chữa ho, khản tiếng, viêm thanh quản, có thể dùng mật ong trộn với tỏi. Nếu bị bệnh liên quan đến xương, dùng mật ong với các nguyên tố boron giúp tăng khả năng hấp thụ canxi cho cơ thể.

Mật ong có tác dụng tiêu viêm, tiêu đờm, mát phổi, trị ho, cách điều trị ho tốt nhất là ăn lê với mật ong bằng cách thái lát quả lê trộn với mật ong, một ngày ăn vài lần. Thường xuyên ăn mật ong còn có tác dụng hạ huyết áp, thông đường tiêu hóa, dễ đại tiện.

Chất glucoza, vitamin, magie, photpho trong mật ong có thể điều tiết chức năng của hệ thống thần kinh, khiến cho thần kinh đỡ căng thẳng, ngủ được ngon giấc. Trước hoặc sau khi uống rượu ăn mật ong đều rất tốt, có tác dụng giải rượu, bổ sung nhu cầu năng lượng cho não.

Lưu ý khi sử dụng mật ong: Không cho trẻ dưới một tuổi ăn vì trẻ có thể bị ngộ độc. Người bị tiểu đường cũng hết sức hạn chế dùng mật ong.

Theo BS. LÊ VĂN CHẤT



C. Dinh dưỡng hợp lý ở người cao tuổi


Dinh dưỡng (DD) hợp lý là một trong các biện pháp quan trọng giúp ngăn ngừa những rối loạn trong cơ thể người cao tuổi (NCT).

TS-BS Trần Thị Minh Hạnh – Trưởng phòng DD cộng đồng (Trung tâm DD TP.HCM) có những lời khuyên sau:

Theo khuyến nghị của Viện DD quốc gia, nhu cầu năng lượng mỗi ngày ở người trên 60 tuổi là 1.900 kcal (nam) và 1.800 kcal (nữ). Tăng cường vận động sẽ làm tăng sự ngon miệng, giúp NCT nhận đủ năng lượng và DD cần thiết.


Protein

Nhu cầu chất đạm ở NCT không khác so với lúc trẻ (khoảng 55 – 60g protein/ngày). Tuy nhiên, khả năng tiêu hóa và hấp thu đạm ở NCT kém, khả năng tổng hợp protein của cơ thể cũng giảm nên dễ xảy ra tình trạng thiếu đạm.

Quá trình phân hủy đạm tại ruột già tạo ra các chất thải thối rữa trở thành những độc tố (nếu táo bón lâu ngày), ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Do đó, NCT nên hạn chế ăn các loại thịt, nhất là thịt mỡ, nên ăn cá (ít nhất ba bữa/tuần), vì cá chứa nhiều đạm dễ tiêu hóa và có thêm một số acid béo cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, cũng nên thay đạm động vật bằng một số đạm thực vật, như: đậu nành, đậu đũa, đậu hà lan, đậu cô ve,...

Carbohydrate (CH)

Ở NCT, sự dung nạp CH bị giảm, do đó, cần giảm lượng CH trong bữa ăn, nhất là các loại CH hấp thu nhanh (đường mía, bánh kẹo, nước ngọt...), nên sử dụng ngũ cốc nguyên hạt, khoai, bắp, mì, nui...

Lipid

Lipid là hỗn hợp của cholesterol và acid béo. Omega-3 (acid linolenic) và omega-6 (acid linoleic) là các acid béo thiết yếu cho cơ thể có nhiều trong đậu nành, dầu hạt cải, cá, tảo, rong biển, dầu mè, đậu nành, đậu phộng, hạt hướng dương, bắp... Thừa cholesterol dễ gây xơ vữa động mạch và tách mạch não, nhưng thiếu cholesterol cũng sẽ làm màng tế bào yếu, dễ gây xuất huyết não. Cholesterol có nhiều trong mỡ động vật, lòng đỏ trứng và phủ tạng. Nên thay mỡ động vật bằng dầu thực vật. Lượng cholesterol trong khẩu phần khuyến nghị là nhỏ hơn 300mg/ngày.

Nước, vitamine, muối và khoáng chất

Cần chú ý uống nước thường xuyên dù không khát, nhất là vào mùa hè (sáu – tám ly/ngày).

Hoạt động tiêu hóa và hấp thu ở NCT kém hiệu quả hơn lúc trẻ, do đó, dễ bị thiếu các vitamine, kali, magné nội bào. Thiếu canxi sẽ gây loãng xương; thiếu máu, sắt gây mệt mỏi, chóng mặt, giảm trí nhớ; thiếu kẽm gây biếng ăn, giảm trí nhớ, kém tập trung, khô da, sạm da...

Nguồn thực phẩm giàu canxi là sữa và các sản phẩm từ sữa, tôm tép ăn cả vỏ, cá nhỏ ăn cả xương, đậu nành và sản phẩm từ đậu nành, rau xanh. NCT nên uống từ một – hai ly sữa/ngày, nên chọn loại sữa chứa ít hoặc không có chất béo và đường.

Chất xơ

Chất xơ (có nhiều trong ngũ cốc nguyên hạt, rau và trái cây) giúp thải độc qua đường tiêu hóa, hạn chế táo bón, giảm hấp thu cholesterol. Để nhận đủ vitamine và chất xơ, NCT nên ăn khoảng 200g – 300g rau và hai – ba phần trái cây mỗi ngày (một phần trái cây tương đương một trái chuối hoặc một trái cam hay một trái lê). Nên ăn trái cây thay vì uống nước ép, vì sẽ nhận được nhiều chất xơ hơn.

Chất chống oxy hóa

Uống trà xanh; ăn nhiều rau, đặc biệt rau lá xanh, trái cây chín sẽ cung cấp cho cơ thể nhiều vitamine, muối khoáng và các chất chống
oxy hóa.

NGUYỄN CẨM ghi


Nhớ ngày Sinh nhật Bà Ngoại Phạm Kim Thoa

















Bà ơi! mọi năm cứ đến ngày 22/4 là cả gia đình lại tổ chức sinh nhật Bà. Đã hai năm rồi kể từ ngày Bà đi xa, nhà ta không tổ chức sinh nhật Bà nữa, nhưng cả gia đình vẫn luôn nhớ đến Bà. Cháu thì rất nhớ món bún thang Bà nấu cùng những kỷ niệm với Bà.


Nhớ Bà.

Cháu ngoại Tô Minh Hương

Chúc mừng thành hôn


Hôm nay 22/4/2009 lễ thành hôn của hai cháu Đỗ Thái Sơn và Nguyễn thị Như Quỳnh ( con của Ông Bà Đỗ Thái Tùng & Đỗ Kim Diệp ở 95 Lò Đúc HN ) tổ chức tại Tp Hà Nội. Nhân dịp này chân thành chúc Cô Dâu&Chú rể trăm năm hạnh phúc và chia vui với gia đình chú Tùng, cô Diệp





Gia đình Ông Bà Di&Chi ở TpHCM

Tưởng nhớ Bác Cả Kim Thoa



Hôm nay là ngày kỷ niệm sinh nhật của Bác Cả Phạm Kim Thoa 22/4/1927. Tuy Bác mất gần 2 năm, nhưng hình ảnh của Bác vẫn luôn luôn bên cạnh các thành viên trong chi họ . Thành kính viếng hương hồn Bác an nghỉ nơi vĩnh hằng.


Blog GĐ Cụ Quang

Nhớ ngày sinh bác Thoa

Nhớ ngày sinh bác Thoa
Hăm hai tháng bốn hàng năm
Chúng em vẫn nhớ là ngày chị sinh
Chị " Đi " đã được hai năm
Chồng,con,cháu,chắt nhớ thương từng giờ
Chị ơi, có nhớ trần gian ?
Hàng ngày phù hộ cho người thân - thương :
Chồng con mạnh khỏe cả năm
Chắt ngày học giỏi, cháu càng tiến xa
Chúng em phấn khởi đón chờ
Thủ đô chào đón năm : Ngàn tuổi xuân

Cần nhất là sự đồng tâm..

Khi trên Blog 53 có tin của bác Di về tuor Đà Lạt, Nha Trang và những bài thơ du lịch của bác Anh xuất hiện tôi đã hiểu rằng mùa du lịch đang gõ cửa từng ngày.
Mùa hè này tôi chưa khởi động đi đâu bởi còn nghe ngóng thời cuộc và cân đo túi tiền. Vì thế tôi nhớ tới tuor du ngoạn Tuần Châu, Hạ Long của 15 thành viên gia đình ta vào tháng 7.2008 nhân 60 năm ngày sinh của ông Tiến và bà Minh. Chuyến đi ấy để lại nhiều ấn tượng, trước hết là có đông đủ thành phần nhiệt thành tham gia, trong đó có các vị cao niên như bác Nông (91 tuổi), lứa U.80 có các bác Đoàn Hải, Kim Anh, Dư còn lại đa phần là lứa U.60, U.50. Mọi việc cứ êm như ru, đâu vào đó rất vui vẻ.
Đến nay tôi vẫn thấy tiếc vì chuyến đi ấy không có bác Nhu, tuy đã cao tuổi (70 tuổi) nhưng là một nhiệt náo viên trong các tuor gia đình, không chỉ đạo chung chung mà bác bắt tay làm thực sự. Mọi chuyến đi bác đều chu đáo lo phần hậu cần nước uống, hoa quả, đồ ăn lót dạ trên xe. Từ ngày bác sang Nga với con cháu đến giờ, nhiệm vụ ấy chưa có ai làm thay được hoàn hảo, thế nên các chuyến đi vì thế bớt chu đáo hơn.
Năm đó đến phút chót tôi bất đắc dĩ được đề cử trưởng đoàn, thành ra mọi việc cứ nháo nhào cả lên. Chẳng hạn như kế hoạch lẽ ra không có chuyện tắm ở đảo Titop, nhưng do mọi người đột xuất đề nghị, thành ra thêm một chuyến dạo trên biển Hạ Long, có tắm trên đảo ấy. Kết quả là bác Anh suýt ngất vì bác Đoàn Hải cứ thế mà bơi băng băng ra giữa biển nước sóng trời mênh mông, gọi mãi cũng không vào.
Thành viên được khâm phục nhất là bác Nông, năm đó 91 tuổi nhưng sự có mặt của bác không hề ảnh hưởng tới hành trình chuyến đi mà còn là nguồn động viên con cháu. Bác tham gia tất cả hoạt động của đoàn, cũng dạo thuyền trên biển, tham quan bè cá...Còn những thành viên U.50,60 khác tuy cũng có vai vế học, hàm hẳn hoi như Đại tá Ngô Minh Lương, Tiến sĩ GVĐH Lê Hồng Phương nhưng rất khiêm tốn ở bậc cháu tham gia đầy đủ cuộc đi.
Thế mới biết một chuyến tuor của gia đình cần nhất vẫn là sự đồng thuận, thành tâm của các thành viên. Năm nay đã có những kế hoạch được các vị cao niên nhà ta vạch ra, hi vọng sẽ lại có một chuyến đi hơn thế.

Phạm Lê

Thăm Nha Trang




Theo giấy mời của Hãng Pfizer ( Mỹ ) và Saigontourist tổ chức , chúng tôi đã tham gia Hội Thảo về Tim mạch học tại KS Yasaka ( Nhật ) tại Tp Nha Trang( NT ) và thăm các địa danh du lịch nổi tiếng ở đây.Tuy đã nhiều lần tới thăm NT, nhưng chuyến đi lần này có điểm mới hấp dẫp là được chứng kiến các công trình mới vừa xây dựng như Diamond Bay ( nơi tháng 7/ 2008 đã tổ chức cuộc thi Hoa Hậu Hòan Vũ Thế Giới ), Công viên nước ( Water World ) và Thủy Cung ( Water Underworld ) mới xây ở Khu du lịch Vinpearl và nghỉ dưỡng tại KS Vinpearl Resort&Spa trên đảo Hòn Tre.


Thành phố Nha Trang




Là trung tâm của tỉnh Khánh Hòa , diện tích 251km2, dân số 361.454 người ( thống kê cũ ), mật độ 1.403 người/km2 . Bắc giáp huyện Ninh Hòa, Nam giáp thị xã Cam Ranh, Tây giáp Diên Khánh tọa lạc trong một thung lũng có núi vây 3 phía Bắc – Tây - Nam và tiếp giáp với bờ biển về phía Đông. Cách Hà Nội 1.280km, Tp HCM 448km( khỏang nửa giờ bay ) ,Huế 630km, Phan Rang 105km, Phan Thiết 260km, Cần Thơ 620km. Hai sông Cái và sông Cửa bé chia Tp NT thành 3 phần, gồm 27 xã và phường. Trung tâm NT nằm giữa hai sông trên gồm khu vực nội thành có 19 phường, còn lại là 8 xã ngọai thành . NT có 19 đảo với trên 2500 hộ và khỏang 15.000 người sống trên các đảo. Đảo lớn nhất là Hòn Tre rộng 36km2, nằm che chắn ngòai khơi, khiến cho Vịnh Nha Trang trở nên kín gió và lặng sóng. Vịnh Nha Trang là một trong số 29 vịnh trên thế giới được câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất trên thế giới xếp hạng và chính thức công nhận vào tháng 7/2003. Cùng với vịnh Hạ Long, vịnh Nha Trang là vịnh thứ hai của Việt Nam được xếp vào hàng danh dự này.Tập đòan Sofitel Vinpearl đã xây dựng Hòn Tre thành một Trung Tâm du lịch và nghỉ dưỡng nổi tiếng của VN và Khu vực Đông Nam Á .















Yersin, một vĩ nhân y học của thế giới đã khám phá Hòn Bà , làm việc hàng mấy chục năm tại đây và chọn cho mình nơi yên nghỉ cuối đời tại Nha Trang, Khánh Hòa. Ngôi mộ của ông nằm khiêm nhường trên một ngọn đồi nhỏ tại suối Dầu ( Hòn Bà ) vùng đất mà ông đã sống và cống hiến hết tài năng, tâm huyết của mình.




Mộ Yersin tại NT

















Tòan cảnh Tp Nha Trang



Sân bay Cam Ranh


Do sân bay NT nhỏ, nên nếu đến bằng đường không phải tới sân bay Cam Ranh cách NT 35km. Thời chiến sân bay CR là căn cứ không quân của Mỹ, có đường băng dài 3050m, sau ngày giải phóng vẫn là sân bay quân sự, đến ngày 19/5/2004 với chuyến bay dân sự đầu tiên từ HN vào NT đã chính thức trở thành sân bay dân sự của VN và hiện nay đang xây dựng để trở thành sân bay quốc tế lớn ở miền Trung, vì có diện tích 750ha lớn hơn sân bay Nội Bài, năm 2007 đã đón 500.000 khách. Hiện nay nhà ga cũ còn cải tạo sơ sài, nhưng đến cuối năm 2009 nhà ga mới xây dựng xong và dự kiến đến năm 2010 sẽ đón 1, 5 triệu hành khách

Sau 13 tháng thi công con đường quốc lộ hiện đại ven biển nối CR với NT đã hòan thành với chi phí tới 322 tỉ VNĐ,đây là con đường sát biển rất đẹp, có 6 đọan uốn khúc nhô ra biển, từ bên lề đường phiá đông có thể ngắm tòan cảnh vịnh và Tp NT , các đảo xung quanh trong khung cảnh thơ mộng của nước biển xanh trong vắt , sóng bạc trắng nhấp nhô……..

Vịnh CR hình chữ C, cách hải phận quốc tế chừng 12 hải lý, quanh bờ là những bãi cát trăng tinh khiết có thể xuất khẩu để chế tạo pha lê.

















Diamond Bay


Trên đường từ CR về NT qua Khu du lịch mới Diamond Bay, được xây dựng để tổ chức cuộc thi Hoa Hậu Hoàn Vũ của thế giới vào tháng 7/2008, có sự tranh tài cuả 80 Hoa Hậu đến từ nhiều quốc gia trên thế giới . Khu du lịch Diamond Bay với diện tích 180 ha nằm trên đại lộ Nguyễn Tất Thành, Nha Trang, cách sân bay khoảng 15 phút và cách trung tâm thành phố 10 phút,.Crown Convention Center là một trong những điểm nhấn đặc biệt của Diamond Bay với sân khấu có sức chứa 7.500 chổ ngồi, nơi đã diễn ra chung kết cuộc thi HHHV 2008 ngày 14/07/2008 . Nơi đây được đầu tư hơn 500 triệu USD do Công ty TNHH Hoàn Cầu làm chủ đầu tư. Lần đầu tiên tại Việt Nam, sân tập golf đánh ra biển do chuyên gia thiết kế sân golf nổi tiếng thế giới Andy Dye thực hiện.



Một góc Diamond Bay.



Địa hình nơi đây có sự hòa hợp giữa núi, đồi và biển suối, sông và đồng bằng, tạo nên nhiều cảnh quan hấp dẫn, thơ mộng chứa đựng nhiều tiềm năng du lịch nhất là du lịch sinh thái. Khí hậu quanh năm mát mẻ, ôn hòa, giao thông thuận lợi cho cả đường hàng không, đường thủy và đường bộ.

Diamond Bay là một quần thể du lịch, cảnh quan tuyệt đẹp với đầy đủ các loại hình nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí bao gồm: Khu lưu trú nghỉ dưỡng theo chuẩn 5 sao với khu resort 334 phòng, Khu khách sạn gồm 168 phòng hướng ra sân vườn. Khu Emerald và khu Sapphire với cách thiết kế phòng theo từng cụm gia đình gồm 166 phòng đơn và phòng đôi, Khu Trung tâm thương mại, hội chợ triển lãm, sân khấu đa năng (Crown Convention Center). Khu Nhà hàng gồm cụm các nhà hàng sang trọng, phục vụ nhiều loại hình ẩm thực khác nhau và thức uống. Khu Spa hiện đại là sự kết hợp tuyệt vời giữa phong cách truyền thống và hiện đại . Khu thể thao bao gồm sân tennis và câu lạc bộ golf lý tưởng với sân golf 18 lỗ hiện đại, có sân tập và cả biệt thự golf. Đặc biệt, lần đầu tiên tại Việt Nam, sân tập golf đánh ra biển do chuyên gia thiết kế sân golf hàng đầu trên thế giới Andy Dye thực hiện. Khu vui chơi giải trí cao cấp gồm nhiều trò chơi mới lạ, thú vị Khu Diamond Bay resort được xây dựng trong bốn giai đoạn và dự tính sẽ hoàn tất vào năm 2015 với tổng kinh phí đầu tư hơn 500 triệu USD.





HHHV thế giới năm 2008 Dayana Mendoza ( Venezuela )



Tới NT đêm 10/4/2009 tòan đòan BS Tim mạch của 3 miền dự Gala tại Nhà hàng Ngọn Hải Đăng sát biển, mà thức ăn chủ yếu là hải sản .Sáng ngày 11/4/2008 Hội Thảo về Tim mạch học tổ chức tại Khách Sạn Yasaka của Nhật, ăn trưa tại nhà hàng Tơ Hồng trong KS này, chiều tham quan vài nơi chính của Thành phố NT, buổi tối nghỉ lại một đêm ở KS Olympic – Tp NT




Tại KS Yasaka




Chụp với DS Mai Trinh t/v Ban Tổ Chức




Viện Hải dương Học NT




Toàn cảnh Viện Hải dương học Nha Trang


Ngày 14 tháng 9 năm 1922, Sở Nghề Cá Đông Dương - tiền thân của Viện Hải Dương Học ngày nay đã được thành lập. Trải qua hơn 80 năm hoạt động và phát triển, Viện Hải Dương Học đã đóng góp được một khối lượng lớn các công trình nghiên cứu cho công cuộc chinh phục khai thác và bảo vệ biển Đông, bao gồm 1100 ấn phẩm đã được công bố, trong đó nghiên cứu về tính đa dạng sinh học chiếm 62,6%, về vật lý hải dương chiếm 11,6%, về sinh thái môi trường chiếm 7,6%, về địa chất địa mạo biển chiếm 5,4%, về hóa học biển và về hóa sinh chiếm 4,4%.


Tháp Po Nagar


Po Nagar hay Tháp Bàngôi đền nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 50 mét so với mực nước biển, ở cửa sông Cái (sông Nha Trang) tại Nha Trang, cách trung tâm thành phố khoảng 2 km về phía bắc, nay thuộc phường Vĩnh Phước. Tên gọi "Tháp Po Nagar" được dùng để chỉ chung cả công trình kiến trúc này, nhưng thực ra nó là tên của ngọn tháp lớn nhất cao khoảng 23 mét. Ngôi đền này được xây dựng trong thời kỳ đạo Hindu (Ấn Độ giáo) đang cường thịnh khi Chăm pa trong giai đoạn có tên gọi là Hoàn Vương Quốc,












Nữ vương Po Nagar - còn gọi là Yan Pu Nagara, Po Ino Nagar hay Bà Đen (nguời Việt Nam gọi là Thiên Y Thánh Mẫu Ana) - là vị nữ thần được tạo nên bởi áng mây trời và bọt biển, người tạo dựng ra trái đất, sản sinh gỗ quí, cây cối và lúa gạo. Bà có 97 chồng, trong đó chỉ một mình Po Yan Amo là người có uy quyền và được tôn trọng hơn cả. Bà có 38 người con gái, tất cả đều hóa thân thành nữ thần, trong đó có ba người được người Chăm chọn làm thần bảo vệ đất đai và còn thờ phụng cho tới ngày nay: Po Nagar Dara, nữ thần Kauthara (Khánh Hòa); Po Rarai Anaih, nữ thần Panduranga (Ninh Thuận) và Po Bia Tikuk, nữ thần Manthit (Phan Thiết).

Sau khi kết thúc Hội Thảo chúng tôi được đưa về nghỉ dưỡng ở Khu Resort&Spa mà thẻ khoá buồng có in ảnh cá nhân và sẽ dùng để thực hiện miễn phí tất cả các dịch vụ tại Vinperland khi qua các quầy kiểm sóat trong thởi gian nghĩ dưỡng.

Khu du lịch Vinpearl Land


Khu du lịch hiện đại này có 12 công trình chính : 1 .Bến phà của canô cao tốc, 2. Bến tầu gỗ, 3. Khu sân khấu nhạc nước ( Amphitheatre ), 4.Khu trò chơi ngòai trời, 5. Khu trò chơi trong nhà , 6. Khu phố mua sắm, 7. Ga và cáp treo ( Cablecar), 8. Trung tâm hội nghị ( Event hall),9. Khách sạn và nghĩ dưỡng ( Resort&Spa), 10. Công viên nước ( Water Park ), 11. Thủy cung (Under waterworld ). 12 . Làng ẳm thực ( Food village )

Những đặc điểm chính của các công trình trên là :

- Cáp treo Vinpearl vượt biển vào lọai nhất nhì thế giới, dài 3320m, độ cao nhất là 60m, trung bình cao 40m so với mặt nước biển. Có 60 cabin lọai 8 chỗ ngồi, chịu được gió cấp 7, thời gian đi suốt tuyến hết 9 phút 20 giây




- Sân khấu nhạc nước sống động đầy mầu sắc với hiệu ứng laser, chứa 3500 người





- Khu trò chơi ngòai trời có đu quay cảm giác mạnh, tầu lượn cao tốc, đu quay dây văng, xiếc thú.















- Khu trò chơi trong nhà có siêu thị games, phòng chiếu phim 4D, xe đụng, cưỡi bò tót, vườn cổ tích.

- Khu phố mua sắm có các gian hàng trang sức, thời trang, những món quà lưu niệm

- Công viên nước diện tích 60.000m2, cao 21m gồm hệ thống núi nhân tạo 30.000m2, hang rùng rợn dài 56m,bãi biển cát mịn dài trên 400m, dòng sông lừời....


















- Thủy cung có đường ống dài nhất VN, có thể tận mắt ngắm nhìn hàng trăm loại cá từ cá mập, rùa biển và các động vật ăn thịt khác thường trú ngụ dưới đáy biển sâu và hàng ngàn sinh vật biển khác. Tuy vậy ở đây vẫn còn điểm yếu là phảng phất mùi tanh so với Thủy cung ở các nước khác.
















- Làng ẩm thực có 2 nhà hàng chính khang trang : seafood và vietnamfood..

- Khu Resort&Spa là 2 dãy nhà to lớn vòng cung, có các buồng ở phòng đơn và đôi tiện nghị sang trọng tiêu chuẩn KS 5 sao, bố trí trên nhiều tầng lầu, giá thuê phòng trung bình trên 100USD/ tối, có khu tắm và nghỉ thư giãn bên các hồ nước trong xanh có nhà lá và các cây dưà, cùng các nhà hàng ăn thuận tiện như : nhà hàng Lotus có buffet sáng và thự đơn tự chọn, nhà hàng orchid có bufet sáng, trưa và tối, nhà hàng Asiana có khuôn viên yên tĩnh và thư giãn đậm phong cách Châu Á, nhà hàng Beachcomber phục vụ thực đơn tự chọn trưa và tối. Business Centre phục vụ báo chí, sách tham khảo và các phim hay, và dịch vụ Internet miễn phí. Việt Spa của Sothy's Paris dành cho thư giãn mở cửa từ 8 g sáng đến 10 g tối.






Ảnh chụp ở Khu Resort&Spa








































Thú vị nhất là trong chuyến đi này chúng tôi được gặp lại các bạn học cũ và đồng nghiệp khi mới thành lập Khoa Tim ở BV Bạch mai như GS. BS Phạm Gia Khải ( CT Hội Tim mạch học VN , vừa được phong Anh Hùng Lao động ) và TS.BS Tuyết Minh.















Chỉ vài năm nữa sát bãi biển Nha Trang sẽ mọc lên Khu Dân Cư cao cấp An Viên với thiết kế là các biệt thự ven biển.





Welcome to Nha Trang


Đỗ Kim