Một hồi ức nhỏ về Bà ngoại

Tối nay vừa trở về sau chuyến đi đến nhà bác Vĩnh Hải ở Định Hóa, Thái Nguyên thắp hương tưởng nhớ nhân 100 ngày bác ra đi, tôi mở Blog đọc được bài thơ của bác Kim Anh viết về ông bà ngoại Trương Thị Hảo và Phạm Văn Thành.
Tôi vội ghi lại ngay một hồi ức nhỏ, mà đến nay tôi vẫn còn nhớ rất chi tiết, không thể nào quên về bà ngoại Trương Thị Hảo (ảnh bên).

Đó là vào ngày 6 tháng 8 năm 1968, tôi được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam tại Đại đội chỉ huy Sư đoàn pháo phòng không 371 bảo vệ cầu Phủ Lạng Thương (Bắc Giang).

Ngay ngày hôm sau từ nơi dừng chân tạm thời tại chợ Tó (Đông Anh, Hà Nội), đơn vị pháo cao xạ của tôi hành quân vào Thanh Chương, Nghệ An chuẩn bị cho những trận đánh mới (lúc này Mỹ đã chuyển từ chiến tranh phá hoại trên toàn lãnh thổ miền Bắc, sang chiến tranh phá hoại hạn chế từ vĩ tuyến 19 trở vào).

Trên đường hành quân dừng ở ga hàng Cỏ, tôi xin cấp trên được tranh thủ chạy về thăm nhà ít phút, cũng là ngầm chào bố mẹ, biết đâu… vì tôi sắp vào vùng chiến sự ác liệt.

Chẳng may hôm đó bố đi công tác, mẹ đi đâu vắng, chỉ còn mỗi bà ngoại ở nhà. Tôi viết vội vài dòng ngắn ngủi báo tin “Hôm qua con vừa được kết nạp vào Đảng, …”.

Tôi đưa cho bà ngoại, để bà chuyển cho bố và cũng báo với bà y như vậy. Nghe xong bà ngoại mừng lắm, rồi gần như nhảy lên vỗ vỗ vào vai tôi, nói như reo lên “cha mẹ mày, bây giờ mới nói cho bà biết”.

Tôi ngạc nhiên lắm, từ trước tới nay trong tâm trí của tôi, bà ngoại chỉ biết có mỗi một việc là tụng kinh niệm Phật, chẳng bao giờ bà nói tới chuyện chính trị, thời cuộc.

Nào ngờ cái việc tôi vào Đảng chẳng có liên quan gì tới nơi cửa Phật, thế mà bà lại mừng đến như vậy.

Từ đó cứ mỗi khi nhớ lại sự việc này, tôi đều cố lí giải nguyên nhân vì sao một người đàn bà học thức bình thường, hầu như chỉ quanh quẩn ở nhà, mà lại có được một cảm súc như thế khi được biết đứa cháu của mình vào Đảng.

Thế rồi năm 1979, bà ngoại qua đời sau hơn ba năm nằm ốm liệt giường bất động. Mọi sinh hoạt đều diễn ra trên chính chiếc giường kê ở gian phòng, mà khi mất bà nội cũng nằm ở đó (tôi được chứng kiến bà nội mất). Đến đây lại có dịp ghi nhớ công sức của mẹ tôi-bà Phạm Thị Yến, một mình vất vả chăm nom bà ngoại (lúc đó chưa có ô xin như bây giờ).

Cái giây phút bà ngoại mất, chỉ có tôi và mẹ tôi có mặt.

Vào lúc đó nghe theo lời mẹ, tôi lấy một chút bông trắng nhỏ để vào mũi bà, một lát không thấy động đậy hai mẹ con mới tin chắc là bà đã qua đời.

Nếu không nhầm thì năm đó bà ngoại ra đi ở tuổi 92, không để lại một lời nhắn nhủ nào cho con cháu cả.

Phạm Vĩnh Thắng











Previous
Next Post »