10 bài học chống dịch

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, quá trình chống dịch thời gian qua đã cho Việt Nam 10 bài học kinh nghiệm trong phòng chống dịch.

Cụ thể, bài học thứ nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19.

 

Thứ hai, là sự huy động, vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương đã phát huy vai trò của người đứng đầu các cấp uỷ, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Nhiều đồng chí Bí thư các địa phương đã trực tiếp tham gia chỉ đạo công tác phòng chống dịch.

Quan điểm “chống dịch như chống giặc” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai thực hiện nghiêm. Đồng thời áp dụng triệt để phương châm “bốn tại chỗ” gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ; chú trọng vai trò chủ động của chính quyền các địa phương.

Thứ ba là sức mạnh của toàn dân, mọi tầng lớp nhân dân đều có sự đồng lòng nhất trí, huy động mọi nguồn lực để chung tay chống dịch.

Thứ tư là huy động toàn bộ hệ thống y tế vào cuộc chuẩn bị cho cuộc chiến cam go và thách thức, chủ động trong giám sát, xét nghiệm, hiệu quả trong điều trị, các chiến sĩ áo trắng sẵn sàng đi vào tâm dịch phục vụ công tác điều trị ở mặt trận Đà Nẵng, Hải Dương và các địa phương khác.

 

Thứ năm là Việt Nam đã sớm huy động lực lượng quân đội, biên phòng, công an chủ động và tham gia vào công tác phòng, chống dịch ngay từ đầu. Quân đội được giao nhiệm vụ phụ trách tổ chức cách ly tập trung chống dịch; công an tại các địa bàn phụ trách rà soát, tránh bỏ sót trường hợp liên quan đến ca bệnh, thực hiện truy vết… Đây chính là đặc trưng trong công tác chống dịch của Việt Nam.

Thứ sáu là lực lượng và mặt trận ngoại giao đã tích cực chủ động và đưa vị thế của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch lên cao trên trường quốc tế. Trong giai đoạn phòng chống dịch, nhưng Việt Nam vẫn chủ trì nhiều sự kiện quốc tế quan trọng; hỗ trợ đưa công dân nước ngoài ở Việt Nam về nước; giải cứu công dân nước ta ở nước ngoài về nước, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Thứ bảy, bài học minh bạch về thông tin truyền thông trong công tác phòng chống dịch. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các lực lượng truyền thông tham gia chống dịch trên mặt trận tuyên truyền, tạo dòng chảy thông tin chính thống, minh bạch về phòng chống dịch.

“Chúng tôi rất cảm ơn lực lượng truyền thông đã rất sáng tạo trong công tác phòng chống dịch, có cả những bài hát, câu vè… Chúng ta có 98 triệu dân nhưng các nền tảng xã hội đã gửi 20 tỷ tin nhắn cảnh báo đến người dân về các biện pháp phòng chống dịch”- GS.TS Nguyễn Thanh Long bày tỏ.

Thứ tám, đó là sự phối hợp nhịp nhàng có trách nhiệm của các bộ, ngành trong công tác phòng chống dịch dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Thứ chín, đó là bài học về đảm bảo an sinh xã hội. Ngay từ những thời điểm khó khăn, Việt Nam vẫn đưa ra những gói an sinh xã hội và có thể nói rằng việc này đã tác động sâu sắc đến an sinh xã hội.

Bài học cuối cùng, theo Bộ trưởng Bộ Y tế là sự chủ động trong chuỗi cung ứng, chủ động về khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch với sự tham gia của tất cả các lực lượng, các địa phương./.

Vĩnh Thắng sưu tầm



Previous
Next Post »