Trừ 2 ngày đi đường, còn lại 4 ngày chia ra 2 ngày ở Jacarta (xưa gọi là Java), 2 ngày ở Bandung – một thành phố phía tây Java. Đoàn có 22 thành viên gồm đại diện các phòng ban, khoa, trung tâm của trường. Mục đích chuyến đi chủ yếu học hỏi các trường bạn, kết hợp thăm quan các danh thắng ở những nơi chúng tôi đi qua.
Tiếp chúng tôi là tổ chức Seamolec – hiệp hội các trường đại học Mở khu vực Đông Nam Á, có trụ sở trong khuôn viên trường Đại học Terbuka.
Trong 4 ngày ở đó, ngoài tham dự hội thảo về SeaEdunet, E-learning và Mobile game study, chúng tôi được đi thăm 4 trường gồm 2 trường đại học và 2 trường dạy nghề, lên núi xem miệng núi lửa, đi ra biển, xem biểu diễn ca múa nhạc dân tộc và mua sắm.
Qua đó, cũng thu lượm, khám phá ra ít nhiều nét tương đồng với Việt nam. Mặc dù cách nhau 4 tiếng đồng hồ bay, nhưng múi giờ ở VN hoàn tòan trùng khít với giờ của Inđônêxia. Thời tiết ở Inđônêxia cũng "hot" như ở VN. Về giao thông, ở Inđônêxia cũng chưa có tàu điện ngầm và hay tắc đường.
Mạng điện thoại của Inđônêxia cũng tương tự như mạng điện thoại của VN, nên khi sang đó cái máy cũ của tôi vẫn sài , gọi về VN và ngược lại được, trong khi đó nếu ở Nhật thì phải có máy tương thích 3 G mới được.
Về ẩm thực, các món ăn chính làm từ gạo, nhưng rất cay, mặn và hơi ngọt (giống ở miền nam VN). Tuy nhiên, người Indo ăn bốc chứ không dùng đũa như người Việt. Bánh ngọt thường làm từ bột gạo, bột sắn tương tự như bánh Su sê của ta.
Con người Inđônêxia cũng thân thiện như người mình . Họ rất chu đáo, nhiệt tình và có trách nhiệm trong đón tiếp và thực tế, cụ thể trong phương pháp làm việc. Họ nói tiếng Anh cũng không dễ nghe lắm, như người VN.
Với số dân 200 triệu người, đứng thứ tư trên thế giới ,Inđônêxia là đất nước có nhiều người theo đạo Hồi nhất thế giới. Mỗi ngày, họ cầu nguyện 2 lần vào buổi sáng và buổi tối. Tại các công sở cũng như nhà riêng, đều có buồng dành riêng cho cầu nguyện. Khi cầu nguyện, người ta quỳ trên tấm thảm hướng về một phía (tôi không nhớ là hướng nào) ,được đánh dấu bằng mũi tên trên trần nhà. Trong nhà hoặc khi đi bộ, tập thể dục, người Inđônêxia thường hay đi chân đất. Phụ nữ Inđônêxia thường ăn mặc kín đáo. Mùa hè, nóng như vậy mà nhiều người vẫn trùm khăn kín đầu và cổ. Tuy nhiên, tôi không thấy ai trùm kín mặt cả.
Âm nhạc truyền thống của Inđônêxia nghe giống nhạc Ấn độ, các điệu múa thì giống Chăm pa. Các nhạc cụ truyền thống chủ yếu làm từ tre ,tương tự như đàn tơ rưng của VN.
Siêu thị Inđônêxia có phần to, rộng hơn và không phải gửi túi khi vào và không bị theo dõi khi lựa chọn mua sắm. Đồng Rupi của Inđônêxia có giá trị gấp đồng VN khoảng 1,8 lần. Thủ đô Jacarta có khoảng 13 – 14 triệu dân – cũng là thành phố đứng thử tư – thứ năm trên thế giới về đông dân. Đất nước Inđônêxia cũng có nhiều dân tộc chung sống, tôi nghe hướng dẫn viên nói rằng phải dùng tới 500 thứ tiếng để giao tiếp (không hiểu họ nhầm, hay tôi nghe nhầm !!!). Tiếng Inđônêxia đã được Latinh hóa, có nhiều từ gốc Anh, đa âm, có ít nguyên âm (a, u, i, y, e), thường một phụ âm đi kèm với một nguyên âm, viết thế nào đọc thế ấy, không có dấu như tiếng việt. Trên góc độ này, tiếng Inđô có nhiều nét tương đồng với tiếng Nhật.
Tóm lại, Inđônêxia có nhiều nét tương đồng với VN và nhìn chung vẫn là một đất nước phát triển hơn so với VN.
Lê Hồng Phương
(Ảnh từ trên xuống: A1.Công viên Monas ở Jacarta với biểu tượng bó đuốc cao 142m . A2.Biển Jacarta ô nhiễm không tắm được. A3.Một cửa hàng có các con thú cuốn bằng dây thừng. A4.Trước cửa rường ĐH Ban Đung, nơi Bác Hồ cùng Tống thống Xucacnô đã đến thăm vào năm 1959. A5.ảnh cuối: xem một tiết mục múa dân tộc.)