Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng"

Báo đưa tin một anh chàng nước ngoài không đội mũ bảo hiểm, bị cảnh sát kiểm tra ung dung ngồi vắt vẻo hút thuốc giữa đường đông đúc người qua lại khi ngày Tết đã đến rất gần. Anh ta là người nước ngoài mà hành động như vậy, chắc hẳn là bị lây nhiễm môi trường giao thông đô thị của VN đúng như vế đầu của câu ngạn ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” (ít ra là trong trường hợp này).
Đúng dịp vợ chồng ông bạn Việt Kiều ở Đức về ăn Tết đến chơi, khi bình luận về chuyện này bất bình lắm. Ông ấy bảo người Việt mình ở bên đó chấp hành luật giao thông (GT) rất nghiêm chỉnh, chứ đâu ngông cuồng như thế. Không kể là lớp đươc sinh ra ở bên đó đương nhiên là rất nghiêm chỉnh, chỉ tính lớp người U.30, U.40 hay U.60 tuổi như ông ấy nghĩa là đã từng có được một số năm trưởng thành sống ở Việt Nam cũng đã từng tham gia, hoặc là nạn nhân của cảnh GT bát nháo ở nước nhà. Thế mà từ ngày sang Đức họ chuyển biến ngay rất nghiêm chỉnh không uống rượu bia, không phóng nhanh vượt ẩu khi lái xe mô tô, ô tô trên đường giao thông.
Bà vợ ông tiếp lời ở bên đó ngay cả giữa đêm khuya không một bóng người ở một huyện vùng xâu, vùng xa chúng tôi cũng rất tự giác đợi hết đèn đỏ mới đi. Tôi hỏi có lẽ là sợ bị phạt nặng?. Ông ấy cười nói tiếp có điều đó thật, nhưng vì người Đức họ chấp hành nghiêm lắm mình là người ngoại quốc phải "sĩ", phải giữ thể diện quốc gia.
Tôi hiểu phải "sĩ", phải giữ thể diện nói nôm na là cảm thấy xấu hổ, khi làm những điều sai trái trước người dân nước họ văn minh là thế. Tôi nghĩ giá mà ở nước ta ai cũng nghĩ được như thế, đâu còn cảnh ngày cận Tết giao thông hỗn loạn, chen lấn, vượt ẩu ẩn chứa đầy hiểm họa (có phần ngông cuồng như cái anh bạn nước ngoài vừa nói ở trên). Đúng là “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” là vậy

Vĩnh Toàn
(ảnh trên mạng)
Previous
Next Post »