Ghi chép sau một chuyến đi..

Ngày 18.3.2007, đoàn đại diện gia đình ta đã lên Định hóa, Thái Ngyên thắp hương tưởng niệm 100 ngày bác Phạm Vĩnh Hải ra đi.
Tham gia đoàn lần này có bác Nhu, bác Ngọc, cháu Lê Hồng Phương và tôi, đặc biệt còn có vợ chồng bác Kim Anh Đoàn Hải, vợ chồng bác Lan Nguyên tất cả là 8 người.
Trời chủ nhật hôm đó đột ngột trở rét đậm, mưa rơi sối sả suốt dọc đường đi cho tới tận khi rẽ vào đường núi đi Định Hóa mới khô ráo.
Ngồi trên xe đều là người cao tuổi, cao nhất là bác Đoàn Đình Hải và bác Kim Anh thuộc lớp U.80, tuổi trung bình là lứa các bác Ngọc, Nguyên, Nhu, Lan và tôi U.70, trẻ nhất là cháu Lê Hồng Phương U.60.
Trên gần suốt quãng đường đi ở vùng đồng bằng mưa rơi sối sả, quất vào cửa kính rào rào. Vào những khúc quanh co của núi rừng, mọi người rất lo nếu xảy ra sự cố thì chỉ còn trông chờ ở mỗi cháu gái Lê Hồng Phương (U.60).
Lúc này mới thấy giá trị của các cháu trẻ nhà mình, tôi cứ ao ước mỗi chuyến đi xa các bác nên cử một, hai cháu thuộc thế hệ trẻ đi cùng để phòng khi “có hắt hơi sổ mũi”, còn có người ra tay ứng cứu các bác cao tuổi.
Rất may là trên xe, cháu gái Lê Hồng Phương rất tự giác, sẵn sàng khi cần thiết, tôi thấy vào những chỗ đường khúc khuỷu, mưa trơn bùn đất nhão nhẽo, cháu đều sắn quần áo, khăn gói chuẩn bị sẵn sàng…nhảy xuống.
Cũng như những lần trước khi lên dự tang lễ, rồi 49 ngày bác Vĩnh Hải chúng tôi đều có cảm nhận họ hàng, làng xóm, các cơ quan của Định Hóa đều rất chân thành đón tiếp đoàn và cùng chia sẻ đau buồn với gia đình rất thắm tình, đạt nghĩa.
Mấy lần gặp gỡ ở trên đó, đều để lại cho anh em dưới Hà Nội tình cảm quí mếm và trân trọng đối với bà con địa phương, ai cũng có cảm giác đúng là những người dân của quê hương căn cứ địa cách mạng.
Bản thân tôi rất tình cờ ngồi ăn cùng mâm với anh Dũng là Trưởng phòng công thương huyện và cũng là người anh em họ với bác Dung, vợ bác Vĩnh Hải. Trong câu chuyện anh ấy đã kể về năm 1987 đã sang Đức học ở trường cán bộ Đoàn, đó là một cơ sở của Đoàn thanh niên tự do Đức FDJ, đã đến nhà tôi ăn cơm, nói chuyện mấy lần. Thảo nào lúc đầu mới nhìn thấy anh ấy, tôi đã ngờ ngợ như đã gặp ở đâu đấy.
Thế mà thấm thoát đã 20 năm rồi, hồi đó tôi đang làm việc tại ĐSQ ta ở Đức, hàng năm TW Đoàn đều cử một đoàn cán bộ sang tu nghiệp về công tác Đoàn, mọi chi phí đều do bạn đài thọ. Anh Dũng lúc đó là Phó Bí thư tỉnh đoàn Thái Nguyên, và là đoàn trưởng khóa học viên này.
Buổi chiều thể theo nguyện vọng của mấy thành viên chưa có dịp lên thăm Tân Trào, đoàn đã đến thăm An toàn khu kháng chiến Định Hóa (ATK) và khu Tân trào lịch sử.
Hanh trình thăm khu Tân Trào lịch sử cũng giống như đoàn đi lần trước, đã đưa tin trên Blog nay tôi không kể lại nữa.
Lần này chỉ có khác là đoàn đến thăm ATK, vì ATK là môt địa bàn liên hoàn gồm sở chỉ huy của tướng Võ Nguyên Giáp, nơi làm việc của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, của cơ quan TW, của bác Hồ…
Để đảm bảo bí mật phòng địch tấn công, mỗi cơ quan ở cách nhau vài cây số, nếu đi hết thì không có thời gian, vì thế đoàn chỉ đến thăm đền thờ Bác Hồ.
Ngôi đền được xây dựng bề thế trên một ngọn núi cao nhìn ra bốn phương trời lộng gió, đây là quà của thành phố Hà Nội xây tặng thủ đô gió ngàn Tân Trào, Thái Nguyên.
Đứng trước ngôi đền thờ bác uy nghi bề thế , mọi người đều cố gắng leo hết hơn trăm bậc thang lát đá đỏ và thắp hương tưởng niệm công lao bác Hồ, mỗi người có một cảm xúc khác nhau.
Với lòng tưởng nhớ lãnh tụ, cộng với công sức rèn luyên nhiều năm nay nhất là luyện khí công, bác Đoàn Đình Hải đã lặng lẽ leo đủ ngần ấy bậc lên tận nhà tưởng niệm cùng thắp hương với đàn em.
Thật là kính phục tiền ẩn sức khỏe của Bác, càng khâm phục bác Đoàn Hải bao nhiêu, lại càng thấy bác Kim Anh sai lầm bấy nhiêu vì lâu nay vẫn giấu kín bác Đoàn Hải ở nhà, không cho bác tham gia vào các hoạt động dã ngoại của nhà ta.
Cũng do cảm xúc tức thời trong thời gian hành trình trên đường, bác Ngọc với sự hưởng ứng động viên của bác Nhu, đã ứng khẩu làm được môt bài thơ “bút bi”, nghe nói sẽ công bố vào một hai ngày tới trên Blog.
Nguồn cảm hứng tưởng đâu chỉ có trên đường, nào ngờ sáng hôm sau mở Blog thấy bài thơ nóng hổi của bác Kim Anh, viết về chuyến đi lên Định Hoa, thăm ATK và Tân Trào với những dòng thơ dạt dào tình cảm:
Một ngày của nghĩa, của tình.
Chú Nguyên, bác (Đoàn) Hải, cùng mình quyết tâm.
Lòng này, đâu quản đường xa.
Thăm Dung, viếng (Vĩnh) Hải, em tôi vẫn còn...
Tôi đã đi cùng vơi bác Kim Anh ba chuyến dã ngoại xa, chưa lần nào thấy bác làm thơ nhanh như lần này.
Thơ được đưa ra nhanh như vậy, có lẽ có phần là do có bác trai đi cùng, tình cảm bấy lâu nay dồn nén, gặp cảnh núi rừng trời đất hữu tình, bất ngờ trào dâng như thời còn trai trẻ, tình tứ da diết.
Bác Kim Lan thì trong môt giây xuất thần, tuyên bố chắc nịch (không còn có chỗ để sửa lại) "vào mùa hè tới đây, sẽ chiêu đãi cả nhà một chuyến Picnic một ngày không mất tiền tại khu nghỉ mát hồ Núi Cốc nổi tiếng (với điều kiện được cả nhà hưởng ứng)".
Còn bác Nhu thì hôm sau báo tin cho tôi biết đêm đó không sao ngủ được, vì cảm xúc trào dâng, bồi hồi vấn vương mấy dòng thơ còn dang dở cho một bài thơ “bút sắt” sắp ra đời.
Tội nghiệp cho cháu Lê Hồng Phương ngồi trên xe mâm mê gói quà lưu niệm cho ông xã, mua được một chiếc áo sơ mi nam dân tộc Tày những 40.000 đồng ngay chính địa danh tân Trào Nà Lừa, nhưng lại lo ông ấy không mặc, thành ra ôm chặt chiếc áo vào lòng thật đấy, mà nào có yên.
Từ sau khi rời đền tưởng niệm bác Hồ, Bác Nguyên ngồi im lặng trầm ngâm không nói gì suốt quãng đường còn lại trên đường về nhà, dáng vẻ ưu tư, lộ vẻ lo lắng (trước lời tuyên bố của bác Lan), hỏi ra mới biết bác đang mải thiết kế chuyến đi hồ Núi Cốc cho cả nhà ta vào mùa hè tới.
Còn tôi hai ngày nay có mặt suốt trên đường Hà Nội với một người bạn mới từ nước Đức về thăm nhà, đến chiều nay mới gọi là tạm yên. Cũng là đúng lúc bác Kim Anh gọi Tel giục viết đưa tin, cảm súc dự trữ đã được hai ngày, nay gặp dịp bất ngờ tôi ngồi viết một mạch mấy dòng ghi chép này, rồi lại xuất kích ngay.
Xin gửi vài dòng như trên tới cả nhà, cùng chia sẻ cho vui.

Phạm Vĩnh Thắng

Previous
Next Post »