GS Nguyễn Lân Dũng…

Trích một đoạn bài viết của GS Nguyễn Lân Dũng: Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo đặc biệt quý trọng người tài. Khi thành lập Chính phủ tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I ngày 3/11/1946, Bác đã đề nghị lựa chọn nhiều trí thức không phải Đảng viên. Tiêu chí là "gồm tất cả các nhân tài trong nước để gánh vác việc quốc gia... đặt quyền lợi Tổ quốc và dân tộc lên trên hết, lấy lòng chí công vô tư mà làm việc", (theo Hồ Chí Minh toàn tập 1995). 
Ðó là Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Giao thông công chính Trần Ðăng Khoa, Bộ trưởng Y tế Hoàng Tích Trí, Bộ trưởng Tư pháp Vũ Ðình Hòe, Bộ trưởng Canh nông Ngô Tấn Nhơn, Bộ trưởng Cứu tế Chu Bá Phượng, Bộ trưởng Không bộ Nguyễn Văn Tố và Bồ Xuân Luật.
Năm 1947, Chính phủ được cải tổ với sự tham gia thêm của một số trí thức ngoài Ðảng khác như: Bộ trưởng Kinh tế Phan Anh, Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám. Sau khi cụ Huỳnh Thúc Kháng tạ thế, Bác mời cụ Phan Kế Toại làm Quyền Bộ trưởng Nội vụ. Chính phủ khi đó có tới mười vị ngoài Ðảng, đều là những trí thức nhiệt tình và đem hết tâm trí ra để hoàn thành trọng trách của mình.
Sau ngày hòa bình lập lại, 20/9/1955, Chính phủ được bổ sung, thay đổi nhân sự, lúc này vẫn còn tám vị bộ trưởng là người ngoài Ðảng. Có những vị đã hoàn thành xuất sắc cương vị công tác của mình trong mấy chục năm liền như Nguyễn Văn Huyên, Phan Anh, Nghiêm Xuân Yêm, Trần Ðăng Khoa. Cụ Phan Kế Toại về sau được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ.
 Bố vợ tôi, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên đã hoạt động suốt ba thập niên để xây dựng ngành giáo dục. Khi nghe tin thân mẫu của Giáo sư Nguyễn Văn Huyên là mẹ vợ cụ Phan Kế Toại qua đời, Bác đã viết thư chia buồn: "Cụ Phan, Bộ trưởng Bộ Nội vụ/ Ông Nguyễn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Tôi rất buồn được tin Bá Mẫu qua đời. Nhân danh tôi và nhân danh Chính phủ, tôi kính gửi lời chia buồn với Cụ và Ông cùng quý quyến, Hồ Chí Minh". Những chuyện ấm lòng như vậy, kể sao cho xiết. 
Những ngày này, nước ta đang chuẩn bị nhân sự tham gia Trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư, lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 và tháng Năm cũng kỷ niệm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi nghĩ về những phẩm cách của người lãnh đạo. Tôi vẫn tin rằng ở mọi thời, mọi quốc gia, mọi dân tộc, chữ Tâm chữ Đức là cao hơn cả. Dù làm chức gì đi nữa, nếu trái tim vị ấy thiếu hơi ấm và sự quan tâm đến con người, mọi thứ khác đều không nhiều ý nghĩa.
Theo GS.Nguyễn Lân Dũng
(Phạm Lê trích dẫn phần lời bài viết của tác giả.). Chú thích Ảnh trên mạng. Cụ Nguyễn Lam ngoài cùng bên trái ảnh cuối.


Previous
Next Post »