Ngày hôm nay, tôi có nhận được bức thư E.mail của bác Nguyên gửi tới, kể lại bối cảnh chụp những bức ảnh đã nêu vào năm 1964.
Bác khẳng đình chỉ là tác giả của hai bức ảnh chụp đại gia đình và ảnh hai cụ Quang , Yến.
Còn bức ảnh thứ ba chụp chân dung cụ Phạm Vĩnh Quang, không phải do bác chụp.
Điều rất thú vị là bác còn khẳng định, bức ảnh chụp bà ngoại mà tôi đã dẫn ra trong bài viết Một hồi ức nhỏ về bà ngoại, đăng trên Blog ngày 19.3.2007 cũng là do bác chụp.
Tôi nghĩ có thể các bức ảnh bác Nguyên chụp chưa hẳn là có giá trị vè nghệ thuật.
Nhưng đối với một gia đình thì thật là những bức ảnh có ý nghĩa lịch sử, có giá trị lưu trữ.
Vì có những tấm ảnh đó mà chính chúng ta, ròi đến con cháu mới có thể nhìn thấy cụ (kỵ), ông, bà, bố, mẹ, cô bác, chú, gì...cách đây trên 40 năm.
Tôi cho rằng việc ghi nhận quyền tác giả cho bác Nguyên không phải là việc đánh giá ai có công lớn, hay công nhỏ hơn đã đóng góp cho gia đình ta.
Mà đơn giản đây chỉ là sự ghi nhận công lao một việc làm có ý nghĩa, đóng góp vào kho tư liệu lịch sử của dòng họ Phạm Vĩnh Quang, theo cách người có công đến đâu nên ghi nhận đến đó.
Rồi đây nếu phát hiện ra vị nào đó làm được những việc lớn hơn với gia đình, chúng ta không ngần ngại gì mà không ghi nhận công đóng góp đó.
Vì thế tôi nghĩ các thành viên gia đình ta với sự khiêm tốn vốn có, hãy ghi nhận sự việc này đúng như ý nghĩa của nó.
Để rộng đường dư luận, tôi xin đăng toàn văn bức thư nói trên để các thành viên gia đình cụ Phạm Vĩnh Quang cùng suy ngẫm:
“Thân gửi chú Thắng!
Thật bất ngờ khi mở trang Blog Gia đình Phạm Vĩnh thấy bức ảnh anh chụp cách đây 43 năm. Đó là bức ảnh" Đại gia đình (GĐ) 4 thế hệ phố cổ 53 Lãn Ông"( Anh đặt tên cho bức ảnh như vậy). Kèm theo ảnh là lời bình của chú Vĩnh Thắng đăng tải.Nhìn bức ảnh đó, anh nhớ lại một kỉ niệm xưa mà anh không thể nào quên, đó là vào mùa xuân năm 1964 ( Tết Nguyên Đán), anh được về thăm GĐ ông bà Quang, bố mẹ vợ tương lai của anh.
Bước vào nhà, anh thấy rất đông người, trong đó nhiều người anh mới gặp lần đầu. Mợ tiếp anh ở bàn nước. Ai đi qua Mợ cũng giới thiệu tên và thứ bậc trong GĐ. Người được giới thiệu cuối cùng là anh Vĩnh Hải( chắc là ở Hải Phòng mới về). Mươi phút sau mọi người tấp nập bày cỗ bàn linh đinh, thịnh soạn lắm: nem cua biển, măng ninh, bóng mực, thịt quay, giò chả và nhiều món ăn khác nữa. Có món măng tây là lạ nhất anh chưa ăn bao giờ.
Sau khi ăn cỗ tiệc xong, cậu mới ngồi tiếp nước anh nhưng vẫn không nói câu nào. Anh hoảng quá không biết nói năng ra sao. Lúc đó anh cũng liều mạng đề xuất ý kiến với Cậu là:" Hôm nay nhân dịp đầu xuân, cháu xin phép hai bác cho cháu được chụp một kiểu ảnh GĐ để làm kỉ niệm". Lúc này Cậu mới nói:" Ừ! Anh chụp đi!" Được phép của cậu, anh vừa mừng vừa lo. Mừng là được Cậu cho phép thực hiện ý định. Lo là địa điểm chụp ảnh. Sân tầng 1 thì không đủ ánh sáng vì máy ảnh không có đèn. Anh cứ chạy ra chạy vào sân trước sân sau đều không đủ sáng. Anh leo cả lên cầu thang tầng 2 thấy có một khoảng sân thượng, mừng quá anh hỏi anh Ngọc hay ai đó( anh không nhớ rõ) là có lên đó được không? Anh ấy bảo lên được! Vậy nhờ anh mời mọi người lên cả trên này chụp ảnh cho rộng rãi và có đủ ánh sáng (hôm đó trời nhiều mây và có cơn mưa).
Sau khi sắp xếp mọi người đứng vào vị trí, anh đứng trên hai bậc cầu thang chụp sang. Để chắc ăn anh bấm liền hai kiểu. May quá cả hai kiểu đều được nhưng không đẹp vì thời tiết xấu. Đó là bức ảnh đại GĐ " Tứ Đại Đồng Đường" duy nhất từ trước tới nay anh chụp được. Ngay bản thân GĐ bên nhà anh cũng chưa bao giờ triệu tập được đầy đủ ba thế hệ trong nhà để chụp một kiểu ảnh.
Các cụ trước đây thường nói nhà ai có " Tứ Đại Đồng Đường" trong cùng một mái nhà, là nhà đó có phúc lớn lắm đấy!
Sau khi chụp kiểu ảnh đại gia, anh thừa thắng lấn tới mời Cậu Mợ chụp chung một kiểu ảnh. Vì quá run nên ngắm nghía thế nào mà đầu Cậu lại nhô lên nền trời nên ảnh không được đẹp.
Tiếp đó anh thấy bà ngoại lưng đã còng đi lại khó khăn nên lại nảy ra một ý là mời cụ chụp một kiểu. Anh nói với chú Thắng là kiếm cho cụ một chiếc ghế bành để ngồi chụp theo kiểu ảnh thờ, biết đâu sau này lại được dùng tới.
Đó là ba bức ảnh được chụp cùng thời điểm Tết 1964 do anh chụp.
Còn bức ảnh chụp chân dung Cậu có ánh đèn và phông màu sẫm là của tác giả nào đó, chứ không phải do anh chụp. Vậy Thắng tìm hiểu thêm bức ảnh chân dung đó là của ai, để công nhận bản quyền tác giả được công bằng.
Việc ba bức ảnh do anh chụp được đưa lên trang blog của GĐ họ Phạm Vĩnh đã là một phần thưởng to lớn với anh rồi! Anh thiết nghĩ cũng không cần phải có một buổi họp mặt để công bố quyền tác giả đâu chú Thắng ạ.
Cuối cùng anh mong rằng trong số tám GĐ anh em chúng ta sẽ có nhiều GĐ đạt được " Tứ Đại Đồng Đường" như bức ảnh năm xưa!
Anh Nguyên.”
Phạm Vĩnh Thắng
0 Komentar