CHÀO MỪNG ĐẠI LỄ VESAK TỔ CHỨC TẠI VN


Chúng ta sinh trưởng và có nguồn gốc trong dòng họ và gia đình theo đạo Phật giống như đại đa số các dòng họ và gia đình khác ở VN, mặc dầu các thế hệ con cháu sau này không tu luyện thường xuyên giáo lý đạo Phật hay đi lễ chùa hàng ngày như thế hệ trước, nhưng trong tâm linh chúng ta vẫn hướng về đạo Phật trong những ngày lễ của gia đình hay lễ lớn của Phật giáo như lễ Phật Đản. Đạo Phật ngày này đã có nhiều biến đổi sâu sắc ở VN và thế giới, như về giáo lý ngày càng được hiện đại hóa, trước đây đạo Phật thiên về lý thuyết và tín ngưỡng, nay đã có nhiều biện pháp thực hành góp phần giúp giải quyết khó khăn cho con người về mặt nội tâm như : ăn chay, thiền, luyện dưỡng sinh, trang bị các kiến thức cơ bản về tâm linh, giúp cho giảm stress và giảm nhẹ nỗi đau của các bệnh tật liên quan đến tâm thần để con người sống được an lạc và hạnh phúc hơn. Về tâm linh đạo Phât đã chỉ ra hạnh phúc của con người về cơ bản không phải chỉ có tiền bạc, quyền lực, bằng cấp mà chính là năng lực về tâm linh là sự hiểu biết và lòng thương người.
Để giúp cho chi họ nhà ta hiểu rõ hơn vì sao về lễ hội Vesak được tổ chức ở VN từ 12/5 -17/5/2008 và hôm nay chính thức lễ khai mạc với sự hiện diện của hàng ngàn người, có nhiều quan khách quan trọng trong nước và thế giới tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia Mỹ Đình, giới thiệu tầm quan trọng và ý nghĩa của ngày nay qua các tài liệu chính dưới đây :

THÔNG ĐIỆP CỦA ÔNG BAN KI MOON, TỔNG THƯ KÝ LIÊN HIỆP QUỐC, NHÂN NGÀY VESAK NĂM 2007.


New York, ngày 29 tháng 5, năm 2007

"Tôi sung sướng biết bao khi được gửi đến tất cả các bạn lời chào mừng nhân ngày hạnh phúc này khi chúng ta cùng nhau kỷ niệm cả 3 sự kiện trọng đại của đức Phật là Đản sinh, Thành đạo, và Niết bàn.Hơn 2500 năm qua, những lời dạy thiêng liêng của Phật vẫn tiếp tục soi sáng, hướng dẫn và đem lại ý nghĩa cho biết bao triệu con người trên khắp hành tinh này. Lễ kỷ niệm hàng năm này càng xác quyết cho những đệ tử Phật rằng lý tưởng mà họ đã tôn thờ, con đường mà họ đã đi theo, bậc Thầy mà họ đã tôn kính là vô cùng chân chính, càng nêu bật tính cao cả của giáo lý về lòng Từ bi, về Trí tuệ, và lòng yêu chuộng hòa bình sự sống mà đức Phật đã tuyên giảng.Lễ kỷ niệm hàng năm này chính là để vinh danh các đạo lý vượt ngoài thời gian, vượt ngoài năm tháng đó. Những sự kiện xảy ra dồn dập trong những năm gần đây đã cho thấy nguy cơ từ những sự khác biệt lớn dần giữa những cộng đồng và những quốc gia. Chúng khiến chúng ta lo lắng rất nhiều về tình trạng bất khoan dung và căng thẳng giữa các nền văn hóa với nhau. Chúng cũng buộc chúng ta phải lật ngược tình trạng đó, phải chuyển hướng xu thế đó, để cùng nhau mưu tìm một giải pháp sống còn cho một nền hòa bình ổn định lâu dài trên hành tinh ta.Muốn như thế, chúng ta cũng buộc phải bỏ lại đằng sau những lợi ích nhỏ bé, ngắn ngủi của riêng mình. Như lời Phật dạy, chúng ta luôn luôn xem xét những lời nói và việc làm của mình một cách cẩn thận vì chúng luôn luôn gây ảnh hưởng đến những người chung quanh ta. Chúng ta nhận thức rất rõ về bản chất hỗ tương liên đới lệ thuộc lẫn nhau trong cuộc sống này, và chúng ta nguyện đặt lợi ích hạnh phúc của cộng đồng, của nhân loại như là của chính chúng ta.
Trong ngày Vesak thiêng liêng này, tất cả chúng ta, dù là Phật tử hay không Phật tử, hãy cùng nhau dành cho loài người lòng thương mến kính trọng bình đẳng, vượt khỏi những hận thù ganh ghét. Chúng ta sẽ cố gắng từng ngày để xây đắp lại thế giới này tươi đẹp hơn, cũng như hoàn thiện chính con người của mình tốt đẹp hơn. Với ý nghĩa đó, xin cho tôi được chúc tất cả các bạn một ngày Vesak rất hân hoan và an lạc."

01. Sự hình thành và phát triển của đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc.
(The United Nations Day of Vesak, viết tắt là UNDV)
Đại lễ Vesak Tam Hợp Liên Hiệp Quốc là một sinh hoạt văn hóa do Liên Hiệp quốc khai sinh, chủ xướng. Duy trì và triển khai cách đây 9 năm:
Ngày 15-12-1999, tại phiên họp thứ 54 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, sau khi thảo luận Đề mục 174 của chương trình nghị sự, Đại hội đồng đã biểu quyết chính thức thừa nhận và đứng ra tổ chức Đại lễ Phật đản hay còn gọi là đại lễ Tam hợp.
Vào năm 2000, đại lễ Vesak LHQ đã được long trọng tổ chức tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc, New York với sự tham gia của các Đoàn đại diện môn pháp phái Phật giáo thuộc 34 quốc gia.
Từ năm 2004 đến nay, dưới sự bảo trợ của chính phủ Hoàng gia Thái Lan và của Giáo hội Phật giáo Thái Lan, trường đại học Phật giáo Mahachulalongkorn tổ chức 3 lần đại lễ Vesak LHQ và bốn lần hội thảo quốc tế tại Trụ sở LHQ Châu Á Thái Bình Dương và Trung tâm Phật giáo thế giới Buddhamonthon, Bangkok, Thái Lan.
Vào ngày 29-5-2007, trong lễ bế mạc đại lễ Vesak LHQ, sau khi xem xét thư thỉnh nguyện của GHPGVN và công hàm của của Bộ Ngoại Giao nước CHXHCNVN, Hoà thượng GSTS. Dharmakosajarn đã căn cứ vào Hiến chương đại lễ Vesak LHQ công bố trước hơn 500 đoàn đại biểu Phật giáo thuộc 62 quốc gia rằng Việt Nam là nước đăng cai ĐLPĐLHQ 2008 và GSTS. Lê Mạnh Thát, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM làm Chủ Tịch Uỷ ban Tổ chức Quốc tế (viết tắt là IOC).
02 . Vesak và lễ Tam Hợp là gì ?.
Vesak là tên gọi tháng Tư âm lịch, là tháng mà Nam tông Theravada từ xưa đã kỷ niệm 3 sự kiện trọng đại của đức Phật: Đản sinh, Thành đạo, và Niết bàn. Việt Nam ta theo Bắc tông Đại thừa phần đông nên chỉ kỷ niệm tháng Vesak này cho dịp Phật đản sinh, còn 2 sự kiện kia thì tách rời tổ chức riêng ra. Nhưng Liên Hiệp Quốc làm theo Nam tông nên năm nay ta cũng làm theo như vậy. Vì vậy đại lễ Vesak là sự kiện hết sức thiêng liêng của toàn thể đệ tử Phật trên khắp thế giới. Qua việc đăng cai đại lễ Vesak lần này, ta cũng chứng tỏ cho thế giới biết về chính sách tôn giáo của ta là đúng đắn hợp lý.
Từ xa xưa, Đại lễ Vesak, hay còn gọi là lễ Tam Hợp, đã được tổ chức tại các quốc gia Phật giáo theo truyền thống Nam tông, bắt đầu từ Sri Lanka sau đó truyền sang Miến Điện, Thái Lan, Lào và Cao Miên. Trong khi đó, một số quốc gia theo truyền thống Phật giáo Bắc tông, như Trung Hoa, Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản, thường cử hành ba dịp lễ trọng đại trên vào ba ngày khác nhau trong năm. Tuy nhiên, ngày rằm tháng tư âm lịch được xem như là ngày lễ Phật giáo trọng đại nhất, và đã được các đoàn đại diện Phật giáo chấp nhận, trong kỳ Ðại hội Phật giáo Thế giới lần thứ VI vào năm 1961.
03. Ý nghĩa của việc Liên Hiệp Quốc chọn ngày sinh của Phật (ngày trăng tròn tháng 5 DL) là ngày Văn hóa và Tôn giáo của thế giới.
Liên Hiệp Quốc chọn ngày Phật đản sinh là ngày Văn Hóa và Tôn Giáo thế giới để tôn vinh Đức Phật, một vĩ nhân văn hóa và tâm linh của nhân loại, và để biểu dương tinh thần hòa bình và nhân bản trong giáo pháp của Ngài. Cho nên, đó cũng là niềm hãnh diện, đặc biệt cho Phật tử của quốc gia nào được chọn lựa đứng ra tổ chức ngày Hội lớn này của nhân loại. Nói chung, đại lễ Phật Đản Liên Hiêp Quốc trở thành một sự kiện có ý nghĩa sâu sắc trong cộng đồng Phật giáo thế giới, xây dựng giá trị nhân văn, tâm linh, và tín ngưỡng khi có sự hợp tác giữa mọi người trên tinh thần từ bi trí tuệ của đạo Phật.
Ở Việt Nam, đây là cơ hội phát huy và bảo tồn các di sản văn hóa Phật giáo và tạo hình ảnh một nước Việt Nam tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, vừa tốt đạo - đẹp đời trong mắt các nước anh em trên thế giới.
04. Ý nghĩa của việc Việt Nam đăng cai Ðại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc (LHQ) 2008 :
Việc Chính phủ Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2008 là sự thể hiện đường lối, chính sách tự do tín ngưỡng của Nhà Nước Việt Nam, làm cho bạn bè và nhân dân thế giới thấu hiểu về đất nước và con người Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, tự do, thân thiện, hòa hợp và đoàn kết. Đồng thời, khẳng định phật giáo VN luôn luôn đồng hành cùng với vận mệnh của đất nước, của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Phật tử VN luôn đứng về phía Tổ Quốc và nhân dân trong cuộc đấu tranh và xây dựng đất nước. ĐẠO PHẬT ĐỐI VỚI NGƯỜI VN KHÔNG CHỈ LÀ MỘT TÔN GIÁO MÀ CÒN LÀ MỘT BỘ PHẬN KHÔNG THỂ TÁCH RỜI CỦA NỀN VĂN HÓA DÂN TỘC GIÀU TRUYỀN THỐNG "- xứng đáng với tinh thần Đạo Pháp và Dân Tộc.
Về phương diện giáo hội: Đây chính là dịp để thiết lập nhịp cầu tâm linh và học hỏi kinh nghiệm Phật sự của các giáo hội, tổ chức, phái đoàn Phật giáo trên thế giới. Đồng thời tăng cường sự hiểu biết, cảm thông, hợp tác giữa GHPG trong nước và nước ngoài nước, nhằm góp phần mang lại cho đời sống xã hội các giá trị hoà bình, an lạc và hữu nghị.
Về phương diện tâm linh: Ta giới thiệu được nhiều hệ phái pháp môn tu tập tại Việt Nam cho PG các nước bạn. Đặc biệt VN có sự dung thông liên kết giữa 2 tông phái chính là Nguyên Thủy và Đại thừa.
Về phương diện học thuật: Chủ đề hội thảo chính và các diễn đàn của Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2008 mang tính thời sự cao, gắn liền với các mối quan tâm hàng đầu của LHQ và Việt Nam. Thông qua đó, giới thiệu và cung ứng các giá trị Phật giáo có thể đóng góp cho các vấn nạn toàn cầu.
Về phương diện văn hoá: Đây là hoạt động mang tính quần chúng hóa, nhằm tạo không khí tưng bừng, sôi nỗi, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc. Các sắc màu lễ hội này nhằm tạo sự giao lưu, học hỏi tinh hoa văn hoá Phật giáo các nước, đồng thời kêu gọi ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá thế giới, trong đó bao gồm các di sản văn hoá Phật giáo cấp thế giới và quốc gia.
Về phương diện du lịch: Các tour du lịch chính thức trong đại lễ bao gồm Trúc Lâm Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh và Chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình. Mục đích nhằm giới thiệu về bản sắc Phật giáo Việt Nam qua dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử ngày xưa và ngôi Chùa Bái Đính mới được xây dựng tại khu du lịch thuộc cố đô Hoa Lư, kinh đô đầu tiên của Việt Nam với ba đời vua Đinh, Lê và Lý.
Về phương diện kinh tế: Việc đăng cai Đại lễ Vesak LHQ còn có ý nghĩa kinh tế : biến năm 2008 thành “năm Việt Nam” với các hoạt động phát triển du lịch và đầu tư kinh tế vào Việt Nam thời hậu WTO.
Về phương diện đạo đức: Trong thời đại mà nền kinh tế, khoa học và kỹ thuật phát triển không ngừng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, thì áp lực về vật chất ngày càng gia tăng đè nặng lên đời sống tinh thần của mỗi cá nhân. Do đó, con người có nhu cầu tìm về những chuẩn mực giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Trong bối cảnh đó, đạo đức phật giáo có một ý nghĩa quan trọng đối với việc bồi đắp đời sống tinh thần lành mạnh đối với con người.

( Tham khảo trên mạng )

Previous
Next Post »