Chuyện đầu tiên: Lại nói tí chút về Blog 53, Gia đình Cụ Quang (*)

Ông Phạm Vĩnh Di từ Sài Gòn gửi E.Mail cho tôi “Blog 53 có từ năm 2006”. Tôi nhẩm tính thế là tới hôm nay đã sang năm thứ 5, nhanh thật!

Không thể phủ nhận công đầu là nhờ bác Di và cậu con trai cả Phạm Tuấn Minh, những người đã đặt nền móng đầu tiên cho Blog này. Blog 53 tính tới nay nói không quá chỉ vẻn vẹn có 5 vị cao niên của chi họ là người viết. Nguời đầu tiên phải kể tới là bác cả Di (73 tuổi), người sáng lập và kiên trì giữ lửa cho Blog. Bác là người có nghề viết lâu năm nhất chi họ, vì từ những năm 80, 90 thế kỉ trước tôi đã được biết đến các bài viết của bác trên một tạp chí chuyên ngành hồi bác còn đương chức. Các bài viết của bác trên Blog 53 được các độc giả của chi họ ưa thích lối viết diễn giải, có đầu có đuôi, có số liệu, nhiều tình tiết và hình ảnh minh hoạ dành cho những lời nhận xét thán phục.

Sau bác là những Blogers ở các mức độ khác nhau, cũng có những đóng góp đáng ghi nhận. Bloger nữ cao tuổi nhất Phạm Kim Anh (74 tuổi), được coi là “nhà thơ chi họ”. Thơ bác mấy năm nay hầu như xuất hiện đều đặn đầu tháng, định hướng các sự kiện của chi họ trong tháng ấy. Vì thế trong thơ có đủ tổng hợp nội dung hiếu hỉ, sinh nhật, kỉ niệm, thời sự trong ngoài nước…mà tháng ấy sẽ có. Đọc thơ bác phải là người có nghề, mới hiểu được niêm luật mà bác sử dung. Người không biết làm thơ như tôi chỉ cảm thấy dễ hiểu, vì nó giống như câu chuyện hàng ngày ta vẫn nói với nhau.

Kế tiếp là Bloger Phạm Vĩnh Ngọc (71 tuổi). Ông là tác giả duy nhất của chi họ về lịch sử gia đình, gia phả, dòng họ và thi thoảng là thơ “Bút Tre hiện đại”. Bài viết của ông về lịch sử thì miễn bàn, chỉ có đúng vì lịch sử đã là chính xác rồi. Tôi có cảm giác có vẻ như ông đã bỏ nhiều công sức, thời gian nghiên cứu, sưu tầm tài liệu…dường như ông đang có "bảo bối" phù trợ. Bởi lẽ những điều ông viết về các cụ tổ xa xưa đều ở vào cái thời mà ông chưa ra đời, hoặc còn là nhi đồng. Làm sao mà biết được nhiều thế?.

Bloger tiếp theo là Ngô Minh Lương (60tuổi), ông là tác giả của một loạt bài viết về tin học, giới thiệu các kĩ thuật cơ bản cho người già về vi tính (nhưng thú thật lại rất rối rắm đối với các cụ chi họ mình). Đôi khi ông còn bày tỏ những chia sẻ, ưu tư bất ngờ. Qua đó có thể nhận thấy những nỗi niềm mà ông đã ấp ủ bấy lâu.

Nhân đây tôi cũng xin được nói về một Bloger nữ nữa của chi họ bà Phạm Kim Nhu (72 tuổi), tác giả loạt bài ghi chép 3 kì trên Blog 53 về chuyển trở lại Thạch Thành, Thanh Hoá sau mấy chục năm kể từ thời kháng chiến chống Pháp những năm 40, 50 thế kỉ trước. Bằng lối viết có nghề, ngắn gọn, mạch lạc đến ngạc nhiên đã cho người đọc hình dung được những kỉ niệm ấy là có thật và đang hiển hiện ra trước mắt mình. Bà chỉ xuất hiện duy nhất trong loạt bài ấy, rồi im lặng cho đến hôm nay. Nhưng cũng đủ để cho các Bogers hiện hữu giật mình “chi họ ta còn có nhiều người viết giỏi, đang ẩn mình”. Hôm rồi bà bảo “bà biết rất nhiều chuyện, nhiều kỉ niệm về dòng họ, về các cụ. Nhưng có lẽ phải mươi, mười lăm năm nữa mới tính xem có nên viết ra không?. Còn bây giờ chưa viết được, vì chưa có thời gian xem lại tư liệu và cũng đang còn bận việc con cháu”.

Tôi cũng muốn được nói về Bloger tiếp theo là tác giả Phạm Lê (Phạm Toàn, Pham Vĩnh, VĩnhToàn…65 tuổi), vốn là dân văn phòng Tồng hợp chuyên viết báo cáo, làm sách nghiệp vụ...Vì thế ông thường nhấn vào những điểm chính, không đi vào chi tiết “mây mưa, hoa lá cành”. Nhưng cái mà người ta có thể thấy rõ nhất, đó là tổng hợp những khiếm khuyết mà Blog này có đều tìm thấy trên các bài viết của ông.

Cuối cùng cũng là lời kết bài viết, tôi xin kể chuyện này. Nhờ tin chúc mừng trên Blog 53 nhân ngày nhà giáo Việt nam 20.11.2010 vừa rồi, ba ông con trai nhà Hải Anh “bỗng dưng” sực nhớ rồi rinh về tặng bố TS.Đoàn Đình Hải, nguyên Chủ nhiệm khoa Lâm Học Đại học Lâm nhiệp Việt nam món quà khiêm tốn gồm: ”1TV SAMSUNG 32 inch 3D thế hệ mới, 1 máy ảnh KTS nhiều MEGA PIXEL, 1 áo sơ mi thời trang cao cấp xuất khẩu Madein Việt nam”. Thế mới biết Blog 53 cũng có hiệu quả cụ thể đấy chứ!.


Vĩnh Thắng.

(*) Loạt chuyện nhiều kì ngày giáp Tết.

Previous
Next Post »