Suy nghĩ về tặng quà ngày Lễ

Sang Mỹ tôi để ý xem các ngày Lễ họ tặng nhau như thế nào? Nói chung người Mỹ rất thực tế và tình cảm nên họ chỉ tặng hiện vật chứ không tặng tiền. Thứ nữa là họ cũng không tặng các thứ quá đắt tiền phần vì tiết kiệm, phần vì ngại người nhận quà không cảm thấy thoải mái. Người nhận thì cũng hay suy nghĩ của biếu là của lo, của cho là của nợ nên thường tìm dịp biếu lại món quà tương đương (cũng mất thời gian). Chính vì lẽ đó mà khi có dịp họ thường phải đầu tư suy nghĩ xem món quà gì là thiết thực. Họ cũng rất phổ biến tặng những món quà do tự tay họ làm ra...Lễ Giáng sinh là ngày mà mỗi gia đình Mỹ chịu áp lực mua tặng quà lớn nhất trong năm. Mỗi người thường lo tặng cho nhiều người và bản thân cũng nhận được nhiều quà. Nhiều thứ quà trùng nhau dùng không hết...Theo thông lệ, trước Giáng sinh khoảng 1 tuần là đã có các món quà gửi đến. Các gia đình để quà dưới gốc cây thông, không mở ra xem. Đêm Giáng sinh, khi có đông đủ tất cả mọi người, lúc đó mới mở từng gói quà xem ai tặng ai cái gì. Tục lệ này cũng có ở các cơ quan công ty tổ chức của Mỹ, chỉ khác là không phải đến nhà Sếp tặng quà mà nhân viên tặng nhau trước ngày Lễ. Sẽ có những điều không tế nhị xảy ra khi có những món quà cho cùng một người có giá trị chênh lệch nhau nhiều hoặc cho những người khác nhau lệch nhau nhiều. Mặt khác, đầu tư suy nghĩ xem mua gì tặng ai, mua ở đâu, với số tiền nào cũng ngốn khá nhiều thời gian, đặc biệt là gu sở thích của từng người rất khác nhau và nói chung thì người Mỹ chẳng thiếu đồ dùng gì trong nhà cả. Số tiền quà cho 1 người có thể không nhiều nhưng cho nhiều người cộng lại cũng là một khoản tiền lớn cần suy nghĩ.  Tuy nhiên, nếu bỏ tục lệ này thì cũng mất vui.
Để giảm áp lực mua sắm tặng quà cho nhân viên, một số công ty ở Mỹ đã "can thiệp" bằng cách đưa ra sáng kiến mỗi người chỉ cần mua 1 món quà trị giá xung quanh 10 $ gói kín lại và không cần ghi tặng ai. Tới ngày Lễ, lần lượt từng người gắp thăm số thứ tự nhận quà và nhận 1 thứ trong đống quà (loại trừ quà của bản thân) và mở ra xem. Sau khi nhận quà, người nhận quà có quyền cướp quà của người nhận sau nếu thích (được quyền cướp 2 lần), người bị cướp được lựa chọn hoặc đổi quà hoặc lại chọn quà khác. Tất nhiên người cuối cùng sẽ không được cướp hay đổi nữa.
Sáng kiến này đã được một số dòng họ gia đình ở Mỹ áp dụng. Cụ thể nhà chồng Mai Anh hôm đó tụ tập đông đủ 16 người. Người nhận quà cuối cùng là nam thanh niên (cháu Will) nhận được khăn choàng thêu diêm dúa nhưng vẫn vui vẻ khoác vào cổ.
Tục lệ đã mang lại niềm vui cho mọi người trong cơ quan, gia đình họ hàng trong dịp gặp nhau cuối năm và mỗi người không phải chịu áp lực mua sắm đi lại biếu tặng nhiều.

Previous
Next Post »