Hôm nay tôi đến nơi này.

Xúc động tới thăm điền trang của đại văn hào Nga Lev Tolstoy, nơi ông đã sống và viết nên những kiệt tác: Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina...
Tranh thủ có ngày nghỉ, các bạn học cũ dẫn đi thăm điền trang Yasnaya Polyana của Lev Tolstoy ở Tula. Rời Moskva, trời mưa nhỏ, đường vắng. Hai bên đường vùn vụt trôi qua những xóm làng bình yên, những ngôi nhà gỗ nhỏ, cửa sổ hoa văn cầu kỳ, những cánh đồng lúa mì gặt xong từ lâu, rải rác những cuộn rơm tròn… 
Do lạc đường chút ít, nên “được” vòng qua thành phố Tula. Thành phố cũ kỹ với những kiến trúc Liên xô một thời dĩ vãng. Các loại xe như Lada, Volga, Zhiguli…vốn ít thấy ở thủ đô thì ở đây chạy đầy đường. Đến cổng điền trang Yasnaya Polyana, nắng bỗng hửng lên. Có lẽ trời thương khách từ phương xa tới. Nắng như dát vàng thêm những rặng sồi, phong đang đến kỳ rực rỡ nhất của mùa thu.
…Qua rặng bạch dương cao vút, qua một con đường khá rộng, cả bọn rẽ trái men theo một lối đi nhỏ để tìm đến mộ đại văn hào. Chỗ này đã vắng hơn những cây cổ thụ. Cũng phải thôi, vì khu rừng này đã từng bị chặt phá khi Lev Tolstoy còn sống, lúc ông vắng nhà nhiều năm . Nhiều năm sau đó, khi quay lại điền trang, nhà văn mới cho trồng lại khu rừng này. 
Đang đi, bỗng gặp một tấm biển nhỏ: "Khu vực yên lặng”, tự nhủ thế là sắp đến mộ của nhà văn. Đi mấy chục mét, nhìn quanh, chỉ thấy cơ man nào là đường mòn, và cỏ, và lá vàng phủ khắp, chẳng thấy ngôi mộ nào xây cất với bia mộ, hàng rào sắt nghiêm cẩn như mình vẫn hình dung. Ông bạn cùng đi khẽ huých: Mộ Tolstoy đây thôi ông. 
Nơi yên nghỉ của đại văn hào Lev Tolstoy
Thì ra mình đã đứng cạnh nơi yên nghỉ của Tolstoy tự lúc nào. Ngôi mộ của cụ chỉ là một nấm cỏ xanh, trên trồng những cành tùng, dương xỉ nhỏ thành một khối hình chữ nhật. Một lẵng hoa tươi ai đó đã đặt lên từ trước, những cánh hoa đã bắt đầu nhợt nhạt bởi gió mưa. Viền xung quanh ngôi mộ là một “hàng rào” nhỏ, uốn sơ sài bằng những cành cây tươi. Cỏ trên mộ xanh ngắt, rụng đầy những chiếc lá phong, lá sồi vàng rực khi có làn gió thổi qua…Ngay cạnh đó, là một khe suối cạn…. Không một tấm bia, không một bức ảnh, một dòng chữ nào về tên tuổi ngày sinh ngày mất…Lev Tolstoy đang yên nghỉ ở đây, rất bình dị, theo như di chúc, để được hòa lẫn với đất trời nơi điền trang mà cụ đã chào đời, đã sống tổng cộng 60 năm và viết nên những kiệt tác như “Chiến tranh và hòa bình:, “Anna Karenina”…Thì ra mọi lăng tẩm thành quách không phải bao giờ cũng tỷ lệ thuận với chiều kích của con người nằm lại vĩnh viễn ở bên trong. Đôi khi, chỉ cần một cái tên vang lên trong lòng hậu thế đã là đủ… 
Căn phòng nơi ông sống được phục chế như xưa
Cũng chính rìa khu rừng này, chính nơi đây, khi còn nhỏ, cậu bé Lev Tolstoy đã được anh trai mình là Nikolai, khi đó 12 tuổi, kể cho nghe lần đầu về huyền thoại “chiếc que xanh”. Nikolai nói rằng, nếu tìm được “chiếc que xanh” ở rìa khu rừng Staryj Zakaz, thì khi đó trên thế giới sẽ không còn chiến tranh, bệnh tật và loài người sẽ sống vĩnh cửu. Những đứa trẻ nhà Tolstoy đã đóng vai “anh em nhà kiến”, mê mải chơi trò đi tìm “chiếc que xanh”, và khi đó, bọn trẻ thấy thật tuyệt khi được cùng ở dưới một mái nhà, được cảm nhận tình anh em ruột thịt.
Thư viện của ông với 22.000 đầu sách, 30 thứ tiếng.
Sau này, khi đã cuối đời, Lev Tolstoy, người cha của 13 đứa con, vẫn nhớ lại ký ức tuổi thơ (xin tạm dịch): "Thật tuyệt biết bao, và con xin cảm ơn Thượng đế, rằng con đã được tham gia vào trò chơi đó. Ngoại trừ trò này, mọi thứ trên cõi thế này đều là trò chơi”…
Ngôi nhà người lái xe ngựa, nơi ông đến gọi chuẩn bị xe cho chuyến đi lần cuối.
Tạm biệt Yasnaya Polyana, tạm biệt khu rừng cấm xưa có huyền thoại “chiếc que xanh” lưu dấu tuổi thơ văn hào vĩ đại của nước Nga. "Chiếc que xanh" hẳn vẫn còn đâu đó, bên khe xói, gần nơi yên nghỉ của Tolstoy, như cậu bé Nikolai ngày nào đã thầm thì với các cậu em trai, với một ước vọng thật đẹp về một thế giới sẽ vĩnh viễn yên bình…
Vũ Anh Tuấn
Tham khảo Phan Việt Hùng (Nguồn: VTC News)
Previous
Next Post »