Chuyến đi đáng nhớ (Kỳ 3 và hết)

Kỳ 3 :Cảm nghĩ của bản thân sau chuyến đi
Thế là chuyến đi nghỉ Cửa Lò (4 ngày 3 đêm - từ 26/5/ đến 29 /5/2011) và kết hợp thăm quê tôi đã khép lại. Chuyến đi này là của các "bô lão" của Chi họ Cụ Quang ở Hà Nội. Gọi là bô lão vì những người 61-62 tuổi như Chị Vinh và tôi được xếp vào diện "trẻ". Tham gia đoàn có 9 vị : Cậu Hải- Cô Anh; Cô Nhu, Cậu Ngọc, Cậu Thắng-Cô Minh, cô Dung, chị Vinh và tôi.
Xe xuẫt phát từ Hà Nội vào lúc 7 giờ và đến Cửa Lò lúc14 g30. Dọc đường chúng tôi nghỉ ở Cầu Giát - thị trấn của huyện Quỳnh Lưu để nghỉ ngơi và ăn trưa. Ăn trưa xong xe tiếp tục hành trình để đến Cửa Lò. Ban đầu theo kế hoạch chúng tôi ở khách sạn :"Sóng Biển" là khách sạn của một anh bạn cùng học ở Ru Ma Ni người Nghi Lộc của tôi. Phải thuê ở đây là chỗ quen biết để giá mềm hơn. Đoàn tinh là những người nghèo nên tiết kiệm được tí nào hay tí đó nhưng vì Khách sạn này xa biển nên chúng tôi đổi sang dãy nhà nghỉ một tầng gần nhà nghỉ 382 của Bộ Công an. Ăn uống tại Cửa hàng Tuấn-Nguyệt- một người bạn của tôi ở Cửa Lò.
Từ chiếu 26 đến hết ngày 28/5, Đoàn nghỉ và tắm biến Cửa Lò. Sáng 29/5 theo như kế hoạch đã định, xe đưa đoàn lên thăm quê tôi ở xã Nghĩa thịnh, Huyện Nghĩa đàn, Tỉnh Nghệ An. Ở đây các Cô, các Cậu.. đã thắp hương ở bàn thờ và lên nghĩa địa để
tưởng nhớ đến Bố&Mẹ tôi - cháu rể Hà Nội của các vị; thăm nhà ông Anh Hiền của tôi + các cháu và ăn một bữa cơm trưa đạm bạc ở đây. Ăn trưa xong, nghỉ ngơi chốc lát, đoàn chào từ giã ông anh của tôi để về Hà Nội.
Về Cửa lò, con người xứ Nghệ hãy để các vị trong đoàn có ý kiến. Tôi không có ý kiến gì vì sợ không khách quan, "mèo khen mèo dài đuôi" mà ! Có một điều tôi có thể nói được là xin thay mặt ông anh tôi được nói lên lời cảm ơn chân thành đến các Cô, các Cậu đã đến thăm gia đình và thắp cho Bố&Mẹ tôi nén tâm nhang. Chắc các Cụ của tôi nơi chín suối cũng mừng là con mình sống ở nơi đất khách nhưng không bị cô đơn và được cưu mang.
Như trong bài Kỳ I tôi đã nói là tôi có đến 3 quê: Hưng Nguyên nơi tôi cất tiếng khóc chào đời bên dòng Sông Lam huyền thoại và Núi Thành vương vấn ngàn xưa; Nghĩa Đàn nơi tôi đã sống và học tập ở đó 5 năm rồi được chọn đi học nước ngoài. Nơi đây cũng là nơi nằm lại của các đấng sinh thành của tôi. Bố &Mẹ một đời lo cho con, chắt chiu từng hạt gạo, đồng tiền cho con ăn học nhưng con chưa được báo đền. Âu cũng là nghiệp của cuộc đời : "Nước mắt chảy xuôi" mà. Con cầu mong cho linh hồn Bố &Mẹ siêu thoát và bao giờ cũng phù hộ, độ trì cho con cháu. Càng về già con càng hiểu được lòng Bố&Mẹ hơn! Còn quê hương thứ 3 của tôi là Hà Nội. Tính đến thời điểm viết bài này, tôi đã gắn bó với mảnh đất này 36 năm có lẻ. Hà Nội là mảmh đất đã cưu mang tôi, cho tôi gia đình, bạn bè và những người thân. Hà Nội cho tôi những niềm vui, những nổi buồn sâu lắng trong tim. Tôi rất yêu mảnh đất này - mảnh đất mùa nào thức nấy và có nhiều món ăn ngon không nơi nào có được. Mảnh đất có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông rất rõ rệt. Mảnh đất có nhiều con người lịch thiệp, hào hoa và biết trọng nhân tài.
Bà xã tôi đã nhiều lần gợi ý chuyển vào Tp Hồ Chí Minh sinh sống nhưng thực lòng tôi không thích vào đó vì Tp này nó ồn ào và tôi thấy không có chiều sâu của nội tâm. Đến tuổi chuẩn bị để về với ông bà, tôi chẳng còn muốn đi và sống ở đâu cả, kể cả nước ngoài. Hơi cổ hủ một tý nhưng thực lòng tôi không có nhu cầu và cảm thấy quá lưu luyến với Hà Nội. Xin cảm ơn Hà Nội thân yêu đã cưu mang tôi từ năm 1975 đến giờ và cho đến lúc tôi trở về với Cát bụi !
Luôn tiện các vị về Nghệ an quê tôi, tôi cũng xin có đôi lời tự bạch về mảnh đất và con người nơi đây. Nghệ An là một vùng quê nghèo, với gió Lào cháy mặt đã sinh ra những con người chắt chiu cho cuộc sống đến mức thái quá để tạo dệt nên huyền thoại "Cá gỗ" cho mảnh đất này. Tuy vậy khách quan mà nói thì con người nơi đây sống rất chân thành, nhiệt tình; chung thủy với bạn bè và rất chịu khổ. Tôi nói rất chịu khổ nhưng không phải chiu khó vì tôi tìm thấy rất ít dân Nghệ đi đánh dày, phục vụ ở các quán nhậu...ở thành phố, mặc dầu nếu chịu khó làm các công việc này thu nhập có khi còn cao gấp nhiều lần làm việc ở quê.Tôi cũng là dân thỉnh thoảng la cà ở các quán nhậu ở Hà Nội và một vài nơi trong nước trong thời gian đi làm và ngay cả lúc đã nghỉ hưu và tôi có cảm nhận như vậy. Dân hai bên bờ Sông Lam nhưng cũng có một vài khác biệt. Con người Nghệ thô ráp, thẳng thắn và bộc trực chứ không khéo léo như con người Hà Tĩnh. Phải chăng Hà Tĩnh có Nguyễn Du với Truyện Kiều bất hủ và lưu bút :

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
đã làm cho người Hà Tĩnh có được sự mềm mỏng, khéo léo đó.
Hồ Xuân Hương của Nghệ An thì lại thế này:
Nầy này Chị bảo cho mà biết
Nơi ấy hang...hùm chớ mó tay !
Hai nhà thơ tài ba của hai nơi cũng mang tính đặc thù của hai vùng đất, có phải không quý vị ?
Đấy là nói về hai bậc vĩ nhân, còn nói về dân thường thì các vị hãy quan sát cách phục vụ ở Quán Tuấn-Nguyệt ở Cửa Lò (Nghệ An), và quán Việt-Hoa ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Các vị có nhận xét gì không về cách tiếp đón khách đến Cửa hàng mình của hai bà chủ, còn tôi có nhận xét có một vài điểm khác phản ánh tính cách của hai vùng đất bên bờ Sông Lam. Quán Tuấn-Nguyệt bà chủ chỉ lo làm sao cho bữa ăn được chu đáo, không vồn vã ra tiếp khách mà cố gắng làm:'' Vừa lòng khách đến vui lòng khách đi " thôi. Còn quán Việt-Hoa thì bà chủ thân chinh mang rượu "chồng uống vợ vui" ra mời khách và tỏ ra rất niềm nở và ngoại giao với khách hơn. Ai chú ý phần nội dung hơn thì nên vào quán Tuấn-Nguyệt, còn ai châm chước nội dung thì đến quán Việt-Hoa !
Người ta có nhận xét chung - mà là nhận xét đúng là dân khu bốn rất nguyên tắc. Dân Nghệ lại càng vậy. Nguyên tắc đã thống nhất với nhau cứ thế mà làm. Họ nghĩ và cho điều nào là đúng, là thuộc về nguyên tắc thì khó lòng mà thay đổi được nữa, khó thuyết phục chuyển được họ lắm. Tôi là dân Nghệ nên cũng không là ngoại lệ mặc dầu đã xa quê 43 năm rồi !!
Quay lại với chuyến đi về Nghê An của các bô lão chi họ Cụ Quang ngoài Bắc, tôi thấy vừa thuận lòng trời vừa thuận lòng người. Thuận lòng trời nên mặc dầu trước chuyến đi có dự báo bão và biển động nhưng lúc đoàn ta vào cuộc thì bão lại chuyển hướng, trời đẹp suốt trong cả chuyến đi. Thuận lòng người nên ai trong đoàn cũng vui và đặc biệt sức khỏe của các vị cao niên được đảm bảo duy trì suốt chuyến đi, thậm chí say xe cũng không dám động tới các Cụ. Chuyến đi đã cho đoàn về thăm lại và tri ân những người đã ngã xuống ở Nga Ba Đồng Lộc; thăm lại nơi hai danh nhân của thế giới sinh ra là Bác Hồ và Đại thi hào Nguyễn Du, biết thêm về hai địa phương bên dòng Sông Lam huyền thoại và hiểu thêm con người ở nơi đây đồng thời cũng được dịp thưởng thức một vài đặc sản của mảnh đất này để rồi "Ai đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh.." và để '' Giận mà thương..." rồi.. "Gừng cay muối mặn..xin đừng quên nhau" !!
Mời các vị thưởng thức 2 bài hát: "Giận mà thương" và "Nhớ về Hà Tĩnh" sau đây :
Bài "Giận mà thương"- kích vào nút tam giác để nghe




Bài "Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh"- kích vào nút tam giác để nghe.Nếu không mở được hãy kích chuột phải vào vùng trống của bài viết rồi chọn Reload (tải lại).Tải lại xong ấn vào nút tam giác lần nữa để nghe nhạc.
Previous
Next Post »