Tôi xin thôi không làm người Hà Nội nữa

Tôi là “Người Hà Nội”, đã từng tự hào về nguồn gốc của mình. Tôi cũng đã bôn ba nhiều nơi, nhiều nước và hôm nay lại trở về với mảnh đất nơi quê hương. Không phải vì tuổi đã xế chiều, mà thêm vào đó là nỗi nhớ nhung, khắc khoải. Những kỷ niệm xưa, tuổi thơ tôi làm sao phai nhạt được. Vĩnh viễn không có dĩ vãng của quê hương, không có quá khứ của nơi đã chôn rau cắt rốn mình, một khi ta là một con người.
Tôi vẫn rất tự hào vì mình là người Hà Nội. Năm xưa, khi rời Hà Nội, tôi vẫn nhâm nhi câu hát “Tôi xa Hà Nội năm tôi 18, khi vừa biết yêu...”. Và hôm nay, ngày trở về, tôi vẫn thổn thức với ca từ của nhiều bài hát, lắng đọng và gợi nhiều kỷ niệm, cảm xúc trong tôi. “Phố nhỏ, ngõ nhỏ nhà tôi ở đó...”. Phải chăng Hà Nội lớn nhiều, vươn vai và vĩ đại nhưng vẫn không thay đổi được diện mạo của mình. Phố nhỏ, ngõ nhỏ... mới là Hà Nội. Hôm nay, ai đó tự hào là “Người Hà Nội gốc” thì hãy đi tìm đi, tìm lại gốc của mình đang ở nơi đâu đó nơi đây. Người Hà Nội nay còn đâu nữa, có chăng tìm thấy ở các huyện ngoại thành, kể cả vài huyện đã “lên đời” thành quận. Đất Hà Nội đắt như vàng, và người Hà Nội trung tâm đã bán gốc của mình và ra ngoại thành, hoặc đi xa hơn nữa, rời Hà Nội... Không phải đi kháng chiến như năm xưa, khi ấy ta ra đi và quyết tâm trở lại Hà thành vì chiến tranh, vì không muốn nhìn quân thù tàn phá. Lần này đi xa, rời Hà thành để nhường lại đất đai, nhà cửa của mình cho người khác - người ở đâu đến cũng được - để ta ra đi thanh thản và không bao giờ có thể quay về. Nơi ấy, nơi ta lớn lên với tuổi thơ và kỷ niệm... nay đã thành quá khứ mất rồi. Hãy nhìn đi, ngắm lại đi. Vài chục triệu đồng cho mỗi mét vuông, hãy nhận lấy và vui vẻ ra đi, lòng quặn đau nhưng vẫn hiên ngang. Nơi ta đến có thể vùng nào đó ngoại ô, có thể xa hơn, về miền quê thật của ta, vùng quê xa hẳn tiếng ồn ào của phố phường. Sau đây hàng thế kỷ, có thể nơi ta đến lại là Hà Nội cũng nên. Tôi đã chứng kiến người Hà Nội di chuyển khỏi thành phố trước cơn lốc của giá đất, giá nhà. Nhiều gia đình đã sống với Hà Nội, thở với Hà Nội qua các cuộc binh đao thời kháng Pháp, kháng Mỹ nhưng không chịu nổi sức hút của thời đại thị trường. Như con chim trong bão, khuất phục và rời tổ ấm của mình. Tôi trở về tìm người Hà Nội, thấy ít đi nhiều, khó tìm lắm. Bạn bè tuổi thơ không còn ở Hà Nội nữa. Ai đó nói rằng, Hà Nội không còn gốc nữa, cũng đúng thôi. Kể cả tôi cũng vậy. Có chăng tìm lại khu trung tâm, người ta để lại, giữ lại Hà Nội cổ bằng những khu bên trong, bên trong lòng của các khu phố cổ. Mặt đường bên ngoài đẹp hơn, thay đổi diện mạo đến ta không nhận ra ta nữa. Xây mới, nâng tầng, cải tạo, nâng cấp... Hà Nội có áo mới. Nhưng bên trong, người Hà Nội bán hết bên ngoài để rút vào trong, sống với thời phố cổ. Đâu đó, người Hà Nội vẫn chung nhau khu vệ sinh hai ngăn thời bao cấp, từng là đề tài nghiên cứu của Hà Nội văn minh. Đâu đó, các gia đình, họ tộc vẫn chung sống hoà bình, nề nếp trong căn nhà đã nhiều lần cải tạo, chật không dắt nổi cái xe máy. Tất cả đã đổi thay. Người Hà Nội cổ không dám thay đổi thành phố của mình, đã nhường cho người tứ xứ. Và họ đến Hà Nội, đâu cần quá khứ, hay kỷ niệm xưa. Người ta đã phá đi, phá hết đi để xây biệt thự mới, nhà cao tầng, siêu thị, nhà hàng... Ai nói với ai bây giờ khi đường phố Hà Nội chật như nêm cối, hỗn loạn bởi trăm loại phương tiện giao thông, hiện đại như ô tô đời mới, nhưng cũng rất đỗi quê hương như các thể loại xe thồ. Tất cả ra Hà Nội, tất cả xuống đường Hà Nội. Và hôm nay, Hà Nội không còn yên lắng nữa. Ồn ào, sôi động chẳng kém Sài Gòn. Một anh bạn nước ngoài nói với tôi rằng, Hà Nội lúc nào cũng là công trường xây dựng, ồn ào, sôi động. Vâng, chúng ta đang sống giữa công trường xây dựng. Chẳng ai dạy ai, chẳng ai bảo ai, người Hà Nội hôm nay đều tự mình xây nhà riêng, đều trở thành các kiến trúc sư của đường phố. Hà Nội của chúng ta thay đổi từng ngày, để hôm nay tấm áo khoác của Hà Nội xưa đã đổi màu rõ rệt. Kiến trúc Hà Nội đã hoà nhập từ lâu, từ trước khi Việt Nam vào WTO. Những tháp dân sinh mảnh khảnh bé gầy, trông xa như những ống khói xen cạnh những nóc nhà kiểu củ hành đủ màu của thế giới Ả-rập trong Alibaba, những mái cong thời Thanh bên Tàu ưỡn ngực khoe sắc bên cạnh những nhà cầu kỳ của Pháp... Tất cả đua nhau xoá đi cái nét của Hà Nội, cái cổ của Hà Nội. Để rồi chúng ta thèm khát, ước ao quá khứ. Ai đó đừng chậm chân, hãy đến Hà Nội để thăm đi, ngắm đi. Kẻo tất cả sẽ trở về cát bụi. Kể cả Hồ Gươm bóng nước thiêng liêng, kể cả Hồ Tây hôm nao mênh mông trời nước. Tất cả trở thành bé nhỏ, mảnh mai trước con người. Con người mình còn khó giữ nổi mình, huống chi Hà Nội cổ. Hãy nhìn đó thành Hà Nội năm nào, hôm nay trở thành khu phố mới. Ba bề bốn bên nhà ống vây thành, kín là thế, vĩ đại là thế. Các bậc tiền bối không thể nghĩ được rằng, người ta lo cho thành cổ đến thế, đã xây thêm một tầng thành nữa, mà lại trong thời không có chiến tranh. Ai dám nghĩ ra ý tưởng này, thật vĩ đại khi tất cả mọi người hiệp sức đồng lòng, để xây dựng thêm một bức tường thành bằng nhà ống, kiến trúc đa phương nhằm... bảo vệ thành cổ Hà Nội. Chắc các bậc tiền nhân phải xúc động và tự hào lắm. Nói về Hà Nội, người ta nhắc nhiều đến phố cổ. Nếu không còn phố cổ thì Hà Nội sẽ ra sao? Không phải chỉ những bức tranh phố cổ của ông Bùi Xuân Phái sẽ trở nên vô giá, mà nhiều hơn, nhiều hơn nữa sẽ trở thành quá khứ. Hồ Tây sẽ bé đi, Hồ Gươm sẽ đổi tên thành gì ta không dám nói, rồi Thành cổ, rồi sông Hồng, bãi cát... Tất cả sẽ qua đi, chỉ còn nằm trong thư viện nào đó, để được nghiên cứu, sưu tầm... Có ai đó rao bán trên mạng viên gạch phố cổ Hàng Đào, hay viên ngói thành cửa Bắc. Chúng ta đón chờ mà chẳng xót xa sao. Nhưng có ai đã làm gì để giữ nó, bảo vệ nó, bảo vệ cái cổ trong khi xã hội chỉ mong cái mới. Khó lắm. Làm sao giữ được là quá khó, trong khi bán đi, xoá nó đi lại là quá dễ. Người phố cổ ngắc ngoải sống trong căn nhà cổ sập sệ, sắp đổ rồi, lại cứ dài cổ ra trông chờ vào ai đó hỗ trợ để giữ cái viên gạch, cái tường rêu phong? Người ta giữ phỗ cổ bằng mồm, còn người dân phố cổ giữ bằng sự chịu đựng, âm thầm, nhẫn nhục và có thể cả là sinh mạng. Ai lo cho phố cổ bây giờ? Quy hoạch, lại nói về quy hoạch Đúng là quy hoạch thật vì nó còn xa vời lắm với cái thực tế, với những gì sau quy hoạch. Có người đã nêu ý tưởng bỏ chữ “quy hoạch” đi, thay vào đó là chữ "làm luôn". Vì quy hoạch chỉ là ý tưởng, để người sau làm theo, để nó có quy hoạch. Hay lắm ai ơi, quy hoạch cán bộ, quy hoạch thành phố, quy hoạch nông thôn, quy hoạch của... quy hoạch. Tội lắm ai ơi, cứ tưởng mình trong diện “quy hoạch” là chắc ăn, sẽ lên chức, sẽ được bổ nhiệm. Hí hửng, ra oai, cứ tưởng tượng đi. Người Hà Nội cổ quen rồi, hiểu đời lắm. Nên cứ bình tâm, cứ đợi, cứ chờ vì người ta lại có quy hoạch điều chỉnh ngay sau đó. Thế mới có “quy hoạch treo”. Hai mươi năm rồi, Hà Nội qua nhiều lần quy hoạch, nay nhìn lại chẳng biết đang theo cái quy hoạch nào. Tác giả này lên án, cán bộ nọ phê phán. Nhưng khó lắm ai ơi! Hôm nay duyệt nhưng mai lại điều chỉnh, cái sau hay hơn cái trước, vì đường quy hoạch lại đã được điều chỉnh để nó lại qua cửa nhà mình, cong cong vòng vèo một chút cũng không sao. Dân nào biết được Hà Nội ơi? Tôi lạc lõng giữa Hà Nội, bâng khuâng giữa đất của mình. Đi nhiều nơi, nhưng phải công nhận với nhau, quá buồn và quá đau. Hà Nội ơi, thành phố ơi... bẩn lắm! Người Tràng An gì mà cứ đùn rác bẩn ra ngoài đường, cái gì cũng ném ra khỏi nhà mình đấy là vệ sinh? Người Hà Nội gì mà cứ đổ trộm phế liệu ra đường, thành núi giữa phố phường. Người Hà Nội gì mà đánh chửi nhau nhiều thế, chèn nhau trên đường giao thông, lấp hết sông hồ, bôi bẩn đường phố đến thế. Thua xa Vũng Tàu, thua xa Đà Nẵng. Hà Nội có nhiều cán bộ nhất nước, tỷ lệ này cao lắm ai ơi. Hà Nội có nhiều cơ quan công quyền nhất quốc gia, cứ nhìn số lượng nhà công vụ thì biết thôi. Đâu còn “Phở Hà Nội” hôm nay. Tôi cố đi tìm và không thấy nữa. Những quán phở nhỏ bé, giản dị khi xưa được thay bằng những quán to hơn, hiện đại hơn, nhưng thú thật... bẩn thỉu cũng hơn xưa. Người ta cho rằng, phở Hà Nội phải bẩn một chút, trông nhếch nhác một chút, giấy ăn, xương xẩu phải ngập chân khách. Phở Hà Nội gốc là vậy. Còn không, xin mới bạn ra quán mới, thiếu gì đâu: nào “Phở 24”, “Phở Cali”, hoặc “Phở Vuông”... Tất cả các quán mới đều to hơn, sạch hơn, xịn hơn, nhưng có nhiều đâu dấu xưa của Hà Nội. Hà Nội thiếu cái gì tôi không biết, nhưng chắc chắn thừa... tôi. Vì tôi chẳng làm được gì cho Hà Nội. Cũng chỉ than vãn thôi, nói thôi thì có khác gì... quy hoạch treo. Tôi nghĩ rồi. Trách nhiệm của tôi đâu rồi? Phải như nước ngoài, không làm được thì từ chức, như huấn luyện viên bóng đá có sao đâu. Vâng, vậy thì tôi xin... từ chức, từ danh của tôi. Xin thôi không làm người Hà Nội nữa. Hãy làm bất cứ người ở đâu đến, miễn không phải người Hà Nội. Nhưng biết gửi đơn đi đâu bây giờ? Không ai nhận đơn đâu, người Hà Nội ơi.
Hà Nội, Xuân Mậu Tý 2008.

Phương Hà My
(nguồn PV.Tiến sưu tầm trên mạng)
Previous
Next Post »