NGÀY TẾT NHỚ BỐ







Cứ mỗi dịp Tết đến chúng tôi lại nhớ đến bố - người đã đi xa vào lúc 11 giờ tối ngày 1 tháng 1 năm 2011 Âm lịch (tức ngày 3 tháng 2 cùng năm). Xin trích lại bài viết của PGS.TS Lưu Đức Hải nhân dịp tổ chức kỳ đài Hồ Gươm lần thứ 21 năm 2017. Xin nói thêm kỳ đài Hồ Gươm được tổ chức thường niên, mỗi lần mang tên giải của một danh thủ cùng với tổng kết thân thế sự nghiệp của danh thủ đó.

THÂN THẾ, SỰ NGHIỆP CỦA CỐ DANH THỦ LÊ UY VỆ (HÀ NỘI) -
BỐN LẦN VÔ ĐỊCH CỜ TƯỚNG BẮC KỲ (1939 - 1942)


Tác giả bài viết: PGS. TS. Lưu Đức Hải
Uỷ viên BCH Liên đoàn Cờ Việt Nam - Chủ nhiệm CLB Cờ Hồ Gươm



Lê Uy Vệ sinh ngày 17/3/1917 tại thôn Từ Dương, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Lê Uy Vệ say mê cờ từ hồi nhỏ. Cha mất năm ông 7 tuổi, còn mẹ mất năm ông 13. Từ nhỏ Lê Uy Vệ đã có năng khiếu trong môn toán: học lớp 3 mà đã giải được toán lớp 5, còn về khả năng tính nhẩm thì không ai bằng.
Lê Uy Vệ đến với cờ Tướng từ lúc 10 tuổi, đến năm 15 sức cờ của Lê Uy Vệ đã mạnh hơn, chững chạc hơn, thích tìm người lớn hơn mình, giỏi hơn mình để thi đấu. Sau khi mẹ mất, anh chị em Lê Uy Vệ phải sống tự lập trong sự đùm bọc lẫn nhau. Năm 18 tuổi Lê Uy Vệ tự lo kiếm sống và trải qua các nghề khác nhau như đánh máy chữ, làm thợ ở xưởng khuy bấm Gia Lâm…, song ông vẫn tiếp tục rèn luyện môn cờ Tướng.
Hồi đó Lê Uy Vệ sống ở số nhà 98 phố Bạch Mai, ở gần chùa Vua nên thường tới xem các cao thủ tỷ thí, chép lại các ván cờ của họ để về nhà học hỏi. Ở gần nhà ông thời đó có các danh thủ của nhóm cờ Tướng Bạch Mai, thường sinh hoạt tại nhà ông Trịnh Bá Sinh ở số nhà 32 phố Bạch Mai. Nhóm này còn có ông đội Công, Vũ Thọ, ông Khôi, Nguyễn Đức Lễ, Trần Văn Lan, Phan Văn Quý, Lê Công Phàn, Đào Thế Phấn và một số danh thủ khác. Thập niên 20, 30 của thế kỷ 20 Lê Uy Vệ cũng sinh hoạt tại nhóm này. Thời đó sách cờ còn rất hiếm, vậy mà nhóm Bạch Mai đã có được một số sách kinh điển của cờ Tướng như "Quất trung bí", "Bách cục Tượng kỳ phổ", "Mai hoa phổ", "Đương đầu Pháo", "Bình phong Mã", "Nghịch Pháo"… để nghiên cứu.
Tháng 2/1936 Giải vô địch cờ Tướng Bắc kỳ đầu tiên được tổ chức tại hội quán hội Hợp thiện (Hà Nội), kỳ thủ các vùng có dịp hội ngộ và tỷ thí. Thời đó các hội cờ, nhóm cờ ở đất Thăng Long lần lượt ra đời. Năm 1936 hội cờ Thuyền Quang được thành lập và Lê Uy Vệ là một trong những người sáng lập.
Năm 1939, Giải quán quân cờ Tướng Bắc Kỳ được tổ chức ở đình Thái Cam (Hà Nội). Qua sơ tuyển (khảo trịch) còn lại 32 kỳ thủ vào chia cặp đánh loại trực tiếp. Ông vượt qua cả 4 vòng đấu (tứ thắng) để vào trận chung kết với cao thủ Nguyễn Thi Hùng (Hà Nội). Sau 3 ván đấu với tỷ số hòa 2, thắng 1 Lê Uy Vệ đã đoạt được chiếc cúp vô địch Bắc kỳ, năm đó ông 22 tuổi. Lê Uy Vệ giữ vững ngôi vô địch suốt 4 năm liền (1939, 1940, 1941, 1942). Sau đó ông thoát ly đi theo cách mạng và tạm ngừng thi đấu. Tiếp theo thời kỳ oanh liệt của tam kiệt Hà thành Yến - Du - Lịch, làng cờ Bắc kỳ khâm phục tài danh trẻ tuổi và xếp ông vào một trong tứ hùng lừng danh đất Bắc thời bấy giờ Chi - Bột - Hùng - Vệ (Lục Văn Chi - Chu Văn Bột - Nguyễn Thi Hùng - Lê Uy Vệ).
Do đảm đương những trọng trách được Đảng và Nhà nước giao phó nên trong thời kỳ sau hòa bình lập lại (1954-1958) Lê Uy Vệ tuy vẫn tham gia thi đấu các giải cờ Tướng ở Hà Nội và ở các lễ hội, song thành tích có phần suy giảm.
Ông từng là đối thủ mà cũng là bạn thân thiết với những tên tuổi lừng lẫy như Chu Văn Bột, Đặng Đình Yến, Lục Văn Chi, Nguyễn Thi Hùng, Ngô Linh Ngọc… cho tới lớp Trương Trọng Bảo, Nguyễn Đắc Đinh, Nguyễn Tấn Thọ, Hứa Tiến… sau này. Những thành tích điển hình của danh kỳ Lê Uy Vệ ở các giải cờ Tướng giai đoạn 1939-1958:

Năm 1939 - Quán quân (giải nhất – vô địch) giải Vô địch Bắc kỳ (tổ chức tại Đình Thái Cam, số 44 phố Hàng Vải, Hà Nội).
Năm 1939 - Quán quân giải Vô địch chùa Vua (tổ chức tại số 17 phố Thịnh Yên, Hà Nội)
Năm 1940 - Quán quân giải Vô địch Bắc kỳ (tổ chức tại Đình Thái Cam, 44 phố Hàng Vải, Hà Nội).
Năm 1940 - Quán quân giải Vô địch chùa Vua.
Năm 1941 - Quán quân giải Vô địch Bắc kỳ
Năm 1941 – Quán quân giải Vô địch chùa Vua  
Năm 1942 – Quán quân giải Vô địch Bắc kỳ


Vào năm 1965, những người yêu thích cờ Tướng Việt Nam đã tập hợp nhau trong Hội cờ Tướng Việt Nam mà Lê Uy Vệ là một trong những người sáng lập. Từ năm ấy cho tới bây giờ, Hội cờ Tướng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trở thành Liên đoàn cờ Việt Nam ngày nay. Ông đảm đương trọng trách là Phó Chủ tịch Hội Cờ Tướng Việt Nam và Phó Chủ tịch Liên đoàn Cờ Việt Nam suốt 40 năm liên tục (1965-2004).
Lê Uy Vệ có mặt tại hầu hết các giải cờ Tướng của các hội làng, lễ Tết, các giải lớn… trong ban tổ chức, trọng tài. Khi Hội cờ Tướng trở thành Liên đoàn Cờ, ông tham gia cả cờ Vua. Ông tham gia làm giảng viên những lớp dạy cờ Vua ở các địa phương. Lê Uy Vệ cùng các kỳ thủ Nguyễn Tấn Thọ, Ngô Linh Ngọc biên soạn sách cờ để phổ cập rộng rãi môn cờ Tướng. Ông động viên và viết lời bình cho cuốn sách cờ Tướng của tác giả Lê Hồng Long.
Sau khi Tạp chí Người chơi cờ hoạt động được 3 năm (1995-1998) vị Tổng biên tập đầu tiên là Nguyễn Minh Quang đã bàn giao trách nhiệm Tổng biên tập của Tạp chí Người chơi cờ cho ông Lê Uy Vệ. Ông là người viết bài, sưu tầm những mẩu chuyện lịch sử về cờ…, tập hợp được những cộng tác viên, những nguồn tư liệu cho tạp chí hoạt động. Trong suốt 17 năm hoạt động của Tạp chí Người chơi cờ, Lê Uy Vệ đã giữ cương vị Tổng biên tập 13 năm (1998-2010) cho đến khi Tạp chí tạm ngừng hoạt động.
Bên cạnh hình ảnh của một danh thủ cờ Tướng có hạng, Lê Uy Vệ cũng có nhiều đóng góp, cống hiến cho cách mạng Việt Nam. Thời kỳ 11/1938 đến 8/1945 Lê Uy Vệ là Hiệu trưởng Trường Truyền bá Quốc ngữ ở Bạch Mai kiêm phụ trách khu Nam Hà Nội và hai huyện Thanh Trì, Thường Tín, tỉnh Hà Đông; 7/1946 đến 7/1947 là Bí thư huyện ủy Hoài Đức, tỉnh Hà Đông; 9/1948 đến 8/1949 là Bí thư Liên huyện Đan Phượng, Hoài Đức - Tỉnh ủy viên - Trưởng ban tổ chức tỉnh ủy Hà Đông… 6/1964 đến 12/1978 là Phó Cục trưởng Cục quản lý trại giam - Bộ Công an. Lê Uy Vệ đã được tặng nhiều huân huy chương của Nhà nước và được phong quân hàm đại tá.Ngày 21/2/2013 Lê Uy Vệ đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang truy tặng huân chương Độc lập hạng ba.


Ngày 3/2/2011, do tuổi cao, sức yếu Lê Uy Vệ đã giã từ làng cờ Việt Nam ở tuổi 95. Có thể nói ông là người xuyên suốt làng cờ Việt Nam trong gần 80 năm qua. Ông là người có thời gian dài tới 40 năm trên cương vị Phó Chủ tịch Hội Cờ Tướng Việt Nam và Liên đoàn Cờ Việt Nam. Ông là người lãnh đạo có uy tín, bền bỉ, dẻo dai, vượt qua những giai đoạn khó khăn, cống hiến trọn vẹn cho nền thể thao trí tuệ nước nhà.






Previous
Next Post »
1 Komentar
avatar

Vẫn luôn nhoa bác Nông tấm gương cho con cháu anh em chi Cụ Quang noi theo.

Balas