-
Bà đánh giá thế nào về vai trò tiếng nói của ASEAN và các quốc gia khác trên thế
giới, đặc biệt là Mỹ, trong vấn đề này?
Chủ trương của Đảng và Nhà
nước Việt Nam luôn luôn là giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua các biện pháp
hòa bình, và trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật Biển.
Ngoài ra, Chính phủ cũng như các nhà lãnh đạo hai nước đã thông qua nguyên tắc
giải quyết vấn đề Biển Đông, đó là giải quyết thông qua đàm phán, giữ nguyên hiện
trạng, đảm bảo không quốc tế hóa và làm phức tạp vấn đề Biển Đông.
Gần đây nhiều người cho rằng
Việt Nam nên tận dụng tiếng nói của ASEAN và các quốc gia khác ngoài khu vực
trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, theo đánh giá của Trung tâm Biển Đông thì chủ
trương, lập trường của Việt Nam luôn luôn là đảm bảo nguyên tắc 3 không: không
tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào,
không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước
này để chống nước kia. Nguyên tắc đó đã được khẳng định trong đường lối đối ngoại
từ thời kỳ đổi mới của Việt Nam đến nay.
Tất nhiên, trong bối cảnh quốc
tế và khu vực đang thay đổi rất nhanh, với việc mà các quốc gia bên ngoài như Mỹ
và một số nước khác lên tiếng về vấn đề Biển Đông có thể giúp chúng ta có lợi
thế hơn trong việc giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng tiếng nói
của Mỹ trong giải quyết vấn đề Biển Đông không phải là quá lớn.
Rất nhiều người cũng nghĩ rằng
cần phải phát huy vai trò của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, tuy nhiên ASEAN là
một cộng đồng có trình độ rất khác nhau, và bản thân lợi ích của các nước ở khu
vực Biển Đông cũng là rất khác nhau. Chúng ta không phủ nhận rằng việc tham gia
vào diễn đàn ASEAN sẽ giúp tiếng nói của chúng ta có trọng lượng hơn, và bản
thân Trung Quốc trong mối quan hệ với ASEAN cũng có thể dè chừng hơn nếu như
các nước trong khối thực sự đoàn kết và quyết tâm gìn giữ hòa bình ở Biển Đông.
Có thể các nhân tố đó có tác
động đến và giúp cho chúng ta có những tiếng nói tốt hơn để gây sức ép với
Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng vấn đề Biển
Đông là của Việt Nam và Việt Nam phải tự giải quyết chứ không trông chờ vào bất
cứ lực lượng bên ngoài nào.
-
Mới đây, bất chấp tình hình căng thẳng ở bãi Tư Chính, giàn khoan Hakuryu-5 tại
khu vực lô 06.1 vẫn được kéo dài lịch hoạt động. Bà có đánh giá như nào về động
thái này của chúng ta?
Việt Nam là quốc gia có lịch
sử khai thác dầu khí ở Biển Đông từ rất lâu rồi. Đặc biệt, ở trong bãi Tư
Chính, chúng ta có rất nhiều hoạt động: theo một số tài liệu, chúng ta có hơn
30 dự án hợp tác với các nước tại khu vực này. Chúng ta muốn khẳng định vùng biển
đó là nơi Việt Nam có quyền tiến hành các hoạt động dầu khí theo đúng luật pháp
quốc tế. Theo đó, Việt Nam hoàn toàn cũng có quyền bảo vệ lợi ích chính đáng này.
0 Komentar