Thư ngỏ ngày chủ nhật đầu tuần năm mới

Hà nội, ngày mồng 9 Tết Đinh Hợi, 25.2.2002
Kính gửi bác Di.
Sau khi có bài” một chuyện nhỏ, mà không nhỏ ngày mồng 3 Tết…” xuất hiện trên Blog nhà mình của tác gải bài viết này, ngày 5 Tết có bài phản hồi của bác Di nói rõ hơn về cụm từ “trưởng giả và trưởng thật”.
Lại nghe nói bác gọi điện cho các bác gái ở ngoài này nhắc lại việc bác đã có ý kiến quyết định trong tang lễ cụ bà hồi năm 2003, mà lòng em thấy áy náy quá.
Vẫn biết tuy bác là trưởng nam thật đấy, lại không ở Hà Nội nhưng mọi việc ngoài này việc lớn cho đến việc nhỏ bác rất quan tâm. Chẳng hạn như giỗ cụ ông vừa mới tổ chức hôm mồng 2 Tết vừa qua, ngay sáng hôm sau đã có thông báo trên Blog của bác rất kịp thời, chính xác đến bất ngờ lại rất chi tiết tới con số 30 người đến dự, mặc dầu bác ở tận trong đó.
Còn nhiều việc nữa chứng tỏ vợ chồng bác rất có trách nhiệm, như việc duy trì sức khỏe của cụ ông, cụ bà đều có ý kiến tư vấn nghiệp vụ của bác dâu cả Kim Chi, rồi thì thuốc thang nếu cần bác đều gửi ngay cấp tốc.

Dịp tháng 12 vừa rồi ra Bắc mặc dầu chương trình làm việc của bác dầy đặc, tuổi cũng đã cao bác vẫn mấy lần lên thăm bác Vĩnh Hải tận Thái Nguyên rồi thì những khoản kinh phí đóng góp bác đều gương mẫu thực hiện...
Nhiều việc lắm kể ra không hết được, anh em trong nhà ai ai cũng đều biết cả.
Lại trở về bài “một việc nhỏ, mà không nhỏ” mà bác phân vân.
Khi viết bài ấy, nếu để ý sẽ thấy người viết đã đề cập tới 4 ý thế này:
Một là,
Hai bác Di, Ngọc nhiều năm nay cứ phân trần “trưởng giả với trưởng thật” làm gì, dẫu hai bác cũng đều biết chuyện đó chỉ là thuật ngữ, đâu có chức thật. Chuyện tưởng đùa cho vui, mà nhiều năm lặp lại hóa ra là thật, kéo theo cả bậc đàn em vào cuộc.
Anh em ruột thịt việc gia đình chứ có phải việc buôn bán lợi lộc gì đâu, bác cả ở xa không trực tiếp đảm đương được thì bác thứ làm thay (cho bác cả yên lòng).
Gỉa sử nếu bác thứ bận không nhận làm, bác cả giao cho người khác thậm chí giao chú út, cô út làm cũng được, có sao đâu.
Con cháu nhà mình đều trưởng thành giỏi giang cả, nhiều việc lớn tầy đình ngoài xã hội còn làm được, huống chi như mấy việc gia đình ấy cũng thuộc “sêri” việc xã hội, xá chi không làm nổi.
Hai là,
Lịch sử nhà ta các bác gái rất nhún nhường khép mình sau các bác nam, cũng vì tính khiêm nhường bố mẹ để lại (mặc dầu cũng biết các bác gái rất thùy mị, nết na thật đấy, nhưng liệu chừng lúc ”xung trận” cũng chẳng khác mấy nữ tướng họ Hà Đông).
Lại nhớ cụ bà một thân một mình nuôi dạy con cái suốt 8, 9 năm trời đằng đẵng trong khi cụ ông ra vùng kháng chiến chống Pháp, mà vẫn âm thầm tôn vinh cụ ông một trời một vực cứ như là chỉ có cụ ông làm tuốt tuột.
Các bác gái nhà mình nay lại thêm mấy bà con dâu, cháu gái, cháu trai, cháu dâu, cháu rể… cũng giỏi giang lắm đấy chứ (cứ nhìn Minh Trang nhà chú Tiến, Ngọc Khanh nhà bác Kim Anh, Anh Tuấn nhà bác Nhu, Việt Hùng nhà bác Lan, Ngọc Cường nhà bác Ngọc, chắt Hương nhà cháu Vinh rồi Tuấn Minh Bạch Hoa nhà bác mà suy ra thì thấy).
Dịp cụ bà mất, bà xã nhà em cũng khẳng định là bác trưởng có ra kịp thời lúc cụ sắp lâm chung, giữa” hiện trường” gồm toàn là cánh nữ bác là người có ý kiến quyết định những việc chính trong tang gia bối rối (như bác đã viết).
Rồi thì do tính khiêm nhường vốn có bác để cho bác thứ đứng ra điều hành mọi việc, kể cả lời tổng kết tại nhà hàng Chả cá Lã Vọng Nguyễn Trường Tộ Hà Nội 3 ngày sau tang lễ, bậc đàn em đều biết cả.
Nhưng thay vì khen bác cả có vài lời động viên các bác gái, đề cao việc các bác ấy đã làm vào thời điểm ấy, để lần sau các việc trọng đại hơn, các bác ấy lại ra tay làm cũng là việc nên lắm, có sao đâu.
Chắc bác cả khi đã hiểu ra ý em, cũng đồng tình và hãnh diện có một đàn em gái, cháu chắt giỏi giang như thế.
Ba là,
Người viết bài đó muốn nêu một vấn đề dù cho có “trưởng giả hay trưởng thật” đi nữa nếu con cháu không một lòng, việc lớn việc nhỏ đâu có thể làm được.
Bác cứ thử nghĩ mà xem nếu chỉ có hai bác trưởng và thứ, dù có tài ba đến mấy mọi việc đâu có xong. Bao nhiêu việc anh em con cháu nhà mình lâu nay vẫn rất chú ý nghe theo sự phân công của bác trưởng, hoặc bác thứ nào có ai dám chống.
Chỉ trừ phi thấy không hợp lí mới kiên quyết góp ý, còn như thấy châm chước được vẫn vui vẻ cho qua.
Mong hai bác trưởng, thứ thông cảm sở dĩ thế vì anh em, con cháu nhà mình ngày nay cũng thuộc hạng ISO chất lượng cao đấy.
Nói như thế để hai bác yên tâm cứ thế mà điều hành, thực thi nhiệm vụ trưởng thật và thứ thật cho thật đúng tầm.
Bốn là:
Việc giỗ Tết ấy mà chỉ là “chuyện thường ngày ở xã”, một bữa giỗ 20,30 người cũng là vất vả. Nhưng thú thật với các bác em cứ nói thật lòng, chừng ấy với em ý nghĩa gia đình là to lớn, chứ vụ việc cũng chỉ là chuyện thường thường bậc trung, chẳng có gì to tát.
Ví như nhà em hồi tháng 10 năm 2005, vừa về nước được hai tháng sau gần bốn năm ở nước ngoài chưa kịp hồi phục đường đi nước bước, bác Ngọc phân công làm giỗ mẹ chúng em vinh dự nhận làm giỗ đàng hoàng, người đến dự còn đông hơn cả giỗ vừa rồi ở nhà bác Ngọc vì có cả gia đình ông Hanh, ông Công con ông Bảo thế mà mọi việc cũng êm lặng như tờ.
Chẳng những nhà em mà như bác Nhu có một thân một mình, chằng cần ai giúp đỡ Tết năm 2006 giỗ cụ ông cũng rất đông người đến dự, mà đâu cũng vào đó.
Chẳng nói xa ngay như tối ngày 22.2.2007, sinh nhật bác ấy có đồng đủ anh chị em, con cháu ở Hà Nội dễ có đến hơn 20 người đến dự bữa cơm thật “đơn giản”, toàn thức ăn Matxcơva kéo dài gần 4 tiếng do bác Nhu chuẩn bị, vẫn một thân một mình lo toan vui vẻ, đâu ra đấy.
Ấy vậy mà chuyện giỗ ngày 2 Tết hàng năm, quân số cũng chỉ có ngần ấy người mà năm nào cũng” lên đài, lên báo” hết nội bộ lại công khai, năm nay lên cả Blog lại cũng chỉ mỗi một khoản giỗ thế nào, to hay nhỏ…
Không biết các bác thế nào chứ em thì nghĩ, đã nhận làm giỗ là đương nhiên phải mỏi mệt, phải mất công, phải có thừa có thiếu, phải làm sao cho hợp khẩu vị thực khách đều là con cháu nhà mình cả, mà lại chi phí hợp lí đúng đồng tiền bát gạo đưa ra theo phương thức tự lực hay cùng nhau đóng góp…
Mấy điều ấy rõ ràng chỉ phụ thuộc duy nhất vào mỗi một điều, đó là do tài nghệ của gia chủ.
Hôm rồi bác Ngọc phát biểu trên Bog về việc giỗ bố, đọc xong thấy thông cảm cho hai bác Ngọc Phi tuổi cao sức có hạn.
Nhưng chắc là bác Ngọc muốn đề cập tới một phương án nào đó tối ưu hơn để cho tổ chức giỗ bố vào đúng ngày Tết được hợp lí, vừa không tốn kém, vừa đơn giản lại phù hợp với sức khỏe, mà vẫn có ý nghĩa đoàn tụ gia đình con cháu gặp nhau.
Em nghĩ như bác Ngọc viết trên Blog đầu xuân ngày 4 Tết đưa ra “vài câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn” (lời của bác ấy) là một cách nghi binh của tướng đa mưu đời xưa vẫn làm “đánh trận giả, tạo mâu thuẫn lớn” để thảo luận cho Blog được hấp dẫn. Chứ thực ra bác Ngọc nhà mình thiên hạ ai cũng biết là một tay tổ chức, nấu ăn có đẳng cấp chứ bữa cỗ nho nhỏ hôm vừa rồi ở nhà bác ngày mồng 2 Tết, có thấm tháp gì so với năng lực của hai bác ấy.
Kính gửi bác cả Di
Em viết mấy điều vừa qua là theo đúng lời bác dạy đại ý: “Blog của gia đình có gì viết nấy, rồi ta cùng sửa…”.
Sự thực đúng là như thế, chứ có làm sai lời bác đâu, bác đừng suy luận mà lại mâu thuẫn với tôn chỉ Blog chính bác đã nêu ra.

Nay thấy bác phân vân, em không vững vàng cũng phân vân theo nên mới viết thư lại để bác hiểu lòng em, đâu có ám chỉ ai.
Bài viết này cũng chỉ là học thuật văn chương Blog mà thôi, bác cứ luận vào thân những điều đâu đâu cho thêm phần đau khổ.
Mong bác và em cùng bớt phân vân cho lòng thanh thản, vấn vương đặng dồn sức mà chuẩn bị đón Xuân năm 2008 cho tưng bừng hơn.

Kính

Phạm Vĩnh Thắng


Previous
Next Post »