Thế là Blog Phạm Vĩnh nhà mình ra đời đến nay hình như đã được gần 4 tháng (*), mà nghĩ cũng lạ chẳng hiểu Tuấn Minh có thai nghén đủ 9 tháng 10 ngày hay không mà oạch một cái cho ra đời ngay tức khắc, chẳng thấy nói đến “sự đau đớn” gì cả.
Mà cũng vì thấy thiên hạ ào ào vào Blog tôi cũng quên không hỏi ngày khai trương bác Di, cháu Tuấn Minh nhà mình có làm lễ động thổ cầu may có mời cánh báo chí, đài truyền hình HTV.9, VTV, phóng viên nhiếp ảnh đến đưa tin như Bạch Hoa đã làm ngày khai trương Ido năm vừa rồi hay không nhỉ mà bài vở dịp này xem ra có vẻ bắt đầu nhộn nhịp.
Người truy cập tuy chưa đến hồi báo động cấp nọ, cấp kia vì nghẽn mạch nhưng đã tới con số xấp sỉ 650 (dù sao cũng là lớn hơn nhiều so với hồi…chưa từng có).
Lại cứ tưởng nếu bác Di, cháu Minh nhà mình mà quên làm lễ động thổ thật thì hiểm họa là nhãn tiền, may sao mọi việc lại êm thấm không ngờ.
Bước đầu cứ tưởng là toàn điều thuận đáng mừng, cứ thế mà thẳng tiến. Nhưng rồi cũng đã dần hé lộ những vấn đề cần trao đổi thêm cho rõ ràng, hợp lí hơn.
Nhớ ngày đầu tiên bác Di với trọng trách trưởng nam (chỉ là riêng với nhà cụ Quang thôi đấy) đã gửi mấy thư với lời mời chào vẫy gọi rất là tha thiết, rất là nồng nàn mà khiêm tốn “từ Nam ra Bắc, rồi lan ra cả toàn cầu” (lời trong bài viết Đôi điều tản mạn về Blosg 53) rồi tới cả ngoài phạm vị con cháu cụ Quang.
Cánh thư đã bay đi bốn phương trời bắt đầu chớm mỏi, nhiệt tình là thế mà nào có mấy hồi âm (thực hiệu quả).
Mới đây thôi chiều ngày 25.2.2007, bác Phạm Vĩnh Công con trai út của cụ Phạm Vĩnh Bảo gọi Tel báo tin cháu Bình Minh con ông Phạm Dao Đu tâm sự “mở Blog ra chỉ thấy bài và ảnh về cụ Quang, sao bảo là của cả dòng họ Phạm Vĩnh được”.
Thế rồi với giọng rất là nghiêm chỉnh mà tỉnh bơ, bác nói tiếp “những vấn đề liên quan của dòng họ nếu chính xác hãy viết ra, còn chưa xác minh kiểm chứng chớ nên đưa lên Blog làm gì”.
Chỉ nghe đến đấy tôi lại nghĩ mấy chuyện viết cho vui vui ngày Tết vừa rồi, chỉ để riêng cho con cháu nhà cụ Quang nhà mình biết như “trưởng giả và trưởng thật”, chuyện giỗ to rồi giỗ nhỏ, chuyện có mặt hay không trong ngày trọng đại tang lễ cụ bà, chuyên 6 rồi lên đến 9, 10 người sinh ra trong tháng ba này…nếu chót có sai, dễ được anh em mình góp ý, bỏ qua.
Nay nhỡ có những đề tài nhạy cảm hơn, chẳng hạn như Blog họ to hay Blog họ nhỏ… chẳng may lọt ra ngoài phạm vi ấy, lại gặp bậc “trượng phu, suy diễn rộng” có khi chuyện vui vui thành chuyện “bia đá khắc sâu, ngàn thu còn đó”.
Nghĩ mà khiếp quá.
Tất nhiên ta cũng chẳng nên coi cô cháu Bình Minh, cũng như ông anh Phạm Vĩnh Công là đủ tư cách duy nhất thay mặt cho cả dòng họ đáng kính của cụ Phạm Vĩnh Bảo.
Nhưng đó lại là ý kiến của một thành viên, cũng vào loại anh hùng hảo hớn dọc ngang trời đất nào có sợ ai, cũng đáng để ta tham khảo suy nghĩ về phạm vi Blog.
Một, hai thành viên không phải con cháu cụ Quang đã nói như thế, còn hơn vài chục thành viên nữa vẫn còn nằm “ngoài vùng phủ sóng” có nghĩ như vậy không, đố mà biết được.
Bài học nhỡn tiền dự kiến họp mặt họ Phạm Vĩnh tại nhà hàng Sen, Hồ Tây Hà Nội năm 2005 mặc dầu đã đặt chỗ, đã có thư mời với đầy dủ lí lẽ rất là kín kẽ, lại do người có thứ bậc cao nhất trong dòng họ hiện vẫn còn sống là cụ Phạm Vĩnh Hanh kí tên đứng mời.
Thế nhưng kế hoạch họp mặt vẫn tan vỡ không thành, chỉ với mỗi một điều mà ngay hồi đó cả tôi, bác Nhu, bác Ngọc, cháu Hồng Vinh và Tài Trí vẫn tin là được (chỉ duy có mỗi chú Tiến là tỏ ý nghi ngại ngay từ đầu).
Nhưng mãi tới năm 2006, tôi mới được biết nguyên nhân là “thiên thời chưa lợi, nhân chưa hòa”.
Vậy có nên chủ quan, duy ý trí mọi việc đâu cứ thế mà chảy trôi, ngọt ngào, tắc lự được hưởng ứng ngay lời mời chào Blog (do nhà mình khởi xướng).
Vậy thì Blog này là của chung dòng họ lớn Phạm Vĩnh, hay chỉ là của riêng nhà cụ Phạm Vĩnh Quang cũng nên để tâm nghiên cứu sau vài tháng thăm dò, thử thách.
Nói dòng họ Phạm Vĩnh thì to và rộng lắm, nếu chỉ tính riêng trong phạm vi con cái của cụ Phạm Chí Lễ và Lê Thị Cả thì gồm các gia đình cụ Phạm Vĩnh Bảo, cụ Phạm Vĩnh Quang, cụ Phạm Vĩnh Hanh và gia đình cụ bà Phạm Thị Hài ở bên Pháp.
Nói gia đình hẹp là riêng từng gia đình, ví như gia đình cụ Phạm Vĩnh Quang, cụ Phạm Vĩnh Bảo…
Ta hãy thử nghĩ xem nếu là Blog của dòng họ lớn mà chẳng có ai ngoài con cháu cụ Quang sắn tay vô, thì mang danh Blog dòng họ chung làm gì.
Nhưng để có được cái danh Blog chung ấy mà lại chỉ có con cháu cụ Quang thực hiện, liệu có thực tế và có thể “đội đất vá trời” mãi được không?
Vậy nên chăng vẫn lấy đầu đề 99% là như cũ, chỉ nên thêm 1% là chữ Quang vào sau chữ Phạm Vĩnh cho phân định rõ “cột mốc biên giới” nhà mình và cũng là để tỏ lòng khiêm tốn cho bậc cao thủ hơn không phải con cháu cụ Quang thông cảm, hiểu ra ta đây cũng biết người biết ta, biết trọng trên, nhường dưới.
Ấy vậy thì sao không gọi là Blog Phạm Vĩnh Quang, hãy bắt đầu từ ngôi nhà 53 Lãn Ông cho vừa bảo tồn được vốn cũ, mà lại tiếp thu được ý tưởng mới do tình thế mới đem đến.
Đến đây thì rõ ràng Blog Phạm Vĩnh Quang đương nhiên là của con cháu cụ Phạm Vĩnh Quang, chẳng lẫn vào đâu được, chẳng ai có thể chất vấn.
Vị nào ngoài diện đó, có tình cảm hoặc có nội dung chuyên đề liên quan cần trao đổi thì xin hãy đề đạt nguyện vọng được tham gia chuyên đề ấy, ta đâu phải mời mọc.
Còn ngôi nhà 53 Lãn Ông đương nhiên là của chung dòng họ lớn, chứ không phải là của riêng nhà cụ Quang. Nhưng thực tế lại có thể coi là tài sản “vi vật thể” thiêng liêng của riêng cụ Quang, cũng như là của riêng cụ Bảo, cụ Hanh…
Như thế phạm vi nhỏ, đối tượng nhỏ, nội dung gần gũi thiết thực, người trong nhà hiểu nhau, sai đâu kiểm chứng rồi sửa chữa chín bỏ làm mười được ngay, dễ được đồng tình hơn.
Khi điều kiện chín muồi Blog hấp dẫn hơn hãy nên ra biển lớn hội nhập, lúc đó chẳng cần mời vẫn có nhiều người xếp chỗ đợi đến lượt tham gia.
Khi đã thống nhất Blog riêng như thế phần nội dung có thể ưu tiên cho từng lứa tuổi, từng thế hệ trong nhà mình, cho từng thời gian cụ thể như đợt kỉ niệm ngày giỗ cụ Quang, rồi đợt Tết Đinh Hợi vừa qua tôi thấy cũng phong phú, hấp dẫn đấy chứ.
Nhưng về đạo đức và lễ giáo gia đình, lịch sử dòng họ phải là chung của con cháu cụ Quang, không thể riêng cho lứa tuổi nào và phải đề cập thường xuyên.
Đối tượng viết và đọc, đương nhiên là toàn thể thành viên gồm cả già và trẻ.
Người viết và người đọc cũng không nên quá cầu toàn, làm gì có chuyện động trời tất cả đều đọc, tất cả đều viết.
Mấy tháng qua cho thấy người viết thì ít, người đọc thì nhiều. Tình cảnh này sẽ còn dài dài nhiều tháng, nhiều năm nữa theo sự trường tồn của Blog nhà mình (mãi mãi?).
Vậy thì nên thế nào?.
Nói thì đơn giản thế, nhưng từ nay đến khi đã là Blog riêng lại là một dãy công việc liên hoàn, mà việc nào xem ra cũng quan trọng cả.
Trước hết việc tối quan trọng đầu tiên là phải đổi mới tư duy, chuyển từ Blog họ lớn sang Blog họ nhỏ.
Rồi đến phần kĩ thuật lại phải nhờ cậy đến hai bố con bác cả Phạm Vĩnh Di và Phạm Tuấn Minh can thiệp, để đúng là Blog của riêng nhà mình Phạm Vĩnh Quang.
Phần khái niệm đổi mới tư duy thì tôi cũng như các bác, các cháu đều rất am hiểu, rất tường tận vì chúng ta cũng đã thực hiện nhiều năm nay rồi, công việc ấy rất quen.
Nhưng phần kĩ thuật Blog thì lại chẳng hiểu gì cả, vì thế lại đâm sợ.
Sợ vì nghĩ sẽ laị phải trải qua 3 ,4 chương vất vả cật lực nữa như thời tôi mới tập tễnh thử vào Blog thật nhanh (xem bài Blog 53 kí sự).
Nghĩ sợ là thế, nhưng lần này trong thâm tâm lại thấy tin tưởng hơn.
Thực ra sợ nhưng mà lại thấy vui, thế mới ngươc đời chứ.
Vui vì nghĩ thế nào bác Di và Tuấn Minh cũng lại có “thông báo mới về một phương pháp nhanh vào Blog nhà mình 53 Lãn Ông, Phạm Vĩnh Quang” thật chu đáo, tỉ mỉ mà lại đúng là thật nhanh (vì trước khi công bố phương pháp này lên báo, đài hai bố con bác cả đã có làm thử vài lần trong phòng thí nghiệm ở Đào Duy Anh, Sài gòn cho thật sự chính xác).
Phạm Vĩnh Thắng
(*) Cũng nên ghi nhận ngày chính thức ra đời của Blog, để sau này lịch sử đỡ phải tranh luận, xác minh.
0 Komentar