Biết thì thưa thốt…

Mấy hôm nay dư luận mạng lên đồng về phát biểu của PGS.TS giảng viên Đại học KHXHNV Tp.Hồ Chí Minh Phan Thị Hồng Xuân về việc dùng lu chống ngập lụt cho thành phố.
Rất nhiều ý kiến chê bai, diếc móc, thậm chí chửi rủa nữ đại biểu HĐND Tp.Hồ Chí Minh. Có cả ông đại biểu tế nhị hơn cho rằng đề xuất có tính hài hước. … Nhưng cũng đã có ý kiến cho rằng đề xuất của bà là có cơ sở nhiều nước như Philippin, Nhật Bản cũng đã từng dùng phương pháp này.
Trước các ý kiến chê bai sáng nay Bà giải thích rõ hơn “Cái lu là tôi dung từ dân gian cho dễ hiểu, cũng vì thời gian tranh luận ngắn nên khó trình bày hết ý của mình” và cho hay trong một cuộc họp bà tham dự Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết họ đã áp dụng rất thành công tại Tokyo.“Theo góc nhìn của khoa học xã hội và nhân văn, chúng tôi thấy rằng có thể khai thác một số giá trị ở cộng đồng địa phương, để ứng dụng hiệu quả ở các đô thị. Hiện nay các nhà ở nông thôn thì trước sân thường có những cái lu to đựng nước với nhiều tính năng, trong đó có chứa nước mưa.
Qua kinh nghiệm các quốc gia cũng như trong khu vực, người ta sử dụng lu này để chứa nước mưa với mục đích giảm ngập. Nên chăng chúng ta cũng suy nghĩ về biện pháp đó để chính quyền thành phố - bên cạnh các giải pháp công trình, phi công trình thì có thể ứng dụng từ văn hóa bản địa, trang bị cho mỗi nhà dân hoặc một cộng đồng những cái lu to như vậy, và mỹ thuật chút xíu để bà con phấn khởi, để có thể hứng bớt lượng mưa, điều đó góp phần giảm ngập do mưa” – đại biểu Xuân đề xuất.-

Có ý kiến minh họa thêm từ xa xưa ở nông thôn ông bà ta nhà nào cũng có một bể nước mưa. Nhờ thế một khối lượng lớn nước mưa được trữ lại, không đổ hết ra cổng rãnh nhờ đó giảm tải tình trạng úng ngập thôm xóm, đường đi lối lại. Khi cần lại lấy nước đó dùng cho sinh hoạt và sản xuất. Chủ doanh nghiệp Sơn Hà còn dẫn chứng ở Đức, Indonesia, Philipin cũng dùng cách này. Ông còn nói ở Canada nghiêm cẩm xả nước mưa từ mái nhà xuống cống rãnh thành phố, buộc phải chứa trong các bồn chứa chìm nổi của gia đình (lu nước)...
Ngày nay khi mạng xã hội phát triển ai cũng có thể đưa ý kiến mình ra công khai cho nhều người biết. Dường như đang có một lượng lớn "anh hùng bàn phím" ngồi chực chờ lên tiếng. Tôi phát hiện ra một người quen biết, ông ấy bất cứ lĩnh vực nào cũng có ý kiến tham gia. Nhiều khi bực mình tôi đành hỏi chung chung, chẳng ra khen mà cũng chẳng ra chê “Lĩnh vực nào ông cũng có ý kiến được nhỉ?”.
Còn nhớ mới đây ở giải bóng đá King Cup Thái Lan rất nhiều người đã lên tiếng phản ứng danh sách cầu thủ do Thày Park triệu tập. Thế nhưng với chính những cầu thủ ấy Tuyển VN thắng thuyết phục người Thái trên đất họ, đoạt ngôi Á quân thì người ta mới ngộ ra ông Thày Hàn Quốc đúng. Đúng vì ông ấy có chuyên môn, hiểu đối thủ biết phải làm gì chứ đâu có làm liều. 
Đã đành trong cuộc sống có nhiều việc nhiều người góp ý sẽ tốt hơn, nhưng phải là những người có sự hiểu biết liên quan. Còn chưa rõ, chưa biết nên  theo lời các Cụ xưa dạy “Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe”
Phạm Lê

Previous
Next Post »