Phố Lò Đúc




Tôi sinh trưởng ở phố Lãn ông, nhưng từ khi lập gia đình riêng thì về sống ở nhà bố mẹ vợ từ năm 1966 đến 1988 , đúng 22 năm, nên có rất nhiều kỷ niệm về Phố Lò Đúc xưa .

Nhớ lại những ngày đầu khi mới sinh con trai trưởng T.M, các buổi sáng Cụ Quang lóc cóc đạp xe từ Lãn Ông đến Lò Đúc xa hàng chục cây số để thăm cháu đích tôn.

Phố Lò Đúc dài trên 1km, chạy dài từ phố Phan Chu Trinh đến tận phố Trần Khát Chân, vốn là đất của các làng Hữu Vọng, Đức Bác, Yên Hội, Thọ Lão... thuộc tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ, nay thuộc quận Hai Bà Trưng Hà Nội

Phố có tên này vì trước ở đây có nhiều lò đúc đồng. Vào cuối thế kỷ 18 (đời Lê Trung Hưng), những người thạo nghề nấu và đúc đồng, tụ họp về làng Đức Bác. Phường đúc mở ở quanh chùa Linh ứng Tự, thờ ông tổ Nguyễn Minh Không, được cho là ông tổ nghề đúc đồng, được thờ ở nhiều nơi...

Phố Lò Đúc xưa, thời Pháp trồng những hàng cây sao đen cao vút. Bởi ngoại ô Hà Nội xưa, ruộng đồng còn nhiều, mé này cũng gần sông Hồng, nên dọc phố, cò trắng, vạc về làm tổ rất đông, đa phần là cò... Tảng sáng, cò kéo nhau đi ăn, chiều đến, cò bay về rợp phố, tranh nhau chỗ đậu, mổ nhau, kêu ầm ĩ. Có khi tiếng kêu của chúng át cả tiếng trẻ nô đùa ở vỉa hè.

Dân Hà Nội quen gọi phố này là “Phố Cò”. Còn đám trẻ, tuổi thơ nghịch ngợm, “xưng hùng xưng bá” một phố... gọi đây là “Bang Cò”.

Cò lưu niên, đậu ở đây khá nhiều năm. Có hộ muốn chuyển nhà, vì phố cò lưu luyến, cũng không muốn chuyển... Người qua phố về chiều, bảo nhau đi nép vào hàng hiên, kẻo lũ cò “bậy” xuống vai, xuống đầu... Những ngày nắng, phân cò khô, trắng cả mặt đường nhựa..

Phố dài, cây cao, nên chiều thường tối sớm hơn những phố khác. Đàn cò, trong những năm chống Mỹ, thường là bom đạn, báo động, còi ở phía Nhà hát Lớn, không xa lắm rúc lên bất kể ngày đêm, khiến chúng bỏ đi tận đâu không rõ, không quay về nữa...

Phố giáp với Nhà máy rượu, nên thuở trước, qua ngã tư phố Lò Đúc - Nguyễn Công Trứ, hương rượu bay ra thơm lừng...

Ở gần cuối phố trước đây là cơ quan Tổng cục Lâm nghiệp, nhìn vào chỉ thấy sân, thấy cây mà không thấy nhà.

Nhà trong phố xưa thường chỉ là nhà một tầng, hai tầng, phía “cây đa, nhà bò” và đầu ô Đống Mác, nhà cửa càng lụp xụp hơn...

Nhà 95 Lò Đúc xưa kia là một villa khang trang, đối diện với Rạp chiếu bóng Mê Linh ở giữa phố, nay là một salon ô tô. Nơi đây con cháu dòng Họ Đỗ Xuân đã sinh sống nhiều năm trải qua nhiều cuộc thay đổi của lịch sử Thủ Đô. Phía sau nhà 95 là một khu đất rộng xưa kia là xí nghiệp giặt là, nay một chung cư cao tầng đã mọc lên, ở dưới tầng trệt là siêu thị Fivimart khá khang trang.


Ngày ấy

Bây giờ




Chụp tại trước và trong nhà 95 Lò Đúc - Hà Nội


Giờ đây phố đã có trường trung học cơ sở Lê Ngọc Hân khá khang trang... Nhiều công sở như Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, công ty cổ phần... cũng lên tầng, cùng các nhà hàng, cửa hiệu, tấp nập lắm!

Phía đầu ô Đống Mác, xưa còn lưu lại thành đất cũ, hồ ao và ruộng lúa, thì nay đã mở rộng thành phố nội đô, nhà cửa san sát, kéo dài lên đến tận phía cầu Vĩnh Tuy...

Tên cũ thời Pháp thuộc trước năm 1945, là đại lộ Armand Rousseau, nhưng dân chúng chẳng ai gọi cái tên mang tiếng nước ngoài này, mà chỉ quen gọi, quen nói với các nơi ở khắp đất Hà Thành là phố Lò Đúc.

Ngày nay mỗi lần từ xa trở về phố Lò Đúc thân yêu, chúng tôi không quên đi dưới hai hàng cây sao to lớn rợp bóng dâm, đến giữa phố thưởng thức món bún bò giò heo của Cụ Béo bán hàng ở phồ này có đến hàng chục năm hay ra đầu phố phía đi về chơ Hôm thưởng thức món phở bò Thìn nổi tiếng Hà Nội...



( Tham khảo thêm Internet )
Previous
Next Post »