Kí ức ngày Gải phóng 30.4 (kỳ 4 và hết)

Tôi đã có hơn một năm rưỡi sau giải phóng ở Sài Gòn không thể quên. Nhớ hôm đầu tiên vào tới SG sau chặng đường dài hành quân xuyên Việt, nhóm chúng tôi tới trình diện Trung đoàn tại Trại Đa Vít trong sân bay Tân Sơn Nhất. Chưa ấm chân ông Năm Nhượng lúc đó là Phó tư lệnh Thông tin Miền Quân giải phóng (chồng bà Mỡ có họ với cụ Quang Yến) cử cậu cần vụ lái chiếc xe Honđa 90 màu đỏ mới cứng tới đón tôi về nơi ông làm việc gần đó.
Sài gòn ngày giải phóng
Sau bữa cơm trưa cậu ấy lại đưa tôi trở lại Trung đoàn đúng lúc Ông Trung đoàn Trưởng (TĐT) đang phổ biến nhiệm vụ cho nhóm của tôi. Mọi người nhìn tôi ra ý âu lo vì tôi đến muộn, lo cho tôi bị qưở trách vì ông ấy nổi tiếng là người nóng tính lính lơ mơ là ăn phạt ngay. Nhưng rồi chẳng có chuyện gì sảy ra, chắc là ông  Năm Nhượng đã có lời trước nên ông ấy mới bỏ qua chứ người khác thì gay rồi.
Sau những ngày đầu tiên ấy tôi về Bình Thủy nhận công tác ngay, cho tới sau Tết 1976 nhận lệnh về Tiểu ban kĩ thuật Trung đoàn đóng ở Phú Lâm, Sài Gòn. Ngày nghỉ, chủ nhật tôi toàn về phố Lý Trần Quán gần chợ Tân Định, Sài Gòn ở nhà ông Hai Trí, cán bộ đội biệt động Sài Gòn. Ông bà cho tôi toàn quyền xử dụng căn phòng gác tư nhà bốn tầng do chính quyền giải phóng bố trí cho gia đình. Ông còn giao cho tôi sử dụng chiếc xe máy SUZUKI, nhờ vậy tôi có điều kiện vi vu đến nhiều nơi trong thành phố.
Tại đây tôi có  những ngày tháng sống cùng gia đình, ăn uống đi chơi như con cháu trong nhà. Ông dẫn tôi đến các cơ sở của biệt động trong nội thành như Dinh Độc Lập, Phở Bình, Chùa Phú Lâm, Công Lý, Lý Chính Thắng...Tôi được tiếp xúc với mấy cô biệt động xinh đẹp áo dài thướt tha, nếu không có giới thiệu trước của ông, thì chẳng bao giờ nghĩ là biệt động tham gia nhiều trận đánh. Có cô còn mạnh bạo xin phép ông cho tôi đưa đi dạo quanh đường phố Sài Gòn. Đặc biệt tôi được làm quen với ông Năm Lai cũng là biệt động trong tổ của ông Hai Trí, ông nổi tiếng cả nước báo chí thỉnh thoảng đưa tin vì có căn hầm bí mật chứa súng đạn trong nhà. Thường ngày ông lái chiếc xe ô tô cỡ nhỏ Đalát đi lại, có lần ông bảo tôi "kiếm can xăng đi ra xa lộ tao dạy lái cho, chỉ vài tiếng là biết ngay mà".
Tôi biết ơn ông bà Hai Trí và các em đã cho tôi ở nhờ, cho mượn xe máy đối xử với tôi như con cháu trong nhà. Nhờ đó tôi có chỗ đi lại và được sống trong khung cảnh môt gia đình có người thân tham gia lực lượng biệt động nội thành đã nhiều năm ẩn mình trong lòng địch phải giấu diếm tung tích. Nay thành phố được giải phóng mới bung hết ra nhất là về tinh thần chẳng phải bí mật gì nữa, ngày nào trong nhà cũng như ngày hội. Thú thật tôi có cảm giác như được sống lại những ngày Thủ đô Hà Nội mới giải phóng tháng 10.1954.
Đến tháng 7 năm 1977, tôi nhận lệnh ra Hà Nội và chuyển ngành, lúc này đeo lon Trung úy. Thế là từ lúc vào Sài Gòn những ngày đầu giải phóng mới 30 tuổi, hôm nay khi viết bài này đã ở tuổi 75. Ngần ấy năm trôi đi nhưng kí ức về những ngày đầu giải phóng 30.4.1975 vẫn còn như đâu đây không thể quên.
Không thể quên vì ngoài việc được sống ở thời điểm lịch sử của đất nước, ở chính nơi diễn ra sự kiện vĩ đại ấy (30.4), còn vì ở thành phố mới giải phóng tôi đã tránh được rất nhiều cám dỗ dễ xa ngã mà có đồng đội tôi đã mắc phải. Còn nếu có điều gì tiếc ư, đó là tiếc rằng tôi không có nổi bức hình nào của chính mình làm kỉ niệm thời điểm quí giá ấy để hôm nay đem minh hoạ cho bài viết này.
Vĩnh Phạm
Ảnh trên mạng.


Previous
Next Post »