Tản mạn gần xa đón Tết



Chuyện 7 : Ngày Xuân nói chuyện TẾT




Tết HN xưa

Người HN xưa quan niệm rằng những điều may mắn hay xúi quẩy phụ thuộc rất nhiều vào những ngày Tết, nên rất coi trọng chuẩn bị cho Tết để cúng Phật, cùng tổ tiên và ông bà , sau đó là ăn Tết và vui chơi. Vì vậy cái gì quí nhất , ngon nhất đều để dành cho Tết và chuẩn bị hàng tháng trước Tết, tôi còn nhớ những ngày xưa ở 53 Lãn Ông các cụ coi việc sửa sang, dọn dẹp bàn thờ là việc vô cùng thiêng liêng để bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, việc trang trí ban thờ cũng rất công phu: từ hoành phi, câu đối, rồi tam sự, ngũ sự bằng đồng, cho đến ngai thờ, tranh chân dung, bình hoa, nhang nến...Gói bánh chưng là công việc chính và nổi trội cho Tết, và trẻ con rất thích thức đêm cùng người lớn canh nồi bánh trưng và khi luộc xong còn được thưởng thức ngay vài cái bánh gói nhỏ, nhà nào nhà nấy cũng gói tới hàng chục chiếc, rồi làm hay mua các lọai mứt,muối dưa cải hay củ kiệu, sắm cành đào và các lọai hoa phổ biến là hoa cúc vàng, chậu quất đỏ,hoa mẫu đơn và sang thì có hoa thuỷ tiên …và trang trí nhà cửa thật đẹp.










Các món ăn ngày Tết khá phong phú, nổi trội là bốn loại: bóng, mực, miến, thịt ninh với măng khô, sang hơn thì thêm bát nấm, bào ngư.. Ngoài ra còn thịt gà luộc( kiêng ăn thịt vịt trong ngày Tết vì vịt chậm chạp hơn gà ), giò lụa, giò thủ, lạp xường, trứng muối, cá kho ngọt. Ngày mồng 3 nhiều nhà hay làm bún thang,một đặc sản của HN. Ăn những thứ này phải có cà cuống pha vào nước mắm Trong ba ngày Tết, buổi chiều thường cúng mứt, không cúng cơm. Trà uống phổ biến là trà mạn sen hay trà Thái Nguyên, hạt dưa, hạt bí để nhâm nhi trong những ngày Tết. Ngày Tết mọi người đều ăn mặc đẹp dù ở trong nhà hay khi ra ngòai đường, nhất là trẻ em vui mừng xúng xính trong những bộ quần áo mới đẹp mắt.và nhất là được lì xì trong mấy ngày Tết.

Phố xá thì sạch sẽ vắng vẻ hơn ngày thường, trước cửa mỗi nhà còn giữ lại xác pháo mầu hồng đốt đêm Giao Thừa để hưởng lộc. Tết Việt Nam là dịp dành cho sự sum họp gia đình.nên xa xưa ít có sinh họat vui chơi cho cộng đồng như ngày nay.Mấy ngày đầu năm mới dành cho việc thăm và chúc Tết họ hàng, ít ai đi ăn cơm khách. Thú vui chính là đánh tam cúc hay về quê ở Mọc Quan Nhân ra đình xem đánh cờ tường với các quân cờ bằng người thực Sau này khi có truyền hình thì nhiều người nhất là người già ít đi chơi mà ở nhà xem các chương trình giải trí đặc biệt dành cho Tết.

Hình ảnh của ngày Tết đã đi vào ca dao như :

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ.
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh."


Tết Sài Gòn

Ở miền Nam thường gói bánh tét hình trụ tròn ,có nhiều loại: bánh tét chay, bánh tét mặn, bánh tét ngọt và bánh phồng làm bằng gạo nếp nấu chín bỏ vào cối giã như giã giò, xoa mỡ hình tròn, khi chiên thì phồng to. Cây mai vàng là cây cảnh trang trí chính của mọi nhà ở miền nam. Dưa hấu là hoa quả chính dành cho ngày Tết. Nổi tiếng nhất là dưa Trảng Bàng, Trà Vinh... Bổ quả dưa ra, ruột đỏ như son, hạt đen huyền nhỏ rít, thịt óng ánh như hạt đường kính, ăn ngọt tê cả răng. Người ta mua dưa về trước để cúng tổ tiên ngày tết trên bàn thờ nhà nào cũng thấy hai quả dưa hấu to 3 - 5kg. Người ta dán lên lớp vỏ xanh mượt của mỗi quả một miếng giây hồng điều cắt thành hình bông hoa xinh xắn, và đặt nó ngồi chễm chệ giữa mấy nải chuối chín vàng tươi xếp vây tròn quanh một chiếc đĩa bằng sứ màu trắng.

Mâm ngũ quả là không thể thiếu trong ngày Tết : mãng cầu (na ), dừa, đu đủ, xoài, mà theo cách phát âm miền Nam hiểu là "cầu vừa đủ xài".Chuối phổ biến là chuối sứ xanh chín chậm, để giữ được lâu trong các ngày Tết. Ở miền Nam, bốn món cúng và là bốn món ăn ngày Tết, món thứ nhất là thịt hầm.,phải là thịt bắp đùi, hầm cho nhừ với vài vị thuốc Bắc, món này chỉ để ăn chơi chớ không ăn với cơm. Món thứ nhì là thịt kho tàu, bắt buộc phải là thịt ba rọi (ba chỉ) ,miếng phải to nấu với dừa xiêm,. Món thứ ba là khổ qua ( mướp đắng) ruột dồn thịt heo xay . Món thứ tư đó là nem . Rau chỉ có một thứ độc nhất và cũng bắt buộc, ấy là món dưa giá tức là giá sống ngâm trong nước có ít muối. Ăn bất kỳ món nào trong bốn món kể trên cũng bắt buộc ăn với dưa giá.Từ ngày mùng 3 có thể ăn cá, gà..




Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua
(Vũ Đình Liên)

Ở Bắc cũng Như Nam trước Tết thường có các ông đồ mặc áo dân tộc viết thư pháp .Khi ông đồ tung bút phết bằng cọ những chữ phóng họa thật bay bướm có nét rồng bay phượng múa thật là đẹp mắt trên các bản vẽ chúc xuân hay chúc tết đầu năm.

Thấm thóat gia đình tôi đã chuyển từ Hà Nội vào sinh sống lập nghiệp ở Sài Gòn ( TpHCM) đến nay vừa đúng 20 năm, và đã trải qua 20 cái Tết ở Sài gòn kể từ năm 1990. Trong những ngày đầu tiên sống ở miền Nam xa xôi, thường luôn nhớ về Hà Nội nơi sinh trưởng vì còn đại gia đình ngòai đó, và có dịp nào thuận tiện lại tranh thủ ra Hà Nội để thăm Các Cụ và các anh chị em ngòai đó, nhưng từ năm 1990 cũng chưa có dịp nào ra HN ăn Tết , để hưởng thụ Mùa Xuân trong tiết trời se lạnh và ấm cúng của thủ đô.Lâu rồi cũng thành quen, nên chúng tôi đã trải qua 20 cái Tết ở miền Nam trong thời tiết nắng nóng và do thay đổi chỗ ở liên tục nên cũng được đón tết ở nhiều địa điểm khác nhau tại SG : đầu tiên là ở Hàm Tử Quận 5, đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa Quận 3, đến Hòa Hưng Quận 10, đến Đào Duy Anh Quận Phú Nhuận, rồi nay ở Phú Mỹ Hưng Quận 7. Nhìn chung không khí chuẩn bị và đón tết ở SG cũng nhộn nhịp như HN, nhưng do cuộc sống ngày càng hiện đại nên ngày càng đơn giản hơn. Tuy vậy dù sống ở SG nhưng không quên những hương vị và đặc sản của HN cho ngày Tết như đặt mua 2 - 4 bánh chưng và giò lụa làm theo kiểu bắc ( ở chợ Bến Thành hay cửa hàng Thanh Đan – NKKN ), những đồ khô như mộc nhĩ, nấm hương, bánh đa nem, miến giong…..đều có thể mua ở các chợ hay siêu thị và đặc biệt ở SG có nhiều cửa hàng bán "đồ Bắc, đồ Hà Nội" , trước thì ở đường Hai Bà Trưng Q1, sau đó ở đường Cách Mạng Tháng 8, quận Tân Bình; Trần Quốc Toản, quận 3; Điện Biên Phủ, quận bình Thạnh; Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận …..Việc cúng lễ cho ngày tết không quên những món cổ truyền của HN như tối 30 phải có con gà ta luộc, thường mua sẵn trong siêu thị, tuy biết tự làm thì lòng thành qúi hơn, mâm cơm tết phải có canh măng khô nấu bóng với móng giò, thịt gà luộc rắc lá chanh, nem Bắc, thịt đông, nộm đu đủ, dưa hành muối nén, và đôi khi làm nem. Mâm quả theo phong tục miền Nam tuy có ý nghĩa "cầu vừa đủ xài sung” rất hay, nhưng đôi khi cũng bày theo cách Bắc, vì tất cả các loại trái cây đều có thể trưng, miễn sao đẹp mắt, thể hiện không khí Tết, trong đó o thiếu dưa hấu, sòai, thanh long, cam,quít , hồng xiêm và táo…Ngày mùng 2 là ngày giỗ Cụ Ông không thể thiếu cúng bún thang mà khi Cụ Ông còn sống rất thích ăn .Vì thời tiết ở SG vào dịp tết khá nóng, nên món thịt đông ăn với dưa muối với hành rất khóai khẩu, món này xem ra chỉ dễ làm ở HN vì Tết thường lạnh, nhưng bây giờ đã có tủ lạnh hỗ trợ thì làm thịt đông không khó ở xứ nóng. Vào ngày tết do có các cháu nhỏ nên đồ uống ngòai bia, rượu nhẹ như sâm banh, vang còn có nước ngọt và đặc biệt là có kem lạnh để tráng miệng. Hoa Tết thì những năm đầu không thể thiếu cành đào, mấy năm về trước mua còn đắt, sau do hàng không có dịch vụ vận chuyển cành đào từ Bắc vào Nam nên dễ mua hơn, dần dần cũng quen trang trí ngày tết với cây mai vàng đặc sản miền nam. Năm nay do bà xã đau chân không thể đi chơi, nên mua vài chậu hoa lan treo để thưởng thức cho thêm vui nhà : hồ điệp, mãn thiên hồng










Tối 30 cả gia đình xum họp xem chương trình TV đăc biệt dành cho Tết và chờ đón giao thừa, xem đốt pháo bông. Sáng mùng 1 gia đình tôi có thói quen đi lễ chùa, thời gian đầu hay đền chùa Vĩnh Nghiêm, sau này tìm đến các chùa ở gần nơi ở như chùa Phố Quang ... tránh được không khí mù khói và oi bức do quá đông người.đến lễ.Trưa ngày mùng 2 theo thông lệ mời họ hàng ( chủ yếu là nhà Bà Oanh và gia đình cô Ánh Hồng và các cháu anh chị Trân&Bắc ) đến dự giỗ Cụ Quang, đến nay về ở chung cư ở Quận 7 xa xôi thì việc tập trung họ hàng vào dịp tết khó hơn khi còn ở trung tâm thành phố. Những ngày trong tết nếu có phương tiện thì đi chơi, còn thường là ở nhà, khác với số đông người miền nam là thường hay đi chơi vào dịp Tết. Chỉ có Tết năm 2008 là cả gia đình tôi đi du lịch xa tận Campuchia trong dịp Tết Nguyên Đán. Tết năm nay do bà xã vừa mổ chân, nên việc chuẩn bị cho Tết và ăn Tết cũng đơn giản và ngày mùng 2 giỗ Cụ Ông cũng khó có thể mời họ hàng đến dự Hiện tượng “Bắc hóa" Tết Sài Gòn thể hiện tâm trạng hoài hương, hoài cổ của số đông người dân sống xa quê.Tuy nhiên hiện tượng trên chỉ có ở người già, còn lớp trẻ ít quan tâm vì họ chưa được thưởng thức hương vị Tết miền Bắc xa xưa, còn ngày nay việc giao lưu giữa 2 miền ngày càng thuận lợi thì sản vật của 2 miền đều có ở HN hay SG nên các gia đình gốc HN cũng linh hoạt trong việc dung hòa phong tục Nam - Bắc cho ngày Tết thêm vui, nghĩa là : có thể chuẩn bị những mâm cơm hương vị Bắc để cúng tổ tiên, nhưng nên làm thêm món Nam phù hợp khẩu vị của con, cháu vì giới trẻ quen nếp sống, phong vị ẩm thực nơi mình sinh sống.

Dù sao cũng nên giữ sức khỏe trong ngày Tết để sau Tết còn họat động trở lại mọi mặt với khí thế mới. Thời tiết năm nay lại biến đổi thất thường, nghe nói trời lại trở nóng cả ở HN lẫn SG, chúng ta cùng tham khảo chế biến nước giải khát ( tham khảo trên mạng ) để nhâm nhi trong ngày Tết cho vui :

1. Lipton trà đào


Nguyên liệu: Lipton nhãn vàng: 2 gói, bột Coffee Mate Nestle: 1 muỗng cà phê, sữa tươi không đường: 30 ml, nước ép đào: 30 ml, đường cát: 1,5 muỗng.

Cách làm:

- Ngâm trà với 50ml nước sôi trong 2 phút. Với bỏ túi trà, cho Coffee Mate Nestle vào khuấy tan, sau đó cho sữa tươi, nước đào, đường cát vào khuấy mạnh tay.

- Cho đá viên vào, dùng lạnh.

2. Chè nha đam

Nguyên liệu: Nha đam: 300g, củ sen: 100g, bobo: 50g, táo đỏ: 50g, nhãn nhục: 50g, phổ tai: 20g, hạt sen: 100g, đường phèn: 300g và 1 ống vani.

Cách làm:

- Nha đam gọt bỏ vỏ, cắt hạt lựu, ngâm qua nước muối cho hết nhớt, vớt ra để ráo. Củ sen cắt lát dày 0,5cm. Bo bo, hạt sen nấu cho mềm. Táo, nhãn nhục, phổ tai rửa sạch, ngâm qua nước ấm, để ráo.

- Nấu nước sôi, cho đường phèn vào nấu tan, lược lại cho sạch. Cho táo, nhãn nhục, hạt sen, củ năng, phổ tai, bo bo vô nấu sôi 5 phút.

- Cho nha đam vào, trộn đều rồi tắt bếp. Thêm vani vào cho thơm. Chè dùng lạnh với đá đập nhỏ.

3. Cam, thơm

Nguyên liệu: Nước ép thơm: 60ml, nước cam: 40ml, Yomost cam: 40ml, cam bột: 2g, đường: một muỗng, sữa đặc: một muỗng.

Cách làm:

- Cho tất cả vào bình lắc cùng với nữa ly đá, sốc lên 10 lần thật mạnh cho thức uống sủi bọt. Rót tất cả ra ly, thêm đá cho vừa uống, trang trí koanh cam ép sát thành trong của ly, nữa khoanh cam gắn trên miệng.

Có thể cho tất cả vật liệu vào ly khuấy thay vì sốc trong bình.

Chúc tòan chi họ vui Tết và ăn Tết Canh Dần phấn khởi


Previous
Next Post »
3 Komentar
avatar

Nhìn trong ảnh thấy bác Di ở TP.HCM cũng có một cành đào hoành tráng (chắc là ăn Tết to?). Ngoài này năm nay mua đào chỉ sợ nở sớm hoặc là lép, héo vì thời tiết nắng nóng.

Balas
avatar

Tôi chia sẻ với bác Di về những kỉ niệm Tết Ha Nội, đặc biệt là tết khi còn là tuổi thơ.Tôi chia sẻ vì ít ra tôi cũng có đến hơn 20 cái Têt xa nhà, khi còn ở quân đôi và những năm đi công tác xa.
Chúc hai bac có một cái Tết vui vẻ, đầm ấm cùng con cháu.

Balas
avatar

Tết này cháu cũng có 1 cái Tết xa nhà. Mặc dù sinh viên VN bên này có tổ chức đón Tết nhưng không thể bằng ở nhà được. Xem qua mục nướng uống thì thấy cậu Di đảm đang quá.Cháu chắc chỉ mua sẵn uống thôi.

Balas