Khu di tích căn cứ TW K9

Kỉ niệm 50 năm Cụ Hồ đi xa xin giới thiệu vài nét về Khu di tích căn cứ K9 (trong ngoặc kép là tham khảo tư liệu trên mạng).
“Khu di tích K9 (Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội) cách Hà Nội 70 km theo đường chim bay nằm ẩn mình trong rừng cây rậm rạp, là căn cứ địa của Trung ương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1957, trong một lần đi kiểm tra Trung đoàn 36, Sư đoàn 308, tập mẫu chiến thuật "Trung đoàn bộ binh tăng cường tiến công quân địch phòng ngự có chuẩn bị", Bác Hồ đã dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa trên đồi, nơi có 3 mỏm đá nhọn như hình mũi chông xếp liền kề nhau. 
Thấy địa thế hiểm trở, phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ, Bác đã trao đổi với các đồng chí cùng đi, ngỏ ý chọn khu vực này làm nơi nghỉ ngơi và làm việc của Bác và Trung ương. 
K9 được khởi công năm 1959 với 3 khu vực: Khu A dành cho Bộ Chính trị họp và tiếp khách; khu B dành cho các đồng chí Trung ương nghỉ; khu C dành cho các đồng chí bảo vệ và phục vụ. Nổi bật nhất là căn nhà 2 tầng được mô phỏng theo nhà sàn của Bác ở Phủ Chủ tịch. Bác đã thay cửa đóng then cài bằng những cửa có rãnh trượt để tiện đóng mở; lại có thể tháo ra, lấy thêm chỗ ngồi khi số người dự họp quá đông. 
Các chiến sĩ định đổ bê tông hoặc lát gạch ở sân nhưng Bác góp ý là nên rải đá cuội. Vì chúng mát mẻ, không có rêu mốc, buổi sáng đi chân trần trên đá cuội tốt cho sức khoẻ. Và dù chỉ bước nhẹ lên đá cuội cũng có tiếng lạo xạo nên khi thú dữ hay kẻ địch muốn tấn công, chúng ta cũng có thể nghe thấy và đề phòng.
Tầng 2 của căn nhà có phòng nghỉ của Bác Hồ, phòng nghỉ dành cho khách và phòng họp nhỏ. Tất cả các phòng được lắp lưới kim loại để chống côn trùng. Hiện, du khách chỉ có thể xem các phòng này từ bên ngoài.
Khi Bác đi xa (2/9/1969), K9 được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chọn làm nơi “Giữ yên giấc ngủ của Người”. Ngôi nhà kính, tầng hầm đã được xây thêm trong lúc chờ Lăng Bác hoàn thiện. Hiện Khu di tích K9 được Lữ đoàn 285 chăm sóc, quản lý. Nơi đây được bao phủ bởi cây xanh và được cải tạo ngày càng khang trang hơn trở thành di tích lịch sử CM".
Chúng tôi đã tới thăm di tích này vào năm 2008, mọi người đều tấm tắc Cụ Hồ có con mắt tinh tường, thấu hiểu địa lí, phong thủy chọn nơi kín đáo tiến thoái đều hanh thông giữ được bí mật nhiều năm. Riêng về khoản bí mật tôi vô cùng thán phục vì địa danh Đá Chông là nơi tôi đóng quân một thời gian lúc đó là Thượng úy, đã có đôi lần cùng lính vượt đồi lần theo đường dây thông tin hàng chục km kiểm tra chất lượng  đường dây quanh đó mà không hề biết có một nơi quan trọng như thế”.
Đến nay mỗi ngày có hàng  trăm du khách trong, ngoài nước tham quan chiêm ngưỡng cảnh đẹp và di tích căn cứ nơi Bác Hồ và TW đã ở làm việc trong những năm máy bay Mỹ bắn phá ác liệt miềm Bắc và cũng là nơi tạm an nghỉ của Người trước khi về Lăng ở Hà Nội.
Phạm Lê


Previous
Next Post »