HỒI ỨC VỀ BỐ (nhân ngày sinh nhật Bố lần thứ 103)


   

                    
Bố Nông của chúng tôi đã từ giã cõi đời sau 95 năm hiện diện trên trái đất, để lại đằng sau một cuộc đời hoạt động sôi nổi với nhiều cống hiến cho cách mạng và cho sự nghiệp cờ của nước nhà. Với chúng tôi, bố luôn là tấm gương sáng về đạo đức cá nhân, về đối nhân xử thế, về tinh thần tự học và vượt khó. 

Mặc dù sinh ra trong 1 gia đình nhà nho, nhưng do mồ côi bố và mẹ từ nhỏ (năm lên 7), bố có cuộc đời thơ ấu cực nhọc. Bố kể, từ 7 tuổi đã đứng chia bài cho các cuộc chơi tổ tôm để kiếm tiền (bố chia bài bằng 1 tay rất nhanh). Cả thời gian đi học hồi nhỏ chỉ được mua có 2 quyển sách. Học cờ cũng là do say mê và tự học, không có thầy và không theo lớp học nào. Khi ông bà nội của chúng tôi mất, bố sống với gia đình người anh cả ở phố Bạch mai, được anh nuôi cho ăn học đến hết lớp 4 tiểu học. Năm học nào bố cũng đứng nhất lớp. Hết tiểu học, không hiểu bố giành được giải thi gì đó cấp thành phố, được đăng báo địa phương và được vào học thẳng trường Bưởi (nay là Chu Văn An). Tuy nhiên, thông cảm với vất vả mưu sinh của anh chị, bố nghỉ học đi làm phụ xe cho người anh thứ hai (sống tại Khâm thiên, Hà nội). Bố kể rằng nhiều khi xe đang chạy, phải chui từ trong xe ra trèo lên nóc xe buộc lại đồ cho hành khách rồi trèo xuống. Những năm sau bố làm thư ký tại sở máy khuy Hà nội. Tại đây bố đã tập đánh máy bằng 10 ngón tay rất nhanh và chuẩn. Sau này tôi còn được nhiều lần chiêm ngưỡng tài đánh máy của bố (hồi xưa ít người đánh máy nhanh và ít lỗi được, không như bây giờ). Thật ra, có thể bố còn làm nhiều nghề khác nữa để mưu sinh nhưng tôi cũng chỉ nhớ có vậy.  

                                          Bố ngồi giữa hàng đầu

Khi cách mạng nổ ra, bố là một trong những người đầu tiên tập hợp trong Hội Thanh niên cứu quốc Bạch mai, tham gia phong trào bình dân học vụ (làm hiệu trưởng trường Công ích Bạch mai), dẫn đầu cuộc biểu tình giành chính quyền ở quê hương huyện Thường tín, tỉnh Hà tây (cũ) trong cách mạng tháng tám...Bằng tự học, bố đã tham gia thi đấu cờ Bắc kỳ và giành giải nhất ngay từ năm đầu tiên,  giữ vững ngôi vị đó trong 4 năm liên tiếp (từ 1939 - 1942). Sau đó, do bận hoạt động cách mạng nên dừng không thi đấu nữa. Theo bố, cờ chỉ là 1 môn thể thao trí tuệ lành mạnh, rèn luyện bản lĩnh và tính cách cho con người. Bố không bao giờ lạm dụng cờ vào việc lừa đảo, kiếm tiền mặc dù nhận được không ít lời gợi ý dạy các nước cờ bí hiểm với thù lao cao.


Bố sống rất tình cảm và thường xuyên coi trọng tinh thần hơn vật chất. Hồi nhỏ, sáng nào ngủ dậy khi còn nằm trên giường, tôi cũng nhìn thấy gương mặt và nụ cười rất tươi của bố. Năm học nào bố cũng lo mua đủ sách giáo khoa, dạy 2 chị em cách bọc sách vở, may hoặc mua sẵn quần áo mới để mặc trong dịp khai giảng. Các dịp lễ hội bao giờ cũng tranh thủ đưa con cái đi chơi: chẳng hạn Lễ Giáng sinh thì đi nhà thờ lớn, Tết Trung thu thì đi xem phố hàng Mã, giao thừa thì đi quanh hồ Gươm, đi hầu hết các chùa chiền quanh Hà nội...(sau này bố vẫn duy trì thói quen đó với các cháu ngoại). Bố rất hay đi công tác khắp các vùng miền trong nước. Bất kỳ khi nào có thể được là bố mang theo 2 chị em đi vì quan niệm rằng đi một ngày đàng học một sàng khôn. Chắc vì thế  mà cho đến bây giờ khi đã ngoài 60 tuổi, tôi vẫn thích đi chơi đó đây. Khi đi công tác về, bố thường mua cho con cái 1 món quà nho nhỏ như cái lược, gương hay 1 tấm vải để may áo. Hồi trẻ, sáng nào bố cũng tập Thái cực quyền và tập rất dẻo và đẹp (hồi ấy rất ít người tập được bài này. Tôi cũng không hiểu bố học từ đâu). Bố cũng rất thích trồng trọt và các cây do bố trồng đều xanh tốt. Tôi còn nhớ hồi nhỏ chúng tôi thường chui vào các bụi mía, sắn do bố trồng để chơi trốn tìm (ở nhà số 3 Nguyễn Thượng Hiền). Khi học vỡ lòng bố dạy 2 chị em phân biệt các chữ s, x, g, d, ch, tr...Sau đấy bố dạy cách phát âm các âm khó như r, p, b và treo thưởng nếu như phát âm được các âm này. Những năm sơ tán, trừ khi bận đi công tác, hầu như chủ nhật nào bố cũng đạp xe  hàng chục km đến thăm chúng tôi. Hồi ấy, cứ đến chủ nhật là tất cả bọn trẻ con ở trại trẻ chúng tôi đều ngóng bố mẹ đến thăm. Khi nhìn thấy bố từ xa tôi thường hét toáng lên: Bố, bố ơi. Tôi vẫn nhớ hình ảnh bố khi ấy vội xuống xe, đặt xe nằm xuống mặt đường rồi chạy lại bế thốc tôi lên. Đến thăm mang quà cho con cái, bố cũng không quên mang quà cho con bà chủ nhà. Sau này khi học đến cấp 3, bố thường thức trưa để đánh thức tôi dạy đi học và trước khi đi học, bao giờ cũng rót chén nước chè nóng để tôi uống cho tỉnh ngủ. Bạn bè thường nói: Phương sướng thật, được bố chiều quá hoặc chưa thấy ai được bố chiều như Phương. Chiều con cái như vậy, nhưng bao giờ bố cũng khuyến khích con cái tự lập. Khi đi sơ tán, bố dạy cách tập gánh nước bằng cách cho vào dần dần các hòn gạch để quen với tải trọng, gánh nửa thùng rồi mới gánh đầy. Hồi đấy, học lớp 4 nhưng tôi đã phụ trách khâu gánh nước xa khoảng 500 m về cho bà chủ nhà nấu ăn. Sau này đi sơ tán ở Bắc cạn, tôi cũng nuôi mấy lứa tằm. Học lớp 8, chị Vinh đã xin đi làm thêm dịp hè ở nhà máy trung quy mô (nay không còn nữa), còn tôi trong dịp 2 tháng hè lớp 8 nhận tham gia công tác thanh thiếu niên ở phường Kim liên được bồi dưỡng 36 đồng. Với 36 đồng ấy, bố giúp tôi mua 1 cây đàn ghi ta (mua tại xưởng do bạn thân của bố làm tại đấy chọn nên rất tốt). Tôi theo học lớp ghi ta được 1/2 năm thấy không có năng khiếu nên bỏ. Cũng nhờ có ghi ta mà chiều nào cậu Tiến sau khi đi làm về đều ghé qua nhà chúng tôi đánh  vài bản nhạc  rồi mới về Lãn ông. Ngoài  ra, hồi nhỏ, bố cũng xin cho 2 chị em học lớp dạy vẽ tại Cung thiếu niên. Sau này chị Vinh tham gia đội đồng ca của Cung thiếu nhi (có lần được lên tặng hoa đại biểu là Bác Hồ Trúc), tôi tham gia 1 lớp dạy bơi do bố tìm thầy. Phải nói là ông thầy bơi rất đẹp và dạy rất giỏi. Tôi nắm rất vững lý thuyết nhưng thực hành kém vì nhát.  Khi tôi học ở nước ngoài, Tết nào bố cũng gửi quà, trong đó có bánh pháo Tết (vì bố biết tôi thích đốt pháo ngày Tết) và nước mắm cô đặc sang cho tôi (thường phải gửi 1 tháng trước đó mới đến kịp trước Tết. Trong số các sinh viên VN cũng chỉ có mình tôi là nhận được quà pháo Tết).

 Tôi ít khi thấy bố mỏi mệt. Thường sau 1 chuyến đi xa, 2 chị em lăn ra ngủ mê mệt, trong khi đó bố vẫn cười nói chuyện rất to với mọi người. Bố thường ngủ ít, thức khuya, dạy sớm, nhưng ngủ sâu. Mặc dù sau này bố học tại chức chỉ hết lớp 10, nhưng các kiến thức sử địa của bố thật sâu rộng và cập nhật hàng ngày qua báo chí.  Sử Việt nam bố thuộc làu làu. Bố nhớ tên, vị trí, dân số, thủ đô của hầu hết các nước trên thế giới. Hồi ở Trần Quốc Toản, trong căn nhà chật hẹp của chúng tôi, bố treo la liệt các bản đồ: bản đồ thế giới to bằng 4 mảnh A2 ghép lại, bản đồ Việt nam và bản đồ Hà nội. Có lần các bạn tôi đến chơi, biết họ là các nhà kinh tế, bố nói hàng tiếng đồng hồ về chiến tranh rượu nho giữa Ý và nước nào đó. Họ ngồi nghe há hốc cả mồm  và thỉnh thoảng  cười rất vui vẻ. Thực ra, tất cả những gì bố nói đều có trong báo, nhưng bố nhớ các số liệu chi tiết và biết liên hệ giữa chúng với nhau, cách nói chuyện lại rất dí dỏm. Hồi nhỏ trong các bữa ăn cơm, tôi rất hay hỏi bố đủ thứ trên trời dưới đất, bố ngừng ăn giảng giải, lấy phấn kẻ vẽ lên cánh cửa tủ cho đến khi nào  dám chắc là tôi hiểu rồi mới thôi. Trừ việc hầu như không biết nấu cơm, những việc cá nhân bố đều tự làm lấy (tự giặt quần áo - khi chưa có máy giặt...) không thích làm phiền vợ con. Ngoài ra, bố không ngại ngần làm các việc khác nhưng thích nhất vẫn là đi đâu đó mua đồ. Khi có các cháu ngoại, bố đảm nhiệm công việc đưa đón và trông cháu, bế cháu, kể cả giặt giũ tã lót khi cần thiết. Bố hầu như không có đòi hỏi gì cho bản nhân, thích nghi với bất cứ thời tiết nào, chịu đựng được kham khổ thiếu thốn mà không bao giờ ca thán. Trong bất kỳ điều kiện nào bố cũng đều tìm cách làm được việc mọi nơi mọi lúc.  
                           
Bố có rất nhiều bạn bè và quan hệ vô tư bình đẳng không kể sang hèn, thường không thích để ai thiệt thòi cả về vật chất và tinh thần. Tôi nhớ, sáng sớm mồng 1 Tết nào bố cũng đi xông nhà vài bạn bè (theo lời mời của họ), sau đó quay về nhà hỏi mẹ xem những ai đã đến chúc Tết nhà mình. Ai đã đến chúc Tết thì bao giờ bố cũng đến chúc Tết lại không kể họ là người giàu hay nghèo.  Bố cũng hay giúp đỡ mọi người với tất cả khả năng của mình. Bố đã giúp cho nhiều gia đình được tụ hợp bằng cách chuyển vị trí công tác, nhiều nhân viên nữ có cơ hội xây dựng gia đình...Đến các địa điểm công tác, bố thường rất quan tâm xem xét điều kiện ăn ở của nhân viên. Tôi thường được bố cho đi công tác cùng nên đều cảm nhận được sự biết ơn của họ đối với bố.
Cả đời tôi chưa bao giờ thấy bố nóng giận. Lúc nào cần gì bố là người đầu tiên  tôi tìm đến để giãi bày và hầu như đều được đáp ứng (tất nhiên là nhu cầu chính đáng trong khả năng của bố).
Bố đã sống một cuộc đời đẹp, huy hoàng, với nhiều chiến tích cùng với 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Khi giảng sử, bố luôn giáo dục con cái tinh thần yêu nước. Với gia đình, bố đã làm tròn vai trò người chồng, người cha, làm chỗ dựa vật chất và tinh thần cho cả gia đình. Có thể nói cuộc đời bố là một chuỗi các thành công mà thành công cuối cùng là chọn được đúng nhất thời điểm ra đi (sau ngày giỗ mẹ đẻ và 1 giờ trước ngày giỗ bố vợ) - sau khi đã gặp hết 1 lượt con cháu họ hàng bạn bè đến thăm và chúc Tết.
Sau khi mẹ mất, mặc dù được sống hơn 4 năm trong sự chăm sóc trực tiếp và hết mực chu đáo của chị Vinh, nhưng tất cả những gì chúng tôi làm được cho bố thật ít ỏi so với những gì bố mẹ đã dành cho chúng tôi. Tận đáy lòng chúng tôi luôn cảm nhận được tình yêu thương bao la mà bố mẹ dành cho. Nếu như mẹ lo lắng nhiều hơn về nuôi dưỡng thì bố lại lo dạy nhiều hơn về mặt tinh thần.
Cám ơn bố mẹ đã sinh thành và nuôi dưỡng, đã cho chúng con được làm người theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.



Ảnh chụp tại Vạn lý trường thành Bắc kinh Trung quốc năm bố 87 tuổi. Khi đó bố vẫn leo lên được đỉnh núi cao trong ảnh.
Previous
Next Post »
1 Komentar
avatar

Bài viết của Phương rất cảm động ! Cám ơn Phương !

Balas