Ngoại chuyện “Kí ức ngày giải phóng 30.4”

Tôi đã định kết thúc bài viết “Ký ức ngày giải phóng 30.4” ở Kỳ 4 hôm qua. Nhưng có gợi ý viết thêm  chuyện đến thăm họ hàng ngày mới giải phóng, vì thế tôi xin viết tiếp những mẩu chuyện bên lề dưới đây.
Đầu tiên tôi rất biết ơn Cụ bố vợ trong những ngày đầu mới giải phóng khi tôi ở Sài Gòn, đã hai lần bớt chút thời gian làm việc trong chuyến công tác của  minh đến nhà thăm ông Hai Trí nơi tôi ở nhờ và vào Trung đoàn ở Phú Lâm nơi tôi công tác. Tôi xin không kể chi tiết chỉ xin nói là ở cả hai nơi ấy Cụ đều được đón tiếp chân thành, quí mến. Còn Cụ bà mẹ vợ bế cháu Toàn Thắng lúc đó mới một, hai tuổi gì đó đến đường Hậu Giang thăm ông bà Thương Oanh chỉ với ý định trình diện "con Thắng" dù rằng trước đó không quen nhau.
Những ngày đầu vào Sài Gòn tôi được ông Năm Nhượng dẫn đến nhà ông Lê Sỹ Giai. Với ông Giai thì ngày còn bé ở Hà Nội tạm chiếm tôi có gặp một lần và có nhìn ảnh nên cũng không lạ lắm.
Tôi có đến thăm ông Lê Tài Tường như đã kể trước đây, đến nhà ông Phạm Vĩnh Trinh nhưng tiếc là không gặp ông bà Trinh Cúc. Ngoài ra tình cờ tôi có đến nhà vợ chồng bà Yên chị ruột ông Phan Tiến Đào, ông bà mở cửa hàng tạp hóa nhỏ ở một khu  phố bình dân. 
Người mà tôi rất muốn gặp đó là anh Thụy, trong tâm trí tôi vẫn còn nhớ lần cuối sắp giải phóng Thủ đô anh có đến chào các Cụ ở Lãn Ông rồi ra Quảng Yên. Ngày đó trong tâm trí đứa trẻ mới 8, 9 tuổi tôi hình dung anh ấy đứng trên đình núi cáo phóng tầm mắt ra biền khơi rộng lớn vì tôi cho rằng Quảng Yên chỉ toàn là biển cả. Nhưng tiếc là không bắt được liên lạc, sau này mới biết tin anh ây ở tận Thủ Dầu Một..
Tôi cũng có một lần duy nhất tới nhà ông Nguyễn Văn Trân lúc đó đang có chuyến nghiên cứu cải tạo Tư bản tư doanh miền Nam. Ông bà ở trong một biệt thự cũ sang trọng nằm trên đường Lê Quí Đôn, đường phố dành cho các quan chức chế độ SG cũ. Tôi có một lần tìm đến cơ quan Bộ Giáo dục thường trú ở miền Nam gặp được ông Hồ Trúc ở ngay trụ sở. lúc đó ông là Thứ Trưởng.
Đơn vị tôi gần nhà bà Oanh khi bà còn ở phố Hậu Giang, có thời gian rỗi là tôi hay ghé qua chốc lát. Tôi nhớ hàng tháng được mua 6 lít xăng không dùng đến đem gửi bà bán lấy tiền. Ý tôi là muốn biếu bà để chia sẻ bớt khó khăn cho các em Hương, Hường, Hồng nhưng lâu rồi tôi không nhớ chắc chắn minh có nhận lại tiền từ bà không. Nhưng khi nghĩ tới bản tính khí khái của bà, tôi nghiêng về khả năng mình đã nhận lại đủ tiền bán.
Tới đây tôi chợt nhớ một buổi gần trưa khi đi qua cổng Phi Long sân bay Tân Sơn Nhất bất ngờ gặp bà Minh Châu chị ruột bà Phượng. Tôi vào chỗ ở của mình trong trại Đa vít lấy một bánh xà phòng, một tuýp thuốc đánh răng những của hiếm ngày đó vừa được phát đem cho bà Châu. Sau này mới nghe nói hôm đó bà đi theo đoàn sinh viên vào thành phố chuẩn bị cho việc đổi tiền.
Với cụ Quang tôi có làm được một việc đó là gặp ông Lang Thịnh phố Lãn Ông, nhận tiền của Cụ gửi vào rồi mua cho Cụ một chiếc TV đen trắng hiệu Denon. Còn việc mua và đem TV ra ngoài Bắc tới giờ chịu không còn nhó nổi là tôi, hay ông Thịnh làm việc đó. Nhưng sự việc là hoàn toàn có thật. (Nhưng còn một việc tới nay mỗi lần nghĩ lại vẫn thấy ân hận, vì không hề nghĩ tới việc tìm cách bố trí để Cụ vào thăm Sài Gòn, nơi với Cụ không hề lạ lẫm)
Cuối cùng tôi cũng xin được khoe có một lần duy nhất được đón bà xã vào Sài Gòn, bất ngờ hơn ông Trung đoàn trưởng cho tôi nghỉ 10 ngày chuẩn bị giáo án giảng bài tại Trường Trung cấp Thông tin Kĩ Thuật Quân sự Vũng Tầu. Chúng tôi đến Vũng Tàu đúng vào thời mới giải phóng du lịch chưa hưng thịnh trở lại, nhờ thế chúng tôi may mắn có dịp được bố trí ở tại một nhà nghỉ riêng của một viên Đại tướng ngụy ngay sát biển ở khu nghỉ mát Vũng Tàu nổi tiếng cả nước.
Những câu chuyện sau ngày giải phóng ở Sài Gòn còn nhiều, tôi sẽ kể lại khi điều kiện cho phép.
Vĩnh Phạm
Ảnh trên mạng.
Previous
Next Post »