Chuyện Tết

Chuyện thứ mười một: “Ăn uống ngày Tết..”. 
Trên báo mạng vừa có cuộc tranh luận quanh bài viết “Không nên gắp thức ăn cho người khác”. Tác giả dẫn ra hiện tượng nhiều người Việt mình có thói quen hay gắp thức ăn cho người khác khi ăn cùng, chẳng cần biết người ta có thích không?. Đương nhiên có người đồng tình với tác giả, nhưng cũng có ý kiến chưa hẳn là nhất trí.
Tết sắp đến chi họ ta nhà nào cũng sẽ có các bữa cơm họp mặt gia đình, hoặc đãi khách. Nhân đây tôi xin kể ba mẩu chuyện nhỏ mà tôi đã từng nói cho các cháu nhà tôi như một lời khuyên, nhắc nhở quanh chuyện ăn uống.
1.Mấy anh bạn tôi kể hồi mới sang Đức, ai cũng náo nức đón bạn Đức đến nhà ăn cơm Việt. Theo thói quen chủ nhà chu đáo gắp nem rán, nộm rau …những món ăn đặc sản Việt cho khách. Họ tấm tắc khen ngon nhưng lạ là ăn xong có người vẻ tư lự, có người lịch sự dò hỏi “Tôi có được phép ăn tiếp không?”. Hóa ra họ tưởng chỉ được ăn những thứ mà chủ nhà vừagắp cho mình.
2.Một lần tôi được ông bạn là Chủ tịch Hội người Việt tại TP.Swickau nước Đức, nơi có đông người Việt sinh sống mời dự Tết cộng đồng. Là khách mời của Chủ tịch Hội, tôi được ngồi bàn VIP cùng vợ chồng ông Tỉnh trưởng thành phố và được phục vụ đồ ăn thức uống miễn phí. Còn lại tất cả bà con, các vị khách không phải là VIP đều phải trả tiền và xếp hàng thứ tự.(Ảnh bên)
Sau chầu bia mở đầu được bưng đến, một lát sau không thấy ông Tỉnh trưởng đâu. BTC liền cho người đi tìm, phát hiện ra ông ấy đang xếp hàng mua bia như bà con mình. Mời ông ấy về chỗ rồi giải thích “quyền lợi” của khách VIP, ông ấy thản nhiên “như chưa có gì xảy ra” và giãi bày “tôi tưởng chỉ được uống một cốc như thế”.
3.Chẳng đâu xa lạ chuyện có thật 100%, vừa mới mấy ngày trước đây khi xóm tôi họp mặt mừng Tết. Tôi tá hỏa khi ông hàng xóm ngồi trước mặt cho ngay đôi đũa vào bát canh chung ngoay ngoáy tìm miếng ngon, rồi cho tọt vào mồn tỉnh bơ “mời các bác”. Lí do tôi tá hỏa, vì trước đó ông ấy còn khoe là phóng viên báo lâu năm của một tờ báo nổi tiếng ở Hà Nội.
4.Giờ đến chuyện chi họ ta, tôi vẫn nhớ các cụ rất chú trọng dạy con cháu việc ăn uống, tiếp đón khách. Lời dạy thì nhiều lắm nhưng đại ý là với khách phải rất trọng thị, nhưng lịch sự chu đáo. Ăn không được nhồm nhoàm, không mút đầu đũa, không chọc ngoáy vào bát canh chung, không đào bới tìm miếng ăn ngon cho mình…
Lời kết: Lời dạy của các Cụ xưa tôi vẫn giữ cho mình mấy chục năm qua, tiếp tục lưu truyền lại cho con cháu mình bây giờ. Ngày Tết nhắc lại chuyện trời tây, chuyện ta chắc là không thừa nhất là với con trẻ.

Phạm Lê.
(Ảnh 1.trên mạng)
Previous
Next Post »