Vui, Vui!

BẢN KIỂM ĐIỂM NGÀY TẾT ĐINH HỢI, 2007

Năm nào cũng vậy khi không khí ngày Tết đã lắng, mọi công việc lại trở về với đời sống thường nhật.
Ngày mai mồng 6 Tết các cơ quan công sở lại làm việc như thường lệ. Hôm nay cả nhà tôi hop kiểm điểm rút kinh nghiệm Tết Đinh Hợi vừa qua, đề ra phương hướng Tết cho 5 năm tới, trước mắt là Tết 2008.
Tết năm nay cũng như mọi năm ưu điểm vẫn là cơ bản, khuyết điểm là rất ít và chỉ là tạm thời.
Trước ngày Tết 3 tháng vợ tôi bảo năm nay ăn Tết phải thật đơn giản, vui chơi là chính, hạn chế mua sắm đồ đạc, ăn uống linh đình tốn kém nhất là thừa thãi thức ăn dự trữ như mọi năm và phải giữ gìn sức khỏe.
Định hướng này cả nhà nhất trí quán triệt ngay, được ít nhất 2 tháng trước Tết rất là nghiêm túc.
Nhưng rồi chỉ một tháng trước Tết, tôi và bà xã lúc rỗi rãi ghé vào cửa hàng nhà Xinh ở phố Cát Linh, xem đồ nội thất.
Bà ấy không thể rời được khu trưng bầy tủ bếp mẫu, xem từng thứ rất là chi tiết.
Về nhà vợ tôi bảo tủ bếp nhà mình cũ quá rồi, nên thay bếp mới. Tôi thì lưỡng lự vì nghị quyết ngày Tết đã ban rồi không mua sắm thêm đồ đạc, nếu mua thì phải sửa lại nghị quyết, phải tổ chức họp xin ý kiến mà Tết đến nơi rồi, chẳng còn thời gian nữa.
Thế rồi bà ấy rủ cậu con trai cùng đi xem tủ bếp, xem rồi tôi hỏi ý kiến thế nào, cháu bảo mẹ đã thích thì phải chiều thôi.
Thế là không chờ họp lai, biết là sai nhưng chúng tôi vẫn kí hợp đồng lựa chọn phương án thiết kế cho hợp với nhà mình để còn kịp đón Tết, chỉ có điều duy nhất tính toán rất lâu là khoản “đầu tiên” sao cho hợp lí.
Việc làm bếp giao toàn quyền bà xã, tôi và cậu con trai chỉ đứng vòng ngoài góp ý chung chung, không can thiệp sâu để đảm bảo chỉ “một cửa”.
Cũng may là bản hợp đồng này đến ngày 25 Tết đã hoàn thành, tương đối đúng với kế hoạch đã định.
Thế rồi thiên hạ đi sắm Tết đông quá, tấp nập quá chẳng nhẽ nhà mình lại không.
Thế là do tư tưởng không vững vàng, dẫu biết tuy quán triệt nghi quyết ngày Tết đã rất kĩ, nhưng dao động vì thế cứ ru ri “chệch hướng” dần từng bước.
Về thực phẩm ngày Tết so với năm ngoái tuy có tiến bộ, nhưng đến hôm nay trong tủ lạnh vẫn còn gà, thịt lợn, thịt bò, cá, rồi bánh chưng, một két bia Hà Nội còn nguyên...nhà mình ăn, uống ít nhất mươi ngày nữa mới hết.
Bà xã tôi bảo tại hai bố con chẳng chịu ăn, mà năm nay cũng lạ khách đến nhà ai cũng ngại ăn, ngại uống nên mới thừa. Rồi bà ấy bảo không lo, hồi ở nước ngoài vẫn mua thức ăn để trong ngăn đá ăn dần vẫn còn tốt chán, có làm sao đâu.
Mà nhiều thứ ngày Tết thấy mọi người mua, nên cũng mua. Ví dụ như giò chả chẳng hạn, bác Nhu goi điện rủ mua giò nhà ông Dư ở làng Sấu ngon lắm. Phần vì sợ giò chả Hà Nội dạo này có nhiều hàn the, phần sợ uy bà chị chồng chu đáo thế là vợ tôi đặt luôn hai cây một giò bò, một giò lụa mặc dù trước đó đã quyết tâm không mua giò chả (lúc ăn thấy còn giòn hơn cả giò có nhiều hàn the nhất nội thành, nghĩ mà dại).
Chuyển sang vấn đề cây hoa ngày Tết, bà xã tôi bảo năm nay nhà mình có cành đào phai kép tán rộng, nhiều hoa, nhiều nụ, đến ngày 5 Tết vẫn còn hoa nở rực rỡ.
Bốc lên, bà ấy còn đánh giá đẹp nhất mấy nắm gần đây (có lẽ kể cả những năm bây giờ không còn nhớ được hình thù cành đào như thế nào nữa)
Thật đúng thế nhiều người đến chúc Tết, lại có cả người làng làm nghề trồng hoa cũng khen như thế.
Thế là tôi được biểu dương vì mua cành đào vừa ưng ý, lại với giá chỉ có 80.000 VNĐ so với mức sàn qui định 250.000VNĐ, tiết kiệm được những 170.000VNĐ (đấy là so với mức sàn, chứ nếu so với “mức trần” thì còn tiết kiệm được nhiều hơn nữa).
(Ảnh chụp vợ chồng cháu Hùng Hương con bác Lan, đến chúc Tết vợ chồng tôi lúc 16h30 chiều 5 tết Đinh Hợi bên cành đào năm nay ở nhà tôi)
Về sức khỏe chưa được thực hiện tốt, vì mải mê chuẩn bị Tết hết trồng cây, lại dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, thức khuya, dậy sớm. Nhất là khi có tủ bếp mới bà xã tôi tất bật xếp đặt mấy hôm liền không nghỉ, riêng khoản vứt đi hay để lại cũng bã cả người.
Kết quả là đúng ngày 29 Tết bắt đầu sụt sịt, húng hắng ho, phải uống thuốc “phản ứng cực nhanh” đến hôm nay chiều ngày 5 tết mới coi như là tạm gần hết.
Thế còn khoản biếu xén.
Thì cũng như mọi năm thôi, nhà mình chẳng có ai đến “Tết” cả Chẳng bù ông chủ sát vách nhà tôi mới chỉ là trưởng phòng tổ chức của công ty gạch, đồ vệ sinh Vinasera, một tuần trước Tết người ra, người vào khăn gói tấp nập đến Tết nhà xếp trưởng phòng. Chỉ tội cho bà vợ than thở với hàng xóm khổ lắm, cứ hết một ngày lại phải ngồi đến tận đêm khuya thống kê, phân loại Tết mỏi cả lưng, mờ cả mắt mà lại phải nghĩ mãi mới tìm ra chỗ cất giữ an toàn. Đấy mới chỉ là cấp trưởng phòng mà đã như thế, còn nếu là Giám đốc chắc là phải tăng thêm ca để thống kê, phân loại (tôi lại trộm nghĩ không biết hồi bác Ngọc làm Giám đốc công ty cầu đường, hay như bác cả Di hiện nhiều năm làm Giám đốc công ty tư vấn AXIS ở Sài Gòn có lâm vào cái cảnh đáng thương này không? Nói dại nếu có, thì lại thương cho hai bác gái Chi và Phi cùng các cháu Minh và Phi Nga khốn khổ còn hơn cái bà vợ ông hàng xóm của tôi, vì hai bác đều là Giám đốc còn cao chức hơn ông ấy nhiều)
Thế có chuyện gì đột xuất trong mấy ngày Tết không?
À có chứ, đúng sáng ngày 29 Tết (tức 30 tết) vừa ngủ dậy bà xã tôi đã hớt hải báo tin tự nhiên đường cấp nước nhà mình bị dò gỉ, nước chảy róc rách, bếp ga âm bật mãi chẳng giữ lửa.
Lo quá phen này mất nước, mất lửa, có hai cái cơ bản nhất mà mất thì gọi là mất luôn cả ăn Tết, chẳng những thế lại dông cả năm mất.
Trên đường đi thăm mộ bố mẹ đẻ ở nghĩa trang Văn Điển, bố vợ ở Mai Dịch tôi phải goi điện liên tục hết chỗ này đến chỗ khác mời thợ đến sửa. Cũng may đến đầu giờ chiều ngày 29 Tết, mọi việc được hoàn thành đâu vào đó, bớt đi một nỗi lo khủng khiếp.
Cuối cùng sang đến phần quan trọng nhất là khoản “đầu tiên”, tôi hỏi có tốn lắm không . Bà xã bảo tốn kém hay không thì chưa biết được, cũng có cân nhắc thận trọng khi mua, nhưng khi cần tiêu là cứ tiêu, chẳng ghi chép thống kê làm gì.
Ừ thế cũng là phải, ngày Tết có nhiều việc phải mua sắm, có cả những việc không tên đột xuất, có tốn kém một tý cũng đươc, chuyện này không có khuyết điểm, cho thông qua.
Sang đến phần khen thưởng thật là khó, vì các thành viên gia đình ai cũng có thành tích, mỗi người một vẻ đều xứng đáng cả.
Vậy thế nên phải vận dụng phương pháp so bó đũa chọn cột cờ.
Cuối cùng thống nhất biểu dương chỉ một mình bà xã vì tuy bị sụt sịt, phải uống thuốc “phản ứng cực nhanh” vẫn phải cơm nước đãi khách mấy ngày liền, đột xuất cũng có, lúc ít thì 3,4 người, lúc nhiều có khi tới 15,16 người thành mâm thành bát hẳn hoi với 4,5 móm chứ có ít ỏi gì đâu.
Tuổi đã sấp sỉ 60, khách ra về lại một thân một mình cặm cùi lau chùi rửa bát, giải quyết hậu quả đến tận đêm khuya mỏi rã rời toàn thân, mà sáng ra vẫn vui vẻ tham gia đi chúc Tết các bác rồi bạn bè họ hàng hai bên đâu ra đấy, chẳng một lời kêu ca (khoản này nên đặc biệt biểu dương vì khách đến nhà là quí, nếu không vì Tết chắc gì người ta đến nhà mình).
Khen thì khen thế, nhưng vẫn phải kiên quyết lưu ý Tết năm sau phải giữ gìn sức khỏe, không được để sụt sịt ảnh hưởng tới khí thế chung của cả nhà (nếu tái diễn sẽ kông được biểu dương khen thưởng).
Thế là phần kiểm điểm công viêc đã qua về cơ bản là xong, tổng kết lại là thực hiện đúng định hướng ăn Tết vui vẻ, giữ được bản sắc văn hóa dân tộc nhà mình, nhớ bố mẹ, tổ tiên, có tốn kém một tí, có thừa thức ăn một tí…
Nhưng chẳng sao Tết ấy mà, năm sau ta lại rút kinh nghiệm chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết đã được thông qua.
Sửa điều này nghe nói thì dễ, nhưng thật ra là rất khó, ví như năm nào cũng thế các bác còn có kinh nghiệm và từng trải đường đời hơn tôi, nhất là khoản giỗ Tết như bác Kim Anh, bác Kim Nhu, bác Ngọc rồi bác Kim Lan năm nào cũng thế, cứ sau Tết lại có đến mấy cuộc trao đổi tay đôi, tay ba…rồi hội ý nhóm, có cả hội thảo đàng hoàng rất tốn tiền của và thời gian, lần nào cũng vậy đều nhất trí rất cao với kết luận giỗ cụ Quang vào 2 Tết năm sau nên làm đơn giản, chỉ có hoa quả và nước uống, không nên cầu kì nhiều móm làm gì.
Thế mà năm nay đến lượt bác Ngọc làm giỗ bố, cũng như những năm trước đã lần lượt làm ở nhà bác Nhu, bác Anh…mặc dầu đã rất quyết tâm làm đơn giản, nhưng theo thống kê của tôi có phần “bịa đặt”vẫn thấy đầy đủ một bát, năm nâm, hai đĩa, hai loại nước uống hoành tráng lắm (thế nên ngay sáng ngày 4 Tết rút kinh nghiệm ngày giỗ vừa qua, bác Ngọc cũng đã có lời trên Blog trao đổi về cách thức tổ chức, món ăn sao cho ngày giỗ cụ Quang mồng 2 tết năm sau được gon nhẹ, đơn giản đỡ mệt cho gia chủ mà vẫn có ý nghĩa).
Vậy thì khuyết điểm này là có hệ thống và đích thực là do cơ chế, cả làng đều mắc chứ chẳng riêng gì gia đình tôi nên được bỏ qua, chỉ lưu ý năm sau rút kinh nghiệm phải làm đơn giản hơn.(phần này nghị quyết mới ghi chữ nghiêng, nét đậm để xem cho rõ)
Nghị quyết về nhiệm vụ Tết 5 năm tới, trước mắt là Tết năm 2008 đã được gia đình nhất trí thông qua nhanh chóng với nội dung không mua nhiều thức ăn dự trữ, không sắm sửa đồ đạc, đi chơi là chính…(vẫn nguyên văn nội dung nghị quyết Tết năm Đinh Hợi vừa rồi, chỉ đảo thứ tự để mang mầu sắc mới).
Do xác định được nội dung, hướng kiểm điểm, thái độ của các thành viên lại vô cùng thành khẩn và nghiêm túc, buổi kiểm điểm của gia đình đã thu được kết quả rất tốt.
Cuộc họp đã xong, tôi mới chợt nhớ ra chết cha rồi quên không làm văn bản ghi nhớ có chữ kí của thư kí và chủ tọa điều khiển cuộc họp để lưu trữ, năm sau còn có cái làm căn cứ rút kinh nghiệm sửa chữa.
Không có văn bản ấy thì sang năm tới chắc chắn khuyết điểm cũ lại tái diễn, chẳng sửa được đâu, sẽ lại “cu như vẫn”, có khi lại còn nặng hơn cả Tết Đinh Hợi vừa rồi.
Nguyên nhân là rất rõ năm nào cũng thế có kiểm điểm thật đấy, nhưng năm nào cũng cố tình quên không ghi văn bản.
Nhưng không sao Tết ấy mà, năm sau nếu sai ta lại rút kinh nghiệm mà thực ra sửa rất dễ, vì khuyết điểm ngày Tết năm 2008 theo nguồn dự báo tin cậy sẽ lại giống y hệt như năm nay Đinh Hợi, chưa phát hiện thấy “chủng loại” mới xuất hiện.
Theo qui định bản kiểm điểm chỉ lưu hành nội bộ, nhưng tôi biết gia đình các bác cũng có kiểm điểm ngày Tết, khuyết điểm cũng chẳng khác gì nhà tôi, rất giống nhau có khác chăng là thêm, bớt chút ít.
Vì thế xin công khai để cả nhà ta cùng xem.


Phạm Vĩnh Thắng
.



Previous
Next Post »