Tết đã đến rất gần.

Tết đã đến rất gần lại nói chuyện đào quất, hôm vừa rồi trên mạng có một tin ngắn tựa đề rất choáng ”Quất rụng, đào nở, người lo” ông trời không ủng hộ khiến dân vườn đào, quất tiêu tan hy vọng chỉ lo thu hồi được vốn.
Tết năm ngoái cũng vào dịp này truyền thông đưa tin đào quất khan hiếm, giá cả sẽ tăng gấp hai, ba lần Tết trước. Ấy vậy, thị trường vào những ngày giáp Tết đào quất ở tứ phương ùn ùn đổ về Hà Nội. Trưa ngày 26 Tết, trời rét căm căm lại mưa phùn tôi và bác Ngọc phóng xe máy vào tận vườn đào Nhật Tân hả hê bê về hai cành đào xịn (của tôi giá 200.000đ, còn của bác hoành tráng hơn giá 250.000đ).
Tết năm đó khách đến nhà ai cũng khen hai cành đào ấy đẹp vào loại nhất, nhì Chi Cụ Quang (có người khéo khen còn bảo Tết này chưa từng thấy cành đào nào đẹp hơn thế). Dẫu biết rằng Ngày Tết “mọi con đường đều dẫn tới lời khen”, nhưng vẫn cứ âm ỉ sướng đến tận mấy ngày sau Tết (có như thế mới là Tết!).
Nhà ta có truyền thống chơi cành đào, cây quất ngày Tết. Chẳng thế mà năm nào chi họ cũng có cuộc bình chọn nội bộ không công bố, không giải thưởng “Cành đào, cây quất đẹp nhất Chi họ”.
Tôi nhớ Tết năm 2007, bác Nhu có một cành đào Nhật Tân tuyệt đẹp, cánh đào to nở rộ nhiều nụ, đến tận mồng 10 Tết vẫn còn tươi, ai đến cũng phải khen hết lời. Năm đó đương nhiên bác dành được danh hiệu ấy của chi họ, đến năm ngoái Kỉ Sửu danh hiệu ấy vẫn nằm trong tay bác, vì không có cành đào nào đẹp hơn thế. Tiếc rằng Tết Canh Dần này bác ở Matxcơva, chứ không thì bác lại có cơ dinh mất cái danh hiệu cao quí (không giải thưởng) ấy thêm một lần nữa (?).
Tết Canh Dần đã đến rất gần, tôi đã tính tới chuyện mua đào, quất mặc cho “truyền thông đưa tin xấu”. Trước hết giáp ngày 23 tháng Chạp “ông Táo chầu trời”, tôi sẽ phóng xe ra chơ hoa Quảng An rinh về một cành đào con, đặt lên bàn thờ chính thức mời các Cụ về ăn Tết cùng con cháu. Cũng là thể theo lời cụ ông lúc sinh thời “Tết không có cành đào, coi như không có Tết”.

Phạm Lê

(ảnh trên cành đào nhà bác Nhu Tết 2007, ảnh dưới trên mạng)
Previous
Next Post »