19 THÁNG 12 - NGÀY TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN


1. Phát động cuộc chiến đúng thời điểm
Đêm 19 rạng ngày 20 tháng 12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, để lại cho hậu thế một áng văn bất hủ. Dưới đây là toàn văn lời Hiệu triệu của Người
"Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết cướp nước ta lần nữa.
Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào
Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!
Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hi sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.
Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hi sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!
Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!
Kháng chiến thắng lợi muôn năm" (1)

2. Sự kỳ diệu của chiến tranh nhân dân
Ngày 19/12 đó đã đi vào tâm khảm mỗi người dân Việt Nam là ngày mở đầu kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp oanh liệt, đầy tự hào với bao điều không thể nào quên...Đây cũng là cuộc tổng tiến công, cuộc chiến tranh cách mạng đầu tiên mà nhà nước Việt nam non trẻ phải đương đầu.
Căn cứ vào tương quan lực lượng, vào thực trạng địch-ta, tối 19 tháng 12 năm 1946, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng-Tổng chỉ huy chính thức phát lệnh cho các đơn vị, địa phương, chiến trường nổ súng đồng loạt.
20 giờ 3 phút ngày 19/12, quân và dân ta ở Hà Nội nổ súng đánh địch. Ngay trong đêm đến rạng sáng hôm sau, các thành phố, thị xã: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòn Gai, Vinh, Nam Định, Huế cũng nổ súng đánh địch. Với nhiều lý do, trước hết là bởi phương tiện thông tin lạc hậu và kinh nghiệm triển khai phối hợp, chỉ huy chiến đấu còn hạn chế, chỉ Hà Nội thực hiện mệnh lệnh đúng thời gian, những nơi khác chậm từ 2 đến 7 giờ. Tại Hà nội, các chiến sỹ tự vệ xây dựng các lô cốt bằng cát, đào hào, đốn chặt nhiều cây để ngăn bước tiến công của quân giặc, dũng cảm chiến đấu giữ từng căn nhà, góc phố, từng tấc đất. Các ngôi nhà trong phố cổ đều được người dân tình nguyện cho đục xuyên tường để các chiến sỹ di chuyển linh hoạt, nhanh chóng.  
Quân và dân ta trên chiến trường Nam Bộ đẩy mạnh các hoạt động kháng chiến phối hợp với miền Bắc, "Nhiệm vụ của Nam Bộ là không thể cho Pháp đem hết tài sản chiếm được ở Nam Bộ ra đánh Trung, Bắc"(11).
Chủ trương đánh địch cùng lúc và đã tổ chức đánh địch gần như cùng một thời điểm, với tinh thần chủ động, đúng thời cơ, đã thể hiện rực rỡ nghệ thuật chỉ đạo mở đầu chiến tranh của Đảng ta.
Với một nhân dân đã làm chủ đất nước, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chỉ huy, cuộc tổng tiến công của quân và dân ta đã giam chân hàng vạn quân địch suốt hơn 3 tháng trời, tạo điều kiện cho cả nước tiếp tục chuyển vào thời chiến. 

3. Trung đoàn thủ đô:
Mục tiêu ban đầu của ta chỉ là giữ vững trận địa từ một đến hai tuần lễ đã hoàn thành vượt mức. Tuy nhiên, quân Pháp, sau một hồi choáng váng trước sự kháng cự của ta, với lực lượng vượt trội do được tăng viện, quyết tâm đánh bật phòng thủ của ta. Về phía ta, quân số tuy đông nhưng vũ khí, đạn dược, lương thực rất thiếu. Trong tình hình đó, trên đã quyết định chỉ giữ lại những thành phần tinh nhuệ nhất, thống nhất tất cả các bộ phận Vệ quốc đoàn, tự vệ chiến đấu, công an xung phong, tự vệ thành trong Liên khu I thành một trung đoàn lấy tên là Trung đoàn Liên khu I. Lễ ra mắt Trung đoàn được cử hành vào sáng ngày 6/1/1947 tại phòng họp lớn ở số 51 Hàng Bồ (nay là trụ sở Báo Lao động). Hội nghị quân sự toàn quốc (từ ngày 12 đến ngày 16-1-1947) tặng danh hiệu "Trung đoàn Thủ đô". Biên chế ba tiểu đoàn 101, 102, 103.
Trung đoàn trưởng: Hoàng Siêu Hải.
Chính trị viên: Lê Trung Toản.
Tham mưu trưởng: Hoàng Phương.
Ngày 13-1, trung đoàn làm lễ tuyên thệ tại rạp hát Tố Như (nay là Rạp Chuông Vàng), thề "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Ngày 17-1-1947, nhân dịp Tết Đinh Hợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ trung đoàn: "Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau" (1).
Ngày 14/1/1947, tại rạp Tố Như (phố Hàng Bạc), hàng trăm cán bộ, chiến sỹ của Tiểu đoàn 101, 102, 103 thay mặt cho hàng nghìn chiến sỹ đang sống chết với quân thù trên các chiến hào Liên khu I trong trang phục các kiểu bludông, vét tông, áo bông, mũ phớt, ca lô, mũ sắt… đủ màu, đủ vẻ mỗi người đều quàng cổ chiếc khăn đỏ, thực chất là lá Quốc kỳ nhỏ họ tự may sắm để vì nó mà quyết tử. Cờ được gấp lại thành khăn quàng, luôn mang theo mình để khi ngã xuống, anh em đồng chí sẽ lấy phủ lên thân mình. Điều đặc biệt hơn, mỗi chiến sỹ còn được phát một băng đeo tay bằng lụa màu vàng có dòng chữ TĐTĐ (Trung đoàn Thủ đô) và một phù hiệu bằng lụa đỏ, hình đuôi nheo trên gắn ngôi sao bằng đồng và biển đồng có chữ viết tắt: VNVQĐ (Việt Nam Vệ quốc đoàn), phía dưới có hình tháp rùa, hai bên là cành nguyệt quế. Được biết phù hiệu do ông Nguyễn Văn Cốc, tiểu chủ ở phố Hàng Thiếc đã thiết kế và dập thành để trang bị cho các chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô hôm đó. Nền đỏ tượng trưng cho nhiệt huyết cách mạng, biểu tượng cho sự chiến đấu và chiến thắng, ngôi sao vàng năm cánh là là tượng trưng cho linh hồn dân tộc, tượng trưng cho sự đoàn kết của các tầng lớp nhân dân. Tháp rùa là biểu tượng của Thủ đồ Hà Nội. Phù hiệu được các chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô đeo trên áo ở cánh tay trái với niềm tự hào về Thủ đô yêu dấu với quyết tâm: “Thề sống chết với Thủ đô - Thề quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

                                         Phù hiệu Trung đoàn Thủ đô
Đứng trước bàn thờ Tổ quốc, các chiến sỹ cất tiếng “Xin thề quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”! Kể từ nay, tất cả các chiến sỹ thề lấy máu của mình để bảo vệ cho nền độc lập của Tổ quốc. Đã có bao chiến sĩ đã hy sinh anh dũng trong các trận đánh quyết liệt ở Bắc Bộ phủ, Hàng Bông, Hàng Gai, Xô va - Phố Trần Quang Khải; trận nhà Hoa Nam - Hàng Giấy; trận Hàng Thiếc; trận Hàng Ke - phố Trần Nhật Duật...Đặc biệt là trận Đồng Xuân ngày 14/2/1947. Trong trận đó, chỉ một tiểu đội với vũ khí thô sơ gồm súng tiểu liên sten, thompson cướp được của địch và một số lựu đạn do xưởng Phan Đình Phùng sản xuất cùng với những chai xăng tự chế đã kiên trì chống chọi, giành giật với địch trong từng căn nhà lụp xụp, suốt từ sáng đến quá trưa, bẻ gẫy ý đồ chiến thuật của chúng. Tiểu đội trưởng Trần Hoàn bị thương nhưng trận địa của đơn vị được giữ vững… Ta hy sinh 15 đồng chí, bị thương 19 nhưng diệt hơn 200 tên địch. Địch phải bỏ những vị trí mới cắm ở phố hàng Chiếu, bỏ trống khu chợ Đồng Xuân, lui về Hàng Khoai, Hàng Giấy...
Sau 2 tháng ròng rã, các chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô đã chiến đấu tiêu diệt địch giữ vững Thủ đô Hà Nội. 18 h ngày 17/2/1947, trong đêm mưa phùn, giá rét, tối như mực Trung đoàn Thủ đô đã bí mật đi dưới gầm cầu vượt qua sông Hồng, sông Đuống chủ động an toàn thoát khỏi vòng vây của địch, bảo toàn lực lượng chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài. Trên đường rút lui trên cánh tay các chiến sỹ lấp lánh chiếc phù hiệu có hình tháp rùa với quyết tâm mong đợi ngày về giải phóng... 
P/S: Về phần chi họ, tôi không nắm chắc lắm những ai đã tham gia hoạt động trong những ngày toàn quốc kháng chiến. Từ nhỏ, tôi thường xuyên được nghe mẹ kể với niềm tự hào về những ngày tháng này. Khi lục lại ảnh cũ tôi đã bắt gặp Kỷ niệm chương xác nhận một thời tuổi trẻ sôi nổi của mẹ.


Previous
Next Post »