Tìm hiểu về APEC.

Từ hôm nay 6.11 cho đến ngày 11.11.2017 Tuần lễ cấp cao APEC sẽ diễn ra tại Thành phố Đà Nắng, chúng  ta cùng tìm hiểu vài nét chung về tổ chức và hoạt động của APEC
I. Khái quát chung về Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC):
1. Thành lập: Tháng 11/1989, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (Asia - Pacific Economic Cooperation, gọi tắt là APEC) được thành lập tại Can-bê-ra, theo sáng kiến của Ốt-xtrây-lia, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư. 
2. Thành viên: Từ 12 thành viên sáng lập đến nay APEC có 21 thành viên. Việt Nam ra  nhập APEC từ 1998. Từ năm 1997 APEC chủ trương tạm ngừng kết nạp thành viên mới.
3,Vị thế và tiềm năng của APEC: đại diện khoảng 40% dân số thế giới, đóng góp 54% GDP và 44% thương mại toàn cầu.
4. Mục tiêu của APEC: Xây dựng cộng đồng Châu Á - Thái Bình Dương năng động, gắn kết thông qua thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, liên kết kinh tế khu vực, hợp tác kinh tế - kỹ thuật, hợp tác bảo đảm an ninh con người, và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững.
5. Nguyên tắc hoạt động: APEC hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc.
6. Cơ chế hoạt động: gồm Hội nghị cấp cao, Hội nghị Bộ trưởng (HNBT) Ngoại giao - Kinh tế, các HNBT chuyên ngành và Hội nghị Quan chức cao cấp (SOM). Bộ máy giúp việc gồm 4 Ủy ban,13 nhóm công tác, 1 nhóm đặc trách, 22 tiểu ban, nhóm chuyên gia, diễn đàn, đối thoại và đối tác chính sách, và Ban thư ký APEC hoạt động thường trực, trụ sở tại Xinh-ga-po.
Đến nay, APEC đã trải qua 21 kỳ Hội nghị Cấp cao; 25 kỳ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế; 19 Hội nghị Bộ trưởng Thương mại, 20 HNBT Tài chính và 20 HNBT Doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các HNBT chuyên ngành về giáo dục, năng lượng, phát triển môi trường bền vững,  tài chính, y tế, phát triển nguồn nhân lực, an ninh lương thực, biển, công nghệ và khoa học, cải cách cơ cấu, truyền thông và thông tin, giao thông vận tải, du lịch và phụ nữ…được tổ chức họp khi cần thiết.
II. Tham gia của Việt Nam trong APEC:
Ngày 15/11/1998, tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 6 tại Ma-lai-xia, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của APEC; đánh dấu bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của ta.
Kể từ khi gia nhập, Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp thúc đẩy hợp tác APEC, nổi bật là:
- Đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch APEC năm 2006, tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC 14, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC 18 và hơn 100 sự kiện. Hội nghị Cấp cao APEC 14 đã lần đầu tiên xác định triển vọng dài hạn của APEC về hướng tới mục tiêu hình thành Khu vực thương mại tự do của toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP), thông qua Chương trình Hành động Hà Nội về thực hiện các Mục tiêu Bô-go và các biện pháp cải cách tổng thể, tạo nên những động lực mới cho hợp tác APEC.
- Chủ động đề xuất và tham gia nhiều sáng kiến mới, với hơn 70 sáng kiến ở hầu hết mọi lĩnh vực (thương mại, đầu tư, đối phó với tình trạng khẩn cấp, y tế, chống chủ nghĩa khủng bố….);
- Đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt trong APEC, gồm: Phó Chủ tịch Ủy ban thương mại và đầu tư năm 2006, Chủ tịch Nhóm công tác doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2006, Chủ tịch Ủy ban quản lý ngân sách năm 2007, Phó Chủ tịch Nhóm công tác Y tế nhiệm kỳ 2009 – 2010, Chủ tịch Nhóm công tác về đối phó với tình trạng khẩn cấp nhiệm kỳ 2012 – 2013...
- Hàng năm, Việt Nam đều đăng cai các cuộc họp các Nhóm công tác của APEC. Năm 2014, Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Phát triển Nguồn nhân lực APEC lần thứ 6 (tháng 9/2014, Đà Nẵng);
Ngày (6-11.11.2017) Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 25 sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng, góp phần nâng cao vị thế quốc tế. Thể hiện VN tham gia tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế khu vực, đồng thời tạo điều kiện cho việc ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020.
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, Bùi Thanh Sơn thông báo, tất cả lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC đều đã xác nhận sẽ tham dự Tuần lễ Cấp cao tại Đà Nẵng. Về công tác chuẩn bị, Việt Nam đã sẵn sàng để đón tiếp các nhà lãnh đạo APEC, cùng hơn 10.000 đại biểu trong và ngoài nước tới tham gia các sự kiện trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Chủ đề "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung" và 4 ưu tiên của Việt Nam đặt ra cho APEC 2017 cũng đã được các thành viên APEC đánh giá cao.
Ông Bùi Thanh Sơn cũng thông báo sẽ có 8 hoạt động chính diễn ra trong Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Trong đó, sự kiện Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC diễn ra từ 8 - 10/11 đã ghi nhận số lượng hơn 2.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước đăng ký tham gia - mức đông đảo nhất từ trước đến nay.
Ngoài các sự kiện chính của Tuần lễ Cấp cao, sẽ có 5 chương trình nghệ thuật quan trọng nhằm tăng cường giao lưu văn hoá giữa các nền kinh tế thành viên APEC và là món quà của chủ nhà Việt Nam gửi tới các quan khách.

Phạm Lê
Tham khảo trên mạng 

Previous
Next Post »