Cách ly không phải là phong tỏa

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng giải thích, Chỉ thị 16 của Thủ tướng có biện pháp cách ly toàn xã hội để chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp nhưng không phải là yêu cầu phong toả.
Trao đổi với PV sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị số 16 trưa ngày hôm nay, 31/3/2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin, những ngày qua các quyết định điều hành của Thủ tướng, Chính phủ tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh. Từ điều kiện thực tế,Chính phủ sẽ đưa ra các khuyến cáo, yêu cầu ở mức độ phù hợp. 

Cụ thể, về Chỉ thị 16 của Thủ tướng vừa ban hành về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng giải thích, Chỉ thị nhằm tiếp tục đưa ra các giải pháp mạnh để hạn chế tiếp xúc đông người, ngăn ngừa nguy cơ lây bệnh, nhưng chưa phải là lệnh cấm người dân ra đường.
“Không có chuyện phong toả. Các cửa hàng bán đồ thiết yếu vẫn hoạt động. Các nhà máy vẫn sản xuất nhưng phải có phương án bảo vệ công nhân, người lao động. Xe cá nhân vẫn đi từ Hà Nội về các tỉnh lân cận nhưng phải thật cần thiết, nếu không, người dân không nên rời khỏi nhà, nơi đang cư trú. Những nhu cầu đi lại này Chỉ thị không cấm, nhưng nên hết sức hạn chế” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Đây là một dự lệnh, những khuyến cáo, hạn chế, yêu cầu mà lãnh đạo Chính phủ đưa ra, chưa phải lệnh cấm.Chính phủ luôn chuẩn bị sẵn mọi phương ánđể khi tình hình dịch bệnh bùng phát sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền, báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước”.
Thực tế, đến thời điểm này, các nhà máy, phân xưởng vẫn hoạt động. Với khối cơ quan văn phòng, cơ quan hành chính Nhà nước, doanh nghiệpthì lãnh đạo Chính phủ khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức cho cán bộ làm việc tại nhà.
Ông Dũng cũng dẫn chứng, như Văn phòng Chính phủ, hiện đã quyết định cho 50% cán bộ với khoảng hơn 300 người làm việc ở nhà. Nhưng người bắt buộc đến công sở cũng phải đảm bảo ngồi cách nhau 2 m, khi ăn mỗi người một bàn.
Chỉ thị được ban hành trong bối cảnh, những ngày qua Chính phủ và các bộ ngành liên tiếp đưa ra khuyến cáo về việc không tập trung đông người, nhưng ở một số địa phương như Nha Trang vẫn còn tình trạng hàng nghìn người tập trung tắm biển bất chấp diễn biến phức tạp của dịch.
Vậy nên, với Chỉ thị 16, Thủ tướng giao trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị để giám sát và xử lý những hiện tượng này. Thủ trưởng cơ quan nào để đơn vị mình quản lý có người bị lây nhiễm Covid-19 do thả lỏng quản lý, để cán bộ đi tụ tập thì người đứng đầu đó phải chịu trách nhiệm.
Bởi với những nhà máy, công xưởng có hàng chục nghìn lao động, chỉ cần lơi lỏng, không kiểm sát tốt, để xảy ra 1 trường hợp lây nhiễm cũng phải đóng cửa ngay lập tức, tránh lây nhiễm chéo và lây lan ra cộng đồng.
Lý giải vì sao chưa ban hành lệnh phong tỏa khi dịch đang diễn biến phức tạp, ông Dũng nhấn mạnh Chính phủ vẫn đang kiểm soát được tình hình, vì vậy vẫn cần phải đảm bảo các vấn đề về sinh hoạt, về sản xuất, về kinh tế xã hội. Khi kiểm soát được thì không nên đóng cửa ngay lập tức, vì thực chất có những tỉnh chưa có dịch, hoặc có nhưng họ đã khoanh vùng và kiểm soát được rồi.
Về quyết định tạm đóng cửa biên giới Lào, Campuchia, người phát ngôn Chính phủ nhận định, do tình hình bên đó phức tạp hơn, người Việt Nam ở các nước này đang có xu hướng về nước, đường hàng không đã cấm nên họ về bằng đường bộ qua biên giới. Vì vậy, cần có giải pháp mạnh mẽ ở đây để có thể kiểm soát tốt tình hình.
Với yêu cầu không tụ tập trên 2 người ngoài công sở, bệnh viện, trường học và các nơi công cộng, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đó là thông điệp mạnh mẽ hơn so với cách đây 4 ngày khi yêu cầu không tụ tập trên 10 người. Điều này truyền đi thông điệp rằng mong mọi người dân nên ở nhà trong giai đoạn cao điểm, hạn chế đi ra ngoài, tụ tập đông người vì tình hình bây giờ đã khác 4 ngày trước.
“Nếu bỏ qua cơ hội này là mất thời cơ vàng, lúc đó tình hình sẽ phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều. Chính phủ hiểu rằng với những yêu cầu nêu trên, người dân, doanh nghiệp có thể sẽ khó khăn hoặc cảm thấy không thoải mái, nhưng mong tất cả chấp hành. Vì chống dịch phải có sự đồng thuận của tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương và đặc biệt có sự đồng thuận, chung sức của người dân”, Người phát ngôn Chính phủ chia sẻ.
Phạm Lê (Theo Dân TRI)

Ai nên xét nghiệm nhanh CoVid. 19?

Sáng 30/3, Hà Nội đã triển khai các điểm xét nghiệm nhanh CoVid 19 tại 4 quận gồm Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Thanh Oai. Theo bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, việc xét nghiệm sớm giúp nhanh chóng phát hiện những người đã mắc Covid-19, từ đó khoanh vùng và dập dịch hiệu quả. 

Tuy nhiên việc xét nghiệm nhanh này chưa được triển khai rộng, không xét nghiệm ồ ạt. "Những trường hợp có liên quan tới người dương tính và từng sử dụng dịch vụ của Bệnh viện Bạch Mai mới nên xét nghiệm. Những người chưa có nguy cơ và không nằm trong nhóm đối tượng nói trên không nên quá lo lắng, vội vàng tham gia xét nghiệm", bác sĩ Tuấn nói.
Bác sĩ Tuấn cũng cho biết cơ quan y tế sẽ rà soát và mời những người nằm trong diện phải xét nghiệm tới, đảm bảo không tập trung quá đông người và trả kết quả sau 10 phút.
Người dân khi tới xét nghiệm phải tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, đi theo đường một chiều, hạn chế tiếp xúc với người khác. Khi ra khỏi nhà, người dân phải đeo khẩu trang và sát khuẩn tay thường xuyên.
Phạm Lê sưu tầm


Hãy ở nhà

Cùng nhau thực hiện Qui định ở nhà Chống dịch bệnh Covid 19
Phạm Lê Sưu tầm

Chúc mừng Em…

Chúc mừng sinh nhật em - lửa ấm của gia đình mình; tuổi mới nhiều sức khoẻ, niềm vui và mọi việc thuận lợi như ý nhé.
Nguyễn Đức Minh

Lời kêu gọi của TBT, Chủ tịch nước.


Ngày 30.3.2020 Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước Chống dịch Covid.19.
 Phạm Lê

Mừng ngày sinh.

Mừng chị Tô Minh Thu, Phu nhân anh Nguyễn Đức Minh hôm nay tròn 44 tuổi (31.3.1976). Chúc sinh nhật vui vẻ, gia đình và sự nghiệp đều thăng tiến vượt bậc.
Blog gia đình cụ Quang

SINH NHẬT VTV3 TUỔI 24

Nơi gắn bó thanh xuân của tôi với những kỷ niệm đẹp và đầy tự hào.
Nguyễn Việt Hùng

49 ngày Bà Phi đi xa…

Hôm nay ngày 17 tháng 3 Canh Tý (30.3.2020) Bà đã xa chồng con, gia tộc nội ngoại được 49 ngày. Mong bà siêu thoát về sống với cậu, mợ, ông, bà và các cụ.
Các anh, chị,  em và các cháu nội ngoại không đến thắp hương được, mọi người rất áy náy vì dịch Covid 19. Ai cũng nhờ tôi nói với Bà, mọi người vẫn nhớ và thương tiếc Bà.
Cầu mong Bà siêu sinh tịnh độ
Phạm Vĩnh Ngọc

Ăn cơm thời Covid.19

Dịch Covid-19 đang cao trào. Chủ yếu ở nhà. Chỉ đi ra ngoài với những nhu cầu thiết yếu. Bà xã thường đi chợ một lần chuẩn bị thực phẩm cho cả tuần. Mùa Covid bản thân tôi cũng phải ăn uống đơn giản hơn để cho "hậu cần" đỡ vất vả. Đang cao trào dịch, có ăn là tốt rồi....🤣😎
Tôi chỉ đạp xe thể dục khoảng 40 phút vào lúc 6g30 sáng và ăn mặc như ninja...
Trưa nay ăn tạm món bún sườn+cà chua thôi...
Minh Lương

49 ngày Chị Phi


Bốn chín ngày Chị ra đi
Thế giới đảo lộn Co-vy hoành hành
Bao nhiêu kế hoạch tanh bành
"Cách ly xã hội" chấp hành phải theo 

Khắp nơi im lặng tiếng reo
Phải chăng cảnh cũng chiều theo lòng người
Hôm nay từ bốn phương trời
Ngồi nhà đều nghĩ đến người đi xa

Kỷ niệm quá khứ hiện ra
Ngày nào còn gặp, nay đà chia ly
Quy luật sinh ký tử quy
Suối vàng thanh thản khác chi thiên đình

Nay xin cáo lỗi gia đình
TÂM HƯƠNG xin thắp thể tình nhớ thương
Cầu mong Chị hết vấn vương
Nhanh được siêu thoát tựa nương Niết Bàn
Phạm Nhân

Ảnh kỉ niệm


Hôm nay 49 ngày Bà Ngô Thị Phi đi xa, nhớ lại ngày Bà cùng ông bà Di Chi và các vị hưu trí kết thúc chuyến đi nghỉ tại Tuần Châu, trên đường về Hà Nội đã ghé qua Ecopark chiều ngày 4.6.2019.
Phạm Lê

Lời khuyên cho lứa tuổi già

Muốn không dính Vid ở nhà ngồi yên
Không khỏe như tuổi thanh niên
Để tránh dính Vid ngồi yên trong nhà
Chăm mèo, trông cháu, đuổi gà
Cơm ăn nước uống trong nhà ngồi yên
Theo cầu thang xuống rồi lên
Hít thở xong, lại ngồi yên trong nhà
Tuổi trẻ từng đã xông pha
Bây giờ vì Vid - trong nhà ngồi yên
Tỏ lòng yêu nước thường xuyên
Người già cần phải ngồi yên trong nhà....
Tấn Lộc
Phạm Le sưu tầm

Câu chuyện nhỏ nhân ngày giỗ cụ Nguyễn Lam

Từ năm 1975 ngày chúng tôi có câu con trai Toàn Thắng,  tuy là cháu ngoại nhưng là cháu đầu nên ông rất quan tâm. Hàng ngày cứ đi làm về việc đầu tiên là ông nhìn mặt thằng cháu đang còn nằm trên cái nôi, như là lâu lắm không được gặp. 
Sau này khi cháu lớn lên tầm hai, ba tuổi có thể nói ông dành nhiều thời gian chơi với cháu. Đến giờ ăn cơm cháu ngồi trên chiếc ghế con ngay bên cạnh ăn cùng ông. Ngày đó có tiêu chuẩn hàng ngày được mua một chai 65ml sữa tươi.ông dành cho cháu phân nửa. Ngồi ăn cơm nhiều với ông thằng cháu đâm quen không ăn thịt mỡ, cũng thích ăn thịt nạc, lạc vừng…
Có lần Ông còn đem cháu đến cơ quan vào phòng làm việc, để cậu cháu chui xuống gầm bàn chơi. Ngày cháu  3 tháng tuổi Ông đã đích thân đưa cậu cháu ngoại đến Lãn Ông trình diện Ông nội - Cụ Quang. Hôm đó hai vị thông gia ngồi hàm huyên hồi lâu trong khí trời nóng nực không có điện. Tôi mượn được máy ảnh của anh bạn vừa đi NCS ở Tiệp Khắc về kịp ghi lại được hình ảnh quí giá này.
Hôm nay là ngày giỗ lần thứ 30 Cụ Nguyễn Lam vì thời trống dịch gia đình không tụ họp như mọi năm, bà xã chuẩn bị đĩa sôi, hoa quả còn tôi viết vài dòng như thế thay cho nén hương tưởng nhớ người đã  khuất.
Phạm Lê  

Đoàn kết chung tay chống dịch


Chúng ta hãy là những người dân yêu nước, hãy đoàn kết cùng nhau thực hiện nghiêm túc các quy định của chính phủ góp phần chiến đấu chống giặc OVID 19 đến toàn thắng. Việt nam ơi hãy cố lên! . Việt nam nhất đinh thắng!.
Nguyên Lan

Cũng chỉ là vui…

Tham khảo lịch ở nhà không ra đường mùa Dịch bệnh…
Phạm Lê sưu tầm

'Quyết tâm của Chính Phủ…

"Nếu chúng ta thực hiện nghiêm các chỉ đạo thì chắc chắn sẽ thành công như giai đoạn 1 và phải quyết tâm để không có đến 1.000 ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đan đã nói như thế trong cuộc họp Ban chỉ đạo TƯ phòng chống Dịch bệnh Covid 19 khi có dự doán Việt Nam sẽ đạt con số 1000 người mắc Covit vào ngày 31.3 tới. .
Phân tích về diễn biến dịch bệnh trên thế giới, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết theo thống kê trên thế giới, từ mốc 100 ca nhiễm Covid-19 lên 1.000 ca sẽ diễn ra trong 9 ngày, riêng Nhật kéo đến 28 ngày.
Với Việt Nam, ngày 22/3 đã đạt mốc 100 ca nhiễm Covid-19 mới (không tính 16 ca ban đầu đã được chữa khỏi). Vì vậy, nếu theo quy luật của thế giới, đến khoảng hết ngày 31/3, Việt Nam có khả năng đạt 1.000 ca nhiễm Covid-19.
“Nhưng tôi khẳng định Việt Nam sẽ không đạt 1.000 ca nhiễm như trên thế giới, bởi Việt Nam đã có nhiều giải pháp và đến nay, các giải pháp đó là rất hiệu quả”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Để quyết tâm của Chính phủ thành hiện thực chúng ta hãy thực hiện nghiêm chỉnh những qui đình từ 0h ngày 28.3 đến 15.4.
Phạm Lê sưu tầm

Chỉ thị của Thủ tướng…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 15/CT-TTg yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19.
Chỉ thị nêu rõ về diễn biến dịch Covid-19 trong tháng 3 rất khó lường, trên phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, trong tháng 2 chỉ có 16 ca mắc, nhưng chỉ trong vòng 20 ngày (từ ngày 6/3 đến 26/3) đã có 137 ca mắc mới tại 23 tỉnh, thành phố, gấp trên 8,5 lần số ca mắc trước đó, đưa tổng số ca mắc lên 153 ca.
Đã có hiện tượng lây nhiễm đối với cán bộ y tế, xuất hiện lây nhiễm trong cộng đồng, nhất là tại một số thành phố lớn, gây lo lắng trong nhân dân. Việt Nam đã bước vào giai đoạn cao điểm có ý nghĩa quyết định trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Từ Oh ngày 28.3, chúng ta chú ý những quy định sau của Bộ Y tế nơi công cộng đảm bảo khoảng cách 2m, không tụ tập đông người (quá 10 ngoài và 20 người trong cơ quan công sở), hạn chế di chuyển giữa các địa phương, ở nhà nhiều nhất có thể, đeo khẩu trang khi ra đường , đóng cửa các cửa hàng dịch vụ không cấp bách, thông tin trung thực về bệnh tật cho cơ quan y tế (Chi tiết xem trên các báo đài TV)
Phạm Lê

Chấn chỉnh đưa tin vi phạm pháp luật

DÂN TRÍ Từ ngày 25/3/2020, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã tiến hành mời làm việc với Đ.N.Q. (trú tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), là “KOL” nổi tiếng trên mạng xã hội Facebook để làm rõ về hành vi đăng thông tin vi phạm pháp luật.
 Cụ thể, từ tháng 2/2012 đến nay, Facebook “Đ.N.Q” đã đăng tải gần 300 bài viết liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19 tại nhiều địa phương trên cả nước, do tin thường được đưa sớm hơn thông tin công bố chính thức của Bộ Y tế và trung bình mỗi bài viết có từ vài trăm đến hàng nghìn lượt thích, chia sẻ, bình luận đã trở thành “điểm nóng”, nguồn phát tán thông tin thất thiệt thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trên mạng xã hội thời gian qua.
Qua đấu tranh, Đ.N.Q. khai nhận đã thu thập thông tin “nóng” về tình hình dịch bệnh Covid - 19 từ nhiều nguồn chưa được kiểm chứng. Sau đó, chỉnh sửa lồng ghép quan điểm cá nhân tạo thành tin thất thiệt.
 "Một số bài viết kèm theo hình ảnh văn bản của cơ quan chức năng khi chưa được công bố chính thức về thông tin người nhiễm Covid-19 hoặc cần đưa vào diện cách ly làm ảnh hưởng đến công tác chủ động phòng chống dịch bệnh tại một số địa phương, khiến người dân hoang mang phải sơ tán, chuyển chỗ ở, tích trữ lương thực gây mất an ninh trật tự" - Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết.
 Đ.N.Q. đã buộc phải gỡ bỏ 216 bài viết với nội dung thông tin chưa được kiểm chứng và bài viết có chứa bình luận với nội dung xuyên tạc, đưa tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh Covid - 19 tại Việt Nam.
 Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đang khẩn trương củng cố tài liệu để xử lý nghiêm hành vi vi phạm của Đ.N.Q. và những người có liên quan; đồng thời, tiếp tục phối hợp công an các đơn vị, địa phương và cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp đăng tải tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội.
 Nguyễn Dương
Phạm Lê sưu tầm

Ngày này năm xưa…

Ngày này năm xưa, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân nhận lời mời của Nhà Vua và Hoàng Hậu Nhật Bản, thăm cấp Nhà nước tại Nhật Bản.
Ảnh chụp khi Chủ tịch nước và Phu nhân vào thăm Đại sứ quán nước ta tại Tokyo.
Nguyễn Đức Minh
(Tác giả thứ 4 trong hình từ phải qua trái, hàng hai từ dưới lên)

Khu phố tôi sáng nay


Kể từ tối hôm kia Quận Hai Bà Trưng cấm các hàng ăn uống, quán nước vỉa hè mở cửa theo lệnh của Thành phố. Ngày hôm qua các quán này còn lẻ tẻ bán vì lý do đã chuẩn bị hàng rồi. Còn hôm nay các cửa hàng trong diện cấm đã thực hiện nghiêm chỉnh.
Khoảng 6g30 sáng nay tôi đi bộ quanh khu phố và làm phóng viên không chuyên phản ánh một số phóng sự ảnh về việc thực hiện chỉ thị của Thành phố để chống dịch covid-19 đang lên cao trào..
Ngô Minh Lương

Chỉ là cho vui một tý

Hôm rồi đọc tin trên mạng ở nước nào đó quên tên ối người phải cấp cứu vì rủ nhau uống rượu để phòng bệnh Covit 19. 
Kết quả chẳng thấy đâu chỉ thấy vào Viện tý nữa suýt chết. Sau đợt này có lẽ cạch đến già không dám uống rượu nữa.
Nhưng lại có cách bỏ rượu rất hữu hiệu, nôm na chỉ ở hai chữ “sợ vợ”. Thế mà thành công.
Phạm Lê

Nhận nhiệm vụ mới

Báo điện tử Chính Phủ đưa tin: "Sáng 25.3.2020 tại Bộ Ngoại Giao, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn đã trao quyết định cho ông Phạm Toàn Thắng, nguyên Tham tán Công sứ - người thứ Hai Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan, hết nhiệm kỳ về nước, giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ châu Âu".
Phạm Lê

Nhịp sống thời Covi

Cập nhật tình hình là rất tình hình ợ: sáng vợ chồng già dắt nhau lên sân thượng tập thể dục, ngắm nghía cây cối, ăn sáng + trưa (tiết kiệm đc ối). Chồng vật mấy trăm em đồng hồ ra bảo dưỡng (mà lão khéo tay thật).
Còn em thì có vất vả hơn chút vì phải chăm lo mấy hec xì ta cây cối hoa mầu (trên sân thượng) phòng khi đói kém. Lưng chiều ăn cơm trưa theo giờ châu âu, lướt fb cập nhật tin tức, oánh giấc dậy lại dắt nhau lên sân tập thể dục, làm ấm trà, tối ăn nhẹ rùi lại lên sân tập nhẹ hóng gió.
Túm lại là thời côvy nên vợ chồng em sống theo tốc độ ốc sên (tút này nhằm quảng cáo bán lén đồng hồ của chồng lấy xiền sống qua thời khó khăn ợ)
Nguyễn Thị Thúy

Kỉ niệm ngày thành lập Đoàn TNVN

Hôm nay ngày kỉ niệm 99 năm ngày thành lập Đoàn TN 26.3, tình cờ cũng là may mắn chúng tôi trong khi dọn nhà tìm được tấm ảnh Cụ thông gia Nguyễn  Lam đưa cháu Toàn Thắng 3 tháng tuổi đến Lãn Ông trình diện Ông nội và đàm đạo với Cụ Quang.
Bức ảnh này do chính tay tôi chụp vào khoảng 8.1975, máy ảnh mượn của một người quen vừa đi NCS ở Tiệp Khắc về. (*)
Phạm Lê
(*) và một bức ảnh nữa hai cụ Đỗ Long Giang và cụ Ngoại chụp cùng cháu TT.

Đến ảnh cũng là giả...

Trên mạng lan truyền bức ảnh vị bác sỹ người Indonesia tên là Hadio Ali về nhà chỉ dám đứng nhìn vợ con từ ngoài cổng vì sợ lây nhiễm Virus. Nhưng không ngờ đó là lần gặp cuối cùng vì mấy hôm sau ông qua đời do bị nhiễm COVID-19. 
Bức ảnh đã lấy đi nước mắt của nhiều cư dân mạng. Nhưng sự thật câu chuyện lại hoàn toàn trái ngược. Hôm 22/3 vừa qua, Hiệp hội bác sĩ Indonesia (IDI) xác nhận đã có 6 bác sĩ qua đời trong quá trình cứu chữa người bệnh nhiễm COVID-19, trong đó có bác sỹ Hadio Ali Hadio Ali làm việc tại Bệnh viện Premier Bintaro, tỉnh Banten, Indonesia..
Theo truyền thông Indonesia người đàn ông trong bức ảnh trên không phải bác sĩ Hadio Ali mà là một bác sĩ người Malaysia. Ngay sau đó anh Anh Ahmad Effendy Zailanudin tác giả bức ảnh này cho biết, người đàn ông trong bức ảnh là anh họ của anh, cũng là một bác sĩ tại Malaysia. Do có việc đi qua nhà, người anh họ này đã đứng ngoài cổng nhìn các con vì sợ lây nhiễm virus. Anh ấy cũng là một bác sĩ đang chiến đấu với dịch COVID-19 nhưng hiện tại sức khỏe hoàn toàn khỏe mạnh. Anh nói "Tôi xác nhận người đàn ông trong bức ảnh là anh họ của tôi, không phải bác sĩ Hadio Ali đã qua đời tại Indonesia. Tôi mong mọi người hãy kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ bất kỳ điều gì", anh Ahmad Effendy Zailanudin nhấn mạnh.
Bức ảnh được anh Ahmad Effendy Zailanudin đăng tải lên trang Facebook cá nhân của mình vào tối hôm 21/3, nhưng đã bị một số người copy rồi lan truyền với câu chuyện không đúng sự thật. 
Trong khi đang chống Dịch bệnh Virus có rất nhiều thông tin sai lệch, thâm chí giả vì nhiều mục đích, vì vậy chúng ta cần tỉnh táo cân nhắc khi đọc, lan truyền các tin tức trên mạng.
Phạm Lê (sưu tầm) 

Nhớ lại 7 năm trước…

Cách đây 7 năm từ 18 đến 22.3.2013 các vị hưu trí chi họ đã có chuyến du ngoạn ấn tượng “Qua miền Tây Bắc” tới Mộc Châu, Sơn La, Điện Biên Phủ, Sapa.
Bức ảnh trên chụp bốn ông Di, Ngọc, Thắng, Tiến tại điểm dừng chân Mường Lay trên đường tới Điện Biên Phủ.
Phạm Lê

Chống dịch bệnh ở Úc…


Từ hôm nay, lần đầu tiên trong lịch sử nước Úc, chính phủ Úc đã thông báo sẽ giới hạn rất nhiều các hoạt động thường ngày của người dân như không được tổ chức sinh nhật lớn (ví dụ sinh nhật tròn 1 tuổi), khách đến thăm gia đình, các bữa ăn của các đại gia đình. 
Ngoài ra, còn có các quy định rất cụ thể ví dụ đám cưới chỉ được giới hạn không quá 5 người có mặt tại hôn lễ (bao gồm cả cô dâu và chú rể), đám tang không quá 10 người tham dự 😥. Hy vọng Việt Nam mình sẽ đẩy lùi dịch nhanh để người dân không phải bị hạn chế như vậy!
Tô Minh Hương

Chúc mưng Sinh Nhật

Chúc mừng cháu Phan Thế Minh trưởng nam nhà Thắng Trang hôm nay tròn 13 tuổi (25.3.2007). Chúc chăm ngoan, học giỏi, thực hiện tốt phòng tránh dịch bệnh tại nước Anh.
Blog gia đình cụ Quang

Mừng bà Lan

Mừng bà Phạm Kim Lan Phu nhân ông Nguyễn Xuân Nguyên hôm nay thêm một tuổi mới (24.3.1943). Chúc sinh nhật vui vẻ, sức khỏe ổn định, mọi sự an lành vui cùng con cháu, họ hàng bạn hữu gần xa.
Blog gia đình Cụ Quang

Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay 23.3.2020 về tình hình dịch bệnh Covid-19 và các giải pháp, phương án để phòng, chống dịch của Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: “Bằng nhiều biện pháp cụ thể, đến nay, về cơ bản Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh”.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trên thế giới, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường. Các chuyên gia đánh giá nguyên nhân dịch Covid-19 lây lan nhanh và tử vong nhiều ở một số nơi là do không khống chế được ngay từ đầu, tới khi có nhiều người mắc thì quá tải. Việc điều trị đến nay chưa có thuốc đặc hiệu và phác đồ điều trị chuẩn. Việc nghiên cứu vaccine rất khẩn trương, tuy nhiên, để có thể đưa vaccine vào sử dụng phải mất tối thiểu một năm.
Đặc biệt, do sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội nên tình trạng khủng hoảng tâm lý xã hội; khủng hoảng trang thiết bị, vật tư y tế liên quan đến chống dịch trong đó có khẩu trang, kit thử, máy thở… diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Bên cạnh đó, tất cả các quốc gia đều phải đứng trước sự tính toán, cân nhắc giữa việc ưu tiên các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là kiểm soát, hạn chế giao lưu với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại trong thời kỳ toàn cầu hóa.
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, chúng ta có cơ sở để tin tưởng sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh, không để dịch bệnh lan rộng, hạn chế tối thiểu người tử vong.
Phạm Lê sưu tầm

Khuyến cáo của Bộ Ye tế


Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có công văn hoả tốc về việc đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 gửi các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các cơ sở bán lẻ thuốc trên toàn quốc. 

Theo phản ánh của một số phương tiện thông tin đại chúng, giá thuốc điều trị sốt rét chứa chloroquin/hydroxychloroquin tăng cao do người dân tự ý đi mua thuốc khi có thông tin thuốc trên được sử dụng để dự phòng, điều trị COVID-19.
Ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết việc người dân tự ý mua thuốc chứa hoạt chất chloroquin/hydroxychloroquin để điều trị, dự phòng COVID-19 có thể gây nguy hiểm đến tính mạng do thuốc có một số tác dụng phụ nghiêm trọng.
Các thuốc chứa hoạt chất chloroquin/hydroxychloroquin là thuốc kê đơn chỉ được sử dụng khi có chỉ định, theo dõi và hướng dẫn của thầy thuốc để phòng ngừa hoặc điều trị sốt rét cấp tính, diệt amíp ngoài ruột, điều trị viêm đa khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, phản ứng dị ứng với ánh sáng (da nhạy cảm với ánh sáng), chưa có chỉ định để điều trị COVID-19 do Bộ Y tế phê duyệt.
"Vì vậy, người dân tuyệt đối không mua, tích trữ và sử dụng để điều trị, dự phòng COVID-19" - ông Đạt khẳng định.
Phạm Lê sưu tầm

Ảnh đẹp giữa mùa Dịch…


Ngắm nhỉn một bức ảnh đẹp nhà Lan NGuyên quên đi Mùa Dịch Covit 19 đang hoành hành...
Phạm Lê

Lắng nghe lời khuyên của chuyên gia

PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khẳng định, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 hiện nay, việc mỗi người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh là quan trọng nhất, bởi chính quyền và ngành y tế đang làm hết trách nhiệm của mình để chống dịch nhưng nếu không có sự tham gia của người dân thì công tác kiểm soát dịch sẽ rất khó khăn.
Cũng theo chuyên gia này, có 3 điều mà người dân cần thực hiện ngay lúc này để đảm bảo an toàn của bản thân, cũng như chung sức với nhà nước trong công cuộc dập dịch: 
Khi người Việt Nam ở nước ngoài nhập cảnh về phải khai báo thật trung thực những nơi mình đi qua. “Vừa qua có những trường hợp đã đi qua Ý mà lúc về không chịu khai báo, trong khi Ý là vùng tâm dịch. Trong trường hợp quá cảnh sang nước thứ 3 thì rất khó để biết được, thậm chí khi dịch từ những nguồn này lây lan trong cộng đồng cũng rất khó khăn để xác định, để kiểm soát. Như thực tế, những ca bệnh ở Việt Nam gần đây đều là người đi từ nước ngoài về”.
PGS.TS Trần Đắc Phu chia sẻ thêm: “Vừa qua có nhiều khu dân cư khi có người đi nước ngoài về là người dân ở đó báo cáo ngay, tôi thấy đó là cái hay, là điều tốt cho công cuộc chống dịch hiện tại”.
Không được chủ quan khi có triệu chứng bệnh. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, vấn đề quan trọng tiếp theo mà người dân cần tuyệt đối tuân thủ chính là khai báo tình trạng sức khỏe, khi có những triệu chứng khả nghi. “Khi có những triệu chứng giống viêm phổi cấp như sốt, ho, khó thở là phải đến ngay cơ sở y tế, liên hệ với cán bộ y tế để giải quyết ngay. Đồng thời, hãy khai báo thông qua hệ thống khai báo y tế toàn dân, để cơ quan quản lý được biết, đây là điều rất quan trọng”.
Chủ động phòng bệnh: Không nên quá lo lắng nhưng phải biết cách. PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định rằng, về các biện pháp phòng bệnh dù chúng ta đã nói nhiều nhưng phải biết cách hơn, phải hiểu hơn về nguyên tắc phòng bệnh. Thực tế là nhiều người dân đã làm nhưng làm không chuẩn.
“Chúng ta phải hiểu Covid-19 có thể lây lan trực tiếp ở phạm vi gần là tiếp xúc trong vòng 2 mét, nghĩa là chúng ta phải giao tiếp với người bệnh trong phạm vi này để lây qua giọt dịch cơ thể. Cách lây lan thứ 2 là khi các giọt dịch người bệnh rơi xuống bề mặt như nắm cửa, cầu thang… tay ta sờ vào rồi đưa lên mũi, miệng, mắt thì sẽ bị lây” - Ông phân tích – “Như vậy làm sao cắt được 2 nguồn lây ấy thì sẽ an toàn”.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, nhiều người đang hoang mang quá về Covid-19. Ông cũng lấy ví dụ về trường hợp ca bệnh ở phố Núi Trúc, sau khi được công bố, nhiều người đã thể hiện sự lo sợ thái quá với cách nghĩ: Chỉ cần đi qua phố Núi Trúc là đã có thể bị nhiễm bệnh.
Trước vấn đề nhiều người dân sống sống ở căn hộ chung cư tỏ ra hoang mang khi trong tòa nhà có người nghi nhiễm Covid-19, PGS.TS Trần Đắc Phu chỉ ra các nguyên tắc phòng bệnh hiệu quả trong trường hợp này: “Người nghi nhiễm đã tự tuân thủ cách ly trong không gian sống của họ, về phần mình cũng không đến căn hộ có người nghi nhiễm. Bên cạnh đó, cần phân tích xem mình có giao tiếp chung cái gì với người ta không như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, nút nhấn cầu thang máy…để áp dụng các biện pháp hạn chế tiếp xúc và rửa tay bằng xà phòng, dung dịch diệt khuẩn như đã khuyến cáo”. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, việc lau, khử khuẩn các bề mặt nguy cơ cao điển hình là tay nắm cửa là vô cùng quan trọng để phòng ngừa lây nhiễm.

Cách đeo khẩu trang cũng là một vấn đề mà PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định nhiều người dân đang thực hiện sai. Chuyên gia này chỉ rõ: “Về nguyên tắc, khẩu trang vải thì cần giặt sạch mới đeo lại, khẩu trang y tế thì chỉ dùng một lần, nhiều người cứ mang đi mang lại, còn có thói quen sờ vào mặt ngoài khẩu trang rồi đưa lên mặt thì càng nguy hiểm hơn”.
Chuyên gia này khuyến cáo rằng, khi từ nơi công cộng trở về nhà, phải rửa tay trước sau đó mới thực hiện tháo khẩu trang đúng cách (cầm vào phần quai đeo rồi tháo ra), thực hiện sai thứ tự này sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Phạm Lê sưu tầm

Lời thề Hippocrates - lên đường!

Trước sự biến đổi không ngừng, khó dự báo của đại dịch Covid 19, không chỉ có 100 sinh viên Y khoa TRường ĐHYK Hà Nội tình nguyện lên đường “ra tiền tuyến” mà hàng ngàn sinh viên khác luôn sẵn sàng lên tuyến đầu chống dịch.
“Lợi thế của các sinh viên của chúng tôi là có trình độ ngoại ngữ cao nên dễ dàng giao tiếp với người nước ngoài. Điều này đã được CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh) Hà Nội đánh giá rất cao. Trên tất cả, chúng tôi vẫn đặt sự an toàn của sinh viên lên hàng đầu. Các sinh viên tham gia đều đã được đào tạo bài bản. Thêm vào đó, trước khi lên đường cũng đã được tập huấn bởi nhà trường và sau đó là CDC Hà Nội". GS. Văn nói.


Việc các em sẵn sàng lên tuyến đầu không chỉ thể hiện tinh thần của lời thề Hippocrates mà còn góp phần rất lớn cho công cuộc phòng chống dịch hiện nay cũng như tôi luyện tinh thần, ý chí cho các em.
Về chuyên môn, GS.TS Lê Thị Hương nói: "Các sinh viên Y học dự phòng và Y tế công cộng trong suốt thời gian 4-6 năm được đào tạo tại trường, đã được trang bị cho mình những kiến thức về chống dịch và đây cũng là lực lượng có chuyên ngành phù hợp nhất với công tác này.
Thêm vào đó, ngay ngày thứ 2 đi học lại sau Tết, chúng tôi đã bắt đầu tập huấn cho các sinh viên về các kỹ năng cần thiết để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, buổi tập huấn có sự tham gia của CDC Hà Nội và chuyên gia WHO".
Cũng cần nói thêm, trong khi tất cả các trường đại học trên toàn quốc đều cho sinh viên nghỉ, riêng Đại học Y Hà Nội, việc đi học vẫn diễn ra bình thường.
Với sự cảm phục, xin mượn lời GS.TS Tạ Thành Văn cho bài viết: "Khi đất nước có dịch bệnh lây lan, bản thân trường Đại học Y Hà Nội có nghĩa vụ cùng tham gia vào công tác chống dịch, đó là nghĩa vụ và lời thề với nghề y".
Vâng, “đó là nghĩa vụ và lời thề với nghề Y”.
Họ luôn xứng đáng khi được gọi bằng “thầy” đầy trân trọng: “Thầy thuốc”!
Theo Bùi Hoàng Tám
Phạm Lê sưu tầm