Chọn lựa

Dịp này đang râm ran trên mạng cuộc thảo luận chọn Quốc Hoa của Việt Nam, từ dân thường đến các nhà nghiên cứu, có cả một vị sử gia đáng kính cũng đã lên tiếng. Đa phần có vẻ chọn Hoa Sen “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” làm Quốc hoa.
Tưởng rằng lựa chọn ấy đễ được đồng thuận, nhưng vẫn có nhiều ý kiến khác được đưa ra và đều lí giải là chính xác. Ví dụ, có vị giáo sư gợi ý nên chọn “hoa dâm bụt” làm đặc trưng. Chưa thấy ai phản đối, nhưng tôi nghe vậy thấy cũng hay, vì loại hoa này với tôi một thời rất thân quen. Đó là hồi những năm thập niên 60, khi làm gia công bột lọc cho mậu địch tôi phải lấy nước lá dâm bụt hòa vào bột gạo đã xay nhuyễn cho bột được trong, không bị đen. Vì thế nếu đa số nhất trí, có lẽ tôi cũng phải để tâm cân nhắc.
Còn có một danh sách các loại hoa khác như Cau, Nhài, Hồng, Đào ,Mai, Gạo và cả hoa Lúa…cũng được nhắc đến. Tôi nhớ hồi những năm 1950, nhà văn Thép Mới có bài “Cây tre Việt Nam” rất hay, đầy khí phách tự hào dân tộc. Dân ta rất gần gũi với cây Tre, biết bao việc phải nhờ cậy đến Tre như làm tăm, đũa, đồ mỹ nghệ, nhà, hầm chữ A chống bom Mỹ, vũ khí đánh địch...Nhưng rất tiếc, hình như Cây Tre lại không có hoa, chứ có hoa tôi xin giơ tay giới thiệu liền.
Gần đây nhà thơ Đặng Vương Hưng, chủ nhiệm trang web “lucbat.com” đã có một đề xuất gây bất ngờ lấy Lục bát là “Quốc thơ”. Lí lẽ của ông là “Ở đâu có lục bát là ở đó có văn hóa Việt Nam. Không thể thơ nào có khả năng bám sát đời sống nhân dân như Lục bát. Thơ Lục bát đã luôn được các thế hệ nhà thơ Việt Nam làm mới và không bao giờ xưa cũ”.
Thực tình tôi không biết làm thơ, nhưng thấy chi họ ta có bác Ngọc, bác Anh hay làm thơ Lục bát trên Blog 53. Đọc thơ của hai Bác thấy rất gần gũi đời thường, dễ hiểu, không cần phải tượng thanh tượng hình gì cho mệt. Vì thế tôi nghĩ người đề xuất chọn “Lục bát” làm Quốc thơ cũng có lí, vì tính phổ thông của loại thơ này rất cao ai cũng có thể làm được. Nghĩ thế nhưng rồi lại lo các thể thơ khác như thơ mới, thơ tự do, thơ bậc thang (chẳng cần vần), thơ Bút Tre chưa chắc đã chịu thua anh "Lục Bát" lại đòi vai “Quốc thơ” cho mình.
Lại nữa ai cũng biết dân ta hay theo phong trào, ví dụ từ ngày có phim “Bỗng dưng muốn khóc”, thế là thiên hạ “Bỗng dưng” đua nhau làm cái gì cũng đùng đùng “Bỗng dưng” khởi sự khỏi cần tính toán chi li. Có những cái tên chẳng hiểu lấy từ đâu ra lạ hoắc, "Bỗng dưng" xuất hiện thành hiện tượng phổ biến như Tita Long, Bopbi Hài, hay ChimSun Đang…Rồi phim ảnh, thời trang cũng ăn theo kiểu Hàn Quốc. Trong kinh tế thì phong trào làm trang trại, trồng vải, nuôi bò sữa...đua nhau nở rộ.
Cứ theo đà này tôi sợ khi đã có “Quốc Hoa” rồi “Quốc Thơ” không chừng các ngành khác lại đua nhau đòi phải có chữ Quốc bên cạnh. Ví như đòi “Quốc Vũ” cho ngành Múa, “Quốc Võ” cho ngành Võ, “Quốc Họa” của ngành Vẽ, “Quốc Da” cho ngành da, “Quốc nạn” cho ngành tham nhũng….Khi đó thì cuộc thảo luận chắc hẳn sẽ còn dài,
không kém phần gay cấn.
Tựu chung tôi nghĩ cũng chỉ nên có một loại “Quốc Hoa” làm tiêu biểu cho vẻ đẹp, sức sống và tâm hồn trong sáng của người Việt nam, xứng tầm đại diện cho Quốc gia như nhiều nước đã có. Còn những loại “Quốc” khác như “Quốc Tửu” đối với rượu, “Quốc nạn” với tham nhũng, hối lộ,v. v...thì thôi cứ để dân ta tự phong và lưu truyền như bấy lâu nay cũng được.

Phạm Lê
(Ảnh trên mạng)

Previous
Next Post »