Từ ngày 8 đến 15 tháng 5 (8 ngày 7 đêm) tôi theo nhóm bạn học cùng đại học đi du
lịch phượt Malaysia. Trong thời gian đó, chúng tôi thăm quan Kuala Lumpur 3 ngày, đi thăm thành phố cảng biển cổ Melaca 1 ngày và khám phá thành phố đảo
Penang 3 ngày. Bay từ sân bay Nội bài lúc 6:45 sáng ngày 8 nhưng mãi đến 16 giờ
chiều chúng tôi mới đặt chân đến khách sạn Citin Seacare tại phố Pudu vì bay
3,5 giờ + 2 giờ đi ô tô từ sân bay về nhà + 1 giờ chênh lệch so với giờ VN + xếp
hàng làm thủ tục nhập cảnh rất lâu. Sân bay quốc tế Kuala Lumpur nhỏ hơn sân
bay quốc tế Nội bài của VN và bị quá tải so với số lượng du khách. Ngay sau khi
nhận khách sạn, vẫy gọi taxi mãi không được, đoàn quyết định đi bộ đến tháp đôi
Petronas (theo sự chỉ đường của Google Map – cách khoảng 2 km), xem nhạc nước,
đứng ở cầu chụp ảnh cùng tháp đôi, dạo qua trung tâm mua sắm dưới chân tháp đôi
và ăn tối ở phố ẩm thực cách khách sạn khoảng 1 km theo hướng ngược lại.
Ngày thứ hai chúng tôi đi xe buýt công cộng (sáng đi tối về) đến thành phố cổ có cảng biển Melaka. Thành phố này chúng tôi ví như Hội an của VN. Tại đây chúng tôi xem bảo tàng thuyền biển, ăn trưa tại phố đi bộ và đi thuyền trên sông.
Ngày
thứ ba chúng tôi đi xe buýt hop on hop off vòng quanh Kuala Lumpur với giá 30
RM (Ring git Malaysian tương đương 180.000 đồng)/ 1 vé. Đây là loại xe buýt 2 tầng
đỗ tại tất cả 27 điểm để du khách thăm quan với tần suất 30 phút/ chuyến. Tuy
nhiên chúng tôi chỉ sử dụng xe này để dừng và thăm thú được 2 điểm gồm bảo tàng
lịch sử Malaysia và nhà thờ Hồi giáo là
hết thời gian.
Ngày thứ tư chúng tôi mua vé tàu điện ngầm đến thăm quan thành
phố Putrajaya cách thủ đô Kuala Lumpur 25 km. Phải nói là Kuala Lumpur có hệ thống
tàu điện ngầm phát triển, thiết kế 2 lần cửa, với hệ thống bán vé tự động tính
giá theo từng chặng giống hệt như ở Singapore. Putrajaya còn được gọi là thủ đô
mới vì được xây dựng để di dời toàn bộ bộ máy hành chính Nhà nước từ Thủ đô
Kuala Lumpur về nhằm giải quyết tình trạng quá tải cho thủ đô. Thành phố rất
rộng với cảnh quan hài hòa cùng sông hồ rộng tạo khoảng không thông thoáng và rất
nhiều tòa nhà kiến trúc đẹp, đa dạng. Hàng ngày có rất nhiều du khách đến thăm
quan Putrajaya nhưng số dân sinh sống tại đây còn lác đác. Điểm nhấn của thành phố là Quảng trường trung
tâm với kiến trúc Hồi giáo (Ấn độ) rất to rộng.
Chúng tôi dạo quanh quảng trường, đi thuyền trên sông ở bến kề sát quảng trường rồi ăn trưa hải sản cũng ngay gần bến sông. Sau đó trên đường đi xe buýt về bến tàu điện, chúng tôi dừng tại công viên bách thảo đi ô tô điện thăm vòng quanh công viên. Ngày thứ năm đoàn đi xe buýt liên tỉnh trong hơn 4 tiếng đồng hồ, xuyên qua con đường biển uốn lượn rất dài và đẹp để đến thành phố đảo Penang. Tại đây chúng tôi được thử nghiệm xe buýt không chỉ trang bị ghế bọc da, lát sàn gỗ tự nhiên mà mỗi chiếc ghế đều có chế độ massage từ đầu đến chân và có màn hình cho khách chọn xem hoặc làm việc, có ổ sạc điện.
Penang là thành phố đảo vừa có rừng, vừa có biển.
Biển ở đây phẳng lặng hầu như không có sóng nhưng lại có rất nhiều tảng đá to màu sáng tự nhiên tô điểm cho bờ biển.
Rừng ở Penang nói riêng, ở Malaysia nói chung là rừng rậm với nhiều tầng lớp nối nhau xanh ngát. Tại Penang, đoàn thuê một căn
hộ tầng 26 trong một tòa nhà cao 34 tầng theo hệ thống airbnb. Căn hộ không có ban công, thay vào đó cửa sổ kính mở rộng hết cỡ lấy nhiều ánh sáng vào nhà và tạo view nhìn toàn thành phố rất đẹp, nhất là về đêm.
Khách và chủ chỉ
giao dịch đặt phòng thanh toán online, đến nơi khách tự tìm hòm thư căn hộ ở sảnh
tầng 1, mở khóa theo mã số cho trước, lấy chìa khóa phòng, mở phòng sử dụng
trong 3 ngày rồi khi về khách tự dọn dẹp nhà cửa trả lại chìa khóa vào hòm thư. Vì ở căn hộ có đủ đồ dùng nên việc đầu tiên
sau khi nhận phòng là đoàn đi đến siêu thị trung tâm mua đồ ăn về tự nấu cho đủ
3 ngày.
Ngày thứ sáu đoàn đi xe buýt Hop on Hop Off vòng quanh Penang. Khác với ở thủ đô Kuala Lumpur, xe buýt Hop on Hop off ở Penang chỉ có 1 tầng với 17 điểm đỗ dừng, miễn phí hoàn toàn và tần suất có vẻ ngắn hơn vì thời gian chờ đợi ít hơn.
Toàn bộ ngày cuối cùng, đoàn đi công viên rừng quốc gia Penang với
chiều đi 45 phút bằng ô tô Grab. Điểm nhấn của công viên là bãi khỉ và bãi rùa. Bãi
rùa quá xa nên chúng tôi chọn bãi khỉ. Trong công viên, chúng tôi đi bộ 90 phút
xuyên qua rừng rậm đến bãi biển rất giống với biển ở Cù lao chàm – Quảng nam.
Du khách có thể nghỉ ngơi, tắm biển, ăn nhẹ tại đây. Cảnh biển đều đẹp nhưng lượng
khách ít nên hàng quán cũng ít và hầu như không có bếp nấu. Vì vậy, chúng tôi
chỉ ăn đồ mang đi chuẩn bị sẵn. Vừa ăn xong đã có mấy chú khỉ đến lục lọi thùng rác.
Ra
về bằng ca nô đến tận cửa rừng, may mắn
chúng tôi gặp xe buýt đi qua khách sạn có căn hộ thuê. Buối tối cuối cùng còn lại
chúng tôi đi shoping, gói ghém đồ đạc chuẩn bị về nước. 4 giờ sáng sớm ngày
15/5, 2 chiếc xe Grab 7 chỗ đưa đoàn ra sân bay quốc tế Penang để bay thẳng về
Hà nội. Khác với sân bay quốc tế Kuala Lumpur đã lâu đời đông khách, sân bay ở
Penang còn mới, sạch đẹp hơn, lượng du khách ít hơn nên thông thoáng hơn, thủ tục
xuất cảnh cũng nhanh gọn hơn. Nếu như bay từ HN đến Kuala Lumpur mất 4h30 phút
(vì cộng thêm 1 giờ chênh lệch) thì từ Penang về HN chỉ mất có 2h30 phút vì được
trừ đi 1 giờ chênh lệch và hình như Penang gần HN hơn Kuala Lumpur.
Chuyến đi phượt Malaysia đã để lại cho chúng tôi ấn tượng về một đất nước xinh đẹp, nhiều cây xanh rừng rậm khắp mọi nơi, các tòa nhà với kiến trúc đa dạng được phủ màu xanh của cây cối, người dân hiền hòa, nhiệt tình chỉ dẫn và giỏi anh ngữ, phương tiện di chuyển thuận tiện, đa dạng và rẻ (Grab gọi dễ và nhanh, nhưng taxi lại ít và khó gọi).
Tuy nhiên một vài điểm tối trong chuyến đi là vẫn còn hiện tượng giờ giấc
cao su (nhất là xe Hop on Hop off ở Kuala Lumpur), còn đây đó những người vô
gia cư nằm dài trên vỉa hè, và đi vào tháng Ramadan nên các quán ăn bản địa ít,
chúng tôi hầu như không được biết món ăn bản địa nào. Khách sạn và căn hộ cho thuê không có dép đi ở nhà, không có bàn chải, kem đánh răng, khăn mặt. Nước dùng ở căn hộ thuê tại Penang có mùi clo rất khó uống.
Dầu sao Malaysia cũng đủ hấp dẫn để hứa hẹn một
lần khám phá khác khi có điều kiện.