Tản mạn gần xa đón Tết


Hôm nay ngày 2/2/2010 tức ngày Quí Mùi - 19, tháng Đinh Sửu- tháng chạp, năm Kỷ sửu, các giờ Hòang Đạo là : Dần ( 3-5g) ;Mão ( 5 - 7g); Tỵ ( 9 -11g);Thân( 7 - 9g); Tuất ( 20 -22g); Hợi (22 -24g) .
Chuyện 1 :

Thế giới năm 2010: Lo âu song hành cùng triển vọng



Được chờ đợi là năm mang đến nhiều thay đổi cho thế giới, nhưng năm 2010, cũng được dự báo là năm có nhiều âu lo.

Thế giới bước vào năm 2010 với dư âm về một cuộc khủng hoảng kinh tế. Tỷ lệ người nghèo gia tăng đột biến. Hàng chục triệu người lao động mất việc làm. Các nhà phân tích nhận định tin tốt lành của năm 2010 là thế giới sẽ thoát khỏi cuộc suy thoái, nhưng sau suy thoái là gì?

Thực tế là các nền kinh tế thế giới, với gánh nặng nợ nần và nạn thất nghiệp cao, đứng trước một thời kỳ trì trệ kéo dài và khó khăn. Các quốc gia sẽ đương đầu với những quyết định khó khăn về việc làm thế nào để rút những hỗ trợ lớn mà họ dành cho hệ thống tài chính. Thâm hụt ngân sách có khả năng lên đến mức kỷ lục và những khó khăn trong việc thanh toán nợ công vào các năm tiếp theo.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã phát đi tín hiệu, sẽ duy trì giá dầu thô trong năm 2010 ở mức 70-80 USD/thùng nhằm hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế thế giới. Liên Hợp Quốc trước đó dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng trở lại từ năm tới và có thể đạt mức tăng GDP 2,4%. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc cũng cảnh báo rằng nguy cơ suy thoái kép vẫn có khả năng xảy ra nếu các quốc gia thực hiện các chính sách sai lầm.

Ấn Độ, Trung Quốc cùng các nước khổng lồ đang nổi lên khác sẽ khẳng định được sự hiện diện của họ trong G-20, nhóm hiện được coi là câu lạc bộ đưa ra các quyết định toàn cầu. Năm 2010, Ấn Độ sẽ đánh dấu một giai đoạn quá độ lịch sử: Ngành công nghiệp chế tạo cuối cùng sẽ vượt qua nông nghiệp. Trung Quốc sẽ là trung tâm giải quyết mọi vấn đề toàn cầu trong năm tới, từ kinh tế cho đến thay đổi khí hậu và ngoại giao hạt nhân... sẽ vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Giới quan sát cho rằng hai nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ dường như có khả năng “định nghĩa” những thập kỷ sắp tới, sau Thế kỷ Mỹ và Thế kỷ Anh trước đây. Theo các số liệu thống kê, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt hơn 8,0% trong năm 2009, trong lúc nền kinh tế của các nước phương Tây rơi vào suy thoái. Ấn Độ cũng đạt mức tăng trưởng kinh tế hơn 7,0%.

Cùng với sự ra đi của cựu Tổng thống Bush hồi đầu năm 2009 và Barack Obama lên thay thế, hình ảnh của Mỹ trên thế giới đã được thay đổi. Trong năm 2010, rất có thể cuộc đối thoại hạt nhân với Iran sẽ gặt hái được thành công nhất định. Bên cạnh đó, lệnh cấm vận của Mỹ chống Cuba từ suốt hơn nửa thế kỷ qua cũng có thể được tháo gỡ hoặc ít ra cũng được nới lỏng.

Bế tắc Triều Tiên cũng được dự báo có thể tháo gỡ, căn cứ vào những tín hiệu từ cuối 2009. Năm 2010 cũng được dự đoán là đầy hứa hẹn cho quan hệ giữa Mỹ và châu Á. Với việc ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác với ASEAN, sau đó là sự kiện ông Obama là Tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự một hội nghị thượng đỉnh của ASEAN vào tháng 11/2009, Mỹ rõ ràng đang quan tâm nghiêm túc tới khu vực này.

Mối đe dọa hạt nhân, vấn đề khủng bố, nguy cơ bùng phát điểm nóng chiến tranh mới, tình trạng thiếu lương thực, thay đổi thời tiết, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn hiện hữu. Năm 2010 sẽ là năm quan trọng của các nỗ lực cấm phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu và thế giới chờ đợi Mỹ, Nga xem liệu hai cường quốc hạt nhân hàng đầu này có thể đạt được thỏa thuận nhằm cắt giảm các kho vũ khí hạt nhân hay không.

Tháng 5/2010, tại Viena (Áo), 189 nước thành viên của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) sẽ nhóm họp để đánh giá lại tình trạng của hiệp ước này. Mạng lưới khủng bố Al-Qeada đang mất dần sức mạnh và khả năng tài chính, nhưng các cuộc tấn công của các tổ chức Hồi giáo không vì thế mà ngừng gia tăng.

Sau một năm bạo lực bùng phát và quyền kiểm soát của chính phủ ở Afghanistan và Pakistan - nơi Taliban và Al-Qaeda ẩn náu, bị suy yếu, chiến lược của Mỹ nhằm chấm dứt cuộc chiến chống Al-Qaeda báo hiệu một năm mới 2010 đầy hiểm họa. Năm 2010 có thể là năm đạt được nền hòa bình nếu những nỗ lực của Israel và Mỹ nhằm tái khởi động các cuộc đàm phán hòa bình Israel-Palestin bị đình trệ suốt một năm qua thu được kết quả, nhưng cũng có thể là năm bùng nổ chiến sự nếu Nga, châu Âu và Liên Hợp Quốc không đẩy mạnh vai trò của mình.

Cùng thời điểm cuối năm 2009, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Liên minh Interaction, tập hợp các tổ chức cứu trợ và phát triển trên thế giới, đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lương thực vào năm 2010 do dự trữ lương thực toàn cầu đang ở mức thấp, giá ngũ cốc tăng 17% và nguy cơ một số nước sản xuất lúa gạo phải nhập khẩu gạo.

Các nhân tố đẩy giá lương thực lên cao vẫn tồn tại và ngày càng nghiêm trọng, trong khi giá mặt hàng này đang gắn chặt hơn với giá nhiên liệu. Trong hai năm qua, số người thiếu đói đã tăng từ 846 triệu người lên 1 tỷ người.

Tổ chức Khí tượng thế giới của Liên Hợp Quốc (WMO) cho biết, hiện tượng El-Nino xảy ra ở khu vực nhiệt đới của Thái Bình Dương bắt đầu từ tháng 6/2009 có thể kéo dài đến tận tháng 5/2010. Tổ chức này cảnh báo hiện tượng nhiệt độ bề mặt ấm lên ở khu vực Đông và trung tâm Thái Bình Dương sẽ tác động đến mùa mưa và bão lốc, gây hạn hán ở một số nơi và lũ lụt ở nhiều nơi khác.

Bảo Trung (Tổng hợp)

( Tham khảo trên mạng )

Previous
Next Post »
1 Komentar
avatar

Hoan nghênh bác Di trong khi bận chăm vợ dưỡng thương vẫn có thời gian cho Blog 53.

Balas