Kí ức ngày giải phóng 30.4 (4 Kỳ liên tiếp)

Kỳ một. Tôi không có mặt trong ngày Giải phóng 30.4, nhưng ba tháng sau chúng tôi nhóm Kĩ sư vừa  tốt nghiệp ĐHKT Quân sự theo đường giao liên khởi đầu từ Thanh Trì Hà Nội xuyên Việt dọc theo đất nước vừa giải phóng bổ xung cho lực lượng cán bộ chiến sĩ tiếp quản khôi phục, khai thác hệ thống Thông tin đối lưu (TTĐL) của quân đội Mỹ Ngụy để lại.
Trung tâm TT Đối lưu Phú Lâm, sài Gòn ngày đầu giải phóng nơi tôi dừng chân đầu tiên
Phải nói rất may toàn bộ hệ thống gồm các đài TTĐL hiện đại bậc nhất bấy giờ được Mỹ xây dựng, trải dài khắp các tỉnh miền Nam từ Huế xuống tận Cà Mau vẫn còn hầu như nguyên vẹn (chỉ mất một đài Quy chuẩn đo lường Cần Thơ bị cháy). Nói hiện đại bậc nhất là vì lúc đó chưa có thông tin vệ tinh, hệ thống TTĐL dựa trên nguyên lý truyền dẫn sóng ở tầng đối lưu có thể cùng lúc thực hiện 1.000 cuộc liên lạc trên cùng một đường truyền. Nhất còn là vì các đài được xây trên các khuôn viên lớn, bộ cánh anten rất to (ảnh trên). Hệ thống được địch giữ bí mật đến mức tới ngày giải phóng quân, dân vẫn gọi là các đài Rađa chứ không gọi là đài thông tin. (Đến nay tôi vẫn còn câu hỏi chưa giải đáp không có một đài nào bị quân ta đánh chiếm trong thời gian còn chiến tranh, vì thế đến ngày giải phóng còn hầu như nguyên vẹn)
Ngoài các đài trên mặt đất còn có hệ thống cáp quang xuyên biển nối liền tới Guam, Philipin tạo cánh vu hồi thông tin liên lạc. Ngày đó đã có thể gọi quay số mã vùng như bây giờ ra ngoài nước tới các tỉnh trong nước và tới tận nước Mỹ dễ dàng. Các chuyên gia Liên xô tới khảo sát thán phục vì Nga cũng chưa có hệ thống này. Tôi còn nhớ năm 1985 qua Matxcơva Vũ Anh Tuấn dẫn tới Trung tâm Bưu điện đăng ký gọi điện về Hà Nội qua tổng đài cắm phích. Mà về tới Hà Nội không phải nhà nào cũng có điện thoại như bây giờ, phần lớn phải tới bưu điện đăng kí chờ cuộc gọi từ nước ngoài về.
Trên đường hành quân chúng tôi dừng chân ít ngày thăm quan và chia tay nhau lần lượt về nhận nhiệm vụ tại các đài Sơn Trà Đà Nẵng, Lâm  Đồng, Qui Nhơn, Vũng Tàu, Phú Lâm, Cần Thơ,  Long Xuyên , Sóc Trăng, Rạch Giá, Cà Mau...
Vĩnh Phạm
Ảnh trên mạng (Kỳ sau tiếp)

Previous
Next Post »