Hồi thanh
niên trai trẻ tôi mê mẩn đoàn thanh niên, biết đến tên cụ Nguyễn Lam Bí thư TW
Đoàn và cụ Hồ Trúc cùng nhiều vị lãnh đạo khác của TƯ Đoàn. Tôi mê mẩn đến
độ có thể nói là ngày đêm ao ước được là đoàn viên
Đoàn TNLĐ Việt Nam.
Tôi bắt
đầu muốn vào Đoàn chính thức là từ khi
theo học cấp III Chu văn An (1960-1963), lớp 8b của tôi đã có
một chi đoàn thanh niên. Tôi cũng không nhớ là có bao nhiêu đoàn viên, nhưng
thực sự họ là những học sinh giỏi, nghiêm chỉnh và gương mẫu trong học tập cũng
như ngoại khóa.
Ngày đó chúng tôi có nhiều hoạt động ngoại khóa như đá bóng ngay tại sân vận động của trường, chơi bóng chuyền sáu, nhiều buổi lao động XHCN đào hồ Thủ Lệ, Thành Công, đắp đê sông Hồng ở
đoạn gầm cầu Long Biên, gặt lúa giúp dân điển hình là một tuần liền ăn ở tại làng
Nhật Tân Hà Nội...
Đang trong thời kì tu dưỡng vào Đoàn, sau những giờ lao động rửa sạch tay chân tôi vẫn để
nguyên quần áo bám đầy bùn đất ra về đầy vẻ hãnh diện ngầm như muốn thể hiện là đang tu
dưỡng rèn luyện thành người lao động theo khẩu hiệu ngày đó "lao động là vinh quang".
Giới thanh niên chúng tôi thần tượng đến mức lí tưởng
hình mẫu Pavel Korchagin trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” nổi tiếng của
NA.Ostrovsky với câu nói để đời nhớ
tới tận bây giờ: "Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người
chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng
đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của
mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta,
ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải
phóng loài người.... “. Triết lý ấy theo tôi suốt cả thời tuổi trẻ.
Còn về chuyện vào Đoàn suốt ba năm cấp III đều đặn cứ vào tối thứ tư hàng
tuần, chúng tôi trong nhóm thanh niên tu dưỡng (tôi là tổ trưởng) lại đến nhà
anh bạn ở 52 Hàng Giấy thảo luận chuyên đề. Ngoài chủ đề được lấy trong quyển
sách “12 bài tu dưỡng của thanh niên” do TW Đoàn biên soạn, còn có các đề tài
khác như thế nào là thanh niên có văn hóa, vì sao phải xếp hàng đi mua đồ...Đôi khi
chúng tôi lại đưa ra những giả thiết như “nếu
thuyền bị đắm thì cứu mẹ bạn, hay cứu mẹ mình trước?”.
Khỏi nói
chúng tôi tranh luận sôi nổi lắm, thường kéo dài mấy giờ liền chưa muốn thôi. Bây
giờ nghĩ lại có điều lạ, là hầu như chưa bao giờ chúng tôi đề cập tới đề tài
tình yêu mặc dầu đang ở độ tuổi tò mò muốn yêu. Có lẽ thời đó đề tài yêu đương
còn cấm kị, không phổ cập như bây giờ
vì thế thường hay nói tới những vấn đề tài cao siêu lí tưởng cuộc sống.
Phấn đấu mãi suốt 3 năm trời phải tới sau khi tốt nghiệp
cấp III, khi chi đoàn lớp đã giải tán và các bạn học đã chia tay tôi mới được kết nạp vào
Đoàn. Đó là vào tối ngày (4.7.1963) trước một đêm để sáng ngày hôm sau tôi nhập ngũ, dưới chân cột đèn đường ở Quảng
trường Ba Đình chi đoàn tổ chức “kết nạp vét” mỗi mình tôi vào Đoàn. Một buổi kết nạp "dã
chiến" mọi người ngồi bệt xuống đất, im lặng lắng nghe cậu BT Chi đoàn đọc quyết định của Đoàn trường về việc kết nạp đoàn viên mới. Một buổi kết nạp không có hoa, không khẩu hiểu, không theo nghi thức qui định nhưng vẫn rất trang nghiêm tôi nhớ mãi tối hôm ấy tới bây giờ chỉ tiếc là không có ảnh kỉ niệm.
Thế
là ước mơ đoàn viên thanh niên của tôi được toại nguyện tuy rằng qúa muộn.
Từ đấy tôi vào quân đội với tâm thế của một đoàn viên “Đoàn TNLĐ Việt Nam”. Vài năm sau tôi đã là một Bí thư chi đoàn mẫn cán của
đơn vị.
Tôi viết vài dòng này khi Đại hội Đoàn thanh niên toàn quốc vừa
kết thúc sáng qua 13.12.2017 như là một lời tri ân đối với Đoàn thanh niên. Nhờ những ngày tu dưỡng vào
Đoàn thanh niên ấy, theo năm tháng thăng trầm cuộc đời để có được như ngày nay. Và cũng là lời chia vui cùng gia đình khi vừa mới đây một đường phố của Hà Nội được đặt tên Nguyễn Lam.
Vĩnh Thắng
Vĩnh Thắng
Ảnh trên mạng: A1/Bìa sách Thép đã tôi thế đấy. A2/.ĐH.Đoàn toàn quốc. A3/.Phố Nguyễn Lam Quận Long Biên.
0 Komentar