Chuyến đi đáng nhớ

Kỳ I : Giới thiệu sơ lược về Cửa Lò - Nghĩa Đàn - Hưng Nguyên

Bản đồ Nghệ An
Để mọi thành viên trong đoàn "Chi họ Cụ Quang" về nghỉ mát ở Cửa Lò và kết hợp lên thăm quuê tôi (Xã Nghĩa thịnh, Huyện Nghĩa Đàn, Tỉnh Nghệ An) biết trước nơi mình đến, tôi xin được giới thiệu mấy nét về Cửa Lò, Nghĩa Đàn và Hưng Nguyên. Cũng xin nói với các vị là quê gốc của tôi ở xã Hưng Phú, Huyện Hưng Nguyên, Tỉnh Nghệ An. Tôi sống ở Hưng Nguyên đển năm 13 tuổi thì theo gia đình khai hoang và di dân lên xã Nghĩa Thịnh Huyện Nghĩa Đàn. Năm 1968 tôi sang học Đại học ở Ru Ma Ni và từ tháng 11/1975 sống và làm việc ở Hà Nội từ đó đến nay. Thế là tôi có đến 3 quê hương, nhưng Nghĩa đàn và Hà Nội là hai nơi tôi gắn bó nhiều hơn và lúc tôi đã trưởng thành. Về chuyến đi lịch sử này, tôi có ý định sẽ phản ánh 3 kỳ lên Blog với tiêu đề "Chuyến đi đáng nhớ"
Kỳ 1: Giới thiệu sơ lược về Cửa Lò - Nghĩa Đàn - Hưng Nguyên
Kỳ 2 : Chuyến đi Cửa Lò - Nghĩa Đàn (phóng sự ảnh)
Kỳ 3 : Cảm nghĩ của bản thân sau chuyến đi

1- Cửa Lò

Đã có người ví rằng địa hình Cửa Lò chẳng khác mấy bãi biển Nha Trang. Cũng một con đường trục chính chạy men theo biển dài hàng cây số có tên gọi Bình Minh như muốn nhô ra biến đón bình minh, đón sóng, đón gió. Cũng bãi biển luôn đông nghịt du khách từ sáng sớm tới chiều hôm…Tiềm năng du lịch của Cửa Lòcòn nhiều lắm. Đấy là đảo Hòn Ngư, là Cửa Hội, là Bãi Lữ… những địa danh không xa mấy Cửa Lò, vừa có sông, có biển, có rừng cây và những quả đồi tạo nên vùng cảnh quan kỳ thú. Thế nên mới chớm Hè, vào dịp cuối tuần nếu không đặt phòng trước, du khách sẽ rất khó tìm được phòng nghỉ.
Buổi sáng, dưới cái nắng chói chang, du khách thả sức vẫy vùng dưới làn nước biển mát lạnh, trong xanh. Ai cũng muốn lao xuống nước ngâm mình thật lâu, được bơi, đượcthả người cho con nước mơn man để quên hết những mệt mỏi của nỗi lo cuộc sống thường nhật.
Bơi mệt, nhiều người lên bờ nằm dài trên bãi cát mặc cho lớp lớp sóng xô, tung nước trắng xóa phủ kín người. Nhiều người nằm trên những chiếc ghế bố, dưới bóng dù che thưởng thức vị ngọt của một trái dừa hoặc vị bùi ngậy của lạc luộc, một đặc sản xứ Nghệ.
 
Những người thợ ảnh cần mẫn kéo thuyển, phao, cánh buồm hoặc một chú cá heo được bơm căng len lỏi giữa rừng người mời chào chụp ảnh. Một một vài cô cậu thanh niên đứng trên bè mảng tạo dáng làm duyên trước ống kính chụp hình làm kỷ niệm. Những ai ưa thích cảm giác mạnh có thể thuê dịch vụ mô tô nước rẽ sóng, xé nước lao vun vút như tên bắn. Hoặc treo mình dưới cánh dù lơ lửng trên đại dương mênh mông ngắm nhìn lớp lớp người đang nô đùa với sóng biển. Chiều buông,hàng quán,bàn ghế được bày ra sát triền cát phục vụ nhu cầu ăn nhậu của khách. Mùi tôm, cá nướng thơm phức. Mùi cua, ghẹ hấp cay nồng. Những tiếng rao náo nhiệt cả chiều dài bãi biển dài . Phía trong, tuyến đường Bình Minh đêm xuống đèn sáng lung linh mang dáng dấp của cuộc sống đô thị. Những dịch vụ du lịch cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Trước đây là những chiếc xích lô chở đầy ắp tới năm, bảy người đi dọc biển hóng gió đêm. Hay những chiếc xe đạp đôi cho những đôi trai gái dạo chơi chẳng khác mấy cảnh trong phim Hàn Quốc. Năm nay, Cửa Lò có thêm dịch vụ xe ngựa. Tiếng vó ngựa lộp cộp khua trên đường với một chiếc xe được trang trí đăng ten, đèn dây sáng đang rất hấp dẫn du khách. Mỗi xe có hai dãy ghế ngồi chở được xấp xỉ chục người dạo trên đường tạo nên sự đa dạng, một nét mới lạ trong du lịch Cửa lò. Người đàn ông đánh xe kể rằng, sắp tới thị xã có chủ trương cấm xích lô, ba gác thành ra phải đầu tư mấy chục triệu đồng “sắm” chiếc xe ngựa chở khách này làm kế sinh nhai. Ông kể rằng nhà ông có hai con ngựa thay nhau kéo một cỗ xe. Nhưng hôm qua, con ngựavàng do chạy liên tục suốt mấy ngày nên khi về nghỉ nó yếu sức quá nằm gục luôn tại chỗ. Hôm nay ông mang con ngựa trắng này ra thay thế. “Vì nghỉ lâu nên “hắn” làm nhác lắm” vừa nói ông vừa giật cương giục “đi!”. Con ngựa lại nhẫn nại gõ móng lộp cộp, lộp cộp chạy trên đường… Đêmcàng khuya, gió biển thổi vào càng mát lạnh. Rất nhiều du khách lên những chiếc thuyền thúng có cần câu và đèn sáng ra khơi câu mực nháy. Những con mực câu lên còn tươi nguyên, được nướng ngay trên “bếp” là đỉnh đèn măng sông nóng rực. Tiếng mực tươi xèo xèo rồi bốc mùi thơm phức. Một chốc, mực chín vàng rộm, một món ăn khoái khẩu của người đi câu. Chiếc thuyền thúng dập dờn theo sóng biển. Đêm Cửa Lò đẹp lạ thường!
2- Hưng Nguyên

Huyện Hưng Nguyên là một huyện đồng bằng tả ngạn sông Lam, phía nam tỉnh Nghệ An. Phía đông giap thành phố Vinh. Phía bắc và đông bắc giáp huyện Nghi Lộc. Phía nam và đông nam giáp sông Lam. Khúc sông dài 25km là ranh giới tự nhiên giữa Hưng Nguyên với các huyện Nam Đàn, Đức Thọ và thị xã Hồng Lĩnh.


Diện tich tự nhiên của Hưng Nguyên hiện nay 165 km2, dân số hơn 11 vạn người, trong đó có 2,2 vạn người theo đạo Thiên chúa. Có 22 xã và 1 thị trấn. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 là 13,2 triệu đồng. Hưng Nguyên là quê hương của cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong, Liệt Sỹ Phạm Hồng Thái, Thượng thư Đinh Bat Tuỵ, Nhà tư tưởng canh tân Nguyễn Trường Tộ; là một trong những cái nôi của cao trào Xô-Viết Nghệ Tĩnh, mà đỉnh cao là cuộc biểu tình lich sử ngày 12/9/1930. Hưng Nguyên là nơi sinh cội nguồn ba vĩ nhân: quê hương bà ngoại Bác Hồ; quê tổ Vua Quang Trung; quê tổ Nhà yêu nước vĩ đại Phan Bội Châu.Huyện Hưng Nguyên ra đời vào năm 1469, khi vua Lê Thánh Tông cho định lại bản đồ hành chính của cả nước. Đại Việt được chia thành 12 thừa tuyên. Huyện Hưng Nguyên thuộc phủ Anh Đô thừa tuyên Nghệ An. Đã hơn 540 năm qua, tên gọi huyện Hưng Nguyên chưa hề thay đổi. Núi Thành và vùng phụ cận, đã từng là quận lỵ, châu Lỵ của các đơn vị hành chính thời ngàn năm Bắc thuộc; cũng là vùng trấn lỵ, tỉnh lỵ Nghệ An từ triều Lê Thánh Tông cho đến đầu triều Nguyễn.Tiếc thay, thiên tai và chiến tranh đã làm biến dạng vùng đất trù phú này. Vào cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18, nhiều trận lũ lụt lớn xẩy ra; và sự biến đổi của dòng chảy sông Lam, đã làm cho khu buôn bán nhộn nhịp không còn nữa. Người Nhật và người Trung Hoa, đã chuyển việc buôn bán ra phố Hiến, Tỉnh Hưng Yên. Từ ngày có Đảng , các cuộc đấu tranh của nhân dân ta đã có tổ chức và lãnh đạo; tiêu biểu là cuộc biểu tình, của 2 vạn nông dân Hưng Nguyên vào ngày 12 tháng 9 năm 1930. Thực dân Pháp đã đàn áp cuộc biểu tình làm cho 217 người hy sinh. Đây là đỉnh cao của cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, vang dội cả Thế Giới và đã để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Sau cao trào Xô-Viết Nghệ Tĩnh,giặc Pháp thực hiện chính sách khủng bố trắng, nhiều chiến sĩ cách mạng bị bắn và giam cầm. Nhiều tấm gương hy sinh oanh liệt như các đồng chí Lê Mao, Lê Xuân Đào, Võ Trọng Cánh, Nguyễn Hữu Lễ,…Bất chấp hiểm nguy, các đồng chí Chu Huy Mân, Ngô Thúc Tuân, Võ Trọng Ân, Nguyễn Xuân Thành,… đã len lỏi đến từng cơ sở chắp nối liên lạc gây dựng lại phong trào. Nhờ vậy, khi có lệnh tổng khởi nghĩa, Chấp uỷ Việt Minh Hưng Nguyên, đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền. Vào hồi 17giờ ngày 19 tháng 8 năm 1945, ông Ngô Mậu , Chủ tịch Uỷ ban cách mạng lâm thời phủ Hưng Nguyên ra mắt đồng bào. Sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt từ khi có công cuộc đổi mới, hơn 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân 12% năm. Bộ mặt Hưng Nguyên khởi sắc từng ngày. Vụ lúa hè thu phát triển thành vụ sản xuất chính có năng suất cao. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nhà dân cơ bản được ngói hoá. Đường giao thông mở rộng và kiên cố hoá. Hầu hết các gia đình có phương tiện nghe nhìn. Trường học từ Mầm non đến Trung học phổ thông đã từng bước kiên cố hoá, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em. Bệnh viện,trung tâm y tế huyện, các trạm y tế xã đáp ứng cơ bản nhu cầu khám chửa bệnh và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Có 12 di tích lịch sử văn hoá được xêp hạng cấp Quốc gia, 11 di tích được xếp hạng cấp Tỉnh, trên 110 di tích đang được các địa phương bảo tồn và gìn giữ. Các lĩnh vực xã hội được quan tâm, quốc phòng- an ninh được giữ vững. Hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, và hướng tới phục vụ tốt hơn cho nhân dân.Từ năm 2002 đến nay, Đảng bộ Huyện liên tục đạt danh hiệu Đảng bộ Vững manh; Năm 2008 nhân dân và cán bộ huyện Hưng Nguyên được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc; được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Hai./. -
3- Nghĩa Đàn

Huyện Nghĩa Đàn nằm về phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An. Sau khi tách thị trấn Thái Hoà cùng 7 xã phụ cận lập thành thị xã Thái Hoà (Theo Nghị định số 164/2007/NĐ-CP ngày 15/11/2007), huyện Nghĩa Đàn còn lại 24 xã với quy mô diện tích 61.785 ha đất tự nhiên. Vị trí trung tâm mới của huyện được quy hoạch tại xã Nghĩa Bình, cách đường Hồ Chí Minh 1 - 2 km về phía Đông, cách Thành phố Vinh khoảng 90 km và cách thị xã Thái Hoà 8 km về phía Đông - Bắc. Nghĩa Đàn có đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 48, quốc lộ 15A đi qua, có sông Hiếu chảy qua; có vùng đất đỏ bazan cùng với tài nguyên đất đai khác rất thích hợp để phát triển các cây công nghiệp dài ngày cho giá trị kinh tế cao như: cao su, cà phê; cây ăn quả (cam, dứa), vùng nguyên mía liệu và cỏ trồng tập trung…


Tiềm năng phát triển Du lịch ở Nghĩa Đàn hạn chế, và thực tế cũng chưa phát triển so với các huyện trong vùng. Tuy vậy, là một trong số ít huyện có quy hoạch phát triển cây công nghiệp và cây nguyên liệu tập trung quy mô lớn của tỉnh, trong tương lai gần sẽ có các trại bò sữa nuôi tập trung công nghệ cao lớn nhất cả nước, có hồ Sông Sào - hiện tại là hồ chứa lớn nhất miền núi phía Tây Nghệ An, lớn thứ hai cả tỉnh, nằm trên địa giới các xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Sơn, Nghĩa Lợi và Nghĩa Bình; hồ thuỷ lợi thuỷ điện Bản Mồng - giáp ranh phía Tây Bắc huyện - chuẩn bị khởi công; cùng các danh thắng lịch sử, văn hoá trong vùng: Làng Vạc (Nghĩa Hoà - Thị xã Thái Hoà), Hang Bua (Quỳ Châu), thác Sao Va, Đền 9 gian (Quế Phong)… các nhà máy chế biến nông sản lớn của tỉnh, các khu công nghiệp khai khoáng ở Quỳ Hợp… nên về tương lai có thể giúp Nghĩa Đàn có điều kiện để phát triển du lịch.
(Bài có sử dụng thông tin trên mạng)
Previous
Next Post »
1 Komentar
avatar

Ngô Minh Lương rất chu đáo cung cấp thông tin về địa dư cho chuyến đi ngày mai của các Cụ chi họ Cụ Quang về Nghệ An (26.5 đến 29.5.2011).
Nếu không có gì thay đổi các vị Hải Anh, Nhu, Ngoc Phi, Thắng Minh, Hồng Vinh và NM.Lương sẽ tham gia đoàn.
Được biết chuyến đí này ngoài viêc về thăm quê NML, còn là dịp thử nghiệm dự án chương trình kỉ niệm ngày các vị lên lão 70 Đỗ Kim Chi (26.5.1941), Ngô Thi Phi (8.10.1941) và tròn 80 Đoàn Đình Hải (3.10.1931). Riêng ông Đoàn Hải còn là dịp về quê Bác báo công 60 năm tuổi đảng.

Balas