Đọc báo sớm nay

Chống dịch thời 4.0: Sự hoảng loạn quá mức đôi khi mới là thứ đáng sợ nhất
“Kẻ thù” của những chiến binh áo trắng đương nhiên là con virus quái ác, nhưng các bác sĩ còn phải đối mặt với những áp lực còn lớn hơn thế nữa. Không thể phủ nhận đóng góp to lớn của internet trong việc giúp cập nhật, tuyên truyền kịp thời các thông tin về dịch bệnh viêm phổi lạ do virus corona đến với cộng đồng. Tuy nhiên, với phần đa người dân vẫn còn quá dễ dãi trong việc tiếp nhận thông tin, trong khi tin giả lại đang được kẻ xấu đăng tải tràn lan vì mục đích vụ lợi thì những tác động tiêu cực mà không gian mạng gây ra là không hề nhỏ.
Chính vì thế mà BS Nguyễn Trung Cấp Trưởng Khoa cấp cứu Bệnh viện nhiệt đới TƯ đã phải thốt lên: “Mạng xã hội là mảnh đất quá màu mỡ cho những kẻ bất lương”, và trong cuộc trò chuyện với chúng tôi không ít lần chuyên gia này phải nhấn mạnh về những áp lực mà các y, bác sĩ đang phải gánh chịu từ sự “hoảng loạn quá mức”, do các thông tin không chính thống gây ra.
BS Nguyễn Trung Cấp cho rằng điều đó không đơn thuần phản ánh trình độ dân trí cao hay thấp: “Có những nhóm trong xã hội không thể tiếp nhận những điều tốt đẹp, cứ thông tin gì xấu xa thì không cần kiểm chứng, họ tiếp cận và chia sẻ rất nhanh, những thông tin tốt đẹp thì họ bảo là bịa đặt”.
Vị bác sĩ chuyên khoa II này cũng bày tỏ sự ngán ngẩm của mình với hàng loạt các mẹo phòng chống dịch bệnh phản khoa học, mà mình đã đọc thấy trên mạng xã hội: “Tôi cảm tưởng đặc tính chung của nhiều người Việt là lúc nào cũng luôn luôn hy vọng có một phép màu, rằng có một cái gì đó rất đơn giản, rất thần diệu mà thế giới không hề nghĩ ra, trong khi mình lại tài năng đến mức độ có thể nghĩ ra được”.
Một thống kê vui đang được nhiều cư dân mạng chia sẻ cũng sẽ khiến chúng ta không khỏi suy ngẫm về thực trạng tin giả: “Ở Việt Nam, số người bị lực lượng chức năng triệu tập, vì đăng tin giả gây hoang mang về virus corona, hiện còn nhiều hơn cả số ca bệnh phổi lạ được xác nhận”.
                  Khen thưởng chuyến bay đón người Việt ở Vũ hán về nước 
Khẩu trang, nước rửa tay khô cháy hàng, tăng giá phi mã trong thời gian vừa qua, khiến nhiều người khốn đốn có lẽ là một trong những hậu quả dễ nhận thấy nhất của sự hoảng loạn quá mức này. Có một thực tế là nhiều người trong chúng ta đang mua vượt quá số lượng cần thiết các trang bị phòng ngừa dịch bệnh này khiến nguồn cung không thể đáp ứng đủ. “Có người mua đến cả chục hộp khẩu trang một lần, và phần lớn trong số khẩu trang này rất có thể sẽ không được sử dụng đến và rồi bị bỏ đi, trong khi người khác lại không mua được vì cháy hàng, từ đó làm giảm hiệu quả kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng”, BS Cấp đánh giá.
  Cũng theo chuyên gia này, nhu cầu mua khẩu trang của người dân vượt quá mức cần thiết cũng vô tình khiến việc đảm bảo nguồn cung thiết bị phòng hộ này cho chính các nhân viên y tế, những người trực tiếp đối diện với mầm bệnh hàng ngày, trở thành một vấn đề hết sức căng thẳng, khi mà tốc độ tiêu tốn đang rất lớn trong khi dự trữ ban đầu chỉ đảm bảo một số ngày.                                         
Sự hoảng loạn quá mức cũng khiến số lượng người chủ động đến xét nghiệm virus corona tăng cao vào thời điểm sau Tết. Điều đáng nói là hầu hết nhóm này đều không có yếu tố nghi ngờ, trong khi công tác xét nghiệm chỉ riêng cho các bệnh nhân có đủ yếu tố dịch tễ và lâm sàng, được chỉ định cách ly thì luôn trong tình trạng quá tải. BS Cấp cho biết: “Với những người không có yếu tố nghi ngờ thì chúng tôi phải giải thích làm sao để người ta không xét nghiệm. Nhiệm vụ này đã khiến các nhân viên y tế chịu không ít bức xúc và mệt mỏi”.
                                   Chia vui bệnh nhân xuất Viện
Trong guồng quay của dịch bệnh và chống dịch bệnh, bác sĩ, y tá và những người phục vụ (lao công, vệ sinh, nhà bếp…) trong BV phải chịu một áp lực lớn “kinh khủng”, đó chính là sự kỳ thị, dè dặt từ cộng đồng với chính những người đang mạo hiểm sức khỏe để bảo vệ họ.
“Nhiều năm công tác ở Bệnh viện Nhiệt đới, tôi đã quen với điều này. Tuy nhiên, với nhiều đồng nghiệp trẻ, đây thực sự là một thử thách không hề dễ dàng. Đơn cử như việc nhiều nhân viên y tế sau kì nghỉ Tết bỗng trở thành người vô gia cư, do chủ trọ không cho thuê nhà nữa chính vì sự hoảng loạn quá mức. Các y, bác sĩ đang phải vất vả chống dịch mà phải đi tìm chỗ ở mới quả thực là điều rất khó khăn”.
Nỗi lo sợ ấy còn được những kẻ “bất lương” đơm đặt, phóng đại lên. Những thông tin giả, tin vô căn cứ, gây nhiễu loạn… vẫn hàng ngày len lỏi trong dư luận, tạo nên một gánh nặng rất lớn với đội ngũ y, bác sĩ đang chiến đấu ở tuyến đầu.
“Đội ngũ nhân viên y tế của chúng tôi vẫn đang kiên cường chống dịch, không một ai có dấu hiệu nản chí. Trước Tết chúng tôi được lệnh không đi quá Bv 50 km, sau hai tiếng triệu tập phải có mặt tại BV, Đièu đó có nghĩa là những người ở xa không được đón Tết với gia đình, những ngưởi ở gân có may mắn hơn nhưng luôn trong tâm trạng thấp thỏm chờ đợi. 
Tuy nhiên nhóm phụ trợ như nhân viên dọn vệ sinh, nhân viên bảo vệ thì một số đã dao động. Một số nhân viên vệ sinh đã nghỉ việc khiến cán bộ y tế phải kiêm luôn việc dọn dẹp, trong khi nhiệm vụ chuyên môn đã chồng chất. Ban lãnh đạo Bệnh viện thậm chí còn phải lập kế hoạch dự trù trong tình huống họ nghỉ bất kì lúc nào” - BS Nguyễn Trung Cấp bộc bạch.
Đừng để bác sĩ trở thành những chiến binh cô độc trên trong trận chiến bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, chúng ta hãy cùng chung tay, bắt đầu từ chính việc làm một người dùng mạng xã hội “thông thái”.
Bảo Trung- Minh Nhật
Phạm Lê sưu tầm

Previous
Next Post »