Mấy điều khi vắng bà Nhu

Năm nay bác Phạm Kim Nhu cùng con cháu kỉ niệm 71 năm ngày 21.2.1939 tại nước Nga xa xôi và giá lạnh, vào thời điểm này ở Việt Nam là Tết nguyên đán Canh Dần 2010.
Thế là bác sang Nga với con cháu đến nay đã ba cái Tết, vắng bác các hoạt động của chi họ ở Hà Nội có mấy điều hiển hiện rất rõ.
Điều cảm nhận đầu tiên là lúng túng về phương hướng vì thiếu một người định hướng cho các dự án, chương trình du lịch, đi chơi xa của cả nhà bởi bác là một người nhiệt thành, ưa thích hoạt động. Ở góc độ tinh thần bác là người duy nhất có thể truyền và nâng “cấp độ” cảm xúc tới những người xung quanh. Ví như làm cho niềm vui đã vui lại càng vui hơn, nỗi buồn càng thấy rõ hơn và điều gấp gáp sẽ trở thành gấp gáp hơn nữa.

Bà xã tôi thỉnh thoảng lại than vãn bác ấy đi vắng thiếu một người “a lô” thường ngày to nhỏ chuyện bếp núc, thời cuộc nhất là vào dịp tết như thế này. Tôi lại cảm thấy thiếu một “fan” nhiệt thành ủng hộ, theo sát các bài viết trên Blog 53 (kể cả các bài bác chưa đọc, hoặc tôi chưa viết). Gần đây nhất đoàn gia đình cháu Khanh Hà đến chúc Tết vợ chồng tôi vào chiều tối ngày 7 Tết, vẫn không quên nhắc tới hương vị bánh kẹo đặc sản Nga ở nhà bác ngày Tết mọi năm (ảnh dưới).

Tôi vẫn còn nhớ ngày bác Di ra Hà Nội dự cưới cháu Toàn Thắng hồi đầu năm nay, ở nhà tôi đúng một tuần thỉnh thoảng lại so sánh “nhà cậu chỉ có hai loại dép đi trong nhà và ngoài phố. Nhà cô Nhu tới ba, bốn loại mấy mầu chia ra các loại phòng, cầu thang, nhà vệ sinh, phòng ngủ rất tiện dụng lại vệ sinh”. Hai năm nay Chi họ ta đã cho thử nghiệm nhiều phương án, nhưng chưa khả thi để tìm ra được một người chủ trì hậu cần chu đáo (kể cả bà xã tôi) chuẩn bị thực đơn cho những chuyến đi chơi xa như bác đã làm. Quả thực hai năm nay vắng hẳn các buổi họp mặt, chiêu đãi tại nhà bác vào các ngày kỉ niêm, ngày lễ lớn, sinh nhật với các món ăn truyền thống như giả cày, bún ốc (ông Tiến Phượng rất thích) mà các thành phần chi tiết trong danh mục thực phẩm thường là được chuẩn bị kĩ lưỡng từ nhiều ngày trước đó.

Thoáng giật mình điểm lại Tết này thiếu món bún thang, một món ăn truyền thống của nhà Cụ Quang Yến vào ngày 3 Tết hằng năm do Bác chủ trì. (Tôi phải thừa nhận trong số các bà con gái của Cụ Quang Yến, bác Nhu nhỉnh hơn trong việc kế thừa một cách trọn vẹn kĩ thuật nấu đặc sản này từ hai Cụ, nhưng có phần thêm thắt để phù hợp với thực phẩm thời kĩ thuật số hiện nay).

Điều cảm nhận cuối cùng là ngày họp mặt mồng 2 Tết vừa rồi ở nhà ông bà Tiến Phượng (ảnh trên), ai cũng tiếc vì bác đi vắng không có mặt vui cùng anh em, con cháu họ hàng gần xa. Tôi cũng tiếc vì bác xa nhà, không có mặt tại Hà Nội Tết này. Nhưng tôi lại nghĩ:

Tết này bác lại vắng nhà

Tết bên con cháu, mới là Tết vui.

Vĩnh Thắng

(Ảnh trên từ Matxcova gửi về.)

Previous
Next Post »