Chùa Bái Đính và Tràng An, NinhBình

LNĐ:Theo gợi ý của bác Anh, Nhu để phục vụ chuyến thăm quan Khu vực Kênh Gà, Tràng An, Bái Đính tôi xin giới thiệu bài viết về hai địa danh Tràng An và Bái Đính.
Tràng An.

Toàn khu có 47 di tích lịc
h sử với nhiều hang động ẩn mình trong những núi đá vôi, các thung lũng và hệ thống sông ngầm đan xen tạo nên một không gian huyền ảo và thơ mộng.
Sự vận động biến ảo của đất trời đã bày sẵn cho khu quần thể hang động Tràng An một trận đồ bát quái với cửa sinh, cửa tử quanh cố đô xưa, ngày nay, du khách như lạc vào cõi tiên, lâng lâng một cảm giác thoát tục. Nơi đây còn lưu giữ nhiều chứng tích lịch sử của một kinh đô với ba triều đại kế tiếp là: Đinh, Lê, Lý. Có thể nói, đây là một địa danh du lịch lịch sử - văn hóa - tâm linh - sinh thái hết sức hấp dẫn.
Tràng An có gần 50 hang động dài từ vài chục mét đến hàng trăm mét. Các hang động được nối với nhau bởi gần 30 thung, mỗi thung là một bức tranh thủy mặc. Các thung đều thông nhau bởi các động xuyên thủy khiến núi non gắn bó, làm nên một dáng vẻ sống động. Những nhũ đá lấp lánh, được tạo hóa khéo sắp đặt, muôn hình vạn trạng trên vách hang, tạo nên những kỳ quan sinh động, để du khách phát huy trí tưởng tượng đặt tên cho các nhũ đá.
Không biết từ bao giờ, tiền nhân nào đã đặt tên cho các hang động rất gợi cảm như: hang Seo lớn, hang Si, hang Ao Trai, hang Sính, hang Nấu Rượu, hang Địa Linh, hang Ba Giọt, hang Sáng, hang Tối, thung Láng, thung Mây, thung Trần, thung Khống, núi Vua, núi Chúa, núi Ông Trạng... Ông Nguyễn Văn Son - người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cố đô Hoa Lư cho biết: nếu vào hang Ba Giọt, du khách hứng lấy ba giọt nước trong lòng bàn tay thì sự nghiệp sẽ công thành danh toại, hứng tiếp ba giọt nữa để uống thì tình yêu sẽ viên mãn. Còn hang Nấu Rượu, trong hang có mạch nước ngầm sâu hơn 10m, xưa kia, các bậc tiền bối đã vào đây lấy nước để nấu rượu tiến vua, khi nạo vét lòng hang phát hiện rất nhiều bình gốm, hũ, vại và các dụng cụ để nấu rượu.
Trong quá trình khảo sát và thi công các hang động ở đây, các nhà xây dựng đã thu được nhiều cổ vật từ thời Đinh và Tiền Lê như: gạch xây, gạch lát, cối giã, tiền đồng, cày gỗ, cuốc gỗ, bát đĩa, hũ vại, nhạc ngựa, quả cân bằng đá... Đây là những hiện vật quý hiếm, có giá trị lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc và là biểu tượng sống động, thể hiện ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử. Không gian ở quần thể hang động Tràng An tĩnh lặng đến mức, người ta có thể nghe thấy tiếng bầy vịt trời vỗ cánh hay thấy những chú dê ngơ ngác giật mình trước khách lạ... Hãy đến đây để thưởng ngoạn sự hùng vĩ của núi non, thả hồn mơ mộng trước những hồ nước, hang động kỳ ảo cùng trời mây cao rộng; tất cả hòa nhập vào nhau, tạo cho du khách một cảm giác nồng nàn, thi vị trong giang sơn cẩm tú.
Khu du lịch sinh thái Tràng An còn bao bọc cả một khu rừng nguyên sinh có hệ sinh thái đa dạng, phong phú, trong đó có những loài động vật quý hiếm như: phượng hoàng đất, sáo, khướu, khỉ, trăn, đặc biệt là loài vượn yếm trắng - một loài có tên trong sách đỏ thế giới. Phượng hoàng biểu trưng cho sự thịnh vượng, cho những điều tốt đẹp; vì vậy, thật may mắn nếu trong hành trình của mình du khách bắt gặp phượng hoàng đất.
Chùa Bái Đính
Là ngôi chùa cổ trên núi Bái Đính, chùa được Bộ Văn Hoá - Thông tin công nhận và cấp bằng “Di Tích Lịch Sử - Văn Hóa” năm 1997. Hiện tại, cũng trên núi Bái Đính gần chùa Bái Đính cũ đã xây dựng một khu chùa mới cũng tên Bái Đính được coi là khu chùa lớn nhất Việt Nam. Đây là một khu chùa lớn đã được xây dựng và vận hành, đến năm 2010 kết thúc các hạng mục ngoại thất để kỷ niệm 1000 năm kinh đô Hoa Lư - Thăng long - Hà Nội (1010 – 2010). Khu chùa này toạ lạc gần cố đô Hoa Lư. Thể hiện một sự tiếp nối, bổ sung hoàn chỉnh cho cố đô Hoa Lư ngày nay. Khu chùa được xây dựng trên đồi núi cao, lấy tên là Bái Đính để ghi nhận khu chùa ở gần chùa Bái Đính cũ, cũng là tên núi. Vị trí đó là một địa điểm thuận lợi, sau này sẽ là tâm điểm của cả vùng du lịch Hoa Lư. Khu chùa Bái Đính mới gồm có những công trình chính sau: Nằm trên đồi cao là Điện Tam Thế, 3 tầng mái cong có 12 mái ở bốn phía. Bốn phía nền của Điện Tam Thế đều xây các tường đá thấp, tam cấp theo độ dốc của đồi và xây nhiều bậc đá để đi lên, tạo cho không gian Điện thờ hoành tráng, trang trọng. Trong Địên Tam Thế đặt 3 tượng Tam Thế bằng đồng, mỗi tượng nặng 50 tấn. Xuống thấp hơn là một vườn sinh vật cảnh với các hòn non bộ và cây cảnh độc đáo. Theo độ dốc của đồi là đến Điện thờ Pháp cao 27m, dài 47,7m, rộng 43,2m. Điều đặc biệt ở Điện thờ Pháp Chủ là đặt một tượng A Di Đà bằng đồng rất to lớn, nặng 100 tấn. Pho tượng đồng này chỉ mới có ở đây và cũng là tượng phật to lớn nhất Việt Nam. Tiếp đó là một sân chùa rộng, rồi đến Điện thờ Quan Thế Âm Bồ Tát. Lại có một sân chùa và một vườn cây nữa, rồi mới đến tháp chuông lớn, gồm 3 tầng mái cong, tất cả là 24 mái ở tám phía với các đầu đao. Trong tháp chuông này, treo một quả chuông nặng 36 tấn. Trên đồi cao về phía bên trái toà Tam Thế cũng treo một quả chuông cao 5,6m, nặng 27 tấn. Cũng theo đường chính đạo, hai bên đường là hai vườn chùa rộng lớn, xuống thấp hơn nữa mới có Tam quan, 3 tầng mái cong. Từ hai phía của Tam quan xây các dãy nhà hành lang bao bọc khu chùa lên đến Điện Tam Thế. Trong các nhà hành lang này đặt 500 vị La Hán bằng đá, mỗi tượng một dáng hình khác nhau nhưng đều cao to đồ sộ. Độ dài từ thấp đến cao tính từ Tam quan ở dưới lên đến Điện Tam Thế ở trên là gần 800m. Khu vực chùa Bái Đính còn lan ra một không gian rộng lớn hơn nữa, có Giếng Ngọc, hồ Phóng Sinh, hồ Đàm Thị, khu thờ Mẫu, khu thờ Tổ, khu tháp mộ sư, khu nhà Tăng thiền viện, khu nhà khách, Bảo tháp 14 tầng và khu Bảo tàng Phật giáo Việt Nam.

Vĩnh Toàn
(tham khảo trên mạng)

Previous
Next Post »