Hồi ký “Về ba tôi” (Phần một)

Lnđ: Nhân kỉ niệm 98 năm ngày Sinh Cụ Nguyễn Lam (31.12.1921) thông gia hai cụ Quang Yến. Xin trích giới thiệu phần đầu và kết bài viết tựa đề Về Ba tôi của bà Lê Quang Minh (*)
Phần một : Thời niên thiếu của tôi.
Cho đến tận bây giờ, tôi luôn nhớ tới Ba trong những ngày thơ bé của chị em tôi. Hình ảnh Ba trong tôi luôn là người cha hiền từ, rất yêu thương con cái, song ít khi Ba thể hiện điều đó ra ngoài như ôm ấp, âu yếm, vồ vập các con … như các ông bố, bà mẹ khác.
Nhưng chúng tôi biết, Ba luôn quan tâm và dõi theo những hành động nghịch ngơm, nhiều khi rất vớ vẩn, của chị em tôi ở nhà và ở trường. Tuy vậy, vì quá bận bịu với công việc cơ quan nên Ba chả bao giờ đủ thời gian theo sát chúng tôi hàng ngày, mà chỉ hỏi han việc học hành của tôi vào lúc tối muộn.
Trên đường công tác...
Hồi mới giải phóng thủ đô 1954, mẹ tôi công tác ở Trại Nhi đồng Miền Bắc cả tuần chỉ về với ba con tôi tối thứ 7 và ngày Chủ nhật, Ba một mình vừa làm việc cơ quan vừa chăm sóc tôi như một ông bố đơn thân chính hiệu thời bao cấp. Trò mà tôi thích nhất sau khi ăn cơm chiều với Ba ở nhà ăn tập thể cơ quan là lăng xăng xung quanh các chú, bác đồng nghiêp của Ba, chui qua chui lại giữa 2 chân Ba đứng dạng ra 2 bên và hít hà làn khói thuốc lá mà Ba phả ra để hóng những chuyện khi Ba đàm luận thời cuộc, chương trình công việc … của cơ quan (với các bác Lê Xuân Đồng, Vũ Quang, Vũ Đại, Lưu Minh Châu …) ở Trung ương Đoàn. 
Là con gái, nhưng tôi một mình sống với Ba ngay ở nơi làm việc, nên suốt ngày tôi lọ mọ khắp nơi và chả có trò gì mà tôi không thử. Vì vậy, tới chiều tối, sau cả ngày lê la, chui rúc nghịch ngợm khắp các xó xỉnh trong cơ quan, thì người tôi bẩn thỉu và hôi như cú không ai chịu nổi. Lúc đó Ba là người lôi tôi ra tắm rửa, gội đầu, kỳ cọ cho đến sạch bong. Ngoài những giờ học ở trường, tôi thường loay hoay tự nghĩ các trò giải trí như: nuôi được 2 chú vịt con ấp nở ra từ trứng vịt lộn, nuôi cá cờ có sọc xanh đỏ, hoặc tìm đọc bất kỳ loại sách báo nào có trên bàn làm việc của Ba; đôi khi tôi còn cả gan lục lọi cả bàn giấy của các cô chú cán bộ văn phòng cơ quan để tìm bóc tem thư cho bộ sưu tập của mình …  Khi chúng tôi có lỗi, dù có những khi tôi phạm những lỗi không nhỏ (có lần tôi lén mở ngăn kéo lấy hết tiền lương tháng của Ba để  … khao bạn bè …), vậy mà Ba không đánh mắng mà chỉ phân tích nhẹ nhàng để tôi nhận ra khuyết điểm của mình. 
                            Đường phố Nguyễn Lam          Ngày 31.12.2018
Cách giáo dục của Ba rất kiên quyết nhưng không ép buộc, mà để các con tự nhận ra lỗi của mình và sau này khi lớn hơn có thể tự nhận thức và quyết định lấy con đường phấn đấu đi lên trong cuộc sống của mình. Khi chúng tôi đã trưởng thành, Ba cũng không thúc giục chúng tôi phải nhất nhất trở thành đảng viên cộng sản như Ba, mà để các em tôi tự nguyện lựa chọn cách sống của đời chúng. Ba nói “cũng không nhất thiết phải là đảng viên cộng sản nếu mình chưa hiểu và không thích, nhưng chủ yếu phải là người có lương tâm, biết sống tốt và đóng góp nhiều cho xã hội”. Trên thực tế, Ba gương mẫu về mọi mặt cả trong công việc của Đảng và Nhà nước nhưng rất quan tâm đến gia đình, con cái. 
Tôi lớn dần và biết nghe lời Ba hơn. Rồi tôi bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến Ba theo cách khác. Tôi cố gắng học hành chăm chỉ để ba vui và hình như cũng biết coi ba là hình mẫu mà mình cần cố gắng làm theo. Một lần (lúc đó tôi học cuối lớp 1), trong giờ học đạo đức hay kể chuyện gì đó, cô Bích, giáo viên chủ nhiệm lớp, kể cho cả lớp nghe về lòng dũng cảm của các chiến sĩ cộng sản bị giặc Pháp bắt giam, bị đánh đập, tra khảo dã man nhưng họ kiên quyết không khai báo để bảo vệ tổ chức … Cô còn nói: trong lớp ta cũng có bố của một bạn là 1 trong những người tù gan dạ đó. Ngạc nhiên quá, tôi về hỏi Ba. Ba chỉ cười “Bị giặc bắt tù thì ai mà chả bị đánh đập và tra tấn …”, “ Thế ba nhất quyết không khai à, bị đánh đau thế cơ mà …?”. Ba bảo “ Nếu Ba mà khai ra thì các bác các chú cùng hoạt động với Ba cũng sẽ bị chúng bắt tù hết như ba, vậy thì còn ai tiếp tục chiến đấu nữa … cách mạng sẽ rất khó khăn. Nhưng con đừng sợ, trong tù cũng không phải chỉ toàn cảnh tra tấn, đánh đập đâu. Nhiều lúc cũng vui lắm đấy”. 
Ông và cháu ngoại Toàn Thắng
Trong tù, ba cùng các bác, các chú vẫn giúp nhau học thêm các kiến thức chính trị, văn hóa, tổ chức văn nghệ … vì thế mà ba ngày càng có hiểu biết nhiều hơn về cuộc sống ... Tù khổ sai như Ba thường bị chúng bắt đi làm “cỏ vê”. Công việc khá vất vả và nặng nhọc: thí dụ như phải vào rừng chặt những cây to, có khi mấy người ôm không hết, rồi phải hò nhau kéo, mang về trại giam. Ai cũng bị trầy da, chân tay sứt sẹo và đầy chai sạn ... Nhưng đối với ba thì đi “cỏ vê “ lại là dịp xổ lồng, được tự do hít thở không khí trong lành của núi rừng. Đôi khi gặp may tới khu rừng toàn muỗm, dâu da, bưởi rừng… thì thật sướng, được ăn xả láng và giắt hoa quả đầy cạp quần mang về cho các bạn tù khác . Lúc đó tôi thầm nghĩ: thế mà mọi người cứ bảo đi tù khổ lắm. Như Ba nói thì đâu có gì ghê gớm lắm đâu. 
Sau này,  được đọc nhiều sách báo, hồi kí của các bác lão thành cách mạng, tôi đã hiểu ra nhiều điều cụ thể, chi tiết hơn về đời sống vất vả, cực nhọc của tù nhân chính trị trong nhà lao của đế quốc, trong đó có Ba của mình. Tôi lại càng thương Ba và kính phục, ngưỡng mộ các bậc cha anh đã không quản gian khổ, hi sinh, cống hiến cả cuộc đời trai trẻ của mình cho sự nghiệp độc lập dân tộc và cho hạnh phúc của nhân dân.
Phạm Lê 
(*) Bài viết gồm 6 phần
Previous
Next Post »