Đại học của cuộc sống

Sau khi dự buổi chiêu đãi Sinh nhật lần thứ 50 của em Tuấn về và nghe trong buổi tiệc những lời tâm sự của em Tuấn, của Cô Liên tôi cứ suy nghĩ mãi và có mấy dòng tâm sự sau đây với mọi người. Đầu tiên tôi định đặt cho tiêu đề bài đăng là "Đại học cuộc đời" nhưng tôi thấy nếu có chữ "đời" trong đó có vẻ thiên về số phận nên cuối cùng tôi đặt tên cho nó là "Đại học của cuộc sống".
     Theo tôi Tuấn là một người rất có nghị lực và là tấm gương vươn lên trong cuộc sống để lớp trẻ trong chi họ Cụ Quang noi theo. Tôi không nói đến lớp già vì chúng tôi có muốn học và làm theo thì đâu còn thời gian nữa. Quỹ thời gian của chúng tôi không nhiều và sức ỳ của chúng tôi quá lớn mất rồi ! 
Xuất thân trong một hoàn cảnh không thuận lợi lắm so với những chàng trai Hà Nội khác. Tuấn đã phải lăn lộn trong cuộc sống rất nhiều nên đã rèn cho Tuấn đức tính tự lập vươn lên để thoát nghèo và có một cuộc sống khá đầy đủ như ngày hôm nay.
Phải lăn lộn trong cuộc sống ngay từ nhỏ để nuôi mình, nên phải nói Tuấn am hiểu rất nhiều về cuộc sống (kể cả mặt tốt và cả mặt trái) của cuộc đời này. Trong quá trình bươn chải đó đã cho Tuấn nhiều kinh nghiệm sống quý báu và cách cư xử, giao tiếp và quan hệ với mọi người. Điều này không có Trường Đại học và sách vở nào dạy cả. Quan hệ, biết nhìn nhận đối tác và chữ tín là 3 điều theo Tuấn nói là tối cần thiết trong kinh doanh. Đại học chính quy chỉ dạy cho sinh viên của mình kiến thức chuyên môn thôi chứ đâu có dạy cho sinh viên về con người, cách ứng xử, quan hệ với các thành viên trong cộng đồng. Theo tôi về nền giáo dục của Việt Nam ta có nhiều cái bất cập. Từ thời phong kiến thi chọn làm quan chỉ thi văn mà không thi về môn quản lý nhà nước và môn kỹ thuật nên không thúc đẩy kinh tế lên được. Nếu như trước kia thi làm quan mà chọn 2 môn quản lý và kỹ thuật chắc Việt Nam mình kinh tế không đến nổi tụt hậu như bây giờ ! Đó là thời xưa còn bây giờ đã có cải tiến nhưng nhồi nhét quá nhièu kiến thưc cho sinh viên, học sinh. Nhưng kiến thức cần thì không dạy. Vì thế ra trường các tân kỹ sư, bác sỹ , nhà kinh tế...còn lóng ngóng lắm.

Quay lại chuyện đại học cuộc sống phải nói là rất đáng quý.  Bác Hồ của chúng ta có bằng cấp chính thức nào đâu nhưng Cụ tự học rất nhiều và kiến thức của Cụ về mọi mặt thì miễn chê rồi. Bôn ba khắp bốn bể năm châu là một Trường Đại học cho Cụ - Đại học của cuộc sống.
    Nhân tiện viết bài này thiết nghĩ trong chi họ Cụ Quang ngoài việc gặp gỡ chung với họ hàng, lớp trẻ nên có tổ chức một vài cuộc gặp riêng cho mình trong năm. Ở đó các bạn trẻ sẽ nói chuyện với nhau cởi mở hơn và trao đổi với nhau học hỏi nhau những kinh nghiệm trong cuộc sống, cách làm kinh tế... (những điều không dạy ở trường bao giờ) để vươn lên làm kinh tế giỏi, để có cách xử sự tốt hơn. Lớp trẻ của "Gia đình Cụ Quang" càng giàu càng tốt !!

 Theo tôi Tuấn là một tấm gương tốt trong chi họ về nghị lực vươn lên, vượt qua khó khăn trong cuộc sống riêng để làm kinh tế tốt ; chăm sóc con gái, mẹ. Những chuyến di chuyển từ Nga sang Thụy Sỹ về Việt Nam đã nói lên điều đó. Có điều là làm nhiều việc như vậy nhưng việc nào  cũng vẹn toàn. Thật đáng khâm phục ! Có lúc gặp khó khăn nhưng bao giờ cũng lạc quan. Thử hỏi những người có bằng cấp cao và chính quy hẳn hoi đâu có làm kinh tế tốt được như Em Tuấn ? Kể cả tôi được đào tạo chính quy, cơ bản mà nào có làm được trò trống gì đâu !
Mấy lời tâm sự cuối năm xin được chia sẽ với các vị và lớp trẻ trong chi họ Cụ quang từ một chàng rể nhà quê- mà lại là nhà quê ở một vùng nghèo nhất nhì nước.
(Các ảnh lấy từ chuyến đi Tam Đảo 19/1/2010 và đêm sinh Nhật em Tuấn)

Previous
Next Post »
1 Komentar
avatar

Tô icũng có cảm nghĩ gần giống như NML

Balas