Bà nội

Trên Blog, ngày 9.3.2007 bác Ngọc trong bài viết Nhũng người đàn bà 53 Lãn Ông có nói tới bà nội, tôi xin được góp thêm một chi tiết.
Đó là hồi bé, vào lúc đó trừ chị cả Thoa đi kháng chiến, còn lại 8 anh chị em vẫn ở tại nhà 53 Lãn Ông, tôi hay được bà gọi đọc báo cho bà nghe. Tôi nhớ thường bà hay nằm ở cái võng trước cái sập vàng, phía sau là buồng thờ ở 53 Lãn Ông nghe tôi đọc. Lần nào bà cũng bảo đọc những tin chiến sự, có liên quan tới Việt Minh.
Tôi nhớ dịp đó vào năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ đang diễn ra rất ác liệt, tờ báo tôi hay đọc là tờ Tia Sáng (hay Tin Sáng?, nay là Báo Hà Nội mới) câp nhập tin chiến sự nhanh và nhiều hơn các tờ báo khác trong vùng tam chiến Hà Nội.
Lần nào đọc tới tin nhiều Việt Minh bị tiêu diệt, bà nội đều bảo “nó có chết….ấy! “ (bà nói rất tục, tôi không tiện viết ra ở đây).
Thật tình lúc đó tôi còn quá bé để hiểu được nguyên nhân sâu thẳm trong tâm tưởng của bà, vì sao bà lại hay nói như thế.
Phần tôi cũng chưa có ý thức lắm, nhưng chỉ đơn giản nghĩ là vì bố đang là cán bộ kháng chiến, nên cũng mong Viêt Minh chiến thắng, không chết nhiều như thế, để bố còn về gặp lại anh chị em chúng tôi.
Đến khi khôn lớn hơn tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản bà nội nói như thế, vì bà có ba con trai và một tá cháu đang tham gia kháng chiến.

Bà có một niềm tin mãnh liệt, các con cháu bà là Việt Minh chết làm sao được.
Nay đọc được bài viết của bác Ngọc, lại được biết thêm chi tiết bà còn là người hỗ trợ các chiến sĩ cách mạng của Thủ đô trong thời kì tiền khởi nghĩa, tôi lại hiểu hơn về nội dung ý nhĩa ẩn chứa trong chi tiết câu chuyện tôi vừa kể ở trên về bà nội.

Tôi nghĩ tìm hiểu truyền thống gia đình qua các bậc tổ tiên, cũng là điều bổ ích không chỉ cho lớp trẻ mà ngay cả cho chúng tôi, lớp kế cận già.

Vậy thì các bác lớn tuổi có chuyện gì nữa hãy nên viết tiếp cho con cháu được biết, được hiểu, được tự hào cũng như thông cảm, rút kinh nghiệm cả những điều hạn chế, thậm chí là sai sót, giúp ích cho chính cuôc đời của mỗi người chúng ta.

Phạm Vĩnh Thắng

Previous
Next Post »