Chuyện thứ 11: Hai vị khách ngày Giáp Tết.

Hôm nay ngày 25 tháng chạp, ngày giáp Tết Tân Mão nhà tôi có hai vị khách “bỗng dưng” đến chơi. Một vị thật sự là “bỗng dưng” vì bất ngờ đến thăm gia đình tôi. Ông tên là Nhân trước đây ở số 71 phố Lãn Ông góc đường Lãn Ông Thuốc Bắc, đã dọn về cùng phố với tôi bây giờ nhưng từ trước đó nhiều năm.

Thực ra ông là lớp đàn anh hơn tôi 4 hay 5 tuổi, hồi còn nhỏ ông là bạn đồng trang lứa của ông Phạm Vĩnh Hải. Trong câu chuyện về phố xưa thỉnh thoảng ông lại tấm tắc hai Cụ Quang Yến lịch lãm, nhân từ. Ông kể vanh vách từ bà Anh, ông Di đến bà Nhu, Lan rồi ông Tiến.

Ông nhận ra tôi là con Cụ Phú Đức một cách tình cờ, khi cả hai cùng đang dạo ben hồ Tây. Thế rồi ông tìm đến nhà tôi hôm nay nói chuyện vui vẻ. Ông bảo hồi bé hay sang nhà 53 chơi bóng bàn, quả thực tôi không nhớ vì theo tôi nhà ta khi đó không có bàn bóng bàn. Nhưng chuyện tôi sang nhà ông tỉ thí bóng bàn ông vẫn nhớ, ông bảo nhà 53 chỉ duy có tôi là đọ được với ống ấy. Chuyện này ông nhớ nhầm hay là ông nói khéo thôi, chứ thực ra tôi toàn thua. Cứ mỗi lần thua tôi lại về nhà luyện “võ” nấy tuần rồi sang phục thù, nhiều lần như thế nhưng vẫn chịu thua toàn tập.

Ông biết nhiều chuyện phố Lãn Ông cũ, say sưa hoài tưởng chuyện Tết nhất là khi nhắc đến các bà chị hoa khôi phố Lãn Ông thời trẻ như bà Dục (nhà ông Hộp), bà Mai, Lan (nhà Cầu Bây), bà Thế (nhà Phó Gia Tường). Cái này tôi nhớ vì từ bé cứ vào ngày Tết bọn tôi hay ngồi trước cửa nhìn các bà chị súng sính áo dài, đẹp nhất là bà Dục lộng lẫy trong chiếc sường sám TQ tha thướt trên hè phố sao mà đẹp thế. Tôi đồng tình khi ông cho là ở các phố cổ như phố Lãn Ông, ngày Tết có hương vị Tết hơn hẳn so với nơi tôi và ông đang sống.

Vị khách thứ hai là ông Nghiêm Xuân Tỵ cùng bà vợ từ Đức về ăn Tết đến chơi. ông bà đã về nước nhiều lần nhưng đây là lần thứ hai vợ chồng ông ăn Tết ở nhà. Vốn dân gốc Đại Mỗ, Hà Đông sinh ra và lớn lên trên phố Hai Bà Trưng, 1972 – 1976 sang CHDC Đức học giáo viên dạy nghề rồi 1987 sang đó làm đội trưởng LĐHT. Lần này đi với tôi đến nhiều nơi nhất là khu vực Mỹ Đình, ông ngạc nhiên lắm cứ hỏi tới tấp “đây là đâu”.

Ông bảo về Hà Nội có hai điều kinh nhất “giao thông và bụi bặm”, ở Berlrin tắc đường cũng không hiếm, nhưng của người ta là tắc đường trong trật tự và tự giác. Còn Hà Nội tắc trong hỗn loạn, chen lấn. Bụi bặm thì kinh khủng quá, ở Đức người ta cũng xây dựng nhiều nhưng những qui định về môi trường rất nghiêm túc, chứ không như ở ta nên đường phố sạch lắm.

Tôi quen ông ngay khi còn ở Hà Nội từ năm 1977, đến nay cũng đã đươc gần 35 năm. Ông là một người đa tài làm thơ hay, chụp ảnh đẹp, biết nhiều điển tích, thích làm vườn trồng cây, ưa câu cá, thú sưu tầm các bài thuốc dân y Việt, nấu ăn giỏi...và có nhiều lời khuyên hay. Những năm công tác gần nhau ở bên Đức chúng tôi hay có hẹn hò, gặp gỡ đi chơi. Ngần ấy năm nhưng mới gần đây thôi khoảng năm 2004, tình cờ qua câu chuyện phiếm tôi mới đựoc biết ông là bạn học của bác Kim Đính em ruột bác Kim Chi từ hồi phổ thông. Dạo hai bác Di Chi qua Đức cũng có đến thăm vợ chồng ông ở cách Berlin hơn 100km. Ông còn thân chinh đưa hai bác đi thăm mấy chiếc cột điện gió ngoài cánh đồng. Từ đó tôi và gia đình ông càng thân thiết hơn. Thi thoảng ông bà lại điện thoại về TP.Hồ Chí Minh xin tư vấn của bác Chi về bệnh tật, thuốc thang (theo ông bà là rất tín nhiệm).

Ngày giáp Tết được hai vị khách đến chơi, mang theo những cảm xúc khác nhau làm cho không khí đón Tết thêm phong phú.

Vĩnh Thắng.

(Ảnh giữa nguồn bác Di chụp tại ga Furstenwalde 2005)

Previous
Next Post »