HOA KỲ KÝ SỰ

Ảnh chụp từ trên máy bay

Kỳ 1: Cảm nhận trên đường đi và về: 
1. Chiều đi:
Sau khi nghỉ hưu từ ngày 1 tháng 1 năm 2011, tôi đã có ý định sang Mỹ dài ngày thăm con gái. Đây là chuyến đi thứ hai của tôi sang Mỹ. Cả hai lần tôi đều tự làm mọi thủ tục từ A đến Z và đều chỉ đi có một mình. Mặc dù nghỉ từ ngày 1 tháng 1, nhưng các thủ tục bàn giao công việc, thủ tục nhận sổ hưu cũng chiếm mất nửa năm. Tháng 8, tôi được cơ quan cũ - Viện Đại học Mở Hà nội tài trợ chuyến du lịch Hàn quốc 7 ngày cho các thầy cô về nghỉ cùng năm. Nửa đầu tháng 10, theo kế hoạch đã chuẩn bị từ 1 năm trước, tôi tham gia chuyến đi Nam phi 11 ngày do bạn bè của chị Vinh tổ chức. Từ Nam phi trở về được 2 ngày thì đến Lãnh sự quán Mỹ để phỏng vấn theo lịch do mình tự đăng ký từ trước. Đã làm visa đi một số nước, tôi thấy thủ tục làm visa đi Mỹ đơn giản và nhanh gọn nhất. Mọi khai báo đều làm online. Chụp ảnh cũng phải theo đúng yêu cầu rồi scan ảnh vào tờ khai báo. Sau đó họ sẽ gửi qua email cho mình thông báo lịch phỏng vấn. Đồng thời với thủ tục làm visa, tôi ra đại lý máy bay American Airline để book vé. Nếu chỉ book vé thì chưa cần xuất trình hộ chiếu visa. Vì đi ngắn hạn nên bắt buộc phải mua vé hai chiều. Tôi book vé theo thời hạn dài nhất có thể được vào thời điểm lúc bấy giờ - 5 tháng. Lần này tôi gặp may là mua đúng vào dịp khuyến mại nên được giảm giá đáng kể. Đến lãnh sự quán, ngoài các tờ khai online, giấy xác nhận lịch phỏng vấn (phải in ra), xác nhận của trường bên Mỹ, hộ chiếu, ảnh còn cần mang theo các giấy tờ xác nhận quan hệ với thân nhân, cả hộ chiếu cũ, các giấy tờ giúp cho xác minh tài chính (bản gốc) càng nhiều càng tốt. Đến lãnh sự quán nên đến sớm vì đến muộn sẽ có khả năng bị lùi lại vào các ngày sau. Mặt khác hình như ngày càng có nhiều người Việt làm thủ tục đi Mỹ. Khoảng 10 giờ 30 họ đã không nhận thêm người. Đầu tiên xếp hàng ở ngoài cổng. vào cổng phải qua kiểm tra máy soi đồ rồi được cấp 1 thẻ đeo để vào phòng chờ. Khi vào được phòng chờ, bạn cần lấy vé xếp hàng tự động. Đầu tiên nhân viên người Việt sẽ gọi bạn nộp các giấy tờ, soát xét xem thiếu giấy tờ gì, giấy tờ nào phải làm lại…Sau đó là thủ tục lấy dấu vân tay đủ 10 ngón. Để lấy dấu, bạn phải sử dụng cồn khô lau sạch tay. Việc lấy dấu bằng máy hồng ngoại nên lấy dấu xong tay vẫn sạch. Tôi bị gọi lần đầu yêu cầu phải chụp lại ảnh vì không rõ tai. Họ cũng mách luôn ra ngay đầu phố Giảng võ có hiệu chụp nhanh lấy ngay. Ra hiệu ảnh với sự trợ giúp của hàng chục cặp tăm to  nhỏ cũng 2 miếng gạc bông độn sau tai và 2 lần chụp bỏ đi, cuối cùng tôi cũng mang về được bức ảnh rõ tai. Tuy nhiên, thủ tục vẫn chưa mỉm cười ngay với tôi vì nhân viên người Việt khác lại phát hiện ra tờ khai báo online tôi in ra không có mã vạch, cần in lại (không hiểu sao?). Tôi cãi lại là chỉ in được như vậy thì họ chỉ ra một tờ khai tương tự của người khác có mã vạch và bảo xuống phòng tầng dưới có máy tính và máy in, có thể tự in hoặc nhờ nhân viên chỉ dẫn. Xuống tầng dưới, tôi được phép sử dụng 1 máy tính. Tuy nhiên vẫn không thể nào vào được trang cần thiết. Một nhân viên giúp tôi tìm kiếm nhưng liền bị nhắc khéo rằng đây là vấn đề tế nhị không nên giúp. Thế là tôi phải tự xoay sở 1 mình. Cũng may là đã ra được trang cần in (nếu không phải khai báo lại từ đầu rất mất công và mất nhiều thời gian, không thể xong ngay trong buổi hôm ấy được). Lại 1 chút trục trặc về máy in nhưng rồi cuối cùng cũng xong. Quay trở lại phòng phỏng vấn, tôi là người cuối cùng hoàn thành thủ tục của buổi sáng hôm ấy. Phỏng vấn trực tiếp bao giờ cũng là người Mỹ. Những người Mỹ này đều biết tiếng Việt và hỏi bằng tiếng Việt. Phỏng vấn ở phòng lãnh sự Mỹ có đặc điểm không bao giờ lâu. Trung bình mỗi người họ chỉ hỏi từ 2 – 3 câu rồi kết luận luôn là được nhận visa hay không. Với tôi lần này cũng chỉ có 2 câu rồi họ bảo sẽ gửi hộ chiếu cùng visa qua bưu điện. Hành trình chiều đi diễn ra theo đúng lịch trình và giống với 4 năm về trước: Hà nội – Tokyo – Dalas – Raleigh (thủ phủ bang Noth Carolina). Đến sân bay Narita (Tokyo) của Nhật vào ban đêm đã gặp và làm quen với một số bạn trẻ cũng sang thăm em gái ở cùng thành phố bên Mỹ. Nói chung người Việt ở bên Mỹ ít nên gặp nhau và có 1 chút gì chung đều quý. Đến Dalas, một người làm việc khuân vác tại sân bay giúp tôi tra cứu Gate chuyến bay Dalas – Raleigh, vận chuyến đồ đưa đến nơi làm thủ tục Hải quan.  Sau đó anh ta có yêu cầu tip và hứa sẽ giúp qua kiểm tra nhanh Tôi đưa cho anh ta 10 USD, tuy nhiên đây là hai bộ phận khác nhau nên người khuân vác không tác động được gì. Cũng giống 4 năm về trước tôi bị kiểm tra kỹ càng cả 2 vali, bị vứt lại tất cả các hạt giống cây trồng mang theo và gói thịt bò khô. Tôi không sợ bị kiểm tra mà chỉ không muốn mất thời gian vì sân bay Dalas rất to rộng (có đến 4 khu A, B, C, D với trên 160 gates vào máy bay) mà chuyến đi Raleigh bao giờ cũng ở Terminal D Gate 39, 40 rất xa. Bốn năm trước, chỉ có 2 giờ chuyển tiếp mà người đi đông hơn nhiều (vì là dịp hè) nên khi làm xong mọi thủ tục, tôi cũng là người cuối cùng bước vào máy bay. Các khâu kiểm tra khai báo Hải quan cũng mất thời gian. Khác với 4 năm về trước, lần này mỗi người đều phải đứng qua máy soi, đi chân đất, đứng dạng chân, hai tay giơ cao, mặt ngửa lên trên. Máy soi đồ đạc thì phải để các thiết bị điện tử như điện thoại di động, máy ảnh… vào khay riêng. Ngoài ra, tất cả đều phải cởi giầy dép, kể cả cặp tóc (nếu có) … cho vào khay qua máy soi. Đi vào mùa lạnh, nhiều quần áo khoác nên các công việc đó cũng khá mất thời gian. Qua được các máy soi, bao giờ tôi cũng trong tốp cuối cùng xếp hàng làm các thủ tục Hải quan. Ở đây bao giờ cũng có sẵn những nhân viên hướng dẫn và giúp cả điền vào mẫu khai báo. Mặc dù có thể tự điền thông tin nhưng tôi vẫn nhờ một nhân viên da màu điền hộ cho nhanh (vì tự điền lại phải lôi kính ra mất thời gian). Khi đã xếp hàng, bao giờ cũng có các nhân viên đi dọc theo hàng hỏi xem có ai cần trợ giúp gì. Tôi chìa vé ra và nói rằng sợ không kịp chuyến bay nên yêu cầu cho làm trước. Cô nhân viên nói tiếng Việt rất giỏi đưa tôi đến quầy Hải quan để làm thủ tục trước. Tại đây trong lúc chờ, người ta yêu cầu tôi phiên dịch cho một người đàn ông VN ngồi xe lăn xếp trước tôi hỏi một số thông tin để điền vào tờ khai báo. Ngồi xe lăn không có nghĩa là thương tật. Những người VN không biết tiếng thường đăng ký dịch vụ trợ giúp của sân bay (miễn phí) – đúng ra là chỉ dành cho người già yếu, không tự đi được. Họ sẽ được các nhân viên sân bay nhận chuyển giúp đồ, đẩy đi đến các nơi làm thủ tục, điền giúp vào các mẫu khai báo. Đến Raleigh, sử dụng điện thoại C3 của Nokia có đăng ký dịch vụ quốc tế là đã liên hệ  được với Mai Anh. Nhận được 1 va li thì Mai Anh đến. Cháu gặp các bạn quen ở sân bay, hàn huyên mãi cho đến khi hết đồ trên băng chuyền mà vẫn không thấy va li thứ hai. Đành phải vào khai mất đồ và nhận được tại nhà sau 2 ngày (vẫn còn may hơn 4 năm trước bị lạc mất cả 2 va li). Cái số tôi xuất ngoại bao giờ cũng bị khám xét kỹ càng và bao giờ cũng bị thất lạc đồ đạc. Chuyến đi này cũng cho tôi thấy tình hình kinh tế chung có khó khăn hơn so với 4 năm về trước qua một số biểu hiện sau: nếu như 4 năm trước mỗi người được phép mang gửi chậm tối đa 67 kg đồ đựng trong bao nhiêu va li thì tùy và tối đa 7.000 USD thì nay quy định chỉ được mang gửi chậm tối đa 46 kg, chỉ được đựng trong 2 va li, mỗi va li tối đa 23 kg và ngoại tệ tối đa 5.000 USD/ người. Tôi cũng mắc sai lầm chung của người châu Á là chuẩn bị nhiều đồ ăn nên xách vác nặng, hay bị khám xét trong khi đó ở bên Mỹ, hầu như tại các thành phố lớn đều có chợ Tàu có thể mua hầu hết đồ ăn Việt nam ở đấy.      
2. Chiều về:
Hành trình chiều về theo dự định là Raleigh – Chicago – Narita (Tokyo) – Hà nội. Như vậy ngoài vé tổng thể, tôi có 3 vé riêng cho 3 hành trình. Chuyến về chuẩn bị nhẹ nhàng hơn vì không phải làm thủ tục gì ngoài vài bữa liên hoan chia tay. Đồ đạc gửi chậm cũng gọn nhẹ hơn ngoài 1 ít thuốc men làm quà cáp và một ít quần áo ấm mua thêm ở Mỹ. Ngược lại, đồ xách tay thì có thêm 1 Ipad, 1 laptop (vì gửi chậm sợ hỏng) nên cũng nặng vai hơn.  Việc gửi chậm cũng thuận lợi khi nhân viên nhận hàng khẳng định là hàng đi luôn 1 lèo đến Hà nội. Tuy nhiên chuyến về lại trục trặc trên đường ngay từ đầu. Số là ở bên Mỹ có thể tự check in online. Để khỏi phải xếp hàng làm thủ tục check in ở sân bay, cháu Mai Anh đã cẩn thận check in online và in ra tờ giấy xác nhận đã check in làm trước ở nhà. Tờ giấy này bao gồm 2 trang. Không hiểu sao máy in lại tự động in 2 mặt của 1 tờ giấy (chứ không phải 2 tờ giấy). Yên trí, hai mẹ con xếp hàng vào máy soi. Khi xuất giấy check in, nhân viên kiểm tra (da đen) trả lại ngay bảo giấy còn thiếu các thông tin cần thiết. Cháu Mai Anh thì cũng không biết là còn mặt sau. Hai mẹ con lại ra máy check in tự động để ở sân bay để check in lại nhưng vì đã check in rồi nên máy không cho check in nữa. Lại phải xếp hàng vào quầy check in từ đầu. Tuy nhiên, ngay sau đấy chúng tôi phát hiện có 1 quầy chỉ giải quyết các tình huống bất thường. Nhân viên quầy này là một người da trắng luống tuổi. Vừa đưa vé check in cho ông ta, ông ấy đã bảo mọi việc đều tốt, mặt sau đã in đủ thông tin cần thiết và vẫn còn đủ thời gian làm thủ tục cho chuyến này nhưng phải thật nhanh. Thế là lại tức tốc quay vào và đành “chen hàng” với câu sorry chúng tôi rất vội. Các khách hàng khác đều thông cảm và nhường đường. Qua sự việc này và một vài sự việc khác, không phải phân biệt, nhưng chúng tôi vẫn nhận thấy người da trắng làm việc chuyên nghiệp hơn người da đen, ít có trục trặc hơn. Sân bay quốc tế Raleigh vào loại nhỏ ở Mỹ nên dễ dàng tìm Gate và lên máy bay. Tuy nhiên ngồi mãi trên máy bay mà không thấy cất cánh. Chuyến bay đã bị chậm hơn quy định 90 phút trong khi đó thời gian để chuyển tiếp đi Narita ở Chicago chỉ có 1 giờ đồng hồ.  Khi nhân viên máy bay đi qua, tôi đã chìa ra tất cả các vé còn lại và bảo không kịp cho chuyến sau. Nhân viên ấy có nói rằng khi nào xuống sân bay thì tìm quầy American Airline (AA) họ sẽ giải quyết. Khi xuống sân bay Chicago, tôi chìa ngay vé cho quầy AA gặp đầu tiên thì được biết chuyến bay Chicago – Narita kia đã cất cánh. Họ cũng không chỉ dẫn gì thêm mà bảo phải tìm quầy K1. Đến quầy K1 không có ai trực cả, quay lại tôi ghé bừa 1 quầy AA khác thì nhân viên nam ở quầy này đã in cho 1 loạt 3 vé khác, bảo cất các vé cũ đi để khỏi nhầm và nói thêm tôi phải quay lại Dalas vào 6 giờ sáng ngày hôm sau rồi mới bay tiếp đến Narita được. Hóa ra các quý bà ở quầy AA đầu tiên đã có thể in cho tôi 3 vé này nhưng họ lười hoặc đang bận nói chuyện nên chỉ sang quầy khác. Như vậy chuyến về của tôi đang từ 3 chặng chuyển thành 4 chặng. Trong tay tôi có tới 7 vé cả mới và cũ. Thời gian còn nhiều nên tôi tìm 1 chỗ để nhắn tin cho ông xã đừng đi đón nữa vì tình hình như thế này không biết sẽ về đến HN ngày giờ nào. Nếu như chuyến bay tiếp lại muộn, lại phải thay đổi dắt dây rồi tìm cách nhắn tin nữa thì rất phiền. Thôi thì tốt nhất là tự về, khỏi phải đón đưa lằng nhằng. Đầu tiên tôi giở máy tính bảng (Ipad) mang theo ra để vào mạng. Loay hoay mãi không vào được mạng. Nghĩ Ipad có vấn đề, nên giở nốt laptop ra (ổ xạc pin cả 2 máy lại gửi chậm) – cũng không vào mạng được. Tôi nhờ 1 người Mỹ mặc đồng phục ngồi cạnh vào hộ - cũng không được. Sau đó, người ấy nói có thể chỗ đó không có mạng và chỉ vào phía cuối sân bay – nơi có chăng biểu WIFI. Tôi đi về phía cuối sân bay lại ngồi vào mạng tiếp nhưng đều không được. Hỏi 1 nhân viên mới biết rằng không còn WIFI miễn phí nữa mà phải mất tiền mua. Có thể ghé vào nhà nghỉ cổng bên để hỏi mua. Tôi ghé vào cổng đó thì được hỏi ngay có việc gì, rồi trả lời tôi không thuộc diện được sử dụng dịch vụ internet ở đó (phải hạng thương gia…). Còn nếu mua WIFI thì đến K5 hỏi. Đến K5 quả là vẫn còn biển chăng quảng cáo WIFI, đã khấp khểnh mừng thầm nhưng hỏi tất cả các quầy thì họ đều không biết và không bán dịch vụ WIFI. Cái biểu ngữ đã treo từ lâu rồi. Ghé vào hiệu sách gần đó. Nhân viên bán sách nói có thể giúp tôi mua thẻ Internet và bảo tôi mở Ipad. Thế nhưng anh ta quá bận bán sách, mặt khác lại thấy anh ta hỏi các thông tin thẻ visa, sợ bị lừa mất tiền (tôi không quen sử dụng thẻ visa mua online), nên quyết định thôi không nhờ nữa. Thế là lại lang thang tìm cách khác. Trên đường đi tôi nhìn thấy 1 bàn ghi Internet Acess. Ngồi vào nhìn ra thì thấy ở đấy cho phép vào mạng với thời lượng mua ít nhất là 5 USD/ 1 lần và giá 1 USD / 1 phút. Lấy thẻ ra đút vào máy trả 5 USD, tôi khởi động được máy nhưng trong suốt 5 phút đó không di nổi chuột. Thế là mất toi 5 USD. Nếu như tôi còn điện thoại Nokia C3 thì mọi việc đều đơn giản vì điện thoại đó có thể gọi và nhắn tin cho bất kỳ nơi đâu trên trái đất. Nhưng trước khi về tôi đã để lại cho Mai Anh điện thoại đó và mang điện thoại hỏng của Mai Anh về HN để sửa (ở VN tôi vẫn còn điện thoại khác dùng tốt. Tiền sửa chữa bên Mỹ nghe nói đắt và đi lại xa). Có thể gọi điện thoại tự động bằng xu lẻ. Tôi nhớ có mang theo 2 USD tiền xu nhưng không hiểu sao lúc đó tìm không thấy. Chợt nhớ lại cháu Mai Anh có dặn là trên đường về nếu có trục trặc gì cần đến điện thoại thì mẹ cứ nhờ 1 người Mỹ nào đó, chắc là gọi 1 – 2 cuộc đối với họ cũng không có vấn đề gì. Thế là tôi chăm chăm thực hiện theo hướng đó. Đầu tiên ghé vào Mac Donal lấy đồ ăn (vì cũng đã đến giờ ăn), chọn bàn ăn có 1 người (da màu) ngồi với chiếc điện thoại để trước mặt. Ăn được vài miếng, xin lỗi người ngồi cùng là điện thoại bị hỏng có thể mượn gọi nhờ 1 cuộc điện thoại trong nước không (gọi trong nước dễ nhờ hơn vì đỡ tốn kém). Tôi định gọi cho Mai Anh nhờ cháu gọi hoặc nhắn tin lại cho bố. Anh chàng da màu trố mắt nhìn tôi như nhìn 1 con điên và chộp vội điện thoại cho vào túi quần. Anh ta ngạc nhiên cũng đúng thôi vì thời buổi công nghệ thông tin như thế này mà còn có người không có nổi 1 chiếc điện thoại để liên hệ. Ăn xong, lang thang ra ngoài, nhìn thấy điện thoại tự động của sân bay dùng cho cả trả bằng thẻ (chứ không chỉ tiền xu) nhưng đều đang service out cả. Đi tìm chỗ ngồi chờ. Từ xa đã nhận thấy 1 người có vẻ là người Trung quốc đang gọi điện thoại. Tôi đến ngồi gần. Chờ anh ta gọi điện thoại xong, tôi trình bày bị nhỡ chuyến muốn báo cho người nhà, ngỏ ý mượn điện thoại gọi và sẽ trả tiền (rút kinh nghiệm lần trước không nói đến trả tiền). Anh chàng này lịch sự hơn và cũng láu cá hơn khi trả lời rằng điện thoại của anh ta không đăng ký dịch vụ của Mỹ nên gọi trong nước cũng bị lấy phí quốc tế giá rất đắt. Trong lúc cảm thấy hết cách thì vận may đã mỉm cười với tôi. Một người đàn ông da trắng ăn mặc lịch sự ngồi đối diện nghe được câu chuyện đã chủ động cho tôi mượn Iphone. Để chắc chắn và khỏi tốn kém cho chủ điện thoại, tôi quyết định gửi email c/c cho cả hai bố con rằng bị nhỡ chuyến, chưa biết khi nào sẽ về tới nơi và sẽ tự về nhà không phải đón nữa. Sau khi cám ơn, tôi trình bày sự việc và chìa cả 7 vé ra cho người giúp mình xem. Ông ta lại phát hiện ra là các vé in mới chưa có Gate và ngày giờ bay (mặc dù có in chỗ ghế ngồi). Thế mới biết mặc dù nhân viên nam của AA đã in ra vé nhưng lại chưa điền đầy đủ các thông tin. Ông khách bảo trong mạng có hết và lại giúp tiếp vào mạng tra ra ngày giờ bay và số Gates vào máy bay của hai chuyến xuất phát bên Mỹ. Tôi lấy bút điền nốt vào vé. Sau đó ngồi nói chuyện một lát và được biết ông khách làm giám đốc 1 công ty tư nhân trong lĩnh vực cung cấp nước sạch tại 1 thành phố ở bang Oklahoma. Tại công ty của ông ta cũng có một vài người Việt nam đang làm việc. Phải chăng do đó mà ông ta thông cảm với tôi chăng? Tôi tỏ ý thán phục các công ty Mỹ cung cấp được nước lên các ngôi nhà ở tít trên núi cao và không hiểu sao  nhiều người Mỹ thích sống trên núi cao hẻo lánh. Ông khách bảo có máy bơm nước và bản thân ông ta cũng rất thích sống trên núi. Tôi cũng nói thêm chất lượng nước sạch ở VN còn kém, không bằng ở Mỹ nên nếu ông liên kết với các doanh nghiệp VN chắc sẽ có nhiều việc. Ông ta bảo cũng biết nhưng chưa nghĩ đến mà chỉ định làm với các nước Nam Mỹ thôi. Ông ta còn khen tiếng Anh của tôi khá tốt (chắc là xã giao thôi). Sau đấy tôi tạm biệt ông ta với lý do tìm xem trước Gate sáng sớm mai sẽ đi. Gate đó chính là K1 – quầy chính của AA. Tôi định ngả lưng trên ghế qua đêm trước Gate K1 thì thấy nhân viên sân bay dựng các giường gấp và đặt chăn gối trên các giường tại góc khuất trước K1. Hỏi ra thì biết được giường dành cho những người nhỡ chuyến như tôi và được dùng miễn phí. Thật ra, bất kỳ ai nằm cũng được vì họ có kiểm tra giấy tờ gì đâu. Quả là rất tiện lợi. Tôi chọn 1 giường, gối đầu lên túi xách, vừa ngả lưng thì thấy cộm cộm, sờ ra thấy gói xu lẻ mà ban ngày tìm mãi không ra. Đã 12 giờ đêm nhưng tôi vẫn quyết định quay trở lại chỗ điện thoại tự động gọi cho Mai Anh 1 lần nữa cho chắc chắn. Gọi số điện thoại của Mai Anh – như mọi lần hầu như không được, chỉ nghe trả lời tự động (điện thoại bên Mỹ có nhiều hãng cung cấp và mỗi hãng lại phủ sóng mạnh yếu ở các vùng khác nhau). Thế là mất toi 1 USD cho 1 lần gọi 2 phút. Còn hơn 1 USD còn lại, tôi quyết định gọi tiếp số cố định về nhà cháu Mai Anh đang ở thuê. Tuy nhiên do ít sử dụng tiền xu, không quen nhìn mặt xu nên tôi phải nhờ mấy cháu bé ngồi gần đó nhặt ra cho đủ 1 USD rồi quay tiếp. May mà bà chủ nhà vẫn còn thức. Bà ấy bảo rằng Mai Anh chưa về nhà còn tôi thì nhờ bà nhắn rằng mặc dù bị nhỡ chuyến nhưng mọi việc đối với tôi vẫn ổn. Bà chủ thì hỏi tại sao lại bị nhỡ, đi tiếp như thế nào? Vừa giải thích xong thì cũng hết tiền. Quay lại giường ngủ. Rất rét. Tôi phải huy động hết quần áo khăn mũ. Lấy thêm 1 cái chăn ở giường không có người ngủ làm đệm. Chưa đủ, phải lấy dầu cao ra bôi. Vẫn chưa đủ, lại lấy miếng cao nhật (mua hồi đi Nhật) dán vào lưng. Như vậy đã tạm ổn nhưng lại sợ ngủ quên nên gặp người gác ở đấy nhờ đánh thức sáng hôm sau vào 5 giờ sáng. Ông ta nghe và gật đầu có vẻ lơ là nên tôi không yên tâm. Thỉnh thoảng lại dậy giở Ipad – vật duy nhất có thể chỉ thời gian (tôi không có đồng hồ đeo tay) ra xem. May sao, sau đó có thêm 2 mẹ con đến ngủ bên cạnh. Tôi có nói rằng sáng mai bay chuyến sớm sợ không dậy được. Họ hứa sẽ giúp đánh thức dậy. Thế là ngủ ngon. Tuy nhiên mọi lo lắng của tôi đều thừa vì chỉ khoảng 4 giờ 30 sáng đã thấy ầm ĩ. Hóa ra, các nhân viên sân bay đã đánh thức tất cả mọi người dạy để thu dọn các giường gấp. Biết rằng các chuyến bay nội địa của AA không bao giờ có suất ăn miễn phí nên tôi tìm quầy ăn bát mỳ nóng trước khi lên máy bay. Lại đến Narita vào rạng sáng. Lại nhớ bốn năm về trước tôi có mua rượu ở sân bay Chicago (họ mang rượu đến tận chỗ ngồi trên máy bay) nhưng đến Narita bị Hải quan bắt bỏ lại. Đinh ninh Narita vẫn có WIFI miễn phí như 4 năm trước, tôi lại giở cả Ipad, cả laptop nhưng đều không vào được mạng. Đến bàn để máy tính gần đó thì thấy phải mua dịch vụ nhưng với giá rẻ hơn 1 USD được dùng 10 phút. Từ đó cho đến khi về đến Hà nội thì mọi việc đều suôn sẻ trừ việc đến Nội bài lại bị thất lạc 1 va li. Điều đó cũng dễ hiểu thôi vì nhỡ chuyến như vậy không dễ gì mà tìm ra và chuyển lại đồ đạc theo người được. Chỉ có điều phải nán lại sân bay gần 1 giờ để khai báo mất đồ. Cùng với tôi còn có 1 đôi vợ chồng người Mỹ làm việc tại Việt nam cũng bị thất lạc toàn bộ đồ đạc. Họ cũng bị đổi chuyến ở bên Mỹ tương tự như tôi. Về đến nhà (1 giờ đêm) ông xã bảo sáng mai mà chưa thấy về thì sẽ báo công an bị lạc người. Hai ngày sau, tôi nhận lại va li ngay tại nhà. Nếu như trước kia thì phải thân chinh lên Nội bài nhận đồ - VN mình bây giờ cũng quốc tế hóa rồi. Về đến VN, gom các vé lại ngồi tính ra chuyến đi về mất 2 ngày đêm (tính theo thời gian cố định bên Mỹ). Thật là một chuyến đi lịch sử đáng nhớ. Có lẽ vì thế mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn giữ nguyên các vé bay (cả cũ và mới) để làm kỷ niệm mà không nỡ vứt đi như mọi lần.Qua đây cũng cần rút ra kinh nghiệm khi đi du lịch cần chuẩn bị và mang theo bên người:
- Đồng hồ đeo tay để dễ theo dõi thời gian
- Điện thoại 3G hoặc máy tính bảng 3G (có thẻ sim 3G) có roaming quốc tế cùng các dây cắm xạc pin.
Thẻ thanh toán quốc tế (visa card ...).
- Ít xu lẻ để gọi điện thoại tự động
Previous
Next Post »
4 Komentar
avatar

Cảm ơn bài viết của Phương rất có ích cho những người đang có ý định du lịch Mỹ.
Nhưng có mấy điểm Phương gowih ý:
-Nội dung hai câu phỏng vấn ở ĐSQ Mý tại HN là gì?.
-Tình tiết hôm đi NML ra sân bay tiễn bùi ngùi như thế nào, có gặp trắc trở gì không?.
-Bài viết dài quá, cậu đọc phải nghỉ 3 lần, mỗi lần cách nhau nửa tiếng, vì tuổi già đọc nhiều mỏi mắt.
-Có lẽ Phương nên tham khảo bài viết đi Mỹ của cậu Di, chia nhỏ ra thành trường đoạn nhiều kì, có nhiều ảnh minh họa.

Balas
avatar

Vâng cháu sẽ rút kinh nghiệm theo cậu Di nhưng phải khẳng định là không thể bằng cậu Di được, nhất là không có nhiều ảnh minh họa. Hai câu hỏi ở Lãnh sự quán là: bà dự định đi bao nhiêu lâu ? Chồng bà có đi cùng với bà không ?
Anh Lương tất nhiên có tiến ra sân bay. Chúng cháu ra sớm hơn giờ quy định nhiều để anh Lương có thể quay về nhà không quá muộn.

Balas
avatar

Chúc mừng Hồng Phương đi Mỹ tự túc và 1 mình, quả là giỏi giang

Balas
avatar

Cám ơn cậu. Cháu ở nước ngoài nhiều rồi nên cũng quen đi lại. Nhiều khi cháu thích tự đi vì sẽ khám phá được nhiều hơn.

Balas