Nước Mỹ - mùa Lễ hội

Mùa Lễ hội (Holyday's season) ở Mỹ diễn ra chủ yếu vào các tháng cuối năm. Tôi rời Việt Nam sang Mỹ thăm con gái ngày 27 và đến Mỹ ngày 28 tháng 10 năm 2011 nên đã được chứng kiến các ngày Lễ hội sau:
- Lễ hội Hallowen: diễn ra vào ngày 31 tháng 10 hàng năm. Ngày Lễ này không được nghỉ nên các hoạt động chuẩn bị và đón chào chủ yếu vào buổi tối. Trước ngày Lễ, các gia đình trang trí trước cổng nhà các quả bí ngô già khắc mặt người với các nụ cười nhe răng vui vẻ. Bên trong các quả Bí Ngô người ta đặt ngọn nến và thắp vào ban tối làm nổi các nét mặt ( mắt, mũi, mồm). Các quả bí ngô này thường là thu hoạch từ 1 năm trước đó và có thể giữ nguyên sau khi khắc khoảng 1 - 2 tuần trước và sau Lễ hội. Ngoài ra, có thể trang trí thêm các mạng nhện, đầu lâu, cờ với các hình vẽ xương xẩu... như thể đang ở dưới địa ngục.  Trong nhà, các gia đình chuẩn bị bánh kẹo các loại. Vào tối Hallowen, họ để  sẵn bánh kẹo gần cửa,  bật đèn cửa trước. Từng đàn trẻ em trong các trang phục áo quần đặc biệt dành riêng cho Lễ hội kéo đến từng nhà bấm chuông. Chủ nhà ra mở cửa và đưa bánh kẹo cho các cháu lấy thoải mái. Tối khuya, tại các đường phố trung tâm, đám thanh niên ăn mặc theo phong cách tự thiết kế, đeo các mặt nạ khác nhau đi diễu hành dọc các phố chính, vừa để cho người ta chiêm ngưỡng trang phục, vừa chiêm ngưỡng các trang phục của người khác. 
- Ngày Tạ ơn (thanksgiving): diễn ra vào ngày thứ năm của tuần thứ ba tháng 11 hàng năm. Ngày Lễ này cũng là dịp họp mặt họ  hàng gần xa.  Chắc vì số lượng người tham dự nhiều nên  hầu hết các chủ gia đình đều chuẩn bị món gà tây nướng. Họ hàng gần xa đến tham dự mang theo 1 món ăn nào đó. Hiếm có ngày Lễ nào người Mỹ lại ăn uống thả cửa như vậy vì mỗi con gà tây nặng từ 5 - 10 kg. Vì vậy sau khi ăn trưa, để còn có thể ăn thêm món tráng miệng, họ rủ nhau đi bộ và chơi thể thao cho tiêu thức ăn rồi quay về ăn tiếp. Ngày này tại các nhà thờ cũng tổ chức bữa ăn miễn phí cho mọi người cùng với biểu diễn vài bài hát  êm dịu nhưng không có giảng đạo.
- Ngày thứ sáu đen (Black Friday): diễn ra ngay sau ngày Lễ Tạ ơn. Đây là ngày mà các cửa hàng giảm giá bán hàng loạt các mặt hàng, cũng là ngày mà doanh số tăng vọt vì khối lượng hàng bán ra nhiều. Lúc đầu tôi cứ tưởng ngày đen là không may mắn nhưng ở Mỹ có 2 khái niệm ngày ngược nhau: ngày đen là may mắn còn ngày đỏ (red day) là không may mắn. Có người giải thích điều này trên góc độ kế toán vì trong kế toán chữ số đen là số dương còn số đỏ được mặc định là số âm. Việc giảm giá cũng không tràn lan cả ngày mà thường chỉ áp dụng cho một số lượng người mua đầu tiên nào đó. Do đó, để mua được hàng giảm giá, nhiều người đã phải dạy sớm xếp hàng. Vì 2 ngày kề liền nhau nên vào dịp Lễ Tạ ơn, mặc dù quy định chỉ được nghỉ 1 ngày nhưng nhiều người vẫn có thể kéo dài thành 2 ngày bởi thứ sáu còn bận mua hàng giảm giá.
-   Lễ Giáng sinh: có thể nói đây là ngày Lễ lớn nhất trong năm. Người Mỹ hao tốn nhiều thời gian và tiền của cho ngày Lễ này. Màu chủ đạo của Lễ Giáng sinh là xanh lá cây và đỏ tươi. Họ treo các vòng lá thông (hoặc  màu xanh) dính bông hoa đỏ ở trước cổng nhà, giăng đèn trang trí ở sân vườn, ban công trước ngày Lễ khoảng 1 tuần và giữ nguyên cho đến khi qua năm mới. Các gia đình giàu có hoặc có nhiều trẻ con còn dựng ngoài sân vườn các hình nộm Ông già noel, con tuần lộc...Trong nhà, họ trang trí cây thông ở  phòng  khách, treo lên cây đủ thứ từ các bóng đèn, con chim, búp bê các loại đến tiền giấy (giả), các chai rượu... và thường không quên treo candy canes (1 loại kẹo có hình cái gậy) để trẻ con có thể lấy ăn được. Khi treo các gậy này thì phải treo sao cho đầu gậy quay về cùng một hướng. Trên đỉnh cây thông thường là búp bê nữ thần Hy lạp. Tiếp theo, người Mỹ lo mua  sắm quà cáp để tặng cho người thân trong gia đình và bạn bè thân. Nhiều siêu thị dịp này mở thêm các điểm dịch vụ gói quà. Vì mua tặng người thân nên nhiều khi họ có thể hỏi thẳng họ hàng bạn bè thích gì để mua. Nhiều người Mỹ có sẵn danh sách các thứ cần mua trên mạng (website amazon. com) nên họ có thể vào xem và chọn mua 1 trong các thứ đó. Tặng quà diễn ra trước Lễ Giáng sinh 1 - 2 ngày. Khi nhận được quà, người ta không mở ra xem ngay mà đặt dưới gốc cây thông. Vào đêm Giáng sinh, sau khi đi Lễ nhà thờ về và có đông đủ mọi người, họ mới mở các gói quà ra xem.  Dịp này các  gia đình thường làm món trứng đánh tan với rượu để uống (gọi là egnog).
- Tết Tây ngày 31/ 12 và ngày 1/ 1: ngày Tết này không có gì quá đặc biệt so với ở Việt nam. Các phố chính ở trung tâm giăng đèn trang trí, các hoạt động biểu diễn chỉ diễn ra trong các nhà hát và thường mất tiền giá cao. Nếu không mất tiền hoặc mất ít tiền thì nơi biểu diễn không có chỗ ngồi ra hồn và nghệ sỹ thì chưa thành danh (còn là trẻ em hoặc người già...).

Một vài thành phố có tổ chức bắn pháo hoa hoặc chiếu lazer, đếm ngược thời gian vào thời điểm giao thừa. Người dân đổ xô đi dạo ở trung tâm thành phố (downtown), nhảy nhót khi có nhạc. Vì muốn chứng kiến cảnh đón Tết ở Mỹ, 2 mẹ con chúng tôi đến Wasington và thất vọng vì thủ đô Hoa kỳ không tổ chức bắn pháo hoa và cũng không có hoạt động đặc biệt nào vào dịp này.   Đành sang thành phố Alexandria ngay sát cạnh thủ đô để xem và thưởng thức không khí đón giao thừa của dân chúng. Ở đây, họ bán vé First Night (đêm giao thừa) để xem các hoạt động biểu diễn. Vé mất tới 20 USD/ người nhưng 2 mẹ con được1 người cho 1 vé mua thừa nên chỉ phải mua 1 vé. Trong vé thấy ghi tới 18 điểm có các hoạt động nhưng vì diễn ra cùng 1 lúc (khoảng từ 9 đến 11 giờ) nên chỉ ghé vào được 1 vài nơi. Cảm giác chung là tổ chức biểu diễn  đơn giản, ngay trong các nhà hàng với diện tích ngồi biểu diễn hoặc đi lại múa chỉ 4 -5 mét vuông, 1 -2 người đàn hát và khoảng 20 - 30 người ngồi xem, thậm chí có nơi chẳng có ghế phải ngồi ra thảm nghe. Các hoạt động này cũng do tư nhân hoặc cộng đồng tự tổ chức ít nhiều có tính chất kinh doanh chứ không phải chính quyền thành phố. Từ 11 giờ đêm, mọi người đổ xô lên ngọn đồi nơi có toà nhà cao được gọi là Washington Monument để xem lazer show và thả 6000 quả cầu (thay vì bắn pháo hoa như dự kiến và bị huỷ bỏ 1 ngày trước).
free counter
Số lần đọc bài này
Lazer show diễn ra trong khoảng 10 phút trước giao thừa và phải nói là trình độ cao (do chính quyền tổ chức) nhưng không được quảng cáo mấy. Có khoảng 4  tia lazer xuất phát từ nóc 4 toà nhà đối diện chiếu vào mặt tiền toà nhà Washington monument, phối hợp với nhau tạo thành các hình với các nhịp điệu khác nhau. Còn 1 phút trước giao thừa các tia lazer chiếu số phút đếm ngược. Toàn thể dân chúng cùng hô to các con số phút đếm ngược. Đúng giao thừa, chúng tôi chờ đợi và dự đoán sẽ có hàng nghìn quả cầu thả từ đỉnh tháp xuống thì ... trời hỡi... chỉ có mấy M.C đứng trên bục đang tung các quả cầu nhỏ như bóng bàn vào đám đông.  Đến đây,  2 mẹ con thất vọng với giây phút chờ đợi hồi hộp nhất lại diễn ra buồn cười như vậy. Thế mới biết nghệ thuật quảng cáo của Mỹ phát triển như thế nào.  Họ quảng cáo là thả (drop) nhưng thực tế lại là ném (through) các quả cầu. Cũng vì liên tưởng đến quả cầu ở quảng trường Thời đại (New York) nên cũng không nghĩ ra là người ta lại có thể làm các quả cầu nhỏ như vậy trong sự kiện lớn. Ấy vậy mà dân chúng vẫn thi nhau bắt các quả cầu bởi nếu ai chụp được ảnh bắt quả cầu và gửi ảnh dự thi đến toà soạn báo địa phưong thì người được giải sẽ được thưởng 500 USD. Trong con mắt của chúng tôi, nhà nước Mỹ tổ chức đón năm mới, ít nhất ở thủ đô và vùng lân cận hơi lúi xùi so với tiềm lực của họ.

Trên đây là một vài cảm nhận thực tế các dịp Lễ hội tại Mỹ, còn nội dung nguồn gốc  các Lễ hội này tôi không có dịp tìm hiểu và còn nhiều chi tiết chưa thể biết hết.  Xin viết ra để chia sẻ cùng bạn đọc blog.
Sau đây là một số hình ảnh của lễ hội ở Mỹ
 Hãy rê chuột về góc trái rồi nhấn vào nút hình quyển sách rồi nhấn tiếp vào nút tam giác nếu muốn xem trình chiếu có các chú thích cho từng ảnh ! Muốn xem lại nhấn vào viền đen xung quanh

Bài và ảnh của Hồng Phương và Mai Anh gửi từ Mỹ về qua Email

Previous
Next Post »
2 Komentar
avatar

Mừng Hai mẹ con có được hưởng những ngày hội vui vẻ đặc sắc ở nước Mỹ. Ở nước ta vài ba năm nay đặc biệt cánh trẻ cũng đã du nhập về rôm rả không kém. Nhưng cánh già có vẻ chưa mặm mà lắm và ít để ý tới.

Balas
avatar

Chuc mừng Hồng Phương&Mai Anh đã tận hưởng những ngày lễ hội ở Mỹ

Balas