Một tin quá vui giữa bộn bề lo lắng vì Covid-19

Đây được cho là “thời khắc lịch sử” của quan hệ Châu Âu - Việt Nam, mở ra một chương mới về tăng cường thương mại và đầu tư giữa hai phía. Đặc biệt, trong bối cảnh mà xuất khẩu và kinh tế của Việt Nam đã bị ảnh hưởng do virus Corona, sự kiện này càng thêm ý nghĩa.
Và như vậy, về cơ bản, EVFTA sẽ chỉ cần một bước tiếp theo và bước cuối cùng mang tính thủ tục pháp lý, đó là chờ Quốc hội Việt Nam thông qua để đi vào hiệu lực.
Khi đó, EVFTA lập tức sẽ xóa bỏ gần 99% các dòng thuế và rào cản thương mại giữa Việt Nam và EU. Hai phần ba (tương đương khoảng 65%) giá trị hàng hóa xuất khẩu từ EU và 71% hàng xuất khẩu từ Việt Nam sẽ được tự do hóa ngay tại thời điểm nói trên.
Những dòng thuế còn lại sẽ được bãi bỏ theo lộ trình 10 năm tới. EVFTA cũng bao gồm các quy định quan trọng về bảo vệ môi trường và quyền lao động, giúp Việt Nam hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Đúng như ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận xét: “Bên cạnh những thách thức hiện hữu vẫn có những cơ hội vàng đang mở ra. Tác động kép của cả COVID-19 và EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy những nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc không gian thị trường của nền kinh tế Việt Nam theo hướng tăng cường tính tự chủ, giảm lệ thuộc vào các thị trường bên cạnh và nâng cấp Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu”.
Trong khi các nhà xuất khẩu của chúng ta “đau đầu” vì sự ách tắc do vấn đề dịch bệnh tại thị trường Trung Quốc thì EVFTA giống như một cửa sáng mới đang mở.
Bởi như chúng ta đã biết, EU là một trong số những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch năm 2019 đạt 41,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD.
Tuy nhiên, cơ hội nào cũng đi kèm thách thức. Không phải bỗng dưng mà EVFTA được coi là một hiệp định thương mại tự do “kiểu mới”, có “chất lượng cao” và cũng có những lý do nhất định mà phải mất rất nhiều thời gian để các bên qua nhiều vòng đám phán, “đấu trí” căng thẳng mới đi đến được thoả thuận cuối cùng.
Lợi ích của EVFTA và EVIPA không chỉ nằm ở vấn đề thuế quan mà như đã nói, còn nằm ở những vấn đề khác như cải cách môi trường kinh doanh đầu tư, hoàn thiện thể chế - lợi ích mà cũng chính là thử thách vậy!
Trong buổi họp báo đầu tiên công bố về sự kiện, Bộ trưởng Công Thương đã nhấn mạnh: “Chúng ta không thể chỉ hứa suông và ngụy biện để có được hai hiệp định này”.
Câu nói này của người đứng đầu ngành công thương thực sự rất đáng lưu ý. Theo đó, vấn đề còn lại chính là nằm ở khâu thực hiện. Phải có một sự rà soát, thống nhất trong hành động từ trên xuống, từ cơ quan nhà nước cho đến doanh nghiệp, người dân… Chúng ta sẽ phải minh bạch hơn, sòng phẳng hơn và năng lực cũng càng phải được nâng lên hơn nữa mới đáp ứng được những yêu cầu mà phía đối tác đưa ra.
Trong quá trình cố gắng để đáp ứng những tiêu chuẩn mới đó, điều chắc chắn, chúng ta sẽ mạnh hơn. Chẳng phải sự chiến thắng vinh quang nhất là chiến thắng chính mình hay sao?
Theo Bích Diệp
Phạm Lê (sưu tầm)

Previous
Next Post »