Nhân ngày nhà giáo (20.11)-Phần II

Phần II. Nhớ những buổi học nghề.
Tôi có may mắn hơn lớp đàn anh, khi học cấp II (1957-1960) và cấp III (1960-1963) là thời kì đất nước đã qua khỏi giai đoạn hàn gắn vết thương chiến tranh chống Pháp (1954-1957). Từ sau năm 1960, cả nước khởi sắc kinh tế, văn hóa đều phát triển theo đó giáo dục cũng có những bước đi mới mẻ.
Vào cấp II mỗi tuần tôi có hai giờ được nhà trường giới thiệu đến một hiệu tư nhân học gò, hàn đồ nhôm ở phố Hàng Thiếc. Kết quả tôi đã có thể làm được các việc đơn giản như vá các lỗ dò dỉ, nối các tấm nhôm với nhau, gò viền nồi xoong nhôm không cần hàn xì.
Tôi còn có những ngày học đóng sổ sách thủ công, ít ai biết tôi đã đóng được những quyển tự điển bìa dày xuất xưởng từ khâu đầu tới khâu cuối hoàn chỉnh. Mà mỗi khâu người ta xếp một bậc lương (quấy hồ dán, gấp giấy, xếp trang, các kiểu khâu tờ rời, xén sách, làm bìa, bọc vải trang trí, làm gân gáy nổi, mạ chữ vàng bạc).
Năm cấp III (1960-1963), may mắn tôi có hai giờ mỗi tuần học về ô tô. Nơi học là trường kĩ nghệ 2F Phố Quang Trung, nghe nói có từ thời Pháp thuộc. Tại đây tôi được học qua phim 24ly chi tiết cấu tạo vận hành các bộ phận của xe gồm động cơ, xu páp, bu gi, chế hòa khí, lốp, săm, bộ chuyển hướng (cầu), điện đèn...hầu như toàn bộ các bộ phận của xe. Sau đó đến giờ thực hành lại tới một Ga ra ở phố Quán Thánh chui gầm xe tháo lắp như một công nhân thực thụ. 
Có thể nói nhờ những ngày học nghề hồi đó, tôi có hiểu biết hơn rất bổ ích cho sau này. Chẳng hạn khi tôi phụ trách Văn phòng cơ quan cánh lái xe sợ xanh mắt, chẳng anh nào lòe được "Xếp". Xem ra học nghề cũng có lợi thật.
Giả sử nếu như tôi tiếp tục theo học nghề như thế, biết đâu có thể tôi đã là một tay thợ lành nghề cũng nên. Vậy thì có nên học nghề thay vì chỉ chăm chăm thi vào các trường Đại học, chuyên nghiệp để rồi ra trưởng không tìm được việc làm cuộc sống vất vưởng rượu chè, gái gú, bê tha con đường dẫn tới tội lỗi. 
Phạm Lê.
Ảnh các cựu nhà giáo chi họ.
Previous
Next Post »